Tương tác với con - Bát Chánh đạo - Gosinga

Tương tác với con – Bát Chánh đạo

Trích bức thư 69 của thiền sinh Thanh Hương. Hãy tham khảo cách dạy con trong Chánh Niệm của Thanh Hương. Hãy mở rộng cách tương tác Chánh Niệm với vợ chồng cha mẹ anh em trong nhà để có lời nói, hành động Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng cư xử đúng đắn, đúng mực, tử tế, bi mẫn đối với họ, kinh nghiệm được giải thoát không còn bực bội, tranh cãi, gay gắt với những người thân, giải thoát khổ với người thân trong gia đình.

“- Bài đầu tiên là thực tại là cảm thọ. Đến bây giờ con mới hiểu rõ thế nào là cảm thọ, và tại sao thực tại này lại là cảm thọ sau khi nghe thầy giảng nhiều lần:

Có một lần con đang dạy học bài cho con gái của con. Cháu nó không chịu tập trung nghe mẹ giảng bài, nếu trước khi chưa được học Pháp thì con kiểu gì cũng giơ tay lên “oánh” cho cháu mấy cái. Nhưng lúc này trong đầu con liền xuất hiện dòng suy nghĩ “Chánh Niệm ngay, ngậm chặt răng… thọ thọ thọ, chỉ là cảm thọ, thực tại mà mình đối diện đây là cảm giác của chính mình chứ không phải là con, sự khó chịu này chỉ là cảm giác, bình tĩnh nào, tức giận là khổ mình khổ con.” Điều kỳ diệu xảy ra: con hết giận luôn, tự động hạ giọng với con gái, cảm nhận được cảm xúc lúc đó của con hết sức nhẹ nhõm như vừa buông một gánh nặng.

Con lại từ tốn giảng bài cho cháu, và thực hiện quán thân (siết răng khi chờ đợi con trả lời câu hỏi). Kết hợp quán thọ (nhắc thầm thọ thọ khi nghe cháu trả lời, nhất là khi cháu trả lời sai hoặc mặt mũi nhăn nhó cố ý không chịu học bài). Con gái không hiểu bài ư? Tìm cách khác để giảng? Không tập trung ư? Tìm cách để con tập trung? Phải là CÁCH KHÔNG BỊ CHI PHỐI BỞI CẢM XÚC, phải là CÁCH ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI CHÁNH NIỆM thì mới có kết quả.

Cách của con thường là tạo hứng thú trong học tập cho cháu, khích lệ động viên con học, nghiêm khắc khi con có hành động không đúng như nói dối, làm quấy nhiễu. Vẫn là nghiêm khắc khi dạy dỗ cháu nhưng phải dựa trên Chánh Niệm, không có cảm xúc thích ghét chen vào, không có ý nghĩ về sự sở hữu “đây là con mình” xen vào. Tất nhiên khi đã có Chánh Niệm rồi thì sẽ không mắng mỏ, không đánh đập, không xúc phạm con, mà ngược lại là từ tốn – tôn trọng một cách rất tự nhiên.

Áp dụng Chánh niệm trong dạy dỗ con thực sự đem lại kết quả rất tốt: mẹ không bị ức chế vì con, con không bị áp lực vì mẹ. Dạy con trong Chánh niệm chính là rèn luyện bản thân “bình tĩnh – sáng suốt”.

Quý vị dạy con trong học tập như chia sẻ của Thanh Hương là đang tu tập Bát chánh đạo bằng cách Rèn luyện Trí nhớ chánh hay Chánh niệm. Nhưng cũng phải tương tác với con để Rèn luyện cho con Kỹ năng chú tâm liên tục. Đó là Nhớ xiết chặt răng lưỡi và nhắc thầm ghi nhân. Khi học bài hay đến lớp thì chỉ nhớ xiết chặt răng lưỡi đế chú tâm lên thân, khi ở nhà thì nhớ xiết chặt răng lưỡi khi lau nhà, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa … để con kinh nghiệm được làm các việc đó với Tích cực, Vui, Thoải mái do chú tâm liên tục, không còn chán ghét làm việc vì bố mẹ đe nẹp, ép buộc phải làm. Lợi ích của việc này do chú tâm liên tục mà có và để con cái cảm nhận được lợi ích này thì trước tiên quý vị phải thành tựu kỹ năng chú tâm liên tục trong công việc thì quý vị mới thấy phải rèn luyện cho con kỹ năng này và lúc đó mới hướng dẫn, khích lệ, theo dõi con thực hành.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (16.10.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *