Cần thoát Nghèo hay cần thoát Khổ

1.Phần đa nhân loại sẽ trả lời chỉ cần thoát nghèo thôi thì tự động sẽ thoát khổ, không cần phải thoát khổ. Tại vì ai cũng mặc định nghèo là khổ nên chỉ cần thoát nghèo là sẽ thoát được khổ. Chính vì vậy mà cả một nền khoa học đồ sộ của nhân loại chỉ có các phát minh để giàu có, tiện nghi, sang trọng để thoát nghèo, không hề có một phát minh nào về thoát khổ. Kể cả chương trình của Liên hợp quốc, một tổ chức quốc tế bao gồm toàn bộ thế giới cũng chỉ có chương trình xoá đói giảm nghèo, thoát nghèo không có chương trình nào là chương trình thoát khổ.

Cái hiểu biết hay nhận thức đưa đến hành vi nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo, để giàu có của nhân loại là hiểu biết cho rằng : Nguyên nhân Khổ của con người là do nghèo khó, do hoàn cảnh sống tồi tệ, lạc hậu, thiếu tiện nghi thuộc về thế giới bên ngoài. Và vì vậy, thoát nghèo, chấm dứt nghèo tức là giàu có, sang trọng cũng tức là chấm dứt Nguyên nhân Khổ, thì dĩ nhiên Khổ sẽ chấm dứt, Khổ không còn nữa. Và hiểu biết này được mặc định là chân lý, là sự thật. Vì thế không ai nghi ngờ do dự, không ai phân vân lưỡng lự về Nguyên nhân Khổ là do nghèo khó, do hoàn cảnh sống nên không ai đặt câu hỏi: Nguyên nhân Khổ có đúng vậy không, hay Nguyên nhân Khổ là do cái gì khác? Và như Lep Tonxtoi nói: lúc đó không có cái phẩm chất cao quý là sự hoài nghi triết học.

Đa phần nhân loại đã và đang phấn đấu để thoát nghèo nhưng ẩn đằng sau đó, họ cũng đang hướng đến mục đích tối hậu là thoát khổ. Thực tế có nhiều người, thậm chí rất nhiều người đã thoát nghèo và trong số họ cũng có rất nhiều người trở thành tỷ phú (đô la). Nhưng thoát nghèo rồi, trở nên giàu có rồi thì họ vẫn không thể nào thoát khổ mà thậm chí càng giàu thì nỗi khổ còn trầm trọng hơn xưa. Sự thật này thì chỉ người giàu, đặc biệt là tỷ phú đô la mới thấu rõ. Vì vậy, thoát nghèo không đưa đến mục đích tối hậu của con người là thoát khổ, mà nó chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi.

2- Lịch sử nhân loại từ cổ chí kim chỉ có một người duy nhất không thầy chỉ dạy đã tự mình khám phá ra sự thật Khổ và Nguyên nhân Khổ không thuộc về thế giới bên ngoài mà phát sinh nơi nội tâm của mỗi người. Nói rộng hơn là Khổ đau và Hạnh phúc ( Khổ Vui ) không có nơi thế giới bên ngoài, không có trong các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận của thực tại, không có trong Giàu Nghèo, mà Khổ Vui phát sinh nơi nội tâm của mỗi người khi có thái độ Thích Ghét (Tham Sân ) với đối tượng đó. Ngài đã tự mình phát hiện ra Nguyên nhân Khổ là do Tham Sân Si chứ không phải là do nghèo khó.

Người đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Ngài là người duy nhất chỉ dạy cách thoát khổ chứ không dạy cách thoát nghèo. Ngài dạy về cách thay đổi tâm từ Bát tà đạo có hiểu biết sai sự thật gọi là Vô minh chấp ngã làm phát sinh Tham Sân Si và duyên tham sân si mà phát sinh Khổ, thành tâm Bát chánh đạo có hiểu biết đúng sự thật là Minh, Trí tuệ, không còn phát sinh tham sân si, không còn phát sinh Khổ. Khi thực hành Bát chánh đạo sẽ không thích ( tham ) giàu, sẽ không còn ghét ( sân ) nghèo, không còn tìm kiếm ( si ) giàu để thay thế nghèo hoặc trung tính và sẽ kinh nghiệm được sự thoát khổ trong hiện tại, ngay bây giờ và tại đây.

Vậy người thực hành Bát Chánh Đạo để thay đổi nội tâm thoát được khổ nhưng họ có thoát nghèo hay không?

Chánh kiến trên Bát chánh đao là tuệ tri rằng tu tập Bát chánh đạo không phải là từ bỏ Lạc thọ, tức từ bỏ Cảm thọ dễ chịu mà TỪ BỎ THAM ÁI, TỪ BỎ RÀNG BUỘC với các Lạc thọ. Vì vậy, tu tập Bát chánh đạo không từ bỏ các Lạc thọ hợp pháp mà vẫn làm việc để có các Lạc thọ hợp pháp với Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Dù là người đã giác ngộ hay người đang tu tập Bát chánh đạo vẫn có các nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, quần áo hoặc dược phẩm trị bệnh khi ốm đau vv… nên vẫn làm việc để có các nhu cầu đó với Chánh mạng.

Nếu một người đã giàu có họ vẫn thọ hưởng các Lạc thọ hợp pháp do giàu có, tài sản khởi lên nhưng không tham đắm, ràng buộc với nó. Họ vẫn tiếp tục làm việc nhưng với Chánh kiến không có tham sân ( yêu ghét ) chi phối nên nhìn nhận vấn đề toàn diện, đa chiều, chính xác hơn lúc trước bị yêu ghét chi phối, nên quyết định đầu tư, giải quyết công việc sẽ chính xác và kết quả tốt hơn rất nhiều so với trước đây chưa tu tập Bát Chánh Đạo. Đối với người đang khó khăn, nghèo khó họ có kỹ năng chú tâm liên tục, có thể đạt sơ thiền khi làm việc, nên họ làm việc với chú tâm liên tục không sao nhãng, với Tích cực, Vui và Thoải mái của sơ thiền nên hiệu quả tăng lên rất nhiều lần, không còn uể oải, nhác nhớn, chán chường như xưa. Đặc biệt là họ có thể đối diện, thích nghi với mọi công việc mà không có chán ghét, ngần ngại, sĩ diện như xưa vì tâm không có Ngã mạn tuỳ miên: Ta hơn, Ta kém, Ta bằng để mà so sánh Ta với Người, nên không còn xấu hổ khi làm các công việc hèn xém như xưa. Vì vậy, khi nào cũng tìm ra việc làm, làm với Tích cực, Vui, Thoải mái không còn chán ghét, uể oải, lười nhác vì công việc như trước đây nên chắc chắn rằng họ sẽ thoát nghèo bền vững.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (15.10.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *