TỨ THÁNH ĐẾ – Bát Chánh đạo

TỨ THÁNH ĐẾ
Có một du sĩ ngoại đạo bạch hỏi Thế Tôn, đại ý là phải đi với tốc độ như thế nào, phải đi với thời gian bao lâu, mới có thể đi đến được Niết bàn. Đức Thế Tôn trả lời, cho dù đi với tốc độ nào và thời gian bao lâu cũng không thể tới được Niết bàn và Ngài nói tiếp. Nhưng này Hiền giả, Ta tuyên bố : “Thế gian, Nguồn gốc Thế gian, Sự chấm dứt Thế gian và Con đường chấm dứt Thế gian đều nằm trong tấm thân dài độ thước mấy này cùng với Tưởng và Thức”. Đây là một hình thức tuyên bố về Tứ Thánh Đế trong đó : Thế gian là đồng nghĩa với Khổ; Nguồn gốc Thế gian là đồng nghĩa với Nguyên nhân Khổ; Sự chấm dứt Thế gian là đồng nghĩa với Sự chấm dứt Khổ; Con đường chấm dứt Thế gian là đồng ngĩa với Con đường chấm dứt Khổ.
Tuyên bố của Đức Phật khẳng định, chỉ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế nơi tấm thân dài hơn một thước có Tưởng và Thức này, chứ không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế tại một địa điểm đặc biệt nào đó, như tại Ấn Độ, hay tại một cõi giới tâm linh nào đó, hay tại một thế giới bản thể Chân không, một thế giới thường lạc ngã tịnh nào đó. Trong đó, TƯỞNG là tâm biết trực tiếp giác quan gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức và THỨC là tâm biết Ý thức do học hỏi, tư duy mà có.
Tuyên bố của Đức Phật phải được hiểu theo nghĩa đen của các ngôn từ này, chứ không được hiểu theo một nghĩa bóng gió nào hết. Theo nghĩa đen của các ngôn từ này, thì Đạo Phật không phải là đạo nhập thế, không phải để xây dựng một Thế gian hạnh phúc cực lạc, mà là đạo Xuất Thế gian, ĐẠO CHẤM DỨT THẾ GIAN. Nghe đến đây nhiều người sẽ tròn xoe con mắt, sẽ rất ngạc nhiên và cũng giống các du sĩ ngoại đạo thời xưa, đã khởi lên tư tưởng phê phán : Sa môn Gôtama chủ trương đoạn diệt Thế giới, chủ trương đoạn diệt các loài hữu tình, chủ trương Hư vô chủ nghĩa. Tư tưởng này khởi lên vì không hiểu biết như thật khái niệm Thế gian trong tuyên bố của Đức Phật, mà họ đồng nhất Thế gian với Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xuc Pháp ở bên ngoài.
Vậy Thế gian trong tuyên bố này là gì? Thế gian là thực tại của Phàm phu và NÓ LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI CẢNH, KHÔNG PHẢI LÀ THẾ GIỚI, nhưng vì không giác ngộ Lý Duyên khởi, nên kẻ Phàm phu cho rằng : Những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức của thực tại là Sắc trần,Thanh trần, Hương trần, Vị trần, Xúc trần, Pháp trần, là Thế giới vật chất bên ngoài. Đây là hiểu biết Nhị Nguyên : Tâm biết Cảnh và hiểu biết đó không đúng sự thật nên gọi là Vô Minh.
Hiểu biết đúng như thật Lý Duyên Khởi sẽ biết rằng : Có Sáu Căn và Sáu Trần nhưng chưa có sự tiếp xúc thì chưa có đối tượng thực tại nào xuất hiện cả. Ví như, lúc ngủ say không mộng my, lúc bị gây mê trên bàn mổ hoặc ngất đi trong một tai nạn, lúc đó Thực tại Thế gian không có mặt. Khi Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần, sẽ phát sinh sáu Cảm giác ( hay sáu Cảm thọ) bao gồm : Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần và sáu tâm biết trưc tiếp giác quan ( gọi chung là Tưởng ) bao gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ghi nhận hay nhận biết sáu Cảm thọ ấy. Diển tả ngắn gọn là : Căn Trần tiếp xúc phát sinh đồng thời : Thọ – Tưởng. Vậy đối tượng thực tại được thấy, được nghe, được cảm nhận là Cảm thọ, và nó là Tâm chứ không phải Cảnh, không phải là thế giới vật chất Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần bên ngoài như loài người đã mặc định.
Thực tại không chỉ là tâm biết trực tiếp giác quan về các Cảm thọ, mà sẽ có tư duy khởi lên phát sinh tâm biết Ý thức ( hiểu biết đối tượng), rồi từ Ý thức sẽ phát sinh Thái độ thích hay ghét ( Tham Sân ) và từ Thái độ sẽ phát sinh lời nói, hành động Phản ứng đối với đối tượng và từ Phản ứng mà phát sinh kết quả Khổ hay Vui. Toàn bộ lộ trình tâm ấy có đối tượng là Cảm thọ gọi là Bát Tà Đạo, chính là THỰC TẠI THẾ GIAN tuần tự sinh khởi như sau:
Xúc – Thọ ( cảm giác) – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến ( ý thức) – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi Như Lý Tác Ý – Tà ngữ Tà nghiệp Tà mạng – Sầu bi khổ ưu não khổ ( sinh già bệnh chết).
Thực Tại Thế Gian chính là lộ trình tâm Bát Tà Đạo, mà lộ trình tâm này có toàn bộ khổ uẩn, nên Thế gian đồng nghĩa với Khổ là như vậy. Trên Bát Tà Đạo có Vô Minh và Tham ái là Nguồn gốc phát sinh Khổ, nên Nguồn gốc Thế gian đồng nghĩa với Nguồn gốc Khổ là như vậy. Lộ trình Bát Tà Đạo phát sinh do Thân này ( Sáu Căn) tiếp xúc với Thế giới ( Sáu Trần) trong đó có Tưởng( cái biết trưc tiếp giác quan) và Thức( ý thức) nên nói rằng Thế gian, Nguồn gốc Thế gian có trong tấm thân dài độ thước mấy này cùng với Tưởng và Thức là vậy.
Khi tu tập Bát Chánh Đạo, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên và lộ trình Bát Tà Đạo sẽ được đoạn trừ. Bát Tà Đạo được đoạn trừ như vậy gọi là SỰ CHẤM DỨT THẾ GIAN và cũng đồng nghĩa với Sự chấm dứt Khổ. Bát Chánh Đạo chính là Con đường chấm dứt Thế gian cũng đồng nghĩa với Con đường chấm dứt Khổ. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo cũng phát sinh khi Sáu Căn tiêp xúc Sáu Trần nên nói, Sự chấm dứt Thế gian và Con đường chấm dứt Thế gian có nơi tấm thân dài độ thước mấy này cùng với Tưởng và Thức là vậy. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đó là:
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – [ Tĩnh giác ]- Chánh Tư Duy – Chánh Kiến( ý thức) – Như Lý Tác Ý – Chánh ngữ Chánh nghiệp Chánh mạng.

Chính vì sự giác ngộ của Đức Thế Tôn về thực tại là Cảm Thọ, không phải là Thế Giới, nên trong Kinh Năm Ba Ngài đã tuyên bố: Vô thượng tịch tịnh, tối thắng đạo được Như Lai Chánh Đẳng Giác, sau khi như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu xúc xứ. Vì vậy, hãy chú tâm quán sát để như thực tuệ tri sáu xúc xứ, nếu rời điều này sẽ không như thật tuệ tri Lý Duyên Khởi và sẽ đi đến diễn giải sai lời dạy của Đức Thế Tôn. Ngay nơi tấm thân dài hơn một thước có Tưởng và Thức này mà có Khổ và Nguyên nhân Khổ, thì lúc đó là Phàm phu, là Thế Gian.Nhưng cũng ngay tấm thân dài hơn một thước có Tưởng và Thức mà có Khổ Diệt và Con đường Khổ Diệt thì lúc đó lại là bậc Thánh, là Xuất Thế Gian. Vậy thì, hãy tu tập trên tấm thân có Tưởng và Thức này trong mọi tư thế, mọi nơi chổ là có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, chứ không cần tu tập tại một nơi chốn lý tưởng nào ngoài thân.

 

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *