TRUNG ĐẠO – Bát Chánh đạo

TRUNG ĐẠO
Mở đầu bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật khuyến cáo hãy tránh xa hai cực đoan Tham ái lợi dưỡng và Khổ hạnh mà thực hành lối sống Trung Đạo. Vậy nội dung hai cực đoan và Trung đạo là gì ?
A – Hai cực đoan của nhân loại :
1- Cực đoan thứ nhất là Tham ái lợi dưỡng là chủ trương Tham ái Niềm vui Hạnh phúc ( THAM ) : Tất cả nhân loại này đều nhận thức, mục đích của cuộc sống, của sự hiện hữu là tận hưởng niềm vui, hạnh phúc, vì chỉ có Niềm vui, Hạnh phúc mới chấm dứt được khổ đau. Vì thế trong từng giây phút một, từng ngày một, từng tháng một, từng năm một, suốt cả cuộc đời ai ai cũng khao khát, tìm cầu niềm vui hạnh phúc. Họ khao khát và tìm cầu hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tinh thần trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái ( Dục ái ), khao khát tìm cầu hạnh phúc của sự sống, sự hiện hữu ( Hữu ái ), mơ ước tương lai có được hạnh phúc nơi thiên đường cực lạc, hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn ( Phi Hữu ái hay Dục hỷ Niết bàn ). Nhận thức của nhân loại đã MẶC ĐỊNH có Hạnh phúc mới chấm dứt được Khổ đau và vì thế đây là lối sống Tham ái lợi dưỡng, một trong hai cực đoan của lối sống nhân loại.
2 – Cực đoan thứ hai là Khổ hạnh là chủ trương Chán ghét Niềm vui Hạnh phúc ( SÂN ) :
Trước khi Đức Phật ra đời các tôn giáo Ấn Độ đã nhận thức : Nguyên nhân đau khổ là do Linh hồn Tiểu ngã của họ, thọ hưởng niềm vui hạnh phúc thông qua thân xác, nên Linh hồn Tiểu ngã thích thú thân xác. Vì Linh hồn tiểu ngã yêu thích thân xác nên ràng buộc với thân xác và phải chịu luân hồi từ thân xác này sang thân xác khác. Và vì thế Linh hồn phải chịu đau khổ, Linh hồn Tiểu ngã không thể hoà nhập vào Linh hồn Đại ngã để giải thoát.Với hiểu biết như vậy, họ chủ trương một cuộc sống khổ hạnh, hành hạ thân xác để Linh hồn Tiểu ngã chán ghét thân xác. Và nhờ chán ghét thân xác nên Linh hồn Tiểu ngã sẽ không còn ràng buộc, không còn luân hồi tái sinh trong thân xác và được giải thoát. Vì thế có rất nhiều lối tu khổ hạnh đã ra đời. Họ hành hạ thân xác, sống trong rừng, ăn ngủ nơi cội cây, không tắm rửa, chịu đựng đói khát, nóng lạnh, chỉ đứng một chân, nằm trên gai nhọn, họ mặc vỏ cây, hoặc loã lồ không quần áo, ăn phân bò, ăn cỏ, ăn vỏ cây, chỉ ăn chút xúi, ăn mỗi ngày chỉ một hạt vừng, bảy ngày mới ăn một lần, hay nữa tháng mới ăn một lần… Họ quán thân bất tịnh, với vô vàn cách thức tưởng tượng để thấy ra cái thân thể này ô uế, hôi thối, nhơ nhớp, đáng ghê tởm … với mục đích để Linh hồn Tiểu ngã không còn yêu thích thân xác bất tịnh và nhờ vậy mà linh hồn Tiểu ngã sẽ không bị luân hồi trong thân xác. Chính tư tưởng thực hành khổ hạnh sẽ chấm dứt đau khổ, sẽ được giải thoát chi phối sâu sắc các tôn giáo Ấn Độ nên chính Thái tử Tất Đạt Đa, sau khi học đạo với hai vị thầy nhưng không đạt được giải thoát đã tự mình quyết định vào Khổ hạnh lâm tu khổ hạnh. Chính 6 năm tu khổ hạnh khốc liệt, Ngài đã nhận thấy đây là một lối tu sai lầm, vô ích nên đã từ bỏ nó.

B – Lối sống Trung đạo : Đó là Bát Chánh Đạo với 8 chi phần gồm Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Lối sống này từ bỏ hai cực đoan Tham ái và Chán ghét đối với Hạnh phúc cụ thể là từ bỏ THAM và SÂN đối với Hạnh phúc. Lối sống Trung đạo này do sự giác ngộ thực tại mà Phật phát hiện ra như Ngài đã tuyên bố trong Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bô Kinh : “ Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”.
1 – Trước tiên cái đặc biệt nhất trong sự giác ngộ của Đức Phật là Ngài khám phá ra, các đối tượng của thực tại gồm các ĐỐI TƯỢNG được nhãn thức thấy ( mắt thấy ), được nhĩ thức nghe ( tai nghe ), được tĩ thức cảm nhận ( mũi ngửi ), được thiệt thức cảm nhận ( lưỡi nếm ), được thân thức cảm nhận ( tay sờ ), được tưởng thức biết ( tưởng tượng ) LÀ CÁC CẢM GIÁC mà thuật ngữ Phật học gọi là CẢM THỌ do Căn Trần tiếp xúc ( tương tác ) mà phát sinh, nó Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ). Sự thực các đối tượng của thực tại là Cảm Thọ, nó thuộc phạm trù tâm chứ không phải là Sắc Thanh Hương Vị Xúc trần, không phải là Thế giới vật chất Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp như HIỂU LẦM của nhân loại. Nếu nói về thể loại thì các đối tượng thực tại gồm 6 loại Cảm Thọ do 6 Căn tiếp xúc 6 Trần mà phát sinh gồm : Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm và Cảm giác pháp trần. Nếu phân loại theo tính chất thì có 3 loại gồm : Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ. Đây là Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ và là điều rất sâu kín, khó thấy, khó chứng, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới có khả năng giác hiểu còn nhân loại này đã MẶC ĐỊNH rằng thực tại là thế giới vật chất sắc thanh hương vị xúc pháp trần nên không thể thấy biết được sự thật này.
2 – Thứ nhì là Ngài tuệ tri vị ngọt : Cuộc sống thế gian này có cả Hạnh phúc và Khổ đau. Sự thật này ai cũng cảm nhận được, không thể phủ nhận và có trường phái nào cho rằng tất cả các pháp là khổ, tất cả thực tại đều là khổ thì đó là vô minh đang che mắt không cho họ thấy sự thật thực tại có cả khổ lẫn vui. Những Niềm vui, Hạnh phúc, Lạc thú trong đời chính là vị ngọt và vị ngọt đó là có thật chứ không phải là giả có, không phải chỉ là danh tự suông. Đức Phật đã nói : Ta đã tuệ tri vị ngọt là vị ngọt nhưng Ngài còn tuệ tri hơn thế nữa. Vị ngọt là Cảm Thọ, nó là Lạc Thọ , bản chất nó là Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ). Nghĩa là vị ngọt ( Hạnh phúc ) là Cảm Giác thuộc phạm trù tâm chứ không thuộc về thế giới vật chất, nó Vô thường là không thường hằng, không vĩnh viển, không thường trú ở đâu cả. Nó Vô chủ vô sở hữu nghĩa là không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển, không thể nắm giữ, không thể xua đuổi nó.
3 – Thứ ba là tuệ tri sự nguy hiểm : Sự thật Niềm vui, Hạnh phúc tức Vị ngọt của thực tại là Cảm Giác, nó vô thường, sinh lên rồi diệt đi ngay, nó Vô chủ vô sở hữu. Vì vậy nếu Tham ái vị ngọt, tham ái Lạc thọ thì sẽ muốn sở hữu nó, nắm giữ nó, muốn nó tồn tại mãi mãi, là của mình mãi mãi nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi Sầu Bi Khổ Ưu Não sẽ khởi lên. Vì vậy, Tham ái Lạc thọ là nguy hiểm vì nó sẽ phát sinh Khổ. Nhưng nếu Chán Ghét vị ngọt, chán ghét Hạnh phúc cũng nguy hiểm vì nó sẽ phát sinh Khổ. Tại vì vị ngọt, Hạnh phúc là một Cảm thọ, nó vô chủ vô sở hữu, nghĩa là không làm chủ, không sở hữu, không điều khiển được nó, vì vậy nếu Chán ghét thì sẽ muốn xua đuổi, xa lánh, tiêu diệt nó nhưng không thể nào làm được như vậy nên khổ sẽ khởi lên. Ví như người tu khổ hạnh đang hành hạ thân xác bằng cách phơi nắng khốc liệt, cảm nhận một Khổ thọ khốc liệt trên thân nhưng bổng nhiên một cơn gió thổi qua phát sinh một Cảm giác mát rượi trên thân và người đó cho dù không muốn vẩn cảm nhận được Lạc thọ đó, không thể nào xua đuổi, lẩn tránh, tiêu diệt Lạc thọ đó để giữ lại cái Khổ thọ khốc liêt kia. Kẻ Phàm phu vì không tuệ tri vị ngọt nên không thể tuệ tri sự nguy hiểm.Và vì không tuệ tri sự nguy hiểm nên Phàm phu phải chịu biết bao nỗi đắng cay thống khổ trong sinh tử luân hồi.Và đây chính là Sự thật về Nguyên Nhân Khổ là Tham ái gồm Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái.
Vì Tham ái Dục lạc, tức Tham ái Hạnh phúc vật chất, Hạnh phúc tinh thần, gọi là Dục ái mà nhân loại này đang ngày đêm lao tâm khổ trí, đang làm vô số các ác bất thiện pháp, vô số sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi … Vì tham ái Dục lạc mà cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, vợ chồng tranh đoạt nhau, hàng xóm láng giềng, địa phương này với địa phương kia, quốc gia này với quốc gia kia tranh đoạt nhau. Vì tham ái Dục lạc mà có biết bao tranh cướp, tham nhũng, lừa đảo, phá sản. Vì tham ái Dục lạc mà con người phát minh ra biết bao hoá chất độc hại kích thích tăng trưởng cây cối vật nuôi để rồi đầu độc lại con người và tàn phá môi trường sống. Vì tham ái Dục lạc mà con người chế tạo ra ma tuý, buôn bán ma tuý để đầu độc và tàn hại con người. Vì tham ái Dục lạc mà con người sáng chế biết bao vũ khí hiện đại tối tân kể cả bom nguyên tử để tiêu diệt nhau. Vì tham ái Dục lạc mà có biết bao cô hoa hậu, người mẫu bán dâm, có những đứa con trai giao cấu với mẹ đẻ của mình, có những ông bố hiếp dâm đứa con gái 6 tuổi của mình …
Vì Hữu ái, tức tham ái Hạnh phúc do sự sống mang lại, nên nhân loại tham sống sợ chết, vì thế khi đối diện với bệnh tật có nguy cơ dẫn đến cái chết thì sợ hãi, hoảng loạn, tuyệt vọng khởi lên. Khi thân thể xuất hiện một cơn bệnh thì sự đe dọa của cái chết xuất hiện và đặc biệt là bệnh nan y như ung thư chẳng hạn. Lúc đó người ta chấp nhận đánh đổi mọi thứ tài sản mà mình có, để đổi lấy sự sống, kéo dài sự sống. Và nỗi đau khổ, hoảng hốt, tuyệt vọng nơi nội tâm làm kiệt quệ sức lực, kiệt quệ sức đề kháng của cơ thể, nỗi đau khổ nội tâm đó nó khủng khiếp gấp cả ngàn lần nỗi đau thể xác do bệnh tật gây nên. Có người đã phải bán đi cả 4 căn nhà mình đã tích góp cả đời để thay đi một quả tim ốm yếu, nhiều người bán hết nhà cửa tài sản tại quê nhà lên thành phố làm thuê làm mướn, vay mượn, xin xỏ để có tiền chạy thận hàng tuần, để mong kéo dài sự sống từng tuần lễ … Khi cái chết đến không ai là không sợ hãi, hoảng loạn, cố bám víu lấy sự sống, khao khát sống càng làm cho nỗi khổ của cái chết tăng lên gấp bội. Kể cả những người tự sát, lúc tự sát hoàn toàn không sợ chết nhưng khi quằn quại chết thì nỗi ham sống sự chết bùng phát lại, vì thế khi đưa vào viện thì họ đều van nài bác sĩ cứu sống họ. Khi thân xác chết thì nơi nội tâm, do Hữu ái, do khao khát sống, mong muốn sống, bám vúi sự sống, sợ hãi chết là nguyên nhân phát sinh Thức tái sinh. Thức tái sinh gồm hai phần Danh và Sắc và thực chất là một Hoá sanh. Sự tồn tại của Hoá sanh có thể rất ngắn ngủi trong vài phút, vài ngày nhưng cũng có thể dài đến vài năm, vài trăm năm, vài ngàn năm và đời sống của Hoá sanh mà nỗi thống khổ còn lớn hơn nhiều lần nỗi khổ của một người bất hạnh nhất cộng với nỗi thống khổ của thế gian này do các phương tiện thông tin đã đăng tải. Sau khi chấm dứt đời sống Hoá sanh và vẫn do Hữu ái mà sẽ vào Thai sanh hoặc Trứng sanh, tiếp tục một đời sống với nỗi khổ của Sinh Già Bệnh Chết. Và cái nỗi khổ của vòng luân hồi tái sinh vô cùng vô tận này chính là do Hữu ái.
Vì Phi Hữu ái, tức Tham ái Hạnh phúc với sự hiện hữu của Linh hồn không còn thân xác ( hay Dục hỷ Niết bàn theo cách gọi của Kinh Pháp Môn Căn Bản ) tức là Tham ái Hạnh phúc nơi cảnh giới thiên đường cực lạc, hay Hạnh phúc nơi Linh hồn Đại ngã, hay Hạnh phúc tuyệt đối của cảnh giới Niết bàn thường lạc ngã tịnh ( kể cả tham ái Hạnh phúc của chư thiên ) nên phải chịu đựng khổ đau khi tu hành khổ hạnh, hành hạ thân xác, tự sát do hoang tưởng vì quán thân bất tịnh hoặc nổ bom tự sát tử vì đạo, hoặc vô số đau khổ do các tà giáo cuồng tín gây ra cho tín đồ… Do Phi Hữu ái hay còn gọi là Dục hỷ Niết bàn mãnh liệt, người tu có thể đè nén được Dục ái và Hữu ái nhưng không thể đoạn tận nó nên khi chết phát sinh Hoá sanh thì Dục ái và Hữu ái lại bùng lên, nên nỗi thống khổ của Hoá sanh đó ghê ghớm và kéo dài hơn rất nhiều người không tu vì sự tồn tại của Hoá sanh sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
4 – Thứ tư là Tuệ tri sự xuất ly của thọ : Khi đã Tuệ tri đối tượng thực tại là Cảm thọ, tuệ tri vị ngọt, tuệ tri sự nguy hiểm và đặc biệt là tuệ tri sự nguy hiểm thuần thục cho đến mức độ như một người trong quá khứ đã bị bỏng tay khi sờ vào cục than đang cháy đỏ, thì nay thấy cục than cháy đỏ sẽ biết ngay sự nguy hiểm, biết ngay sờ vào nó là bỏng tay, là khổ liền. Nếu tuệ tri sự nguy hiểm đã thuần thục như vậy thì khi thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng của thực tại sẽ tuệ tri ( biết như thật ) không còn Tham đối với Lạc thọ, không còn Sân đối với Khổ thọ, không còn Si đối với Bất khổ bất lạc thọ. Đây chính là Tuệ tri sự xuất ly của thọ hay còn gọi là Tuệ tri Khổ diệt hay Tuệ tri Niết bàn.
C – Thực hành Trung đạo : Thực hành để sống với lối sống Trung đạo là thực hành 8 chi phần gồm Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng nhưng cái chìa khoá để mở ra 8 chi phần này là Chánh Niệm. Thực hành Chánh Niệm chính là LUYỆN TẬP TRÍ NHỚ để luôn luôn nhớ được những điều đã học về Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã giác ngộ và thuyết giảng. Tuy Chánh Niệm là Nhớ Đến Chú Tâm Quán Sát Thân Thọ Tâm Pháp để THẤY BIẾT NHƯ THẬT về Thân Thọ Tâm Pháp nhưng cái tối hậu là Luyện Tập Trí Nhớ để khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng của thực tại, thì Trí Nhớ về “tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly” khởi lên, và chính Trí Nhớ đó làm nhân, làm phát sinh tâm biết ý thức Chánh Kiến, BIẾT NHƯ THẬT, đó là các Cảm thọ do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. Và do tâm biết ý thức Chánh Kiến đó làm nhân mà phát sinh thái độ không còn Tham Sân với đối tượng và do không Tham Sân mà sẽ có lời nói, hành động Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng đối với đối tượng. Đó chính là lối sống Trung đạo, lối sống không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy đối với Vị ngọt, đó chính là lối sống VẮNG MẶT KHỔ và đó cũng là từ bỏ hai cực đoan Yêu thích ( Tham ) và Chán ghét ( Sân ) đối với Vị ngọt, Hạnh phúc.
Đức Phật phát hiện ra lối sống Trung đạo không phải dễ dàng bởi thời đó tư tưởng SỢ HÃI VỊ NGỌT chi phối sâu xa con người Ấn Độ nhưng do sau 6 năm khổ hạnh khốc liệt Ngài mới nhận ra nhận thức đó là sai lầm. Vì thế, sau khi từ bỏ khổ hạnh, ăn uống làm cho thân thể hồi phục, Ngài mới trải cỏ ngồi dưới cội bồ đề vả suy ngẫm. Lúc đó Ngài nhớ lại sự việc thuở nhỏ, khi tham dự lễ hạ điền của vua cha, các cũng nữ mãi vui bỏ Ngài ngồi một mình và tình cờ Ngài đã vào được Sơ thiền với Hỷ Lạc do ly dục sanh với chú tâm có tầm có tứ. Lúc nhớ lại như vậy, Ngài suy niệm thọ nhận Lạc thọ này mà không có Yêu thích cũng không có Chán ghét thì Lạc thọ đó không đáng phải sợ hãi, không đáng phải xa lánh. Do thấy như vậy, biết như vậy mà Ngài diệt chú tâm có tầm có tứ chứng Nhị thiền với hỷ lạc do định sanh, rồi chứng Tam thiền với lạc thọ do xã sanh, rồi chứng Tứ thiền với tâm thanh tịnh nhờ xã. Và chỉ trong một đêm, nhờ suy niệm đầu tiên là thọ nhận Lạc thọ với không yêu thích, không chán ghét thì không cần phải sợ hãi, không cần phải xa lánh Lạc thọ mà Ngài đã giác ngộ thành bậc Chánh Đẳng Giác. Sau này, trong kinh điển Ngài đã khẳng định : Không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với Khổ và Ưu mà chỉ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với Lạc và Hỷ. Hình ảnh Hoa Sen được ví với Đạo Phật với Trung Đạo phải được hiểu là Sen sinh ra trong bùn, lớn lên từ bùn nhưng khi nó vươn lên khỏi mặt nước và trổ hoa thì Hoa Sen không hề nhiễm mùi bùn. Cũng y như vậy, lối sống Trung đạo là không yêu thích nên không nắm giữ, không chán ghét nên không xua đuổi Vị ngọt, sống trong Vị ngọt cuộc đời mà không bị Vị ngọt làm cho ô nhiễm.
Hãy Văn, hãy Tư, hãy Tu để khi thuần thục sẽ nhìn đời bằng ánh mắt Trung Đạo : TUỆ TRI VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM VÀ SỰ XUẤT LY.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *