THỰC TẠI LÀ CẢM THỌ 

Thực tại là những sự thật của đời sống nhân loại, là những sự vật, hiện tượng đang xẩy ra trong giây phút hiện tại.Ví như, khi Mắt THẤY đối tượng, tiếp đến Ý BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Do BIẾT đối tượng như vậy mà sẽ phát sinh THÁI ĐỘ thích hay ghét đối tượng. Do THÁI ĐỘ với đối tượng như vậy mà phát sinh PHẢN ỨNG bằng lời nói hoặc hành động với đối tượng. Do PHẢN ỨNG với đối tượng như vậy mà phát sinh KẾT QUẢ là Khổ hay Vui.

Lộ trình tương tự như vậy đều xẩy ra với tất cả Sáu Căn và Sáu Trần. Vậy thì trong đời sống nhân loại, ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI, được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được xúc chạm, được tưởng ra gọi tắt là được THẤY, rất quan trọng. Vì rằng, THẤY rồi BIẾT, rồi THÁI ĐỘ, rồi PHẢN ỨNG, rồi KẾT QUẢ đều xẩy ra đối với ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI. Vậy, đối tượng thực tại là cái gì ? Nó có hay không có, thật hay giả đang còn là tranh cãi giữa quan điểm Duy vật và Duy tâm chưa có hồi hết.

Hiểu biết của nhân loại cho dù là Duy tâm hay Duy vật, đều cho rằng THỰC TẠI là THẾ GIỚI được phân chia thành hai Phạm trù : Vật chất và Tinh thần mà thuật ngữ Phật học gọi là SẮC và DANH. Nói một cách khác thì nhân loại quan niệm Thực Tại bao gồm Cái Biết và Đối Tượng được biết, trong đó Cái Biết là Tâm và Đối tượng được biết là Cảnh ( Vật ), là Thế Giới. Cụ thể là Nhãn thức thấy Sắc trần, Nhĩ thức nghe Thanh trần, Tĩ thức cảm nhận Hương trần, Thiệt thức cảm nhận Vị trần, Thân thức cảm nhận Xúc trần, Ý thức biết Pháp trần. Đây gọi là Nhị Nguyên Tâm Vật trong hiểu biết của nhân loại gồm cả quan điểm Duy vật lẩn quan điểm Duy tâm. Trong mỗi một con người, hiểu biết về thế giới thực tại không thuần tuý Duy vật, không thuần tuý Duy tâm mà đan xen giữa cả Duy tâm và Duy vật.

1 – QUAN ĐIỂM DUY VẬT :

Quan điểm Duy vật chấp nhận một “Tiên Đề” là, Thế giới vật chất vốn tự có, không sinh không diệt ( vật chất không sinh ra cũng không mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác ) và Tinh thần là sản phẩm phát sinh từ vận động của vật chất. Vì vậy, Vật Chất có trước Tinh Thần có sau và Thực Tại mà nhân loại đang sống là Thế Giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Tất cả mọi ĐỐI TƯỢNG được Thấy, Nghe, Cảm Nhận như to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, đàn ông, đàn bà, xe cộ, người vật, hạnh phúc, khổ đau, sum la vạn tượng, không gian thời gian … là Thế Giới vật chất, hoặc là tính chất của Thế giới vật chất.

– Mọi Sắc pháp đã SẴN CÓ, LUÔN LUÔN CÓ, THƯỜNG HẰNG, THƯỜNG TRÚ trong thế giới vật chất. Ví như, ngọt có trong đường, mặn trong muối, ngon dở trong thức ăn, cứng mền thô mịn, nặng nhẹ có trong địa đại, sự sống có trong các hạt vật chất, năng lượng có trong dầu lửa, trong ánh sáng …

– Mọi Danh pháp như hiểu biết, cảm xúc, thái độ … đều do hoạt động của vật chất não bộ mà phát sinh. Sự nhận thức là nhận thức về thế giới : “Thế giới khách quan được phản ánh qua đầu óc chủ quan của con người”. Chính vì vậy : ĐỐI TƯỢNG vật chất là cái có trước và TÂM BIẾT đối tượng là cái có sau và trong hiểu biết đó xuất hiện cặp đôi : CHỦ THẾ và ĐỐI TƯỢNG, tức chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức, được hiểu là Bãn Ngã và Thế Giới. Quan điểm Duy Vật phủ nhận hoàn toàn một thế giới tâm linh không sinh không diệt, phủ nhận một Linh hồn, một Phật tánh, một Thế giới bản thể vô tướng, một Chân tâm thường trụ, một Thượng đế, một Tâm thức không sinh không diệt, phủ nhận sự tái sinh luân hồi.

– Quan điểm Duy vật cũng thấy các Sắc pháp đang biến đổi từ vật này sang vật khác từ dạng này sang dạng khác theo quy luật Nhân Quả : Nhân chính biến đổi thành Quả có Nhân phụ hoặc Duyên trợ giúp nên nhân trong quả, quả trong nhân, nhân và quả tương tức tương nhập, phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, nên “Một có trong Tất Cả, Tất Cả có trong Một”.

– Hạnh Phúc và Khổ Đau: Quan điểm Duy vật như vậy đã thâm căn cố đế trong tâm thức, nên nhân loại cho rằng Hạnh phúc sẵn có, thường hằng, thường trú trong Thế giới ngoại cảnh, trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, Đau khổ cũng sẵn có, thường hằng, thường trú nơi những hoàn cảnh khó khăn tồi tệ của Thế giới ngoại cảnh như nghèo đói bệnh tật, lạc hậu, thất học, thiếu tiện nghi, thiên tai, lũ lụt. Chính sự nhận thức Khổ, Nguyên nhân Khổ, Sự chấm dứt Khổ( là Hạnh phúc ) sẵn có nơi thế giới ngoại cảnh, nên Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi thế giới ngoại cảnh. Hiểu biết Khổ Tập Diệt Đạo nơi thế giới ngoại cảnh theo Duy vật như vậy, đang từng giây phút chi phối đời sống nhân loại và vì vậy mà nhân loại đang cố gắng học hỏi, khám phá thế giới để thay đổi nó. Từng giây phút một có vô vàn lao tâm khổ trí, vô vàn phát minh để thay đổi thế giới với hy vọng giúp cho loài người hết khổ. Chính vì vậy mà con người lao vào học tập nghề nghiệp để sản xuất, buôn bán, kinh doanh, lao vào những cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt để giành giật, chiếm hữu, sở hữu những đối tượng vật chất tốt đẹp, để chấm dứt khổ. Nhưng mặc cho thế giới đang thay đổi từng giây phút một, có nhiều cái tốt đẹp hơn rất nhiều cái đã qua nhưng loài người thì không hết khổ mà chỉ đổi cái khổ này lấy cái khổ khác mà thôi.Vì sao vậy? Tại vì, hiểu biết THỰC TẠI, hiểu biết Khổ Tập Diệt Đạo theo quan điểm Duy vật như vậy là sai sự thật, là vô minh, tà kiến. Quan điểm Duy vật được Đức Phật gọi là THƯỜNG KIẾN hay CHẤP CÓ.

2 – QUAN ĐIỂM DUY TÂM :

Quan điểm Duy tâm lại mặc định một “Tiên Đề” là có một Thế giới tâm linh không sinh không diệt được hiểu như một Tâm Thức Vũ Trụ với các tên gọi khác nhau tuỳ theo các tôn giáo ( Thượng đế, Đức Chúa Trời, Đại Ngã, Đấng Sáng Tạo, Chân Không, Tánh Không, Thế Giới Bản Thể, Chân Tâm Thường Trụ, Phật Tánh …) và Thế giới vật chất có sanh có diệt mà con người đang sống là do Năng Lực của Thế giới tâm linh hoá hiện ra và điều khiển. Và như vậy, Thế giới tâm linh ( Tinh thần ) có trước, Thế giới vật chất có sau.

– Mọi Danh pháp được giải thích theo truyền thống Duy tâm của kinh Cựu Ước là từ Đức Chúa mà đến với con người như truyền thuyết đã mô tả. Đức Chúa làm ra A đam và E ve và Chúa đã thổi linh hồn của Ngài vào hai thân thể được Chúa nặn ra. Và đó là thuỷ tổ loài người với linh hồn từ Chúa trao truyền.Tiểu ngã là tiểu linh hồn trong thể xác mỗi người và Đại ngã là đại linh hồn thấm nhuần khắp vũ trụ của Ba la môn giáo cũng được hiểu tương tự. Một số trường phái Phật Giáo Phát Triển chủ trương Tánh Thấy, Tánh Nghe rồi Phật Tánh, Chân Tâm không sinh không diệt nơi mỗi chúng sinh, thực chất là dùng một từ khác thay thế từ linh hồn và cũng theo “lối mòn” Duy tâm mà ngầm chủ trương có một Tâm Thức Vũ Trụ không sinh không diệt, thực chất là tên gọi khác của Thượng đế toàn năng của Cựu ước mà thôi. Tuy ngầm chủ trương có tâm thức không sinh không diệt như vậy nhưng Phật Giáo Phát Triển vẫn không lập luận được rõ ràng, là Tâm thức vũ trụ đó làm sao mà vào cư ngụ được trong thân thể con người, không rõ ràng, minh bạch như lập luận của Cựu Ước, là Chúa thổi linh hồn Chúa vào trong mỗi người. Hiểu biết theo quan điểm Duy tâm đã ăn sâu, bám rễ trong kho chứa tri thức, hiểu biết của nhân loại nên đa số người học Phật và thậm chí có tông phái còn thuyết minh Tâm thức cư ngụ trong thể xác lấy sáu căn làm sáu cửa để thấy biết Thế giới và khi thân xác tan rã nó lại thoát ra đầu thai vào một thân xác mới. Nói tóm lại quan điểm Duy tâm cho rằng có một Tâm Thức Vũ Trụ TỰ CÓ, không sinh không diệt được gọi bằng các tên gọi khác nhau tuỳ theo mỗi tôn giáo, là Thượng đế, là Đức Chúa, là Tạo Hoá, là Đại ngã, là Chân tâm thường trụ, là Thế giới bản thể, là Phật tánh, là Tánh thấy Tánh nghe không sinh không diệt … “THẤM NHUẦN” vào mọi chúng sanh. Và khi một chúng sanh tu hành đã thành mãn thì cái linh hồn, tiểu ngã, Phật tánh, Tánh thấy tánh nghe không sinh không diệt nơi chúng sanh đó sẽ không còn bị giam hãm trong cái thể xác vô thường này nữa mà trở về hoà nhập với Tâm thức vũ trụ không sinh diệt ban đầu đó.

– Mọi Sắc pháp đều do năng lực tâm linh của Tâm thức vũ trụ hay Thượng đế toàn năng hoá hiện ra như Cựu Ước đã mô tả, Đức Chúa đã làm ra Thế Giới này trong sáu ngày. Mọi quy luật, mọi định luật về vận hành của thế giới vật chất này đều do năng lực thế giới tâm linh sáng chế và điều khiển. Cũng y như vậy, Phật giáo phát triển sau này đã y chỉ theo tư tưởng Duy tâm này mà phát kiến ra rất nhiều cách nói khác nhau để giải thích về thế giới vật chất hiện tượng sinh diệt là do năng lực tâm linh tạo ra. Đó là “Nhất thiết duy tâm tạo” nghĩa là tất cả các pháp ( các sự vật hiện tượng ) đều do Tâm tạo ra. Ví như, Do nguyện lực của Phật A Di Đà mà Thế giới tây phương cực lạc được phát sinh ra, như thuyết A lại da duyên khởi, Chân như duyên khởi, Tánh không duyên khởi… đều cùng một lối tư duy là Thế giới bản thể, Chân đế, Chân Không tuyệt đối vô tướng, là Nền Tảng mà từ đó thế giới hiên tượng vật chất sinh diệt ( Tục đế ) được biểu hiện ra.

– Hạnh Phúc và Khổ Đau: theo quan điểm Duy tâm, Hạnh phúc vẫn sẵn có trong thế giới vật chất, như Hạnh phúc có trong tiền bạc, tài sản, có trong sắc đẹp, tiếng hay… Khổ Đau có mặt trong người hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ. Nhưng những thứ vật chất tốt đẹp hay tồi tệ đó mà con người có được đều do Thế giới tâm linh “Thưởng Phạt” con người. Theo Cựu Ước thì sở dĩ loài người chịu nhiều đau khổ hiện nay là do bị Chúa trừng phạt vì tội lỗi của tổ tông. Đó là tội của A đam và E ve ăn quả cấm cây tri thức trong vườn địa đàng mà Chúa đã ra lệnh cấm ăn. Trong tín ngưỡng Á đông, mọi may mắn hanh thông hay trắc trở thất bại trong cuộc đời đều do tổ tiên đã quá vãng phù hộ hoặc trừng phạt. Như vậy, Duy tâm hiểu biết Khổ, Nguyên nhân Khổ là sự trừng phạt từ Thế giới tâm linh, Sự chấm dứt Khổ là Hạnh phúc từ Thế giới tâm linh ban tặng. Vì vậy, Con đường chấm dứt Khổ là thờ phụng, ăn năn, lễ bái, cầu nguyện, làm hài lòng mãn nguyện thế giới tâm linh. Các tôn giáo đều chủ trương Hạnh phúc tuyệt đối là nơi thế giới tâm linh, hạnh phúc thế gian này là giả tạm, không thật.Chỉ khi nào tu hành thành mãn, linh hồn được hoà nhập vào thế giới tâm linh, thì đó mới là tận hưởng hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu. Cũng không ngoại lệ, một số tông phái Phật Giáo phát triển dựa trên tư tưởng Duy tâm, xem Niết Bàn là Bản thể tuyệt đối có tính chất Thường Lạc Ngã Tịnh nên khi tu hành thành mãn thì Phật tánh không còn luân hồi, không còn bị giam giữ trong thân xác vô thường mà nhập vào Niết Bàn, nơi đó là Hạnh phúc chân thật, tuyệt đối, vĩnh cửu. Chính vì tin vào Hạnh phúc hay Đau khổ từ Thế giới tâm linh thưởng phạt con người mà các tín đồ tôn giáo hàng ngày tụng kinh, trì chú, cầu nguyện, lễ bái, ăn năn sám hối, xây dựng nhà thờ, đền miếu, bảo tháp nguy nga đồ sộ, lăng mộ hoành tráng, tôn thờ xá lợi, nghi lễ trang nghiêm, hiến tế đầy đủ, giỗ chạp linh đình, cầu siêu bạt độ … với hy vọng có được phước báo, hạnh phúc từ thế giới tâm linh ban thưởng. Đó cũng chính là vô minh tà kiến. Quan điểm Duy tâm được Đức Phật xếp vào ĐOẠN KIẾN hay CHẤP KHÔNG.

3 – GIÁC NGỘ THỰC TẠI CẢM THỌ CỦA ĐỨC PHẬT :

Cho dù là Duy vật hay Duy tâm đều hiểu biết Thực Tại mà con người đang sống là Thế giới ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp. Trên thế gian này, từ cổ chí kim, độc nhất vô nhị, có một con người không thầy chỉ dạy đã tự mình giác ngộ sự thật thực tại này là Cảm Thọ, chứ không phải là Thế giới, đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bản kinh Phạm Võng là bản kinh đầu tiên của Trường Bô Kinh, một bản kinh dài nhưng được cấu trúc đặc biệt nhằm đăng tải và chỉ rõ tuyên bố về sự giác ngộ của Đức Phật là giác ngộ thực tại Cảm thọ.

Tuy bài kinh đề cập rất nhiều chủ đề nhưng đều nhằm mục đích nhấn mạnh tuyên bố được lặp đi lặp lại gần cả trăm lần trong bản kinh của Đức Phật : “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ”. Muốn hiểu rõ được sự giác ngộ của Đức Phật, phải quan sát sự thật thực tại khi sáu căn tiếp xúc sáu trần.

– ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI LÀ CẢM THỌ : Ví như một người khoẻ mạnh khi ăn khúc mía khởi lên hiểu biết: khúc mía ngọt, nghĩa là NGỌT là tính chất vật chất, sẵn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú nơi khúc mía, là của khúc mía. Đây là quan điểm Duy vật. Nhưng cũng với khúc mía đó và người đó bị bệnh đã 6 – 7 ngày khi ăn lại thấy cây mía đắng và người ấy kết luận NGỌT không có trong cây mía, NGỌT không có thật, Ngọt do Tâm tạo. Đây là quan điểm Duy tâm. Nếu quan sát sự thật : Khúc mía là một nhân và Lưỡi là nhân thứ hai. Có hai nhân nhưng chưa tiếp xúc với nhau thì chưa có NGỌT hay ĐẮNG nào xuất hiện. Khi hai nhân Lưỡi và Khúc mía tiếp xúc nhau thì lập tức phát sinh CẢM GIÁC NGỌT ( hay ĐẮNG tuỳ khoẻ hay bệnh ) và đồng thời phát sinh cái biết trực tiếp giác quan THIỆT THỨC ghi nhận hay nhận biết CẢM GIÁC NGỌT. Lưỡi tiếp xúc Khúc mía ( Vị trần ) phát sinh :< Cảm giác ngọt – Thiệt thức> . XÚC sinh thì <Cảm giác ngọt – Thiệt thức> sinh, XÚC diệt thì< Cảm giác ngọt – Thiệt thức> diệt. Vì thế, Cảm giác ngọt và Thiệt thức sinh lên rồi diệt đi, không thường hằng, không thường trú nơi khúc mía, hay nơi lưỡi nên nó Vô Thường. Cảm giác ngọt và Thiệt thức không phải của Lưỡi, cũng không phải của Khúc mía nên nó Vô Chủ, vô sở hữu ( Vô ngã ). Vậy ĐỐI TƯỢNG của Thực Tại được cảm nhận là CẢM GIÁC NGỌT ( hay ĐẮNG ) thuộc phạm trù Tâm chứ không phải là KHÚC MÍA NGỌT thuộc Thế giới vật chất. THIỆT THỨC biết CẢM GIÁC NGỌT chứ không phải THIỆT THỨC biết KHÚC MÍA NGỌT. Sự thực là Tâm biết Tâm ( Cảm giác ) chứ không phải Tâm biết Cảnh ( Thế giới ) như hiểu biết của nhân loại. Tương tự như vậy :

– Mắt tiếp xúc Sắc trần phát sinh :< Cảm giác hình ảnh – Nhãn thức>
– Tai tiếp xúc Thanh trần phát sinh : <Cảm giác âm thanh – Nhĩ thức>
– Mũi tiếp xúc Hương trần phát sinh : <Cảm giác mùi – Tĩ thức>
– Lưỡi tiếp xúc Vị trần phát sinh : <Cảm giác vị – Thiệt thức>
– Thân với Xúc trần phát sinh : <Cảm giác xúc chạm – Thân thức>
– Ý tiếp xúc Pháp trần phát sinh : <Cảm giác pháp trần – Tưởng thức>.

Năm cảm giác hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm xẩy ra liền được lưu vào kho chứa ( bộ nhớ ) dưới dạng thông tin đã được mã hoá. Khi Ý tiếp xúc Pháp thì các Cảm giác đó được “tái hiện” lại và gọi đó là Cảm giác pháp trần và ghi nhận hay nhận biết Cảm giác pháp trần là Tưởng thức. ĐỐI TƯỢNG của Thực Tại, tức những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận là sáu loại Cảm giác, bao gồm : Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm và Cảm giác pháp trần thuộc phạm trù Tâm chứ không phải là thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp thuộc phạm trù vật chất như hiểu biết sai của nhân loại. Các Cảm giác này do Căn Trần tiếp xúc mà sanh ra, nên nó Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ). SỰ THẬT là Nhãn thức thấy Cảm giác hình ảnh, chứ không phải Nhãn thức thấy Sắc trần. Nhĩ thức nghe Cảm giác âm thanh, chứ không phải Nhĩ thức nghe Thanh trần, Tỹ thức cảm nhận Cảm giác mùi, chứ không phải Tỷ thức biết Hương trần, Thiệt thức cảm nhận Cảm giác vị, chứ không phải biết Vị trần, Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm, chứ không phải biết Xúc trần, Tưởng thức biết Cảm giác pháp trần, chứ không phải biết Pháp trần. ĐỐI TƯỢNG thực tại mà nhân loại đang sống như to nhỏ, vuông tròn, dài ngắn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, đàn ông đàn bà, nhà cửa cây cối, xe cộ, sum la vạn tượng … được con người Thấy, Nghe, Cảm Nhận là các Cảm giác ( CẢM THỌ ) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh ra chứ không phải là thế giới ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần. Trong trường hợp ngủ say không mộng mỵ, gây mê sâu khi mổ, ngất đi trong một tai nạn thì lúc đó Sáu Căn không hoạt động nên không có XÚC, và vì vậy không có Thực tại, không có ĐỐI TƯỢNG thực tại.

– ĐỐI TƯỢNG CẢM THỌ và TÂM BIẾT PHÁT SINH ĐỒNG THỜI : Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh Sáu Thọ và Sáu Tưởng viết gộp lại như sau : XÚC : <Thọ – Tưởng>. Sáu Tưởng là sáu tâm biết trực tiếp giác quan ( gọi tắt là trực giác ) gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tĩ thức, Thiệt thức, Thân thức và Tưởng thức có phận sự ghi nhận hay nhận biết Sáu Thọ ( tâm lý học gọi là nhận thức cảm tính đối tượng ).

* Tâm biết trực tiếp Tưởng sinh lên rồi diệt đi đồng thời với đối tượng Thọ, không trước không sau, bởi quan sát sự thật thì thấy rõ, XÚC sinh <Thọ – Tưởng> sinh, XÚC diệt <Thọ – Tưởng> diệt. Sự thật này trái ngược với Duy vật ( đối tượng vật chất được biết có trước và tâm biết đối tượng có sau ), cũng trái ngược với Duy tâm ( tâm biết đối tượng có trước và đối tượng vật chất được biết có sau ). Vật lý lượng tử mới đây cũng có một phát hiện mới rất quan trọng phù hợp với sự thật này : Người quan sát ( tâm biết ) và Đối Tượng được quan sát xuất hiện cùng một lúc, không trước không sau.

* Tâm biết gián tiếp Ý thức phát sinh theo lộ trình: XÚC – <Thọ – Tưởng> – Niệm – Tư Duy – <Tư tưởng – Ý thức >.

Hành vi Tư duy xẩy ra với các thông tin do tâm biết Tưởng cung cấp nên phát sinh ra TƯ TƯỞNG và đồng thời phát sinh Ý THỨC biết TƯ TƯỞNG vừa phát sinh. Ý THỨC biết đối tượng và ĐỐI TƯỢNG được biết là Tư Tưởng cũng đồng sinh đồng diệt, không phải như Duy tâm và Duy vật quan niệm. Tâm biết Ý thức do tư duy, suy luận nên là tâm biết gián tiếp dựa vào các thông tin đã lưu giữ từ quá khứ trong kho chứa thông tin, nhưng các thông tin đã được lưu giữ đó lại là các THÔNG TIN VỀ CẢM THỌ chứ không phải THÔNG TIN VỀ THẾ GIỚI, nên hiểu biết Ý thức của con người là biết về CẢM THỌ, KHÔNG PHẢI BIẾT về Thế Giới Vật Chất hay Thế Giới Tâm Linh. Nhưng nhân loại với quan điểm Duy tâm và Duy vật đều áp đặt cho là biết về Thế Giới.Nếu Tư duy, suy luận hợp lý dựa trên kinh nghiệm về Cảm thọ thì có thể kết luận là có Thế Giới.Còn Thế Giới là cái gì, ra sao thì tâm biết Ý thức không thể biết tường tận được. Ví như, dựa trên Cảm giác hình ảnh mà Nhãn thức thấy, có thể Suy luận hợp lý là các Sắc trần đang tương tác theo quy luật : Hai nhân tương tác nhau rồi cùng diệt mà phát sinh quả, nên Sắc trần Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ). Đó là GIỚI HẠN của hiểu biết nhân loại về Thế giới vật chất, về Sắc pháp. Chính vì vậy mà một số nhà khoa học xuất sắc lỗi lạc đã công nhận sự thật : Cho đến nay, một điều chắc chắn là, nhân loại chúng ta không biết vật chất là cái gì. Vì vậy, hiểu biết hiện nay của nhân loại về Thế Giới Vật Chất và Thế Giới Tâm Linh là do SUY DIỄN, TƯỞNG TƯỢNG, không phải là hiểu biết đúng sự thật.

4 – KẾT LUẬN :

Nội dung giác ngộ của Đức Phật là : “Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ” là cách diễn nói khác của Tứ Thánh Đế. Cách diễn đạt khác như vậy toát lên : Sự thật Khổ, Sự thật Nguyên nhân Khổ, Sự thật Chấm dứt Khổ, Sự thật Con đường Chấm dứt Khổ đều thuộc về NỘI TÂM chứ không thuộc Thế giới vật chất hoặc Thế giới tâm linh như hiểu biết mê lầm Duy tâm hoặc Duy vật của nhân loại.

Ngài lại còn tuyên bố : “Ta tuyên bố, thế gian, nguồn gốc thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường chấm dứt thế gian đều nằm nơi tấm thân dài hơn thước mấy có Tưởng và Thức này”. Thế gian chứ không phải Thế giới, là thực tại của phàm phu có Khổ và Nguyên nhân Khổ. Chấm dứt thế gian là chấm dứt thực tại phàm phu khi thể nhập Thực tại Xuất thế gian của bậc Thánh có Khổ diệt và Con đường Khổ diệt.

Vì vậy, tu tập để chứng ngộ Tứ Thánh Đế là tu tập nơi thân này, TUỆ TRI SÁU XÚC XỨ nơi thân này chứ không cần phải tu tập nơi hang sâu núi thẳm, khám phá cấu trúc vũ trụ hay thể nhập Tánh thấy, Tánh nghe hay một cảnh giới tâm linh không sinh không diệt nào đó.

 

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *