Sống với chính mình? – Bát Chánh đạo

Sống với chính mình, sống trọn vẹn với chính mình, quay trở về để sống với chính mình, phải là chính mình vv … là quan điểm của rất nhiều người, là suy tư của những người đang băn khoăn về đời sống. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của đa số, đặc biệt là giới trẻ đang băn khoăn trước nhiều đa đoan của cuộc sống.

Những nhận thức, những tư tưởng này xuất phát từ nhận xét cuộc sống con người càng ngày càng hướng ngoại nên đánh mất mình, quyên mất mình mà triết học gọi là tình trạng vong ngã, nên mất phương hướng, bị lôi kéo vào chỗ này chỗ kia, bị phiền muộn, bị đau khổ bủa vây. Vì vậy, phải quay trở lại sống với CHÍNH MÌNH ( hướng nội ), phải là CHÍNH MÌNH, sống thật với CHÍNH MÌNH để được TỰ DO LÀM NHỮNG GÌ MÌNH MUỐN. Chỉ có như vậy, trở về sống với Chính Mình mới tự do tự tại, mới Hạnh phúc, mới vĩnh viễn chấm dứt Khổ đau.

Nhưng có thực sự là con người đang quyên mình, đánh mất mình nên phải quay lại sống với chính mình không? Sự thật không phải như vậy.

Sự thật là con người trong từng giây phút một, liên tục không ngừng nghỉ suốt cả ngày đêm ( trừ lúc ngủ say ) đang sống với chính mình, đang sống cho mình. Đó là đang sống với cái TÔI, cái TA mà tiếng Tàu gọi là NGÃ. Cái TA, cái NGÃ đó là chủ nhân, chủ sở hữu của thân tâm, của lời nói hành động, của tài sản vv…. Cái TA đó chính là CHÍNH MÌNH, được quan niệm là một thực thể liên tục ngày đêm suy nghĩ sắp đặt công việc, điều khiển công việc, lo lắng cho gia đình, con cái, tài sản ( của TA, của MÌNH )vv…. Không có giây phút nào mà con người không sống cho CHÍNH MÌNH, cho cái TA đó, nên: Hễ người nào, sự việc nào vừa ý TA, ca ngợi TA thì yêu thương, thích thú, kính trọng, hạnh phúc; Hễ người nào, sự việc nào trái ý TA thì ghét bỏ, chán ghét, bực tức, giận dữ, đau khổ. Những cái đó tự động khởi lên tức thì, không chọn lựa , là biểu hiện con người không bao giờ, không phút giây nào quyên mất TA, quyên mất CHÍNH MÌNH.

Cái TA hay NGÃ ( Bản ngã ) đó lại cái gì ? Cái TA hay BẢN NGÃ đó, thực chất không hề tồn tại, mà là cái không có thực, là cái TA ẢO TƯỞNG hay BẢN NGÃ ẢO TƯỞNG do tư tưởng Vô minh chấp ngã tạo dựng lên. Nhân loại đang sống với cái TA ẢO TƯỞNG hay BẢN NGÃ ẢO TƯỞNG nhưng lại cho rằng nó có thật. Đó chính là TƯ TƯỞNG LÀM CHỦ, TƯ TƯỞNG SỞ HỮU, đồng nghĩa với cái TA là Chủ nhân chủ sở hữu. Đây chính là Tư tưởng hay Nhận thức, hay là Hiểu biết trên lộ trình tâm Bát tà đạo do Tư duy khởi lên khi Tư duy xẩy ra với hệ quy chiếu Vô minh chấp ngã.

Tư duy trở về sống với chính mình, sống trọn vẹn với chính mình, hãy là chính mình để có thể tự do làm những gì mình muốn vẫn là tư duy xẩy ra trên hệ quy chiếu Vô minh chấp ngã, vẫn quanh quẩn bên trong tấm lưới tà kiến Vô minh chấp ngã, không thoát ra khỏi sự trói buộc của hiểu biết tà kiến vô minh chấp ngã. Đây được ví như trên đầu lại mọc thêm một cái đầu, vô cùng quái dị. Nghĩa là từ “cái đầu vô minh chấp ngã” lại mọc lên một cái đầu”vô minh chấp ngã” nữa.

Đức Phật là người độc nhất trong lịch sử nhân loại khám phá ra sự thật : Tất cả sự vật hiện tượng vật chất và tinh thần đều VÔ CHỦ SỞ HỮU, đồng nghĩa là không có cái TA, BẢN NGÃ là chủ nhân sở hữu các pháp, nghĩa là VÔ NGÃ. VÔ NGÃ nghĩa là VẨN CÓ ông A, bà B, có đàn ông đàn bà, có cây cối xe cộ, có lời nói việc làm, có ăn uống tắm giặt … nhưng không có bất kỳ cái gì , không có cái TA, BẢN NGÃ nào, là chủ nhân sở hữu, điều khiển, phát sinh các sự vật hiện tượng đó. Các sự vật hiện tượng đó phát sinh theo định luật Duyên Khởi ( quy luật Nhân Quả ) nên nó Vô thường, Vô chủ sở hữu ( Vô ngã).

Khi tu tập Tứ niệm xứ khởi lên lộ trình tâm Bát chánh đạo an trú Tỉnh giác và Chánh kiến sẽ không có tư tưởng tà kiến vô minh chấp ngã nên lúc đó sống với tư tưởng vô chủ sở hữu hay vô ngã. Lúc đó không hề có cái TA, BẢN NGÃ thì không sống với TA, với CHÍNH MÌNH nên không còn thích thú yêu thương, hạnh phúc với đối tượng vừa ý TA, không còn chán ghét, ghét bỏ, tức tối giận dữ khổ đau với đối tượng trái ý Ta. Lúc đó sống với tư tưởng VÔ NGÃ, tư tưởng Chánh Kiến, không có Ta, không có Mình nào cả. Lúc đó mới là tự do tự tại, thênh thang, giải thoát, mới thoát khỏi trói buộc, giam hãm trong tấm lưới tà kiến vô minh chấp ngã.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (29.10.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *