Có phải Tu để tìm lỗi mình không tìm lỗi người?

Nhiều và rất nhiều người có nhận thức rằng, cho rằng người tu học Phật giáo là để đi tìm lỗi mình mà không đi tìm lỗi người, chỉ nói lỗi mình mà không nói lỗi người. Nhận thức đó là đúng hay sai với chân nghĩa của Phật?

Nhận thức đó, hiểu biết đó do tư duy khởi lên với hệ quy chiếu Vô minh chấp ngã làm phát sinh hiểu biết : có một cái Ta mà tiếng Tàu gọi là Bản ngã là chủ nhân, chủ sở hữu của thân tâm, của lời nói, hành động, của nhà cửa, xe cộ, tài sản … Đồng thời cũng đối chiếu cái Ta, Bản Ngã ấy với những đối tượng “Không Phải Ta” để khẳng định Ta hơn, Ta kém, hay Ta bằng đối tượng.

Với tâm biết ý thức như vậy, gọi là nhị nguyên Tâm Vật hay Chủ thể ( Bản ngã ) Đối tượng ( Thế giới ) thì sẽ hiểu biết Nguyên nhân của Hạnh phúc và Khổ đau là từ Thế giới bên ngoài mà đến với Ta (Chủ thể). Vì thế mà sẽ phát sinh hành vi Yêu Thích ( tham ) những đối tượng mang đến Hạnh phúc cho Ta, Chán Ghét ( sân ) những đối tượng mang đến đau khổ cho Ta. Đặc biệt là khi cảm nhận đau khổ thì tức tối giận dữ, oán trời trách đất, đỗ lỗi cho người này, người kia, cho đối tượng này, đối tượng kia vì cho rằng những đối tượng đó làm cho Ta khổ.

Chính vì cái hiểu biết nhị nguyên Tâm Vật dựa trên nền tảng Vô minh chấp ngã làm phát sinh thái độ yêu ghét đã được lập trình và cài đặt vào bộ nhớ tâm thức nên khi Sáu Căn tương tác Sáu Trần thì nó tự động khởi lên như vậy. Khi học Phật được nghe giảng, khi Sân khởi lên thì Khổ khởi lên họ liền đi đến nhận xét: Sân khởi lên là do nhìn lỗi người khác, do nói lỗi người khác. Chính vì nhận xét đó mà họ chủ trương: Tu là phải thấy lỗi mình, nói lỗi mình mà không thấy lỗi người, nói lỗi người nữa.

Chủ trương này đối lập với lối sống thấy lỗi người không thấy lỗi mình nhưng vẫn là hiểu biết phát sinh trên nền tảng Vô minh chấp ngã, vẫn là thấy biết dựa trên sự so sánh Ta (Bản ngã, Mình) với đối tượng, vẫn là cái cặp : Ta và Người (khác Ta) cũng như cái cặp: Vô ngã Vị tha, đều được gọi là hai cực đoan của cùng một loại tư tưởng Vô minh chấp ngã, nghĩa là quá khứ thì sống vì Ta không vì Người ( Vị kỷ không Vị tha; thấy lỗi người không thấy lỗi mình ) bây giờ chủ trương Vì người không vì Ta hay nói tắt là Vô ngã Vị tha ( Vị tha không Vị kỷ; thấy lỗi mình không thấy lỗi người ).

Hiểu biết như thế nào sẽ chủ trương sống như vậy nên thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình hay thấy lỗi mình mà không thấy lỗi người là hai cực đoan của cùng một tư tưởng Vô minh chấp ngã. Người sống với tư tưởng Vô minh chấp ngã không cực đoạn là khi thì họ thấy cái này là lỗi mình, cái kia là lỗi người, không cực đoan như hai thái cực trên. Nhưng cho dù cực đoan hay không cực đoan thì họ vẫn sống trong tư tưởng Vô minh chấp ngã của lộ trình tâm Bát tà đạo, có vùng vẩy thế nào cũng không thoát ra khỏi tấm lưới tà kiến Vô minh chấp ngã.

Để thoát ra khỏi tấm lưới tà kiến Vô minh chấp ngã phải có Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ về Tứ Thánh Đế. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ khởi lên Bát chánh đạo sẽ an trú tâm biết Tỉnh giác và Chánh Kiến, lúc đó sẽ nhận thức, sẽ Tuê tri Vô ngã, nghĩa là không có Ta ( Bản ngã ), không còn tư tưởng Vô minh chấp ngã, không còn thấy có Ta, có Người ( khác ), kinh nghiệm không có mặt cả Hạnh phúc cả Khổ đau nên cũng không có Nguyên nhân phát sinh Hạnh phúc cũng như Khổ đau. Lúc đó chắc chắn rằng không có lỗi nào nữa để phát sinh Khổ đau nên chắc chắn KHÔNG THÂY LỖI MÌNH CŨNG KHÔNG THẤY LỖI NGƯỜI. Không thấy mình thấy người (vô ngã) thì sẽ không thấy lỗi mình, lỗi người, không nói lỗi minh lỗi người chính là thấy biết như thật trên lộ trình tâm Bát chánh đạo.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (27.10.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *