Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng chỉ có một mục đích duy nhất là NHẤT HƯỚNG NHÀM CHÁN, LY THAM, ĐOẠN DIỆT, AN TỊNH, THẮNG TRÍ, GIÁC NGỘ, NIẾT BÀN. Vậy pháp nào không Nhất Hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn thì pháp ấy không phải là pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng. Trong Giáo Pháp này, Đức Thế Tôn thuyết giảng để cho người trí Nhàm chán, Ly tham, Đoạn diệt THỰC TẠI THẾ GIAN và hướng đến an trú An tịnh, Thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn tức an trú THỰC TẠI XUẤT THẾ GIAN.
A – NHẤT HƯỚNG Nhàm chán, Ly tham, Đoạn diệt THỰC TẠI THẾ GIAN :
Nhàm chán là từ ngữ mà cố Hoà Thượng Minh Châu đã dùng khi phiên dịch kinh điển, để chỉ cho thái độ của Phàm phu khi đối diện một đối tượng không dễ chịu cũng không khó chịu tức không thích cũng không ghét ( dễ chịu thì thích, khó chịu thì ghét ). Ví như thường xuyên nhìn thấy hình ảnh đó, thường xuyên nghe âm thanh đó, thường xuyên ăn món ăn đó thì sẽ trở nên NHÀM, dửng dưng với các đối tượng đó. Dùng mỗi chữ Nhàm là chính xác nhưng chắc đọc lên rất cộc lốc nên Ngài đã dùng từ Nhàm Chán, nhưng từ Nhàm Chán cũng làm cho một số người hiểu lầm, cho rằng đó là Chán nản, Chán ghét, đồng nghĩa với Sân nên có một số chỗ Ngài dùng từ Yểm ly, Ly tham, Đoạn diệt. Vậy tại sao lại phải Nhàm chán, Ly tham, Đoạn diệt Thực tại Thế gian ? Để trả lời được câu hỏi đó, phải có HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT BẢN CHẤT CỦA THỰC TẠI THẾ GIAN thì lúc đó sẽ tự động Nhàm chán, Ly tham Thế gian và tu tập để Đoạn diệt Thế gian.
Thực tại Thế gian là những gì đang xẩy ra trong đời sống nhân loại gọi tắt là THẾ GIAN và nó KHÔNG PHẢI LÀ THẾ GIỚI mà THẾ GIAN phát sinh do TƯƠNG TÁC GIỮA CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI, cụ thể là do tiếp xúc, tương tác giữa Sáu Căn ( Con người ) và Sáu Trần ( Thế giới ). Thực tại Thế gian ấy được Đức Phật mô tả một cách tóm lược theo lộ trình nhân quả : Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não mà nếu mô tả tỉ mỷ hơn thì đó là lộ trình Bát Tà Đạo : Xúc – ( Thọ – Tưởng ) – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não. Thực tại Thế gian ấy được tạo nên do VÔ MINH CHẤP NGÃ VÀ THAM ÁI, và đặc tính nổi bật của nó là VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, KHỔ, BẤT TỊNH.
1 – VÔ THƯỜNG : Tất cả các pháp trong thực tại thế gian đều do hai nhân là Căn Trần tương tác mà phát sinh cũng do tương tác mà diệt nên nó sinh lên rồi diệt đi, vô thường, không sẵn có, không thường hằng, không thường trú đâu cả.
2 – VÔ NGÃ : Vì do hai nhân Căn Trần tương tác mà phát sinh nên các pháp vô chủ, vô sở hữu nghĩa là không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển được nó. Điều này khẳng định không có một Bản Ngã, một cái Ta không sinh không diệt là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển các pháp, nghĩa là Vô ngã. Vô ngã cũng có nghĩa là không có một ai thay đổi được thế gian cho nó tốt đẹp hơn, cho con người hết khổ, vì thế gian vô ngã, vận hành theo quy luật của Vô minh và tham ái.
3 – KHỔ : Con người thế gian, dù già trẻ, gái trai, giàu nghèo, ngu trí, sắc tộc tôn giáo nào cho dù là kẻ thống trị hay bị trị, là tỷ phú đô la hay xin ăn ngoài chợ, tất tần tật đều đang khổ. Đây là sự thật phổ quát cho toàn thể nhân loại chỉ ngoại trừ các bậc thánh Phật giáo. Cái khổ đó phát sinh trong 7 trường hợp ai ai cũng có mà Đức Phật đã chỉ rõ : Sanh, già, bệnh, chết, cầu mong mà không được, chán ghét mà phải gặp, yêu thương mà phải biệt ly. Khổ này phát sinh do chấp thủ Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là của ta, là ta, là tự ngã của ta ( Năm thủ uẩn là khổ ) nên nó thuộc phạm trù Tâm chứ không phải Cảnh, nó là Cảm giác nên cũng vô thường, vô ngã. Kẻ Phàm phu dù tài giỏi đến đâu, vĩ đại đến đâu cũng không thoát khỏi khổ, chỉ quanh quẩn nơi khổ trong cuộc luân hồi sinh tử vô cùng tận, không có hồi kết.
4 – BẤT TỊNH : Cuộc sống thế gian không phải chỉ có khổ là duy nhất mà còn có Niềm vui, Hạnh phúc. Niềm vui, Hạnh phúc đó do Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái, Pháp trần mỹ diệu khởi lên mà thuật ngữ Phật học gọi là DỤC LẠC. Kẻ Phàm phu không hiểu biết đúng như thật bản chất của Dục lạc thế gian vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn mà xem nó là kỳ diệu, cao thượng, hấp dẫn, mầu nhiệm, cho rằng có nó là chấm dứt khổ hoàn toàn nên tham ái, khao khát tìm cầu Dục lạc chỗ này chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái. Vì vậy mà con người tranh đoạt, tranh cướp, giành giật lẫn nhau, tàn sát, tàn hại nhau. Vì Dục lạc mà có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi, có vô số các ác, bất thiện pháp khởi sinh. Vì Dục lạc, mà có chà đạp, áp bức bất công, khai thác cạn kiệt, tàn phá huỷ hoại môi trường, đầu độc lẩn nhau, chiến tranh tàn khốc. Vì Dục lạc mà phát sinh mọi nỗi thống khổ trên thế gian, vì Dục lạc mà các cô hoa hậu bán dâm, vì Dục lạc mà có những đứa con trai giao cấu với mẹ đẻ của mình, có những đàn ông hiếp dâm đứa con gái của mình mới có 6 tuổi … Niềm vui, Hạnh phúc, Lạc thú thế gian mà kẻ Phàm phu mê đắm là nguyên nhân phát sinh mọi nỗi thống khổ của nhân loại nên nó là PHÀM PHU LẠC, Ô UẾ LẠC, BẤT TỊNH LẠC. Đa phần người học Phật hiểu nghĩa bất tịnh là chỉ cho THÂN THỂ BẤT TỊNH, đáng ghê tởm nhưng không hiểu được sự thật, nghĩa bất tịnh cần phải hiểu đúng như thật là NIỀM VUI, HẠNH PHÚC, LẠC THÚ THẾ GIAN LÀ BẤT TỊNH. Ngồi tưởng tượng ra thân thể gồm thứ nọ, thứ kia thảy đều bất tịnh, đáng ghê tởm thì bất tịnh đó là do TƯỞNG TƯỢNG RA, không phải sự thật, còn quan sát sự thật để thấy biết như thật Niềm vui, Hạnh phúc, Lạc thú thế gian bất tịnh là TRÍ TUỆ. Khi không còn ngồi tưởng tượng ra thân bất tịnh thì tham ái Hạnh phúc vẩn tiếp tục vận hành nhưng TRÍ TUỆ thấy biết như thật DỤC LẠC THẾ GIAN BẤT TỊNH thì sẽ đưa đến Nhàm chán, Ly tham.
Người có trí sau khi nghe và tư duy ( Văn và Tư ) về sự thật thế gian, có được TRÍ TUỆ hiểu biết đúng như thật về thế gian VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ, BẤT TỊNH, cũng có nghĩa là Thấy Biết Như Thật Khổ ( Khổ Đế ), Thấy Biết Như Thật Nguyên Nhân Khổ ( Tập Đế ) thì thấy biết như thật mình và mọi người trên thế gian đang thích thú, khao khát tìm cầu Niềm vui, Hạnh phúc, lạc thú, tìm cầu cái thứ bất tịnh để rồi CHỈ ĐỔI CÁI KHỔ NÀY LẤY CÁI KHỔ KHÁC mà thôi, để rồi mãi mãi trôi lăn trong sinh tử luân hồi bất tận với Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não. Có được trí tuệ như vậy thì người trí sẽ LÔNG TÓC DỰNG NGƯỢC và sẽ Nhàm chán, Ly tham, hướng đến tu tập Đoạn diệt thế gian. Xuyên suốt các bộ kinh Nikaya, Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện thuyết giảng nhằm chỉ rõ cho đệ tử, các Dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn để đệ tử nhất hướng nhàm chán ly tham, đoạn diệt thế gian. Ngài đã ví Dục như khúc xương không, như miếng thịt sống, như bó đuốc rơm đi ngược gió, như cây sai trái, như hố than hừng, như đầu rắn hổ mang, như giấc mộng …
Nhiều người học Phật bị Vô minh che đậy, bị Tham ái điều khiển, họ không như lý tác ý đến Khổ Đế và Tập Đế nên không thấy được thế gian là Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh, đặc biệt là Hạnh phúc là bất tịnh nên họ vẩn khao khát tìm kiếm Hạnh phúc để thoát khổ, tuy rằng họ quan niệm đó là thứ hạnh phúc tinh thần thanh cao, chân thật, vĩnh cửu chứ không phải thứ hạnh phúc vật chất thấp hèn tạm bợ. Vì thế, họ không nhàm chán, ly tham thế gian mà vẩn say đắm cuộc đời thế gian, muốn làm đẹp cho thế gian, muốn biến thế gian ta bà đau khổ thành chốn tịnh độ thần tiên. Họ không thấy bị sinh ra mà thấy may mắn được sinh ra làm người để tận hưởng niềm vui, hạnh phúc tinh thần thanh cao bởi thế gian mầu nhiệm khôn cùng, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc mà con người vì mải mê với quá khứ, mải mê với tương lai mà quyên đi giây phút hiện tại mầu nhiệm chứa chan hạnh phúc. Những người xuất gia từ bé cho dù được vị thầy nghiêm khắc giáo dưỡng, trông chừng và được hàng rào Giới Luật ngăn chặn không cho tiếp xúc với Dục lạc thế gian, nhưng vì chưa thọ hưởng nó, chưa biết được vị ngọt cũng như vị đắng cay của nó gây ra, nên ảo tưởng về nó, tâm vẩn bị lôi cuốn vào vẻ đẹp quyến rũ mê hồn của nó. Vì thế, Dục lạc là bất tịnh chỉ là lý thuyết suông, không thuyết phục được họ, không làm họ nhàm chán. Vì vậy, Giới Luật có tính ngăn chặn lậu hoặc nhưng không phải là yếu tố đưa đến nhàm chán ly tham mà chỉ có Trí Tuệ, thấy biết như thật Dục lạc là bất tịnh mới nhàm chán ly tham. Giống như một người thấy một cái bao đen bóng đẹp, buộc chặt để ở vệ đường thì nghĩ rằng xe nào chạy đánh rơi, chắc có cái gì quý giá trong đó chăng. Suy tưởng ra những vật quý giá trong đó rồi phân vân, lưỡng lự nhưng rồi quyết định mở nó ra và khi thấy trong đó là rác bẩn, hôi hám bị vất bỏ thì mới bỏ đi không ngoái đầu trở lại.
B – NHẤT HƯỚNG đến An tịnh, Thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn :
Đối với thế gian đa phần nhân loại xem cuộc đời có hạnh phúc kỳ diệu nên lạc quan say đắm cuộc đời, cũng có một ít bị bệnh trầm cảm nên bi quan, chán nản, chán ghét cuộc đời và tìm cách tự sát. Trái ngược với cả hai loại người đó, người trí có Văn Tuệ và Tư Tuệ, thấy biết như thật khổ và nguyên nhân khổ thì nhàm chán, ly tham nghĩa là dửng dưng, không còn tha thiết với cuộc đời nhưng cũng không chán ghét, tìm cách tự sát. Vì sao vậy ? Vì người trí còn được Nghe và Tư duy về Sự chấm dứt Khổ ( Diệt đế ) và Con đường chấm dứt Khổ ( Đạo đế ) thì biết còn có một thực tại khác, THỰC TẠI XUẤT THẾ GIAN có An tịnh, Thắng trí, Giác ngộ, Niết bàn. Thực tại Xuất thế cũng do CON NGƯỜI ( Sáu Căn ) tương tác với THẾ GIỚI ( Sáu Trần ) mà phát sinh nhưng nó vận hành bởi Trí Tuệ ( Minh ) liễu tri tất cả pháp. Thực tại Xuất thế có thể diển tả sơ lược là : Xúc – Thọ – Không – Vô Tướng – Vô Tác và tỷ mỷ là Bát Chánh Đạo : Xúc – ( Thọ – Tưởng ) – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Như lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Thực tại Xuất thế có các đặc tánh : VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, KHỔ DIỆT, THANH TỊNH.
1- VÔ THƯỜNG : Trong thực tại Xuất thế, các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức cũng đều do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh nên các pháp cũng đều Vô thường.
2 – VÔ NGÃ : các pháp của Thực tại Xuất thế cũng Vô chủ, Vô sở hữu hay Vô ngã.
3 – KHỔ DIỆT – NIẾT BÀN : Trong thực tại Xuất thế không có khổ, vắng mặt khổ, gọi là Khổ Diệt hay thuật ngữ tiếng Phạn gọi là NIẾT BÀN. Tuỳ theo mức độ thấu đạt Bát Chánh Đạo mà các bậc thánh hữu học và vô học sẽ Tuệ tri ( Biết rõ ) Niết bàn khác nhau. Bậc Nhập Lưu tuệ tri ( biết rõ ) Niết bàn là sự vắng mặt, sự đoạn tận phiền não do Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ khởi lên ( nghĩa là bậc Nhập lưu không còn Phiền não do Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ gây ra ). Bậc Nhất lai tuệ tri ( biết rõ ) Niết bàn là sự vắng mặt, sự đoạn tận phiền não do thân kiến, nghi, giới cấm thủ và phiền não do tham và sân với Duc lạc bị muội lược đi ( phần tham sân đã được giảm đi ). Bậc Bất lai tuệ tri (biết rõ ) Niết bàn là sự vắng mặt, sự đoạn tận phiền não do thân kiến, nghi, giới cấm thủ và tham sân đối với Dục lạc ( đoạn tận Dục ái ). Bậc A La Hán tuệ tri Niết bàn là sự vắng mặt, sự đoạn tận phiền não do 10 kiết sử gây nên gồm thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân, si, mạn, vô minh, hữu ái ( sắc tham ), phi hữu ái ( vô sắc tham ). Đây gọi là NIẾT BÀN HỮU DƯ, nghĩa là Khổ Diệt nhưng vẩn còn Dư Sót, chưa chấm dứt tuyệt đối, kể cả vị A La Hán, khổ phát sinh nơi nội tâm đã đoạn tận nhưng vẩn còn các khổ thọ trên thân do Thân Căn tiếp xúc với Xúc Trần phát sinh như bệnh tật, quá nóng quá lạnh… Riêng đối vị A La Hán không những vị đó Tuệ tri NIẾT BÀN HỮU DƯ mà vị đó còn Tuệ tri NIẾT BÀN VÔ DƯ nghĩa là vị đó biết rõ, khi nhập diệt thì KHỔ CÒN DƯ SÓT bị đoạn diệt hoàn toàn. Đó là NIẾT BÀN VÔ DƯ.
4 – THANH TỊNH : Đối với Thực tại Xuất thế chính là Bát Chánh Đạo, không có Tham ái nên không còn phát sinh Niềm vui, Hạnh phúc ( Dục lạc ) do Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái, Pháp trần mỹ diệu khởi lên, không còn Phàm phu lạc, ô uế lạc, bất tịnh lạc, nhưng Thực tại Xuất thế có Chánh Định với Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền nên sẽ có hỷ lạc của sơ thiền do ly dục sanh, hỷ lạc của nhị thiền do định sanh, lạc của tam thiền do xả sanh, hiện tại lạc trú của tứ thiền. Đây chính là Lạc vô hại không còn vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn và đó là LẠC THANH TỊNH, là THÁNH LẠC, CHÁNH GIÁC LẠC, AN TỊNH LẠC. Nghĩa thanh tịnh không phải là thân bậc thánh thanh tịnh, thân phàm phu bất tịnh mà là LẠC DO CHÁNH ĐỊNH KHỞI LÊN LÀ THANH TỊNH.
KẾT LUẬN : Để Tuệ Tri Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng chỉ có Nhất Hướng nhàm chán , ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn phải Văn và Tư để Tuệ Tri được Thực Tại Thế Gian có VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ, BẤT TỊNH và Thực tại Xuất Thế Gian có VÔ THƯỜNG, KHỔ DIỆT, VÔ NGÃ, THANH TỊNH.