CHÁNH KIẾN DẪN ĐẦU – Bát Chánh đạo

Trong quan niệm của người tu Phật theo Phật Giáo Nam tông là phải thực hành tuần tự : Bố thí, Trì giới, Tham thiền … nhưng ít khi người tu được giảng dạy, được nhắc nhở, được sách tấn rằng phải thực hành các pháp đó với Chánh Kiến. Vì sao vậy ? Vì chưa có Trạch Pháp để phân biệt rõ ràng có hai cách thực hành các pháp đó. Một là thực hành bố trí, trì giới, tham thiền với Tà Kiến, Vô Minh. Hai là thực hành bố thí, trì giới, tham thiền với Chánh Kiến, Minh, Trí Tuệ. Nếu không phân biệt minh bạch hai loại thực hành với Chánh Kiến và Tà Kiến thì sự thực hành đó rất mệt nhọc nhưng vô ích, chẳng có thể thành tựu mục đích thực hành Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng, không thể đoạn tận khổ đau, không thể đoạn tận sinh tử luân hồi. Ví như bố thí có hai cách :
– Một là, bố thí với tâm mong cầu phước báo, bố thí với tâm trói buộc vào kết quả, bô trí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ : “Ta sẽ thọ hưởng cái này trong đời sau”. Với tâm như vậy, vị ấy bố thí cho các Sa môn, Bà la môn đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ,hương thơm, hương liệu, giường nằm, các trú xứ đèn đuốc … Bố thí như vậy là Tà Kiến, phát xuất từ động cơ Tham Ái.
– Hai là, bố thí với tâm không cầu mong phước báo, bố thí với tâm không trói buộc vào kết quả, bố thí với tâm không mong cầu chất chứa, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ thọ hưởng cái này trong đời sau, bố thí không với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”, bố thí không với ý nghĩ “cái này đã được cho trong đời quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình bị bỏ quên”, bố thí không với ý nghĩ “ta là người có ăn, các người này không có ăn, ta không xứng đáng là người có ăn, lại không bố thí cho người không có ăn”, bố thí không với ý nghĩ “do ta bố thí vật này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên”. Nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm ( để đoạn trừ tham sân si ). Với tâm như vậy, vị ấy bố thí cho các Sa môn, Bà la môn đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc … Bố thí như vậy là Chánh Kiến, không có Tham Sân Si.
Đối với các pháp khác như trì giới, tham thiền … cũng phải học hỏi, tư duy để phân biệt Chánh Kiến và Tà Kiến để đoạn trừ Tà Kiến. Vì vậy, Chánh Kiến dẫn đầu là vậy, và Chánh Kiến đi đầu này chính là Văn Tuệ và Tư Tuệ vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *