NGƯỜI CÓ TRÍ TRÚ GIỚI ( NIỆM ĐỊNH TUỆ HAY GIỚI ĐỊNH TUỆ ) - Gosinga

NGƯỜI CÓ TRÍ TRÚ GIỚI ( NIỆM ĐỊNH TUỆ HAY GIỚI ĐỊNH TUỆ )

NGƯỜI CÓ TRÍ TRÚ GIỚI ( NIỆM ĐỊNH TUỆ HAY GIỚI ĐỊNH TUỆ )
Trí ở đây được hiểu là từ gọi tắt của Trí Tuệ, đồng nghĩa với Minh, đồng nghĩa với Chánh Kiến, là HIỂU BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT các sự vật hiện tượng ( các pháp ), còn gọi là LIỄU TRI các pháp, đặc biệt là Khổ với 4 khía cạnh : Sự thật Khổ, Sự thật tập khởi Khổ, Sự thật Khổ Diệt, Sự thật Con Đường Khổ Diệt. Trí Tuệ có 3 cấp độ : Trí tuệ đạt được do Nghe, Đọc gọi là Văn Tuệ, Trí Tuệ đạt được do Tư Duy về điều đã nghe, đọc gọi là Tư Tuệ, Trí Tuệ đạt được do thực hành Bát Chánh Đạo gọi là Tu Tuệ. Tuy có 3 loại Tuệ như vậy nhưng nội dung của ba loại Tuệ thì giống nhau.
Giới gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, là 3 chi phần phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, là Hệ Quả, là Kết Quả của 5 chi phần Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định, Chánh tư duy, Chánh kiến theo quy luật Duyên Khởi ( Nhân Quả ). Giới gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là sản phẩm do Trí Tuệ mà phát sinh, không còn Tham Sân Si chi phối, không còn tạo nghiệp thiện ác ( vô tác ), nên còn được gọi là VÔ TÁC GIẢI THOÁT, là một trong ba giải thoát gồm : Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát. Trong PHÁP VÀ LUẬT của Như Lai thì Giới thuộc về PHÁP, thuộc về Bát Chánh Đạo, không bị chi phối bởi thời gian nên khi Đức Phật còn tại thế ra sao thì ngày nay hay mãi mãi về sau vẫn vậy, không thay đổi.
Luật gồm những điều luật mà Đức Phật đã chế định gồm hơn 200 điều luật cho Tỷ kheo và trên 300 điều luật cho Tỷ kheo ny. Luật là những quy định, những chế tài bắt buộc mọi thành viên trong Tăng đoàn phải tuân thủ, là yếu tố quyết định sự tồn vong của một tổ chức, một tôn giáo, giống như Luật pháp quyết định sự tồn vong, sự ổn định của một đất nước. Mỗi điều luật được Đức Phật chế định KHI VÀ CHỈ KHI xuất hiện một tệ nạn, một việc làm xấu ác nhằm mục đích ngăn chặn nó trong tương lai, nhằm quy định cách hành xử trong lối sống Tăng đoàn, nhằm đảm bảo cuộc sống an ổn, không bị kích động, không bị phá rối cho các Tỷ kheo hiền thiện có điều kiện tu tập. Điều này giống như Luật pháp của một đất nước, khi một loại tội phạm mới xuất hiện thì Quốc hội mới ra quyết nghị một điều luật mới để ngăn chặn và chế tài loại tội phạm đó, để đời sống người dân được ổn định. Luật là pháp được chế định, nên nó linh động, thay đổi, có thêm có bớt để phù hợp với Thời Gian và Địa Điểm như thời còn tại thế Đức Phật đã rất linh động. Ví như theo Luật chỉ cấm uống rượi, không có điều luật cấm hút thuốc, không có điều luật cấm sử dụng ma tuý vì lúc đó các tệ nạn này chưa xẩy ra, đương nhiên ngày nay phải bổ sung vào. Điều luật không thọ nhận vàng bạc chứ không có điều luật không thọ nhận tiền bạc vì lúc đó chưa có tiền giấy ra đời và nếu diễn dịch không thọ nhận vàng bạc đồng nghĩa không thọ nhận tiền bạc và cứng nhắc áp dụng vào hiện tại thì không còn phù hợp. Bởi thời Phật tại thế con người chủ yếu là đi bộ hoặc các phương tiện giao thông với vận tốc nhỏ không khá hơn đi bộ là bao nên không cần thọ nhận tiền bạc. Ngày này, chư Tăng cũng có nhu cầu đi xe lửa, máy bay theo nhu cầu thời đại để rút ngắn thời gian di chuyển, nếu không mang theo tiền bạc để sử dụng thì đi đâu cũng phải kèm theo một đệ tử tại gia làm thị giả, làm kapija mang tiền bạc mua vé, chi tiêu hộ thì nhiêu khê, ràng buộc, phiền toái hơn cả tại gia, chứ đâu có thể tu giải thoát. Chính vì Luật phải linh động như vậy mà trước khi nhập diệt Đức Phật đã căn dặn, chư Tăng có thể bỏ đi một số điều luật không quan trọng, không phù hợp ( với thời gian địa điểm áp dụng ).
Phải phân biệt rõ GIỚI VÀ LUẬT. Giới có tính chất Giải thoát ( Vô tác giải thoát ) còn Luật có tính chất Trói buộc. Tuy nhiên khi một người có Giới đầy đủ, sáng chói, không sứt mẻ, không rách nát, không bể vụn, họ sẽ không vi phạm một điều luật nào đã chế định nên Luật không trói buộc họ, nhưng với người có Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng thì Giới bị sứt mẻ, bị rách rát, bị bẻ vụn, bị đoạn diệt thì Luật sẽ chế tài họ, trói buộc họ, giữ họ trong lãnh địa của Tăng đoàn và nếu họ không chịu sự chế tài của Luật thì họ phải rời khỏi Tăng đoàn. Trong Đạo Phật có hai phần PHÁP và LUẬT thì Giới thuộc về Pháp do Tạng Kinh ghi chép lại ( thuộc về Bát Chánh Đạo ), còn trên 200 điều luật của Tỷ kheo và trên 300 điều luật của Tỷ kheo ni do Phật chế định thuộc về Luật do Tạng Luật ghi chép lại.
Và thế nào là người có trí trú giới ? Để hiểu rõ điều này phải hiểu rõ được một loại Tâm hành đặc biệt là Niệm bao gồm hai loại : Tà Niệm và Chánh Niệm.
– Niệm : Trong kinh điển Nikaya đã định nghĩa Niệm là hành vi NHỚ ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU ĐÃ HỌC TỪ TRƯỚC. Nếu dùng tiếng Việt thuần tuý thì Niệm là TRÍ NHỚ. Ví như, khi thấy một người ( nhãn thức thấy hình ảnh ) rồi BIẾT được đối tượng đó là ai, tên gì, ở đâu … Cái BIẾT này phải do TRÍ NHỚ ( do NIỆM ) mà khởi lên, nghĩa là NHỚ ĐƯỢC điều đã BIẾT về đối tượng đó trong quá khứ, nếu Trí Nhớ không nhớ được thì sẽ không biết người đó là ai, tên gì. Trong phim ảnh có mô tả những người bị mất Trí Nhớ ( mất Niệm ) vẫn thấy các đối tượng là người thân quen nhưng họ KHÔNG BIẾT đó là ai, quan hệ với mình như thế nào. Một đứa trẻ mới sinh vẫn thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng thực tại nhưng nó KHÔNG BIẾT các đối tượng là cái gì, tính chất ra sao, KHÔNG BIẾT đối tượng đó là người hay xe cộ … KHÔNG BIẾT đối tượng đó xanh hay vàng, đỏ hay trắng, mặn hay ngọt … Trong quá trình lớn lên nó học hỏi để biết thế nào là người vật, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay … , học đọc, học viết, học đi, học nói … Và bây giờ khi thấy, nghe, cảm nhận ( ngửi, nếm, sờ, tưởng tượng ) xong thì TRÍ NHỚ, nhớ được điều đã học khởi lên, đưa đến BIẾT đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao. Giả sử một người MẤT TRÍ NHỚ ( MẤT NIỆM ) thì vẫn thấy, nghe, cảm nhận đối tượng nhưng sẽ không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao, giống hệt như khi mới được sinh ra. Nhưng Niệm hay Trí Nhớ là một Tâm hành chứ không phải là Tâm Biết. Tâm biết có phận sự BIẾT đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao là Ý Thức và Ý Thức là Quả của Niệm theo tiến trình nhân quả : Niệm – Tư Duy – Ý Thức. Niệm chỉ là công cụ dò tìm, tìm kiếm thông tin trong kho chứa “tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết” của mỗi người, là Nhân cho Tư Duy sanh khởi. Và Tư Duy là Nhân cho Tâm biết Ý Thức sanh khởi, nên nội dung của tâm biết Ý Thức mang nội dung mà Niệm đã tìm kiếm.Hãy đọc bài Niệm – Tư Duy – Ý Thức trên trang FB này để hiểu rõ thêm. Trong cuộc sống thế gian Niệm hay Trí Nhớ quyết định phẩm chất của một người thông minh hay khờ dại, thành công hay thất bại. Một học sinh học giỏi hay kém, thi đậu hay không là do Trí Nhớ, Nhớ Được điều đã học nhiều hay ít, một kỹ sư, một kiến trúc sư, một người thợ giỏi hay không tuỳ thuộc vào Trí Nhớ, nhớ được nhiều hay ít những điều đã học. Tuỳ thuộc vào nội dung thông tin mà Niệm tìm kiếm ( nhớ được ) mà phân chia Niệm thành 2 loại : Tà Niệm và Chánh Niệm.
– Tà Niệm : cũng là hành vi nhớ được những tri thức, hiểu biết đã học hỏi trong quá khứ nhưng đó là những tri thức, hiểu biết SAI SỰ THẬT, không đúng với bản chất các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận. Do Tà Niệm mà phát sinh Tà Tư Duy và do Tà Tư Duy mà phát sinh tâm biết Ý thức, hiểu biết sai sự thật về đối tượng gọi là Tà Kiến : Tà Niệm – Tà Tư Duy – ( Ý thức )Tà Kiến. Tất cả mọi tri thức, hiểu biết của nhân loại được học hỏi, được tích luỹ đều sai sự thật ( trong đó có Khổ Tập Diệt Đạo ) mà thuật ngữ Phật học nói gọn là Vô minh, Chấp ngã. Do Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Kiến mà phát sinh Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ.
– Chánh Niệm : cũng là hành vi nhớ được những tri thức hiểu biết đã học hỏi trong quá khứ nhưng đó là những tri thức, hiểu biết ĐÚNG SỰ THẬT, đúng bản chất đối tượng. Những tri thức hiểu biết đúng sự thật này chính là LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA hay PHÁP MÀ ĐỨC THẾ TÔN ĐÃ KHÉO GIẢNG. Đó chính là hiểu biết đúng sự thật về Duyên khởi, về Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã ) về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế, về “Tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ” … kể cả những điều luật mà Đức Phật đã chế định. Do có Chánh Niệm mà sẽ phát sinh Chánh Tư Duy, do Chánh Tư Duy mà phát sinh tâm biết Ý thức Chánh Kiến theo lộ trình Duyên khởi : Chánh Niệm – Chánh Tư Duy – ( Ý thức ) Chánh Kiến. Ý thức Chánh Kiến sẽ hiểu biết đúng sự thật về đối tượng. Do có mặt Ý thức Chánh Kiến mà sẽ KHÔNG CÒN THAM SÂN SI, KHÔNG CÒN KHỔ. Đương nhiên, Nhân cho Chánh Niệm sinh khởi là những tri thức, hiểu biết đúng đã được học hỏi chính là VĂN TUỆ và duyên cho Chánh Niệm sinh khởi là TƯ TUỆ chứ không phải Giới là Nhân của Chánh Niệm.
Niệm Phật tức hành vi Trí nhớ, nhớ đến Phật cũng có thể là Tà Niệm cũng có thể là Chánh Niệm tuỳ thuộc vào nội dung của Niệm. Nếu một người đã học, đã đọc, đã nghe đâu đó và biết Phật có thần thông mầu nhiệm, hễ ai đau khổ thì Phật sẽ xuất hiện để cứu khổ. Hễ đọc câu thần chú của Phật thì năng lực thần chú sẽ làm cho người đó muốn sinh con trai thì được con trai, muốn sinh con gái thì được con gái, vào nước thì không chìm, vào lửa không cháy, vào gươm đao thì gươm đao gãy đổ… Niệm Phật, tức nhớ đến Phật với nội dung như vậy thì đó là Tà Niệm. Một người học Phật rồi nhớ đến Phật với nội dung : “Ngài là bậc Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn” thì đó là Chánh Niệm.
Bây giờ hãy quan sát để biết như thật như thế nào là người có trí trú giới :
1 – Giết con muỗi và Không giết con muỗi tức Sát sanh và Không sát sanh.
a – Một người không có Văn Tư Tu được gọi là Phàm phu ( không gặp các bậc Thánh nên Không được nghe pháp Bậc Thánh, Không thuần thục pháp Bậc Thánh, Không tu tập pháp Bậc Thánh ) khi bị con muỗi chích sẽ cảm nhận khổ rồi Trí Nhớ ( Niệm ) sẽ khởi lên, nhớ đến hiểu biết đã tích luỹ trong quá khứ : Nguyên nhân cái khổ này là do ngoại cảnh làm ta khổ. Và nhanh như chớp tư duy khởi lên : phân tích so sánh đối chiếu khổ vừa cảm nhận với hiểu biết trong quá khứ mà Niệm kích hoạt làm phát sinh Ý thức, BIẾT nguyên nhân khổ là do con muỗi. Với HIỂU BIẾT đó sẽ phát sinh tức giận ( Sân ) và do tức giận mà phát sinh phi như lý tác ý và do phi như lý tác ý mà phát sinh hành động giơ tay đập cái đét, giết chết con muỗi. Người này với Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Kiến – Sân – Giết muỗi thì sẽ không có Giới, Giới bị huỷ hoại.
b – Một người khác cũng có nghe giảng hoặc đọc đâu đó rồi hiểu biết những ai sát sanh sẽ bị đoạ địa ngục với vô vàn đau khổ khủng khiếp, không sát sinh thì tương lai kiếp sau sẽ được sinh làm người khoẻ mạnh, không bệnh tật, sống lâu, trường thọ … Khi người đó bị muỗi chích, cảm nhận khổ, tiếp đến Niệm, Trí nhớ khởi lên, nhớ được những điều đã học trên, đưa đến phát sinh tâm biết Ý thức, HIỂU BIẾT rằng : giết con muỗi này sẽ đoạ địa ngục, không giết nó tương lai sẽ rất sung sướng. Do hiểu biết như vậy nên sợ bị đoạ địa ngục ( Sân ) và thích thú tương lai hạnh phúc ( Tham ) mà tác ý phát sinh hành động xua con muỗi đi. Như vậy, người này không phạm giới sát sanh, Giới có mặt nhưng Giới có mặt như vậy là do Tham và Sân và nó xẩy ra theo lộ trình : Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Kiến – Tham Sân – Không sát sanh. Giới có được do Tham và Sân như vậy chính là GIỚI CẤM THỦ, không phải là Giới trong GIỚI LUẬT BẬC THÁNH.
c – Một người có Chánh Niệm : Khi con muỗi chích, phát sinh Cảm giác và đồng thời phát sinh Thân thức ghi nhận đối tượng ( Cảm giác ) thì Trí nhớ khởi lên, nhớ đến điều đã học tức nhớ đến “Tinh tấn chú tâm quán sát các Cảm giác trên thân ( Chánh Niệm – Niệm Thân ). Do có Trí nhớ, nhớ đến chú tâm các Cảm giác trên thân nên sự chú tâm trên cảm giác đó lập tức xẩy ra. Do có hành vi chú tâm liên tục trên đối tượng nên chỉ có tâm biết Thân thức GHI NHẬN ĐỐI TƯỢNG và tâm biết Ý thức, BIẾT đối tượng là cái gì, tính chất ra sao không khởi lên. Lúc này chỉ có tâm biết Thân thức ghi nhận đối tượng với tính chất “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” nên gọi là TĨNH GIÁC. Với tâm biết TĨNH GIÁC thì sẽ không có thích ghét, không có hành động nào xẩy ra. Nếu Cảm giác đó rất mạnh, đau điếng thì sau khi cảm nhận đối tượng với Tĩnh Giác, Chánh Niệm lại tiếp tục sanh khởi, nhớ đến điều đã học là Lý Duyên khởi và nhanh như một tia chớp, do Chánh Niệm mà sẽ phát sinh Chánh Tư Duy và do Chánh Tư Duy mà phát sinh Ý thức Chánh Kiến, BIẾT NHƯ THẬT đối tượng đó là Cảm giác do Thân Căn và Xúc Trần ( Con Muỗi ) tiếp xúc nhau mà phát sinh. Xúc sinh thì Cảm giác sinh, Xúc diệt thì Cảm giác diệt. Do HIỂU BIẾT như vậy mà phát sinh Như lý tác ý và do Như lý tác ý mà phát sinh hành động lấy tay xua con muỗi để chấm dứt Xúc, chấm dứt Cảm giác đau điếng. Hành vi đuổi con muỗi không do Tham Sân Si mà do Chánh Kiến khởi lên, và đó là Chánh nghiệp xẩy ra theo lộ trình : Chánh Niệm – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Như lý tác ý – Chánh nghiệp ( Xua muỗi ). Vì vậy, chỉ khi có CHÁNH NIỆM – CHÁNH KIẾN mới có CHÁNH NGHIỆP và khi đó GIỚI thanh tịnh, tròn đủ, không bị sứt mẻ, không bị bể vụn, không bị rách nát, không bị đoạn diệt. Đây chính là GIỚI TRONG GIỚI LUẬT BẬC THÁNH.
2 – Tà Mạng và Chánh Mạng :
Hiện nay có hiện tượng các vị sư được Phật tử thỉnh mời tụng kinh cầu an, cầu siêu và trước khi hoặc sau khi tụng kinh họ được dâng cúng tiền hoặc tứ vật dụng. Các vị sư đó đều BIẾT vật phẩm được dâng cúng là do họ đã tụng kinh cho thí chủ và họ đã thọ nhận phẩm vật đó do tụng kinh. Tương tự, đa phần các giảng sư, các thiền sư thậm chí là các thiền sư nổi tiếng khi thuyết pháp, giảng dạy xong thì Phật tử ào lên cúng dường tiền hoặc tứ vật dụng và các vị đó đã thọ nhận phẩm vật cúng dường. Có một số vị lách điều luật không thọ nhận vàng bạc bằng cách không tự tay thọ nhận mà thị giả, capiya của họ nhận, cất giữ cho họ. Ở đây không nói đến Luật không thọ nhận vàng bạc vì Luật là linh động, có thể áp dụng theo thời điểm nhưng tuy vị ấy không tự tay thọ nhận nhưng đệ tử thọ nhận thay là do vị đó đã đồng ý thọ nhận. Thọ nhận tiền bạc hoặc tứ vật dụng trong trường hợp như vậy là TÀ MẠNG và như vậy GIỚI bị sứt mẻ, bị rách nát, bị đoạn diệt. Vì sao thọ nhận như vậy là Tà Mạng ? Đó là một bài Kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh đã mô tả : Khi Đức Phật đi khất thực đến chổ vị Ba la môn đang phân phát đồ ăn cho thợ cày, Bà la môn liền nói : Chúng tôi cày, sau khi cày chúng tôi ăn. Sa môn Gotama không cày, Sa môn Gotama không ăn. Nghe nói vậy, Đức Phật đã thuyết giảng cho vị Ba la môn, Ngài đã cày như thế nào và kết quả của việc cày đó là Giải thoát, là chấm dứt sinh tử luân hồi. Được nghe giảng như vậy, Ba la môn hoan hỷ vô cùng lấy một bát cơm trộn sữa dâng cúng lên Đức Phật. Ngài từ chối không thọ nhận bát cơm trộn sữa ấy. Và Ngài nói rằng : Thọ nhận vật thực do kệ tụng mang lại là Tà Mạng, không phải là truyền thống của chư Phật. Cho đến một ngày nào đó mà truyền thống này vẫn còn, thì đó là Chánh Mạng . Vậy thì thọ nhận phẩm vật do tụng kinh, thuyết pháp là TÀ MẠNG, đó chính là dùng pháp để mua bán, trao đổi. Đối với trường hợp thọ nhận Tà Mạng như vậy có thể xẩy ra do hai loại người :
a – Một là những người chưa đọc, chưa nghe về bản kinh đó, tức là không có Văn Tuệ về Chánh Mạng và Tà Mạng. Vì vậy, khi đối diện với sự việc đó họ không có Chánh Niệm, không nhớ được nội dung Chánh Mạng và Tà Mạng vì họ chưa học hỏi về điều đó. Đây là Phàm phu.
b – Hai là có những người đã nghe giảng, học hỏi bài kinh đó về Chánh Mạng, Tà Mạng nhưng khi đối diện với sự việc họ KHÔNG NHỚ ĐƯỢC lời Phật dạy, tức KHÔNG CÓ CHÁNH NIỆM nên họ đã có hành vi Tà Mạng như trên. Nếu vị này đã học hỏi, đã nghe giảng về bài kinh đó và khi đối diện sự việc trên, vị đó CÓ CHÁNH NIỆM, tức vị đó NHỚ ĐƯỢC bản kinh đã đọc thì vị đó sẽ có CHÁNH KIẾN BIẾT RÕ TÀ MẠNG VÀ CHÁNH MẠNG và do CHÁNH KIẾN, vị đó sẽ không thọ nhận phẩm vật một cách Tà Mạng, Giới vị đó sẽ đầy đủ, thanh tịnh.
Trên mạng vừa qua có đăng tin một vị Tỷ kheo thực hành hạnh đầu đà miên mật và được nhiều người tôn xưng là bậc Thánh, ngồi trên một cái ngai cao ngất ngưởng rất sang trọng, quý giá được 4 vị Tỷ kheo kiệu trên vai dẩn đầu một lễ rước hoành tráng với hai hàng dài Tỷ kheo hộ tống. Nếu thấy đúng sự thật thì vị Tỷ kheo này đang phạm giới ” Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp”, Giới của vị này bị sứt mẻ, bị bể vụn. Tại sao lại như vậy ? Vì vị ấy không có Chánh Niệm, Không nhớ được điều đã học, Không nhớ được lời dạy của Phật. Nếu khi người khác mời vị đó lên kiệu mà vị đó Nhớ được giới ” Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp”, tức vị đó có Chánh Niệm thì không ai có thể bắt ép được vị đó ngồi lên kiệu.
KẾT LUẬN : Giới gồm 3 chi phần Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng đầy đủ, sáng chói, thanh tịnh KHI VÀ CHỈ KHI có Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến. Giới có mặt do Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến chứ không phải là Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Kiến do Giới mà phát sinh. Nhân phát sinh Chánh Niệm là Văn Tuệ ( Chánh Kiến ) và Chánh Niệm là nhân phát sinh Chánh Định, Chánh Niệm là nhân phát sinh Chánh Kiến ( Tu Tuệ ). Và lộ trình tâm Bát Chánh Đao siêu thế là : Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến – Giới hay nói tắt là : Niệm – Định – Tuệ – Giới. Chính vì Chánh Niệm là nhân phát sinh Chánh Định và Chánh Kiến nên Đức Phật không dạy Giới là con đường độc nhất, không dạy Định là con đường độc nhất, Không dạy Tuệ là con đường độc nhất, mà Ngài dạy Chánh Niệm ( Tứ Niệm Xứ ) là con đường độc nhất giúp cho chúng sinh diệt trừ phiền não, chấm dứt khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Những ai đã học hỏi giáo pháp chính xác ( Văn Tuệ ) và nhờ Văn Tuệ mà đã thực hành đạt đến thẩu hiểu và an trú Chánh Niệm ( Tứ Niệm Xứ ) và do an trú Chánh Niệm sẽ thấu đạt và an trú Chánh Định ( Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền ) và thấu đạt an trú Chánh Kiến ( Tứ Thánh Đế ) thì đương nhiên Giới người đó sẽ đầy đủ, sáng chói thanh tịnh. Đối với vị đó Giới, như Đức Phật đã khẳng định : Là điều nhỏ nhặt, không quan trọng, chỉ thuộc giới luật mà kẻ Phàm phu dùng để tán thán Như Lai, Như lai không kể đến.
Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng là “đến để mà thấy” nên khoan vội tin bất cứ quan điểm nào kể cả kinh điển mà phải thực hành, thân chứng được Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Kiến thì người đó sẽ tự mình biết Giới luật là gốc hay trí tuệ là gốc, tự mình biết lộ trình Bát Chánh Đạo là Niệm – Định – Tuệ hay là Giới – Định – Tuệ. Rất nhiều người tin tưởng vào quan điểm : Giới là nhân sinh Định, Định là nhân sinh Tuệ và cố chấp vào quan điểm đã được nhồi sọ, họ cố chấp bảo vệ quan điểm đó bởi “tư duy lý luận suông ” chứ không phải bằng trí tuệ thân chứng của họ. Những người đó chưa chứng ngộ và an trú Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền thì họ đâu có thể biết đúng sự thật, đâu biết cái gì là nhân sinh Chánh Định. Giới là nhân sinh Định, Định là nhân phát Tuệ mà họ trình bày là do tư duy lý luận suông trên tư tưởng của người khác chứ không phải là điều chứng ngộ của họ. Chưa nói đến thực hành để chứng ngộ, những tư duy hợp lý mang tính phản biện họ cũng chưa có thì đâu có trí tuệ. Nếu là Giới ( mà đa phần hiểu là Giới Luật ) sinh Định và Định phát Tuệ thì Đức Phật chỉ cần chế ra Giới Luật và người tu chỉ cần giữ các Giới Luật trọn vẹn là đủ rồi chờ đợi Định Tuệ phát sinh, vì vậy Ngài đâu cần phải 45 năm thuyết rất nhiều bài pháp để đệ tử Nghe ( Văn ) Tư Duy ( Tư ) và Thực Hành ( Tu ) theo lộ trình Văn – Tư – Tu để có Văn Tuệ – Tư Tuệ – Tu Tuệ.
Khi vua Trần Nhân Tông có thắc mắc về giới luật và hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ thì Tuệ Trung Thượng Sĩ một người học và tu Phật nổi tiếng thời Trần đã “ghé vào tai vua” và nói nhỏ :
” Trì giới và nhẫn nhục
Thêm tội chẳng được phúc
Muốn SIÊU VƯỢT tội phúc
Đừng trì giới nhẫn nhục ”
Và Ngài còn dặn vua Trần Nhân Tông : Đừng nói cho “kẻ không ra gì” biết. Đại sư Huyền Giác trong bài Chứng Đạo Ca cũng có quan điểm tương tự:
Hãy cởi khỏi lòng manh áo bẩn
Sá gì tinh tấn CỨ HOÀI KHOE.
Và Huyền Giác cũng đã nhận thức được đâu là gốc đâu là cành ngọn, nên ông viết :
Phăng rễ đứt đi lòi dấu Phật
Chặt lá tỉa cành ta chẳng đương ( chẳng làm ).

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *