ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY
Từ khi công nghệ thông tin ra đời người tìm hiểu Phật Giáo có cơ hội tiếp xúc với lượng thông tin về Giáo pháp nhiều hơn, dễ dàng hơn và đa chiều hơn. Đây là một thuận lợi giúp cho họ thoát ra khỏi định kiến theo kiểu ếch ngồi đáy giếng. Nhưng họ cũng gặp không ít khó khăn với lượng thông tin khổng lồ ,đồ sộ, bao la như đại dương ấy. Trong cái kho tàng khổng lồ thông tin ấy có biết bao tông phái Phật giáo, với các giáo nghĩa khác nhau, cách thức hành trì khác nhau, giải nói về chứng ngộ khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, thậm chí là cãi nhau. Và như vậy sẽ có bấy nhiêu thứ Phật giáo khác nhau. Lời dạy của Phật chỉ có một, nhưng tuỳ theo hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của từng người, từng bộ phái mà sẽ phát sinh các kiến giải khác nhau. Sự thật là những người chưa Giác ngộ, thì những hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của họ là Vô minh ( Thường kiến, Ngã kiến ) nên lời Phật dạy qua lăng kính của các bộ phái, các cá nhân sẽ sai khác và nhuốn màu Vô minh ,(Thường kiến và Ngã kiến ). Những người đã Giác ngộ, các vị A La Hán đã giác ngộ sự thật nên kiến giải của chư vị là đồng nhất, đồng nhất với lời dạy của Phật nên không có gì phải phát triển thêm, phải kiến giải thêm, nó chính là những lời dạy rất đơn giản, chỉ quán sát nơi Thực tại của mỗi người là thấy liền. Những lời dạy đơn giản của Phật vẫn còn đâu đó trong các bộ kinh Nikaya, nhưng chỉ có người trí mới có khả năng giác hiểu. Vậy muốn phân biệt đâu là lời dạy của Phật, đâu là lời của người sau thì phải lấy tiêu chuẩn nào ?
Tất cả các tông phái Phật Giáo đều tôn trọng và gìn giữ ba pháp : Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, mà trong đó Niệm Pháp là: Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng có tính chất Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy; Không bị chi phối bởi thời gian; Có tính hướng thượng; Cho người trí tự mình giác hiểu. Nếu một người Niệm Pháp bằng cách học hỏi, tư duy và thực hành trải nghiệm 5 tính chất trên, thì người đó khi đọc bất kỳ cuốn kinh nào, nghe lời giảng nào, tham khảo một chú giải nào liền đối chiếu với năm tiêu chuẩn của Pháp và nếu thấy có đầy đủ năm tính chất đó thì kết luận đó là lời dạy của Phật, nếu thiếu một hoặc cả năm tính chất này thì kết luận, đó không phải là lời dạy của Phật, mà đó chỉ là lời của người khác
1- Thiết thực hiện tại : suốt 45 năm thuyết Pháp Đức Phật chỉ nói đến Khổ và Sự chấm dứt Khổ ,đây là Thiết thực bởi điều này phù hợp với mục đích cuộc sống của con người là muốn hết khổ. Tất cả nhân loại đang tìm cầu cái này hay cái kia, làm việc này hay việc kia cũng với mục đích muốn hết khổ .Các tôn giáo hay khoa học ra đời cũng với mục đích giúp cho con người hết khổ. Nhưng sự hết khổ hay Sự chấm dứt Khổ mà nhân loại quan niệm, là phải thay đổi hoản cảnh sống, từ hoàn cảnh sống khó khăn, tồi tệ thành hoàn cảnh tốt đẹp ,mỹ mãn vào một ngày mai nào đó ,một tương lai nào đó. Vì thế tất cả nhân loại ( ngoại trừ các bậc Thánh ) đều sống bởi tương lai, hy vọng tương lai, mơ ước tương lai, lạc quan bởi tương lai… Các tôn giáo cũng tạo cho các tín đồ hy vọng có được sự hết khổ do sau khi chết được lên thiên đường hoàn toàn lạc thú. Con người sống với sự chịu đựng khổ của ngày hôm nay với hy vọng ngày mai hết khổ, mà khi ngày mai đến vẫn với sự hiểu biết như vậy, nên chịu đựng khổ với hy vọng ngày mốt hết khổ, và rồi ngày mốt đến lại cũng y như vậy … Vậy thì thực tại luôn luôn chịu đựng khổ còn sự hết khổ chỉ là mơ ước trong tương lai không bao giờ xẩy ra nơi hiện tại cả. Nhân loại đều là: “Những kẻ lữ hành trên đường hy vọng” nghĩa là những người đang đi trong nắng, gió khắc nghiệt với muỗi mòng, đói khát, bệnh tật, với sức cùng lực kiệt, thậm chí phải bò lê lết với tay chân rách nát …với hy vọng ở phía trước là Thiên đường đầy sữa và mật ong. Rất nhiều vĩ nhân của nhân loại đã thấy ra sự thật ,sự chấm dứt khổ trong tương lai như vậy chỉ là ảo vọng, và vì vô vọng với sự chấm dứt khổ như vậy mà rất nhiều người đã tự sát.
Khổ trong quá khứ thì đã qua đâu còn mà diệt ,khổ ỏ tương lai thì chưa phát sinh làm gì phải diệt ,khổ chỉ có mặt trong hiện tại ngay bây giờ và tại đây nên chỉ có thể chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng là Chấm dứt khổ ngay bây giờ và tại đây. Đó là thiết thực hiện tại .Nếu trong giây phút này mà biết chấm dứt khổ thì giây phút tiếp cũng sẽ làm được như vậy và như vậy mọi lúc mọi nơi đều hết khổ. Một kẽ Phàm quét nhà với hy vọng (tương lai ) quét xong nhà sẽ hết khổ vì phải quét nhà nhưng một người thực hành Pháp mà Đức Phật thuyết giảng khi quét nhà thì mỗi một nhát chổi đều kinh nghiệm được sự hết khổ chứ không phải quét nhà xong mới hết khổ. Đừng chờ đợi sự hết Khổ trong tương lai, mà hãy thực hành cách thức chấm dứt Khổ trong hiện tại của Đức Phật dạy, lúc đó sẽ kinh nghiệm được không có gì núi lại ở đằng sau, không có gì chờ đợi ở phía trước. Đó mới là tự do, tự tại, đó mới là sự đoạn tận khổ đau.
2- Đến để mà thấy : nghĩa là người học có thể kiểm chứng được bằng thực tại của mình. Ví như một người chưa bao giờ ăn sầu riêng, được người khác mô tả về vị ngon ngọt của sầu riêng và người đó ghi nhớ rồi có thể tưởng tượng ra vị ngon ngọt đó, nhưng đây cũng chỉ là hiểu biết tri thức khái niệm, chưa phải là cái biết thật vể vị sầu riêng. Khi người đó ăn sầu riêng thì lúc này người này mới tự mình biết được vị sầu riêng. Cũng y như vậy, nếu Đức Phật thuyết giãng về những cõi trời nào đó, những câu chuyện về Ấn Độ thời đó, một thế giới tâm linh huyền bí nào đó, một cõi giới cực lạc nào đó … thì người học bây giờ chỉ “đến để mà tin” chứ không thể có cách nào để mà kiểm chứng những cái đó, không thể nào đến để mà thấy những cái đó. Vậy thì những gì Đức Phật thuyết là “đến mà thấy”, nghĩa là có thể kiểm chứng được, có thể tự mình thấy, tự mình biết được thì đó phải là những sự thật phổ quát, nơi Đức Phật cũng như vậy, nơi người học cũng như vậy. Nhưng đến để mà thấy được lời Phật dạy là hết sức nan giải đối với nhân loại ,vì quy luật nhận thức của nhân loại chỉ tuân thủ đến để mà tin, chứ không có phương cách đến để mà thấy. Ví như anh thanh niên có hàm răng chắc khoẻ ăn cái bánh đa vừa nướng rồi thốt lên : tôi biết bánh đa này giòn quá, nghĩa là anh ta hiểu biết: giòn là thuộc tính của bánh đa (giòn là vật chất ), giòn thường trú nơi bánh đa, giòn là của bánh đa. Hiểu biết như vậy khởi lên theo một lộ trình là, sau khi cảm nhận vị giòn, tư duy khởi lên sẽ phân tích so sánh đối chiếu thông tin về vị giòn vừa cảm nhận với những thông tin trong “kho chứa”tri thức ,hiểu biết ,kinh nghiệm của mình mà trong đó là: ngọt nằm trong đường, mặn nằm trong muối, ngon dỏ nằm trong thức ăn, nóng ở trong lửa, lạnh trong nước đá,giòn nằm trong bánh đa … thì đương nhiên đưa đến kết luận như vậy. Vì ai cũng mặc định đây là sự thật, là chân lý mà không thấy hiểu biết như vậy là vô minh, là sai sự thật. Nếu đó là chân lý, là sự thật, vị giòn nằm trong bánh đa, vị giòn là của bánh đa thì anh thanh niên có hàm răng chắc khoẻ ăn cảm thấy giòn, ông già 80 đã rụng hết răng ăn cũng phải giòn. Nhưng sự thật không phải như vậy nên hiểu biết đó là sai sự thật. Nếu một người đến để mà thấy sẽ quán sát sự thật như sau: bánh đa và hàm răng là hai nhân và đủ hai nhân như vậy mà chưa có sự tiếp xúc thì chưa có cái giòn nào phát sinh cả. Khi hàm răng tiếp xúc với cái bánh đa ( duyên )thì lập tức phát sinh cái giòn mà Thánh hay Phàm đều cảm nhận được. Đây mới là cái giòn của thực tại hàng ngày và nó là một cảm giác, nó là Tâm chứ không phải là Vật. Xúc sinh cảm giác giòn sinh, Xúc diệt cảm giác giòn diệt. Cảm giác giòn sinh lên rồi diệt đi, nó chỉ tồn tại trong khoảng khắc đó, nó không thường trú, không thường hằng trong cái bánh đa, nên nó Vô thường. Khi cảm giác giòn tồn tại nó hoàn toàn vô chủ ,nghĩa là bánh đa và hàm răng không phải là chủ nhân, không là chủ sỡ hữu nó. Cũng có nghĩa không có một cái Ta chủ nhân, chủ sỡ hữu nó, nên là Vô ngã. Như vậy sự thật giòn là Tâm và nó Vô thường, Vô ngã, chứ không phải là Vật, không thường hằng, không thường trú ở trong bánh đa, nó vô chủ chứ không hữu chủ.
Đến để mà tin là sau khi nghe giảng hoặc đọc kinh thì đối chiếu với kho tri thức ,hiểu biết của mình và lý giải lời dạy của Phật bởi Vô Minh ( Thường kiến và Ngã kiến )của mình, còn đến để mà thấy là đối chiếu lời dạy của Phật với sự thật, mà tự mình thấy ra cái sự thật được nói đến. Cho nên Hoà thương Minh Châu có nói: Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chứ không phải Đạo đến để nhờ người khác thấy hộ
Đó là đến để mà thấy nhưng đến để mà thấy cái gì ? Đến để mà thấy như thật Lý Duyên Khởi, đến để mà thấy như thật Vô Thường, Vô Ngã, đến để mà thấy như thật Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Khổ Diệt, Con Đường đưa đến Khổ Diệt.( Khổ Tập Diệt Đạo ) Đến để mà thấy cũng có các cấp độ khác nhau: do nghe giảng hoặc nghiên cứu kinh điển mà thấy được sự thật gọi là Văn Tuệ ,do tư duy về điều đã nghe mà thấy sự thật rộng và sâu hơn gọi là Tư Tuệ và do thực hành Tứ Niệm Xứ mà tự thấy tự biết sự thật và sống với cái thấy như thật ấy gọi là Tu Tuệ. Đay là lộ trình Văn Tư Tu. Chỉ khi nào thấy như thật do thực hành Tứ Niệm Xứ gọi là Tu Tuệ được tu tập được làm cho viên mãn, lúc đó mới xoá bỏ hoàn toàn Vô Minh, lúc đó mới là Giác Ngộ Tứ Thánh Đế, mới hoàn toàn Giải Thoát. Đó là đến để mà thấy viên mãn nhất.
3- Không bị chi phối bởi thời gian là nói về Khổ Diệt hay Niết bàn. Bát Chánh Đạo là con đường chấm dứt Khổ nhưng Niết bàn hay Khổ Diệt không phải là đích đến của Bát Chánh Đạo. Nếu đi hết con đường BCĐ mà đạt được đích đến là Niết bàn thì BCĐ là nhân Niết bàn là quả và như vậy Niết bàn là pháp hữu vi, chịu sự chi phối của thời gian, theo quy luật nhân trước quả sau. Khi lộ trình Tâm BCĐ khởi lên thì Chánh Kiến trên lộ trình Tâm BCĐ sẽ kinh nghiệm được ngay : không yêu thích, không chán ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy. Ví như khi quét nhà có Chánh Niệm, quán thân nơi thân ( nhớ đến chú tâm quán sát thân ) khởi lên liên tục không gián đoạn nghĩa là nhất tâm không phân tâm thì sẽ kinh nghiêm được sự bình an, sự Hết Khổ trong thời gian quét nhà chứ không phải quét nhà xong mới thấy hết khổ. Hết Khổ sau khi quét xong nhà là pháp bị chi phối bởi thời gian. Tóm lại Giải Thoát là ngay bây giờ và tại đây chứ không phải ở tương lai, ở một đời sau, ở một cảnh giới nào hết. Khi BCĐ khởi lên thì sẽ không có Vô Minh ,không có Tham Sân Si thì sẽ kinh nghiệm sự vắng mặt Khổ tức thì.
Không bị chi phối bởi thời gian còn có nghĩa là Tứ Thánh Đế mà chư Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng ở quá khứ, hiện tại, vị lai đều như vậy, không thay đổi với thời gian.
4- Có tính chất hướng thượng: hướng hạ là Tâm Bát Tà Đạo, có Tham Sân Si, có Sầu bi khổ ưu não đưa đến tái sinh, đưa đến khổ luân hồi sinh tử. Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng hướng đến tu tập Bát Chánh Đạo, đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận Khổ, đoạn tận sự tái sinh trong tương lai nên có tính hướng thượng. Những pháp nào còn chủ trương sẽ được sinh ra ,sẽ còn hiện hữu thì thuộc về Bát Tà Đạo, là hướng hạ, không phải Pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng cho đề tử thực hành.
5- Cho người trí tự mình giác hiểu : Pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng không phải cho tất cả nhân loại, không phải là pháp cứu khổ muôn loài như nhiều người hiểu mà chỉ dành cho người trí. Trong kinh điển còn ghi lại ưu tư của Ngài : Pháp mà Ta chứng được sấu kín, khó thấy, khó biết, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị chỉ có người trí mới có khả năng giác hiểu, còn quần chúng này ưa thích ái dục, đam mê ái dục, bị ái dục ràng buộc nên Lý Duyên Khởi là một điều rất khó lãnh hội và Niết Bàn sự chấm dứt khát ái ,sự chấm dứt các Hữu cũng là một điều rất khó lãnh hội. Phật Giáo với hình thức và nội dung tôn giáo có thể đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đa số nhưng Pháp mà Đức Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, lời dạy Thật của Phật thì chỉ dành cho một thiểu số người trí. Trong Kinh Đức Phật đã ví người trí so với toàn thể nhân loại giống như vàng bạc so với đất đá trên quả đất này
Nếu một người hiểu rõ năm tính chất này của Pháp, người đó sẽ không vội tin cũng không vội bác bỏ bất cứ điều gì, người đó sau khi so sánh với năm tính chất của Pháp, lúc đó mới bác bỏ hay chấp nhận. Sự tu học và tu như vậy sẽ có kết quả lớn, lợi ích lớn. Giống như hai người đi vào rừng tìm trầm, một người không có bất kỳ một hiểu biết nào về cây có trầm họ sẽ đốn ngã bất kỳ cây nào mà họ bắt gặp để tìm trầm trong đó và họ sẽ nhọc mệt vô ích mà chẳng có kết quả nào. Còn người trước khi vào rừng tìm trầm đã học hỏi và biết rõ về cây gió trầm, biết rõ dấu hiệu những cây gió có trầm thì họ sẽ tốn ít sức lực mà kết quả lại lớn hơn rất nhiều người kia.
Đại Đức Nguyên Tuệ