LÝ DUYÊN KHỞI VÀ VÔ THƯỜNG VÔ NGÃ

Vô thường và Vô ngã là hai tánh chất, hai tự tánh của các sự vật, hiện tượng Vật chất và Tinh thần mà theo thuật ngữ Phật học là Sắc pháp và Danh pháp. Vô thường đã được nói đến cả khi Phật chưa ra đời, nhưng với quan điểm, một số thường hằng, một số vô thường chứ không phải tất cả các pháp đều vô thường như sự chứng ngộ và tuyên thuyết của Đức Phật. Riêng về Vô ngã thì chỉ một mình Đức Phật, độc nhất vô nhị từ cổ chí kim, chứng ngộ và thuyết giảng.

Trong bản kinh Đại Kinh Khổ Uẩn có đề cập tới bốn thủ là Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã luận thủ, đức Phật đã giảng giải và khẳng định rằng: Các du sĩ ngoại đạo có thể liễu tri Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ nhưng không thể liễu tri Ngã luận thủ. Chính vì vậy, thấy biết như thật hay liễu tri Vô thường đã là chuyện khó, thấy biết như thật hay liễu tri Vô ngã lại càng khó khăn hơn.

Đức Phật chứng ngộ và tuyên thuyết các pháp Vô thường, Vô ngã dựa trên sự thấy biết Như Thật về Lý Duyên Khởi hay Định luật Nhân Quả. Nhưng phải phân biệt kỹ, có hai loại thấy biết về Lý Duyên Khởi: Một là thấy biết NHƯ THẬT về Lý Duyên Khởi, thuộc về Đức Phật và Hai là thấy biết KHÔNG NHƯ THẬT về Lý Duyên Khởi của Phàm phu.

1 – Thấy biết KHÔNG NHƯ THẬT về Lý Duyên Khởi :

Đó là MỘT NHÂN sinh QUẢ hay Một Nhân biến đổi thành Quả. Hoặc trên quan điểm Một Nhân sinh quả đó, có bổ sung thêm: Một Nhân biến đổi thành Quả, có các nhân phụ trợ giúp hay Một Nhân biến đổi thành Quả có các duyên trợ giúp. Ví như hạt thóc sinh ra cây mạ, cây mạ biến đổi thành cây lúa, cây lúa phát sinh ra thóc, thóc biến đổi thành gạo, gạo biến đổi thành cơm, quả chuối xanh biến đổi thành quả chuối chín, đứa trẻ biến đổi thành người lớn, tiếng trống phát ra do cái trống, nước biến thành hơi nước …

Với thấy biết một nhân biến đổi thành quả, thì nhân trong quả, quả trong nhân, tương tức, tương nhập, các pháp tương quan với nhau, nối kết với nhau thành một toàn thể, và cái Toàn Thể như vậy sẽ không sinh không diệt. Trong một cái Toàn Thể như vậy, các pháp sẽ phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, giữa các pháp sẽ tồn tại mối quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân, pháp này là của pháp kia.

Ví như tiếng trống là “của” cái trống, con là “của” mẹ, nhà “của” tôi, xe “của” tôi… Đối với thấy biết một nhân sinh quả, nhân biến đổi thành quả thì mắt thấy quả táo màu hồng, tai nghe âm thanh của quả táo rơi, mũi ngửi mùi thơm của quả táo, lưỡi nếm vị ngọt của quả táo, tay biết cứng mền của quả táo. Và như vậy, quả táo ,màu hồng, âm thanh, mùi thơm, vị ngọt, cứng mền nương nhau tồn tại.

Các pháp như màu hồng, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, cứng mền sẵn có, thường xuyên có, thường hằng, thường trú nơi quả táo, của quả táo. Tương tư như vậy, ngọt ở trong đường và của đường, mặn ở trong muối và của muối, ngon dở ở trong thức ăn, của thức ăn, nóng ở trong lửa và của lửa, lạnh ở trong nước đá và của nước đá, cứng mền, nặng nhẹ, thô mịn ở trong địa đại và của địa đại …

Hạnh phúc có trong những hoàn cảnh tốt đẹp, của hoàn cảnh tốt đẹp, Khổ đau ở trong những hoàn cảnh tồi tệ, của hoàn cảnh tồi tệ, Khổ Tập Diệt Đạo ở trong thế giới ngoại cảnh, của thế giới ngoại cảnh… Như vậy các pháp này Thường hằng và Hữu chủ. Thấy biết Nhân Quả theo kiểu như vậy, là Thường kiến và Ngã kiến, không có thể thấy biết NHƯ THẬT các pháp Vô thường, Vô chủ ( Vô ngã )

2 – Thấy biết NHƯ THẬT về Lý Duyên Khởi :

Đó là quan sát sự thật để thấy biết tất cả các Sắc pháp và Danh pháp đều phát sinh theo định luật nhân quả theo cách thức : “Hai Nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh ra nhiều quả”.

Đối với các Sắc pháp, có thể quan sát hình ảnh ,mà từ đó có thể hình dung ra vận hành Nhân Quả của các Sắc pháp. Ví như có gói thuốc nhuộn đỏ và một chậu nước trong là hai nhân, nhưng hai nhân này chưa tiếp xúc nhau thì chưa có gì xẩy ra. Khi hai nhân này tiếp xúc nhau, thì cả hai nhân là gói thuốc nhuộn đỏ và chậu nước trong đều cùng diệt đi và phát sinh quả là chậu thuốc nhuộm đỏ. Chậu thuốc nhuộn đỏ với cái áo trắng tiếp xúc nhau rồi cả hai cùng diệt, phát sinh cái áo đỏ và một chậu thuốc nhuộn đỏ khác. Viên đá lửa và bánh xe bật lửa tiếp xúc nhau rồi cùng diệt đi, phát sinh ánh lửa và viên đá mới, bánh xe mới. Trống và dùi là hai nhân và khi hai nhân đó tiếp xúc với nhau cùng diệt ( trống cũ, dùi cũ diệt ) phát ra tiếng trống, trống mới và dùi mới. Ô xy và Hydro là hai nhân, tiếp xúc nhau rồi cùng diệt, phát sinh ra nước …

Đối với các Danh pháp phát sinh do hai nhân là Căn và Trần tiếp xúc nhau ( duyên Xúc ). Ví như tay là Thân căn là một nhân, cục nước đá là Xúc trần là nhân thứ hai, khi chưa tiếp xúc nhau, thì chưa có gì xẩy ra. Khi tay tiếp xúc cục nước đá, phát sinh Cảm giác lạnh, đồng thời phát sinh Thân thức nhận biết cảm giác lạnh đó. Có viên đường là Vị trần và lưỡi là Thiệt Căn, hai nhân này chưa tiếp xúc thì chưa có gì xẩy ra. Khi lưỡi tiếp xúc viên đường thì lập tức phát sinh Cảm giác vị ngọt và phát sinh Thiệt thức nhận biết Cảm giác vị ngọt đó.

  • Mắt tiếp xúc Sắc trần phát sinh : Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức
  • Tai tiếp xúc Thanh trần phát sinh : Cảm giác âm thanh và Nhĩ thức
  • Mũi tiếp xúc Hương trần phát sinh: Cảm giác mùi và Tỉ thức
  • Lưỡi tiếp xúc Vị trần phát sinh : Cảm giác vị và Thiệt thức
  • Thân tiếp xúc Xúc trần phát sinh : Cảm giác xúc chạm và Thân thức
  • Ý tiếp xúc Pháp trần phát sinh : Cảm giác pháp trần và Tưởng thức

Các Danh pháp như Niệm, Tư duy, Ý thức, Tham Sân Si, Định, Dục… do hai nhân là Ý tiếp xúc với Pháp trần mà phát sinh và đó là Nội xúc, xẩy ra trong tế bào thần kinh não bộ, thực chất là sự tương tác của hai nhân là hai lượng thông tin.
– Chỉ có hai nhân tiếp xúc nhau :Có những trường hợp, có vẻ như có rất nhiều nhân tiếp xúc nhau (nói theo cách nói ngày nay là tương tác với nhau) nhưng quán sát kỹ thì chỉ hai nhân tiếp xúc rồi cùng diệt và phát sinh quả. Quả này lại là một nhân tương tác với nhân thứ ba, phát sinh quả và quả mới này là một nhân tương tác với nhân thứ tư…

Ví như khi đúc một cột bê tông gồm rất nhiều nhân tương tác với nhau như cát, sỏi, xi măng, nước, sắt thép, người thợ, dụng cụ… nhưng sự tương tác chỉ xẩy ra tuần tự từng đôi một. Đầu tiên tay tiếp xúc dụng cụ, rồi dụng cụ tiếp xúc cát, dụng cụ tiếp xúc sỏi, dụng cụ tiếp xúc xi măng, rồi cát sỏi tiếp xúc xi măng, rồi cát sỏi xi măng tiếp xúc với nước …

Có thể quan sát theo tổng thể hay theo bộ phận nhưng vẫn là hai nhân tương tác nhau. Ví như nếu xem con người đang đạp xe và cái xe đạp là một nhân, thì khi cái nhân tổng thể ấy tương tác với nhân thứ hai là mặt đất thì sẽ phát sinh quả là chuyển động của xe. Nếu quan sát chi tiết nhân quả trong cái tổng thể người và xe đạp ấy sẽ thấy: chân tiếp xúc với bàn đạp phát sinh sự quay của vành đĩa. Vành đĩa quay tương tác với xích, phát sinh sự chuyển động của dây xích. Dây xích chuyển động tương tác với líp, phát sinh sự quay của líp. Sự quay của líp tương tác với bánh xe, phát sinh sự quay của bánh xe. Bánh xe quay tương tác với mặt đất phát sinh chuyển động của xe… Có thể quan sát lộ trình nhân quả THÔ hay TẾ tuỳ theo quán sát tổng thể hay bộ phận.

– Hai nhân bình đẳng tương tác hay tiếp xúc nhau, không có nhân nào là chính, nhân nào là phụ. Vì thế không thể nào có một nhân mà sinh được quả hay một nhân biến đổi thành quả, không thể có quả theo hiểu biết một chiều “nhân nào quả nấy”. Không thể là sự thật khi nói : ” thầy giỏi thì trò giỏi”, bởi khi thầy giỏi tương tác với một học sinh giỏi sẽ phát sinh một kết quả khác với kết quả khi cũng thầy giỏi đó tương tác với một học sinh dốt hoặc lười. Một bao thóc giống một mình nó không tiếp xúc với nhân thứ hai thì không phát sinh cái gì, nhưng nếu bì thóc đó tiếp xúc với thửa ruộng đã làm đất kỹ, sẽ phát sinh ruộng mạ, nếu tiếp xúc với đàn vịt sẽ phát sinh quả khác, nếu tiếp xúc với đống lửa sẽ phát sinh quả khác, nếu tiếp xúc với đường nhựa nơi xe cộ đang chạy sẽ phát sinh quả khác … Thấy biết Nhân Quả đa chiều như vậy sẽ chấm dứt được tà kiến ” nhân nào quả nấy”, cái thấy một chiều theo kiểu “người mù sờ voi”

– Duyên được hiểu là sự tương tác hay sự tiếp xúc của hai nhân. Duyên Xúc cũng đã thể hiện phải có hai nhân, không thể nào chỉ có một nhân mà có tiếp xúc, có duyên Xúc được. Như vậy không thể nào có nhiều duyên bởi chỉ có hai nhân, nên chỉ có một duyên Xúc mà thôi. Vì vậy không thể có quy luật Nhân biến đổi thành quả nhờ nhiều duyên trợ giúp.

a – Vô Thường:

Như vậy các pháp do Nhân Duyên mà phát sinh, nghĩa là hai nhân tiếp xúc nhau rồi cùng diệt và phát sinh quả. Pháp là quả đó lại tiếp xúc với một nhân khác và rồi cùng diệt và phát sinh quả khác tiếp. Tiến trình cứ tiếp diễn miên viễn như vậy. Vậy thì các pháp do duyên Xúc mà sinh, cũng do duyên Xúc mà diệt, nó sinh lên rồi diệt đi, chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, có thể rất ngắn ngủi, không tồn tại vĩnh viễn, nên nó không thường hằng.

Trước khi có duyên Xúc, nó chưa được sinh ra, sau khi diệt đi nó không còn, nó chỉ sinh lên rồi diệt đi, chỉ hiện hữu, CHỈ CÓ MẶT DUY NHẤT MỘT LẦN, không lặp lại, nên không thường trú ở đâu cả. Các pháp sinh diệt, không thường hằng, không thường trú như vậy nên gọi là Vô thường. Phải lưu ý rằng Vô thường là Sinh Diệt chứ không phải Vô Thường là Biến Đổi. Quán sát để thấy biết các pháp vô thường là quán sát theo chiều thời gian, theo tính chất Nhân diệt Quả mới sinh, vì vậy trong kinh có nói : Các Hành vô thường là chỉ cho cách quan sát theo thời gian này.

Khi quan sát sáu Căn tiếp xúc sáu Trần thấy ra sáu Cảm thọ bao gồm : Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần, sinh diệt vô thường khá dễ, nhưng thấy biết được sáu cái biết trực tiếp giác quan nhận biết sáu Cảm thọ ( theo thuật ngữ Phật học là Tưởng tri đối tượng ) là Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức là vô thường ,khó khăn hơn vì nó trừu tượng hơn.

Một số trường phái không thấy Như Thật duyên khởi, họ chủ trương những cái biết trực tiếp giác quan này là Tánh Biết, Tánh Thấy, Tánh Nghe không sinh không diệt sẵn có nơi mỗi người. Bởi vì họ cũng nhận xét thấy cái biết trực tiếp giác quan này( trong hệ A Hàm của Hán Tạng dịch là trực giác ) sinh ra là có liền, người hay động vật cấp thấp, cấp cao đều có, Thánh Phàm đều như nhau, là cái biết Vô niệm, Vô ngôn, Vô phân biệt, họ còn gọi là Bản tâm, Bản tánh. Còn Ý thức là cái biết do học hỏi mà có, là cái biết sinh diệt ô nhiểm, phân biệt của Phàm phu.

Khi đang luân hồi sinh tử thì Tánh Biết này thường trú nơi mắt tai mũi lưỡi thân ý, nó bị “trói buộc” trong thân này, khi chết đi nó thoát ra và lại nhập vào bào thai, một thân xác khác, chỉ khi giác ngộ nhập Niết bàn, Tánh Biết mới không nhập vào thân xác nào nữa. Chủ trương như vậy cũng y như chủ trương Tiểu Ngã trong mỗi người, khi giác ngộ thì nhập vào Đại Ngã của Bà la môn giáo, cũng đồng nghĩa với chủ trương, Tánh Biết đó là Linh hồn Chúa thổi vào con người ( mà đầu tiên là A đam và E vơ ), khi được lên thiên đường thì linh hồn Chúa ấy trở về hoà nhập với Chúa như truyền thống Cựu ước.

Họ không quan sát sự thật để thấy không có Căn Trần tiếp xúc thì không thể có cái biết trực tiếp giác quan đó. Nếu đó là Tánh Biết không sinh không diệt thì nó sẵn có, luôn luôn có khi thức cũng như khi ngủ và thấy biết phải thường xuyên xẩy ra khi thức cũng như khi ngủ. Một người gây mê sâu khi phâzu thuật, nếu có Tánh Biết không sinh không diệt thường trú nơi sáu Căn, thì họ vẫn thấy nghe mọi sự, nhưng điều này không xẩy ra, chứng tỏ Tánh Biết đó không có mặt, nó đã diệt đi rồi. Lúc này tuy có sáu Trần, nhưng sáu Căn là hệ thống sáu loại tế bào thần kinh bị gây mê, không hoạt động nên không đủ hai nhân, không có duyên Xúc nên không có nhân duyên cho cái biết trực tiếp giác quan khởi lên, nên không thấy biết những gì đang xẩy ra.

b – Vô Chủ, Vô Sở Hữu :

Khi quan sát quan hệ giữa các pháp sẽ phải quan sát theo chiều thời gian và không gian.
Theo chiều thời gian thì giữa Nhân và Quả không cùng tồn tại trong một thời điểm, nghĩa là nếu Nhân đang tồn tại thì Quả thuộc tương lai chưa sinh ra, nếu Quả đang tồn tại thì Nhân thuộc quá khứ đã diệt. Vì vậy giữa giữa Nhân và Quả không tồn tại Quan Hệ Sở Hữu, Quan Hệ Chủ Nhân. Giữa Nhân và Quả không thể tồn tại chữ “Của”. Không hề tồn tại quan hệ : tiếng trống là của cái trống, con của mẹ, hạt thóc của cây lúa, ánh sáng của đèn điện …

Theo chiều không gian thì giữa các pháp là hai nhân hoàn toàn bình đẳng, không có nhân chính, nhân phụ. Quan hệ giữa hai nhân là quan hệ tương tác và cùng diệt đi, không hề tồn tại quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân. Ví như trống và dùi, xích và đĩa, mắt và sắc trần, lưỡi và viên đường, tay và cục nước đá … đều là hai nhân bình đẳng, không nhân nào sở hữu, chủ nhân của nhân nào. Quan hệ giữa các pháp chỉ có quan hệ TƯƠNG TÁC, không tồn tại quan hệ CHỦ NHÂN, không tồn tai quan hệ SỞ HỮU. Vì vậy tất cả các Sắc pháp và Danh pháp là VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU.

Thấy biết như thật các pháp Vô chủ, Vô sở hữu để thấy rõ sự thật này trái ngược hiểu biết thế gian. Các pháp Vô chủ, vô sở hữu nghĩa là quan hệ giữa các pháp không có chử “CỦA”, còn mọi hiểu biết, mọi lối sống thế gian đặt nền tảng trên quan hệ sở hữu với chử “CỦA”. Mặn của muối, ngọt của đường, ngon dở của thức ăn, nóng của lửa, lạnh của nước đá, nặng nhẹ ,cứng mền, thô mịn của địa đại, mẹ của con, xe của ta, nhà của ta, đất nước của ta…

Vì thấy biết Thế gian mặc định có quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân, nên đời sống thế gian xoay quanh sự chiếm hữu, phấn đấu chiếm hữu, bảo vệ chiếm hữu. Luật pháp bất kỳ một nước nào, một thể chế chính trị nào cũng đặt trên quan hệ sở hữu. Thế gian ca ngợi quyền sở hữu, quyền làm chủ: làm chủ Sinh Già Bệnh Chết, làm chủ thân tâm, làm chủ hạnh phúc, làm chủ lời nói, hành động, làm chủ gia đình, xã hội, làm chủ thiên nhiên.

Cả thế gian đang sống trái với sự thật,đang phấn đấu nỗ lực để đạt được sở hữu, đạt được làm chủ, đạt được cái không hề có. Chính sự phi lý này, sự mâu thuẫn này, làm cho nhân loại chỉ quẩn quanh trong đau khổ. Thực tại mà con người đang sống là Cảm thọ, những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là các Cảm giác, nó Vô thường, Vô chủ, không thể sở hữu, không thể làm chủ, nên không có một cái gì đáng quý đến nỗi phải chiếm hữu, phải giữ nó bằng mọi giá.

Trong hiểu biết và đời sống nhân loại tồn tại một cái Ta mà tiếng Hán gọi là Ngã ,là chủ nhân, chủ sở hữu của các Danh pháp và Sắc pháp, là chủ nhân, chủ sở hữu của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Ta thấy, Ta nghe, Ta ngửi, Ta nếm, Ta xúc chạm,Ta nhớ, Ta tư duy, Ta nói, Ta làm, Ta hạnh phúc, Ta đau khổ, Ta tạo nghiệp, Ta gặt hái quả của nghiệp… nhà của Ta, xe của Ta, gia đình Ta, con Ta, đất nước Ta… Ta hơn, Ta kém, Ta bằng.

Trong kinh diễn tả bằng tiếng Hán là “Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tuỳ miên”. Phàm phu xoay quanh cái Ta này, tô bồi, bảo vệ, xung đột vì cái Ta này, tin rằng cái Ta này thực sự hiện hữu. Nhưng Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là pháp duyên khởi, đặc tính của nó là Vô chủ, nghĩa là không có bất kỳ một pháp nào, một cái gì là chủ nhân, chủ sở hữu của nó nên không thể có cái Ta này, không thể hiện hữu cái Ta chủ nhân, chủ sở hữu này, nghĩa là các pháp Vô Ngã. Cái Ngã trong thấy biết của Phàm phu không có thật, chỉ là tư tưởng tà kiến do Tà Niệm – Tà Tư Duy tạo ra, là lý luận suông, là lông rùa sừng thỏ. Ngoài Đức Phật, không ai trong nhân loại, thấy biết được sự thật Vô Ngã này, nên không ai có thể liễu tri Ngã luận thủ. Như vậy VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU cũng đồng nghĩa với VÔ NGÃ.

– Vô Ngã là không có cái Ta ( Ngã ) chủ nhân, chủ sở hữu Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Nếu chỉ quán Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này “không phải là ta, không phải của ta, không phải là bản ngã của ta” thì cũng có thể đạt được không chấp thủ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, nhưng với Vô minh sâu dày thì quán như vậy vẫn còn tồn tại một cái Ta. Và như vậy sẽ tư duy, suy diễn để tìm kiếm một cái Ta ngoài Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, đi tìm một cái Ta chân thực không sinh không diệt, một Bản Tâm, Bản Tánh, một Bản Lai Diện Mục không sinh không diệt ….

Điều này đã xẩy ra sau khi Phật giáo phân phái. Trong bản kinh Giới Phân Biệt, kinh 143 thuộc Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã giảng : Ta là, là một vọng tưởng. Ta không phải là, là một vọng tưởng. Chấm dứt( hai ) vọng tưởng là một ẩn sỉ tịch tịnh. Lời giảng chính xác về Vô Ngã, không còn khe hở cho suy diễn tưởng tượng là đây, phủ nhận hoàn toàn cái Ta, Bản Ngã. Ta là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là vọng tưởng điên đảo. Ta không phải là Sắc Thọ Tưởng Hành Thức cũng là vọng tưởng điên đảo. Chấm dứt cả hai tư tưởng điên đảo về cái Ta, vắng lặng tư tưởng về cái Ta là chứng đạt Vô Ngã.

– Một số trường phái phát triển không thấy biết như thật tánh chất Vô chủ hay Vô ngã của các pháp, nên đề ra Hai Vô ngã là Nhân vô ngã và Pháp vô ngã. Đa phần hiểu Vô ngã là Vô tự tánh, nghĩa là các pháp không có tự tánh. Điều này là hiểu biết sai lạc vì hai tự tánh đặc biệt của các pháp là vô thường, vô ngã đã được Đức Phật khẳng định. Vô thường, Vô ngã là hai tánh chất, hai bản tánh, hai tự tánh của tất cả pháp, sẵn có nơi các pháp vì các pháp là do duyên khởi như đã chỉ rõ trên đây. Hiểu biết các pháp là vô tự tánh cũng tự mâu thuẩn với chính họ khi họ định nghĩa : pháp là nhậm trì tự tánh … nghĩa là mỗi pháp trì giữ tự tánh của mình mới phân biệt được pháp này với pháp kia.

3 – Tin sâu Nhân Quả :

Người học Phật trước tiên phải tin sâu nhân quả. Nhưng phải phân biệt được có hai loại tin sâu nhân quả. Một là tin sâu nhân quả theo thấy biết Vô minh, tà kiến. Hai là tin sâu nhân quả theo thấy biết như thật nhân quả của lời Phật dạy. Đa phần chủ trương tin sâu nhân quả là Nhân Quả Nghiệp Báo theo kiểu : Ta tạo nhân lành trong quá khứ thì hiện tại Ta lãnh thọ quả vui. Ta tạo nhân ác trong quá khứ thì hiện tại Ta lãnh thọ quả khổ . Hiện tai và tương lai cũng vậy.

Đây là hiểu biết một chiều về nhân quả dựa trên Vô minh, Thường kiến, Ngã kiến đã bị Đức Phất chỉ trích và phê phán trong Tương Ưng Bô Kinh. Trong bản kinh này một Bà la môn hỏi Đức Phật: Khổ do mình làm rồi mình chịu hay Khổ do người khác làm, mình chịu ? Đức Phật đã trả lời rằng: Khổ do mình làm và rồi mình chịu là Thường kiến, Khổ do người khác làm rồi mình chịu là Đoạn kiến.

Và Đức Phật giảng Khổ do duyên Xúc. Thường kiến và Đoạn kiến như vậy về Nhân Quả Nghiệp Báo chính là Tà kiến, không thể thấy Như Thật về Nhân Quả Nghiệp Báo theo lời dạy của Phật, Khổ do duyên Xúc. Tin sâu nhân quả với Trí Tuệ, theo lời dạy của Đức Phật, phải hiểu là Đức Phật dạy hai loại nhân quả : Nhân quả Thế gian thuộc về Phàm phu và Nhân quả Xuất thế gian thuộc về bậc Thánh.

a – Nhân quả thế gian chính là Nhân Quả Nghiệp Báo :

Nhân Quả Nghiệp Báo vận hành theo lộ trình: Do có Lục nhập mà có Xúc, do có Xúc mà có Thọ, do có Thọ mà có Ái, do có Ái mà có Thủ, do có Thủ mà có Hữu, do có Hữu mà có Sinh, do có Sinh mà có Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não không thể kể xiết.

Lục nhập – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sinh – Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não.

Đức Phật đã thuyết minh tóm tắt để cho người nghe dể hiểu về lộ trình Nhân Quả này, nếu khảo sát tỉ mỉ thì đó là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu:

  • Lục Nhập – Xúc – Thọ – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi Như Lý tác ý – Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng – Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não.

Tin sâu nhân quả phải là Chánh tín do Văn – Tư – Tu về lộ trình tâm Bát Tà Đạo, để thấy biết Như Thật về Khổ, thấy biết Như Thật về Nguyên nhân Khổ hay giác ngộ Khổ đế và Tập đế. Muốn đạt được như vậy phải quan sát các quá trình nhân quả này vận hành nối tiếp nhau, mỗi một giai đoạn hay mỗi một chi phần đều xẩy ra theo cách thức: hai nhân bình đẳng tương tác nhau rồi cùng diệt mà phát sinh quả.

Quan sát như vậy sẽ tránh được thấy biết có nhân là chủ thể, nhân là đối tượng, tránh được quan hệ giữa hai nhân chủ thể và đối tượng là quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu. Ví như con dao và quả dưa. Tà kiến thấy con dao là chủ thể, quả dưa là đối tượng, quả dưa bị con dao cắt làm đôi, con dao là nhân, quả dưa bị cắt làm đôi là kết quả.

Thấy như thật là : con dao và quả dưa bình đẳng, hai nhân này tương tác với nhau và cả hai cùng diệt ( quả dưa nguyên vẹn ban đầu không còn, con dao ban đầu không còn vì nó đã mòn đi tuy rất vi tế ) và phát sinh hai nửa quả dưa và con dao mới. Tương tự như vậy phải chấm dứt cái thấy chồng vợ, cha con, thầy trò, chủ khách … theo quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu bằng cách thấy các cặp này là hai nhân bình đẳng tương tác với nhau thì sẽ thấy được kết quả phát sinh là Vô thường, Vô chủ.

Phải thấy cho được Căn Trần là hai nhân bình đẳng tiếp xúc nhau mà phát sinh Cảm thọ thì sẽ thấy các Cảm thọ Vô thường , Vô chủ. Thấy được như thật, con người đang sống với những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là các Cảm giác và các Cảm giác này vô thường, vô chủ.

Thấy ra được Tà Niệm – Tà Tư Duy làm phát sinh Ý thức Tà Tri Kiến, hiểu biết một cách sai lạc. Sự sai lạc ở đây là, những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là các Cảm Thọ, lại thấy nó là Thế giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp, thấy nó là ngoại cảnh và thấy nó Thường Hằng, Hữu chủ. Đó là nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si, phát sinh Khổ.

Ví như Tà kiến thấy “vị ngọt” là tính chất của viên đường, sẵn có, luôn luôn có trong viên đường ( thường hằng, thường trú ), “vị ngọt” là của viên đường ( hữu chủ ). Quan sát nơi sự thật sẽ thấy Viên đường ( Vị trần ) và Lưỡi ( Căn ) là hai nhân bình đẳng, nếu chưa tiếp xúc thì không có “vị ngọt” nào cả. Khi lưỡi tiếp xúc Viên đường lập tức phát sinh Cảm giác vị ngọt, và đây là “vị ngọt” thật của đời sống hàng ngày mà Thánh hay Phàm đều cảm nhận được. Xúc sinh Cảm giác vị ngọt sinh, Xúc diệt Cảm giác vị ngọt diệt nên Cảm giác vị ngọt Vô thường, không có trong viên đường, Cảm giác vị ngọt cũng Vô chủ, không phải của viên đường, vì Lưỡi và Viên đường đều không phải là chủ nhân, chủ sở hữu của Cảm giác vị ngọt.

b – Nhân quả Xuất Thế gian :

Đó là thực tại của bậc Thánh. Nhân Quả Xuất Thế gian vận hành theo lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Cụ thể :

  • Lục Nhập – Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tỉnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Tri Kiến – Như Lý tác ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Khi lộ trình Nhân Quả Xuất Thế gian này vận hành thì lộ trình Nhân Quả Nghiệp Báo thế gian đoạn diệt. Đó chính là đoạn tận Khổ.

Kết Luận:

Người Phật tử tin sâu nhân quả bằng Văn tức nghe giảng hoặc tự mình đọc sách, bằng Tư tức tư duy về điều đã học, bằng Tu tức thực hành Bát Chánh Đạo để thấy biết như thật Nhân Quả thế gian, tức sự vận hành của lộ trình tâm Bát Tà Đạo và Nhân Quả Xuất thế gian tức sự vận hành lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. Và như vậy toàn bộ sự thuyết giảng của Đức Phật là thuyết giảng về Nhân Quả hay về Duyên Khởi, chính vì vậy mà Ngài đã kết luận: “Ai thấy Lý Duyên Khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Như Lai”

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *