CHẤP NGÃ TỪ ĐÂU SANH - Gosinga

CHẤP NGÃ TỪ ĐÂU SANH

Các Pháp đều vô ngã,nghĩa là các Pháp vô hộ ,vô chủ ,vô sở hữu ,nghĩa là không có bất kỳ một cái gì bảo hộ ,chủ nhân,chủ sở hữu pháp đó,cung co nghĩa là không có một cái Ta nào là chủ nhân ,chủ sở hữu pháp đó nên gọi là Vô Ngã (tiếng Việt gọi là Ta, tiếng Hán gọi là Ngã ).Đây là sự thật không phải Đức Phật sáng tạo ra mà là Đức Phật phát hiện ra. Sự thật vô ngã sẽ được mỗi người tự biết khi quán sát Lý Duyên Khởi: Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh quả. Quả ấy phát sinh do hai nhân tiếp xúc với nhau ( duyên Xúc )mà phát sinh nên gọi là Pháp duyên khởi. Ví như gói thuốc nhuộn đỏ tiếp xúc với chậu nước trong roi cả hai cùng diệt và phát sinh chậu thuốc nhuộm đỏ. Chậu thuốc nhuộm đỏ lúc này không có quan hệ gì với hai nhân đã diệt,nó độc lập ,vô chủ ,vô sở hữu. Tiếp đến chậu thuốc nhuộn đỏ tiếp xúc với cái áo trắng và cả hai cùng diệt phát sinh cái áo đỏ và một chậu thuốc nhuộn đỏ mới khác .Đối với lúc này ,cái áo trắng và chậu thuốc nhuộm là hai nhân bình đẳng nhau ,không nhân nào là chính,không nhân nào là phụ và giữa chúng không có cai nào là chủ nhân của cái nào,không cái nào sở hữu cái nào mà chỉ là chúng tương tác với nhau( Xúc ) rồi cùng diệt. Như vậy quán sát theo thời gian và không gian chậu thuốc nhuộn đều vô chủ ,vô sở hữu ( vô ngã ). Các Sắc pháp đều phát sinh theo Duyên khởi như vậy và các Danh pháp cũng phát sinh tương tự. Ví như có viên đường và lưỡi là hai nhân khi tiếp xúc với nhau thì cả hai cùng diệt và phát sinh cảm giác vị ngọt (lưỡi cũ “diệt”lưỡi mới “sinh”). Cảm giác vị này là Danh pháp nó hoàn toàn vô chủ ,vô sở hữu, không có cái Ta nào chủ nhân của nó ,sở hữu nó, điều khiển nó ,có thể kéo dài nó ra được nên nó Vô ngã. Tất cả các Sắc pháp và Danh pháp được chia làm năm nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức hay Năm Uẩn đều là Pháp duyên khởi và đều có tính chất Vô Ngã.
Đối với kẽ Phàm ,hiểu biết của họ là có một cái Ta (Ngã) là chủ nhân,chủ sở hữu của Năm Uẩn và họ sống với hiểu biết : Ta thấy ,Ta nghe, Ta cảm nhận ,Ta nhận thức, Ta đói ,Ta no, Ta nói năng, Ta hành động,Ta hạnh phúc ,Ta khổ đau, Ta tạo nghiệp ,Ta gặt hái quả của nghiệp ,nhà của Ta, xe của Ta, đất nước của Ta, cuộc sống của Ta,quả đất của Ta … Hiểu biết đó gọi là Năm Thủ Uẩn. Khi sống với hiểu biết có một cái Ta như vậy thì xung đột sẽ xẩy ra. Mẹ nghĩ con là của Ta thì mẹ sẽ thương yêu ,săn sóc, lo lắng cho con nhưng Ta sẽ điều khiển con, con phải nghe và làm theo Ta .Nhưng con cũng nghĩ mẹ là của Ta, Ta sẽ chăm sóc ,thương yêu ,phục vụ mẹ nhưng mẹ phải nghe Ta, mẹ phải làm theo Ta, Ta điều khiển mẹ. Và như vậy hai cái Ta đó điều khiển nhau và xung đột phải xẩy ra. Nguyên nhân của sự xung đôt trong một gia đình ,trong một gia tộc, trong một đất nước,trong một tôn giáo, hay giữa các gia đình, giữa các gia tộc ,giai cấp ,quốc gia, tôn giáo chính do chấp vào cái Ta ,cái Bản Ngã này. Cuộc sống của con người xoay quanh cái Ta đó, vinh danh cái Ta đó ,phục vụ ,bảo vệ cái Ta đó, và đặc biệt là tìm cầu hạnh phúc cho cái Ta ấy. Chính sự khao khát tìm cầu hạnh phúc ( hỷ lạc ) chổ này chổ kia như Dục Lạc ( gọi là Dục hỷ Dục lạc ), như ở sự sống ,sự Hiện Hữu (Gọi là Dục hỷ Hữu ), như ở Niết bàn (gọi là Dục hỷ Niết bàn )chính là Nguyên nhân phát sinh Khổ nên kinh nói : Năm Thủ Uẩn là khổ, Năm Thủ Uẩn là gánh nặng.
1-Năm Uẩn vốn vô ngã, vậy chấp ngã như vậy từ đâu sanh? Đức Phật đã giảng điều này trong bài Kinh Pháp Môn Căn Bản ,bản kinh số một của Trung Bộ Kinh. Nội dung của Kinh đề cập đến cái biết của bốn hạng người là : Phàm phu, Hữu học, A La Hán và Như Lai. Đối với cái biết của Pham phu Đức Phật đã giới thiệu cái biết với rất nhiều đối tượng nhưng xẩy ra theo cùng một kiểu : kẻ Phàm phu tưởng tri địa đại là địa đại ,do tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, người ấy đối chiếu tự ngã với địa đại, người ấy nghĩ địa đại là của ta, người ấy nghĩ ta là địa đại, dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói rằng người ấy không liễu tri địa đại . Ý nghĩa của đoạn kinh này như sau: Sau khi thấy ,nghe,cảm nhận đối tượng (tức biết đối tượng với cái biết Trực tiếp giác quan hay Nhận thức cảm tính )thì tư duy tìm hiểu đối tượng khởi lên (nghĩ đến địa đại ). Tư duy tìm hiểu sẽ phát sinh cái biết Ý thức có nội dung : Ta biết đối tượng (đối chiếu tự ngã với địa đại ) đây là Ngã kiến, đối tượng là của Ta ,là Ta (địa đại là ta,là của ta )đây là Ngã sỡ kiến và có một nội dung nữa là Ta hơn,kém hay bằng đối tượng (đối chiếu tự ngã với địa đại )gọi là Ngã mạn tuỳ miên. Đây là cái biết Ý thức nhị nguyên có chủ thể biết là một cái Ta có nội dung mà Kinh thường đề cập là Ngã kiến,Ngã sỡ kiến, Ngã mạn tuỳ miên. Cái Ta này xuất hiện khi Tư duy về các đối tượng được thấy ,nghe, cảm nhận. Hãy quán sát tỉ mỉ hơn về lộ trình này. Trước tiên hãy hiểu về Pháp trần .Mỗi một người phải có một “kho chứa” lượng thông tin về những cái đã biết trong quá khứ vì nếu lượng thông tin đó không được lưu lại thì không thể nhớ gì về quá khứ được. Ví như một người chưa từng học đi xe đạp, chưa có kinh nghiệm đi xe đạp thì nếu bây giờ đã 80 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh ngồi lên xe đạp không thẻ nào điều khiểnđạp xe đi được. Nếu một người lúc nhỏ đã đi xe đạp thành thạo bỏ đi 60 năm không đạp xe ,bây giờ nếu còn khoẻ mạnh người đó vẫn đạp xe đi như thường. Điều này chứng tỏ kinh nghiệm đi xe đạp phải được lưu giữ trong kho chứa không hề mất. Một đứa trẻ lúc mới đẻ không biết to nhỏ xanh vàng đỏ trắng mặn ngọt chua cay,chưa biết nói ,chưa biết chữ…nó phải học hỏi và những thông tin đó được lưu vào kho chứa. Những thông tin trong kho chứa bao gồm những tri thức ,kinh ngiệm ,thói quen, tính cách,đam mê…đặc biệt là những hiểu biết không đúng sự thật về vô thường ,vô ngã, không đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo gọi là Vô Minh, những tư tưởng ta,của ta như thân này , tâm này ,mắt tai mũi lưỡi thân ý này là của ta ,là ta,nhà của ta,xe của ta,quê hương ta, đất nước ta,quả đất ta … Lượng thông tin này gọi là Pháp trần là đối tượng của Ý căn được lưu giữ trong một kho chứa tương tự như ổ cứng máy vi tính. Những gì được thấy nghe ,cám nhận ,nhận thức đều được lưu vào kho chứa.
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần phát sinh sáu loại cảm giác (cảm thọ )và sáu cái biết trực tiếp biết như thật sáu cảm thọ ấy. Đó là nhãn thức( thấy) ,nhĩ thức (nghe),tỉ thức, thiệt thức ,thân thức,tưởng thức (cảm nhận) là cái biết không tri thức ,khái niệm ,không phân biệt đối đãi, không ngôn từ chế định. Cái biết này giống như một đứa trẻ mới đẻ tức thì nó vẫn thấy nghe,cảm nhận đối tượng nhưng không biết đó là cái gì nên sau đó tư duy khởi lên để tìm hiểu đối tượng. Tư duy là hành vi phân tích ,so sánh ,đối chiếu lượng thông tin do cái biết trực tiếp cung cấp với lượng thông tin trong kho chứa và sẽ phát sinh kết luận cái đó là cái gì ,chính cái biết đó la Ý thức. Nhưng vì lượng thông tin trong kho chứa quá lớn không thể nào đối chiếu với tất cả được nên sẽ có một hành vi dò tìm ,tìm kiếm lượng thông tin cần thiết cho tư duy . Hành vi đó theo từ Hán Việt là Niệm tương tự như trên mạng ,lượng thông tin khổng lồ được lưu giữ trong các máy chủ khi một người cần tìm một thông tin ấn Tìm kiếm thì công cụ dò tìm sẽ làm việc và máy sẽ cung cấp thông tin đó. Lộ trình được diễn tả bằng sơ đồ:
Xúc – Thọ (Cảm giác) – Tưởng – Niệm – Tư Duy – Ý Thức.
Trong sơ đồ này Thọ là sáu cảm giác và Tưởng là sáu cái biết trực tiếp biêt như thật các cảm thọ đó. Ví như mắt tiếp xúc với Sắc trần (ti vi) phát sinh cảm giác hình ảnh và nhãn thức ,nhãn thức thấy hình ảnh nhưng không biết đó là cái gì,Niệm sẽ kích hoạt các loại hình ảnh được lưu trong kho chứa ,nếu trước đây đã từng thấy và biết hình ảnh tương tự ,thì tư duy đối chiếu và kết luận ,đây là cái ti vi. Nếu trước đó chưa từng thấy ti vi thì niệm và tư duy sẽ kết luận không biết là cái gì

Ý thức do Niệm và Tư duy mà phát sinh nên nội dung của nó phản ánh nội dung các thông tin trong kho chứa, là những hiểu biết được thu thập trong quá khứ. Nội dung của Ý thức có hai phần : phần chủ thể biết và phần đối tượng được biết nên gọi là Ý thức nhị nguyên. Chủ thể biết là một cái Ta bao gồm : Ta biết, của Ta ,Ta hơn, kém hay bằng như ngôn ngữ Hán Việt là Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tuỳ miên. Đối tượng được biết là thế giới trần cảnh bên ngoài ( Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần )được xác định là dễ chịu ,khó chịu hay trung tính (không dễ chịu, không khó chịu ). Cả hai phần Chủ Thể và Đối Tượng đều sai sự thật vì các pháp là vô chủ, vô sỡ hữu nên không có cái Ta nào là chủ nhân, chủ sỡ hữu cái biết và đối tượng được biết là cảm thọ ,là Tâm chứ không phải là Cảnh. Vậy cái biết Ý thức nhị nguyên sai sự thật ,nó chính là Vô minh và trên lộ trình tâm này Vô minh đã xuất hiện còn lượng thông tin Vô minh trong kho chứa chỉ là nhân cho Vô minh hiện khởi ở đây.
Cái Ta xuất hiện trong cái biết Ý thức là do Niệm và Tư Duy nghĩa là Niệm kích hoạt các thông tin Vô minh ,Ta ,của Ta như mắt thấy sắc trần ,tai nghe thanh trần ,mũi ngửi hương trần … mắt của Ta,tai của Ta …và Tư duy đối chiếu với những thông tin đó làm phát sinh Ý thức nhị nguyên có Ta biết ,có của Ta, có Ta hơn kém bằng. Ý thức nhị nguyên này lại được lưu vào kho chứa và nó lại làm nhân cho Niệm và Tư duy ở các lộ trình tâm sau. Vì vậy Niệm này là Tà Niệm ,Tư Duy này là Tà Tư Duy và Ý thức nhị nguyên này là Tà Tri Kiến,
Xúc – Thọ ( Cảm giác ) – Tưởng – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Tà Tri Kiến ( Ý thức ). Khi cái biết Ý thức nhi nguyên đã khởi lên như vậy sẽ phát sinh Thái độ và Phản ứng với đối tượng và sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Đây chính là lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Cái Ta không có thực ,nó do Tà Niệm ,Tà Tư Duy tạo ra,nó là lông rùa sừng thỏ. Ví như có người chồng đang chửu mắng đánh đập vợ con ngay trong ngôi nhà của mình thì tại thời điểm đó Niệm chỉ kích hoạt thông tin Thân Tâm này là Ta còn vợ con,tài sản không phải là Ta nên Ý thức cũng biết như vậy mới phát sinh hành vi đánh đập chửu rủa vợ con, anh ta sẽ không tự tay tát vào mặt mình vì đó là Ta. Xong đó anh ta đi ra đường và nếu có ai đó xúc phạm vợ con hoặc tài sản của anh ta thì anh ta sẽ phản ứng rất quết liệt bởi lúc đó Niệm sẽ kích hoạt thông tin vợ con tài sản là của Ta và Ý thức biết như vậy nên phản ứng không phải như ở trong nhà. Tối hôm đó anh ta xem một trận đấu chung kết bóng đá giữa Việt nam và Thái lan nếu Việt nam thắng ,anh ta reo mừng hớn hở,bia rượi tơi bời và giả sử có gặp người mà anh ta to tiếng lúc chiều thì anh ta vẫn vui vẻ mời rượi bia bởi bây giờ Niệm kích hoat thông tin là từ Mục nam quan tới mũi Cà mâu đều là của Ta. Cũng chính anh ta khi bay vào tàu vũ trụ ,khi nhìn về quả đất thì tất cả quả đất này là Ta không còn phân biệt Việt nam hay Thái lan nữa. Một cái Ta thật sự vô lối như vậy chỉ là do Tà Niệm ,Tà Tư Duy tạo ra mà thôi.
Nhiều người cho rằng tu là sửa đổi tâm này, thay đổi tâm này ,làm chủ tâm này vì ho coi tâm như một thực thể mà không biết tâm là các lộ trình sinh diệt. Bản chất các lộ trình ấy Vô ngã nghĩa là không có Thượng đế ,Đại ngã,một cái Ta nào hay bát cứ một ai có thể làm chủ ,có thể thay đổi được nó ,hễ lộ trình tâm Bát Tà Đạo khởi lên thì lập tức xuất hiện Cái Bãn Ngã ảo tưởng. Nếu tu hành với tâm của Phàm phu với cái biết nhị nguyên này thì cho dù cố gắng gò ép, dùng một kỷ luật sắt đá để đàn áp bắt buộc nó bố thí ,trì giới ,tham thiền, làm việc từ thiện để trở thành người thánh thiện, một người hoàn hảo,một bậc thánh trước mặt người khác thì cũng đang tu để trở thành, trở thành một Bãn ngã cao siêu ,vĩ đại hơn, một Đại ngã. Bản chất tâm Bát Tà Đạo là chấp ngã nên càng thông thái bao nhiêu ,càng thành tựu bao nhiêu, càng nổi tiếng bao nhiêu thì những thông tin ấy khi được lưu vào kho chứa là chất liệu cho Tà Niệm Tà Tư Duy vẽ ra mot Bản ngã vĩ đại .Một người có Văn Tuệ và Tư Tuệ sâu sắc,đầy đủ về Duyên khởi ,về vô thường ,vô ngã ,về Khổ Tập Diệt Đạo nhưng không thực hành ,lộ trình tâm vẫn là Bát Tà Đạo thì cũng Ngã mạn hơn người.
2- Con đường chấm dứt chấp ngã: không phải tu là sửa đổi BTĐ mà là đoạn diệt BTĐ, nghĩa là khi Tà Niệm diệt thì Tà Tư Duy diệt,lúc đó Tà Tri Kiến diệt ,lúc đó chấp ngã diệt và cái Ta ảo tưởng diệt, Tham sân si diệt và toàn khối đau khổ diệt. Muốn BTĐ diệt ( Diệt với ý nghĩa không khởi lên ) thì Bát Chánh Đạo phải khởi lên. Vậy BCĐ khởi lên như thế nào?. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần xẩy ra lộ trình :Xúc – Thọ (Cảm giác ) – Tưởng – đến đây Niệm sẽ khởi lên, nếu Niệm là Tà Niệm thì toàn bộ BTĐ sẽ tự động khởi lên theo nguyên lý duyên khởi ,nếu Niệm là Chánh Niệm thì toàn bộ BCĐ sẽ tự động khởi lên theo nguyên lý duyên khởi. BCĐ sẽ khởi lên như sau:
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Như Lý Tác Ý – Chánh ngữ Chánh nghiệp Chánh mạng.
a- Khi một Hành giả toạ thiền với Niệm Thân hay Niệm Thọ: Mỗi một cảm giác khởi lên với cái biết trực tiếp thì Chánh Niệm ( nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác nơi thân đối với Niệm Thân, nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác đối với Niệm Thọ ) khởi lên sẽ phát sinh Chánh Tinh Tấn .Chánh Tinh Tấn sẽ phát sinh sự chú tâm quán sát các đối tượng ( gọi là Chánh Định ). Nhờ có sự chú tâm như vậy nên lộ trình tâm kết thúc tại đó, nhưng sự chú tâm đó cũng là duyên cho lộ trình tâm sau y như vậy trên cùng đối tượng phát sinh. Diễn tiến tiếp tục như vậy cho đến khi có một Xúc khác phát sinh thì lộ trình tâm trên đối tượng đó kết thúc và lộ trình tâm tương tự sẽ khởi lên nơi đối tượng mới. Lộ trình như vậy được diễn tả như sau:
Xúc – Thọ ( Cảm giác ) – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác )
Nhờ sự chú tâm nên nhiều lộ trình tâm “nháy đi nháy lại” trên cùng đối tượng nên cảm thọ và cái biết trực tiếp được “kéo dài” ra nên Hành giả kinh nghiệm được cái biết trực tiếp một cách minh bạch. Cái biết tực tiếp giác quan hay là nhận thức cảm tính này bây giờ có một tên gọi khác là Tĩnh Giác. Đa phần lộ trình tâm lúc toạ thiền với Niệm Thân và Niệm Thọ là như vậy nên lúc này chỉ có cái biết duy nhất là Tĩnh Giác ,cái biết không tri thức khái niệm, không phân biệt đối đãi, không ngôn ngữ chế định nên Hành Giả kinh nghiệm được lúc đó không tồn tại một cái Ta nào hết,không có Ngã kiến ,không có Ngã sở kiến ,không có Ngã mạn tuỳ miên.
b- Khi Hành Giả Niệm Tâm và Niệm Pháp:
Sau khi thấy nghe ,cảm nhận đối tượng ,Chánh Niệm khởi lên ( nhớ đến chú tâm quán sát tâm nơi tâm hoặc nhớ đến quán sát pháp nơi pháp ) thì sẽ phát sinh Chánh Tinh Tấn và CTT sẽ làm phát sinh Chánh Định và do vậy sẽ biết đối tượng với cái biết Tĩnh Giác sau đó Chánh Tư Duy khởi lên. Nhưng bây giờ kho chứa của một Hành giả có Văn tuệ và Tư tuệ đã lưu thông tin Minh ,tức hiểu biết như thật về Duyên khởi ,về Vô thường ,Vô ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo nên Chánh Niệm sẽ kích hoạt Minh chứ không kích hoạt Vô Minh ,nên Chánh Tư Duy sẽ phân tích so sánh đối chiếu thông tin về đối tượng được Tĩnh giác cung cấp với Minh nên phát sinh cái biết Y thức đúng như thật gọi là Chánh Kiến không còn Ta, của Ta ,Ta hơn,kém ,bằng nữa. Phải quán sát thật kỹ để thấy Niệm kích hoạt thông tin gì thì nội dung của Ý thức thể hiện nội dung đó .Ví dụ như một người Mỹ da trắng không ăn thịt chó thì trong kho chứa của họ có thông tin: ăn thịt chó là hạ liệt ,là đê tiện ,là ghê tởm. Khi người đó đi du lịch khám phá ẩm thực Việt nam ,có người chơi khăm nên dẫn anh ta vào một cửa hàng thịt chó nguỵ trang rất kỹ lưỡng và mời anh ăn món ăn đặc sản. Vì háo hức khám phá món ăn Việt nên anh ta ăn món thịt chó xong khen ngon đáo để. Lúc đó mở hêt nguỵ trang để cho anh biết là vừa ăn thịt chó thì anh ta ghê tởm và có thể nôn oẹ ra tại chỗ. Điều này cho thấy như sau :lúc đầu cảm nhận cảm giác vị xong, Niệm sẽ kích hoạt các thông tin ngon dở trong kho chứa và Tư duy so sánh đối chiếu sẽ đưa đến Ý thức món ăn rất ngon, lúc sau khi tưởng lại và cảm nhận cái cảm giac vị đó thì Tư duy sẽ đối chiếu với thông tin được Niệm kích hoạt lần sau là ăn thịt chó là hạ liệt là đê tiện…Cũng y như vậy nếu Tà Niệm kích hoạt Vô Minh sẽ phát sinh Tà Tư Duy, sẽ phát sinh Tà Tri Kiến và sẽ có Ngã kiến ,Ngã sở kiến ,Ngã mạn tuỳ miên. Néu Chánh Niệm kích hoạt Minh sẽ phat sinh Chánh Tư Duy ,sẽ phát sinh Chánh Kiến không có Ngã kiến,không có Ngã sở kiến ,không có Ngã mạn tuỳ miên.Lộ trình khởi lên như sau:
Xúc – Thọ – Tưởng – Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – ( Tĩnh Giác ) – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến.
Như vậy trên Bát Chánh Đạo ,nhận thức cảm tính là cái biết Tĩnh Giác và nhận thức lý tính là Ý thức Chánh Kiến đèu không có Ngã kiến, ngã sở kiến ,Ngã mạn tuỳ miên tức không có sự Chấp Ngã.
Vậy con đường chấm dứt chấp ngã là Bát Chánh Đạo cũng là con đường chấm dứt Khổ. Để cho BCĐ khởi lên thì chỉ cần làm cho Chánh Niệm khởi lên nên các bài Kinh nói đến sự thực hành như Tứ Niệm Xứ, Niệm hơi thở vô, hơi thở ra và Thân Hành Niệm đều là sự thực hành Chánh Niệm. Nhưng Chánh Niệm cúng vô ngã không ai điều khiển được ,vậy phải làm cách nào.? Khi lượng thông tin do cái biết trực tiếp giác quan được truyền đẫn về các tế bào thần kinh não bộ sẽ xẩy ra sự tương tác (Xúc) giữa nó với lượng thông tin Pháp trần (được lưu trong cấu trúc ADN của các tế bào trong đó có tế bào thần kinh não bộ ) và do tương tác đó mà phát sinh Niệm. Nếu Vô Minh nổi trội hơn Minh thì Niệm đó là Tà Niệm, nếu Minh nổi trội hơn Vô Minh thì niệm đó là Chánh Niệm. Vậy duyên cho Chánh Niệm khởi lên là làm cho thông tin Minh nổi trội hơn Vô Minh bằng giữ giới ,bằng trau dồi Văn Tuệ và Tư Tuệ.
Bát Chánh Đạo là con đường độc nhất chấm dứt chấp Ngã, chấm dứt Khổ không có một con đường thứ hai nào hết. Trong Kinh Kim Cương của Phật Giáo phát triển cũng bàn luận về Vô Tướng và Hữu Tướng. Kinh đó khẳng định : Bồ tát mà còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh ,tướng thọ giả thì không phải là Bồ tát. Ly tất cả tướng (đó) là Chư Phật tức không có tướng ngã ,tướng nhân ,tướng chúng sanh ,tướng thọ giả. Với lời văn này rất khó hiểu trọn vẹn ý nghĩa ,nhưng có thể hiểu ý nghĩa đoạn văn trên như sau. Nếu thấy (biết) mà còn có tướng ngã ,tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì cái thấy (biết) đó là hư vọng, đó chính là thấy biết hữu tướng. Thấy biết của Chư Phật ly tất cả tướng ,tức không có tướng ngã, nhân ,chúng sanh ,thọ giả gọi là thấy biết vô tướng. Thấy biết Hữu tướng là gì và tại sao nó là hư vọng? Đó chính là Ý thức nhị nguyên trong lộ trình tâm Bát Tà Đạo, ví như : Ta thấy ngôi nhà của Ta, ngôi nhà hình chóp rất to, màu vàng ,rất đẹp. Cái thấy này là hữu tướng ,tức đối tượng được thấy có tướng :chóp, to ,vàng ,đẹp. Các tướng này là thuộc tính của ngôi nhà và nó là vật chất ,là tướng trạng của ngôi nhà. Các tướng này thường trú nơi ngôi nhà, là của ngôi nhà. ( thấy như vậy gọi là Thường kiến và Ngã kiến ). Sự thực các tướng ấy không phải của đối tượng được thấy mà đó là các Khái Niệm thuộc tâm thức áp đặt cho cái được thấy. Khi mới đẻ ra đứa trẻ vẫn thấy hình ảnh đó nhưng trong cái thấy trực tiếp đó không có khái niệm :chóp, to, vàng ,đẹp và đó là cái thấy như thật về đối tượng được thấy. Các khái niệm chóp, to, vàng, đẹp là các khái niệm được học hỏi ,được lưu vào kho chứa, nó là tâm nhưng bị áp đặt cho hình ảnh được thấy và được chấp thủ là Cảnh, thường trú trong Cảnh, là của Cảnh.Với cái biết nhị nguyên như vậy thì sẽ chấp thủ cái được thấy là Cảnh,là Sắc pháp nên chấp thủ Sắc pháp đó là Ta ( Đó là thấy tướng Ngã ), chấp thủ Sắc pháp đó là Người khác ( đó là thấy tướng Nhân ) chấp thủ các Sắc pháp đó là Chúng Sanh (đó là thấy tướng Chúng Sanh ) chấp thủ Sắc pháp và Danh pháp đó là Thọ Giả ( Đó là thấy tướng Thọ Giả ) .Đây là cái biết có Tướng ( tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng Sanh, tướng Thọ Giả )là Tà Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo ,là hư vọng. Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo , Chánh Kiến khởi lên là cái biết Ý thức đúng như thật không có Ta, của Ta ,Ta hơn ,kém ,bằng, biết các đối tượng đó là các cảm thọ,là Tâm,nó Vô thường ,Vô ngã, nó được ly tham. Cái biết Chánh Kiến này được gọi là Vô Tướng bởi nội dung của cái biêt này là các đối tượng được thấy ,được nghe, được cảm nhận ,được nhận thức là Tâm nên không có tướng,không còn chấp thủ các đối tượng đó là Cảnh,nên không còn tướng Ngã, tướng Nhân ,tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả. An trú cái biết Vô Tướng là an trú Vô Tướng Giải Thoát hay Tuệ Giải Thoát. Nếu rời sự thực hành Bát Chánh Đạo ,rời lời dạy “nguyên chất”của Phật ,tìm kiếm một phương pháp khác để chấm dứt chấp ngã thì cũng chỉ là Bát Tà Đạo và nó chỉ bành trướng ngã chấp mà thôi.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *