LẠC TU NHANH CHỨNG – Bát Chánh đạo

Trong Tăng Chi Bộ Kinh có đề cập đến bốn cách tu, bốn cách chứng ngộ và đánh giá của Đức Phật :
1 – Một là Khổ tu mà Chậm chứng. Đức Phật nói, đó là hạ liệt.
2 – Hai là Khổ tu mà Nhanh chứng. Đức Phật cũng cho là hạ liệt.
3 – Ba là Lạc tu mà Chậm chứng. Đức Phật vẫn cho là hạ liệt.
4 – Bốn là LẠC TU mà NHANH CHỨNG. Đây là pháp tu mà Đức Phật tán thán.
Vậy thế nào là Lạc tu mà Nhanh chứng ?
a – Lạc tu : Đó là sự tu tập Bát Chánh Đạo, xẩy ra theo lộ trình Văn – Tư – Tu. Trong đó Văn và Tư là Nghe giảng ( hoặc tự mình nghiên cứu ) và Tư duy về những điều đã nghe để Hiểu biết đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo. Đây là bước chuẩn bị và gọi là Bát Chánh Đạo hiệp thế ( thế gian ) vì đang phải sử dụng tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu để học và tư duy về Tứ Thánh Đế. Tu là sự thực hành để khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế của bậc Thánh với : Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – [ Tỉnh Giác ] – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến – Như Lý Tác Ý – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Khi Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên , thì lộ trình tâm đó Vắng mặt Khổ, hay Khổ diệt, là một trạng thái vắng lặng, bình an nhưng sẽ có hỷ lạc do Chánh Định phát sinh, cụ thể là hỷ lạc do ly dục sanh của Sơ thiền, hỷ lạc do định sanh của Nhị thiền, lạc do xả sanh của Tam thiền và hiện tại lạc trú của Tứ thiền. Đây chính là Lạc tu, nghĩa là khi thực hành có lạc có hỷ, có Khổ Diệt, Niết bàn.
b – Nhanh chứng : Với hiểu đúng và tu đúng có được Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ như vậy, Đức Phật đã khẳng định :
Trong bài kinh “Nhất Dạ Hiền Giả “ : Trú như vậy nhiệt tâm ; Đêm ngày không mệt mỏi; Xứng gọi Nhất dạ Hiền. Bậc an tịnh trầm lặng”. Đức Phật khẳng định, chỉ cần thực hành tích cực trọn một đêm ngày là trở thành một bậc Hiền, một bậc Thánh nhập lưu.
Trong bài kinh “ Tứ Niệm Xứ” : Ai tu pháp này trong 7 năm, 6 năm, 5 năm, 4 năm, 3 năm, 1 năm hoặc trong 7 tháng, 6 tháng, 5 tháng … 1 tháng, nữa tháng và tối thiểu 7 ngày thì sự chờ đợi người đó là Chánh trí trong hiện tại và nếu còn dư sót là quả Bất lai. Nghĩa là ai tu Bát Chánh Đạo bằng cách thực hành bốn loại Chánh Niệm ( Tứ Niệm Xứ ) trong thời gian từ 7 ngày cho đến 7 năm thì sẽ đạt quả A Là Hán ngay trong hiện tại và nếu không được thì sẽ là quả Bất Lai ( nghĩa là sau khi chết thì hoá sanh làm chư thiên và tại đấy nhập diệt, không trở lại cuộc đời này nữa ).
Trong các bộ kinh Nikaya cũng đã nhiều lần khẳng định : Không thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với khổ và ưu mà chỉ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế với lạc và hỷ. Và trong kinh có thí dụ rất thuyết phục : Nếu chứng ngộ Tứ Thánh Đế với khổ và ưu thì chỉ cần sáng đánh 100 hèo, chiều đánh 100 hèo, tối đánh 100 hèo là chứng ngộ khổ và ưu ngay, đâu cần tu tập Bát Chánh Đạo nữa. Nếu hiểu sai và tu tập sai Bát Chánh Đạo thì có tu vô vàn a tăng kỳ kiếp thì vẩn là phàm phu không thế giác ngộ Tứ Thánh Đế. Nếu tu tập Bát Chánh Đạo mà chưa đạt được Chánh Định với mức độ tối thiểu là Sơ thiền ( hoặc Nhị, Tam, Tứ thiền ) thì lộ trình tâm đó vẩn chỉ là Bát Tà Tạo với khổ và ưu nên vẩn đau nhức, hôn trầm, phóng tâm, không thể hiểu được Lạc tu là như thế nào. Đa phần người tu vì bị dẩn dắt bởi các chú giải sai lạc, không hiểu được Lạc tu Nhanh chứng mà Phật đã dạy nên lý giải tu để đạt quả A La Hán là phải ba bốn a tăng kỳ kiếp nên dễ duôi, không tinh tấn trong kiếp hiện tại để chấm dứt luân hồi. Một số trường phái tin theo Chú giải nên có quan điểm, tu là để thấy các pháp “vô thường, khổ, vô ngã” nên các thiền sư đó thường hỏi người tu khi trình pháp là hôm nay đã thấy khổ chưa và trong Tuệ Minh Sát có đề cập, tu sẽ đến lúc đạt được “Tuệ hoảng sợ” do thấy được khổ khi tu. Tu là để hiểu biết đúng sự thật, và đó Chánh kiến, là Tuệ đưa đến chấm dứt mọi lo lắng, mọi sợ hãi, mọi đau khổ. Vì thế nếu Tuệ Minh Sát đó mà đưa đến hoảng sợ thì đó là hiểu biết vô minh của Phàm phu. Hiểu và tu như vậy là sai, vì khi chưa tu đã thấy khổ rồi mới tu, bây giờ tu cũng để thấy khổ thì tu để làm gì. Phải hiểu rằng, khi chưa tu đã thấy Khổ, còn bây giờ tu là để thấy Khổ Diệt, để thấy Hết Khổ, để thấy lạc hỷ của Bát Chánh Đạo nên gọi là Lạc tu. Trong kinh điển cũng có nói đến Nhàm chán thực tại thế gian và Tham muốn thực tại Xuất thế gian, tuy vẩn là Tham và Sân nhưng cần phát triển viên mãn vì nó thuộc Dục Như Ý Túc. Dục Như Ý Túc do Văn tuệ và Tư tuệ khởi lên trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo nên được gọi là Bát Chánh Đạo hiệp thế, là bước chuẩn bị để khởi lên Bát Chánh Đạo siêu thế nhưng khi tu tập đã khởi lên Bát Chánh Đạo siêu thế rồi thì Dục Như Ý Túc diệt, không còn Tham muốn thực tại Xuất thế gian, cũng không còn hoảng sợ chán ghét thực tại Thế gian nữa.

Đại đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *