HY VỌNG – Bát Chánh đạo

HY VỌNG
Đã là con người thì sống bởi hy vọng. Hy vọng một ngày mai tốt lành, hy vọng một tương lai tươi sáng, hy vọng có được niềm vui, hạnh phúc ở tương lai, hy vọng chấm dứt mọi nỗi khổ trong tương lai. Già trẻ, gái trai, giàu nghèo ngu trí đều sống với hy vọng . Có một cuốn sách mang tựa đề :” Những kẻ lữ hành trên đường hy vọng” đã nói lên thực trạng của đời sống nhân loại. Đó là những kẻ lữ hành đang nỗ lực đi trong gian khổ, đói khát, sức cùng lực kiệt với nóng bức, mưa gió bão bùng, những sa mạc khô cằn hay miền đất đầy thú dữ đe doạ… với hy vọng cháy bỏng, phía trước mặt là miền đất hứa đầy sữa và mật ong. Chính niềm hy vọng về tương lai giúp cho con người vượt qua mọi nỗi gian truân cay đắng của cuộc đời để tiếp tục sống, chịu đựng được mọi cay đắng của cuộc đời. Điều gì sẽ xẩy ra khi một người chấm dứt mọi hy vọng tương lai ? Sẽ xẩy ra một trong hai trường hợp sau :
1 – MỘT LÀ : Người đó sẽ tự sát khi không còn bất cứ một hy vọng nào ở tương lại, khi mọi lối thoát ở tương lai đã bị bít chặt và lúc đó cái đau khổ trong hiện tại mới HIỆN RA NGUYÊN HÌNH không thể nào chịu đựng nỗi. Có một thống kê không biết chính xác đến mức độ nào đã chỉ ra : Ở Việt nam mỗi năm có khoảng 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, 120 nghìn người chết vì ung thư nhưng có đến 40 ngàn người tự tử vì trầm cảm. Những người bị trầm cảm luôn nghĩ đến cái chết để chấm dứt nỗi khổ đang trải qua trong hiện tại khi không còn một hy vọng, một lối thoát trong tương lai. Rất nhiều người nổi tiếng, thiên tài, các nhà triết học, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ được cho là vĩ nhân đã tự sát vì họ đã phần nào thấy ra sự thật, HY VỌNG THOÁT KHỔ TRONG TƯƠNG LAI thì giống như một chú cừu kéo một cỗ xe nặng nề cố sức chạy nhanh lên với hy vọng được ăn bó cỏ non gắn vào càng xe cách mỏm nó có một gang tay. Chính vì thấy ra cái sự thật CHẤM DỨT KHỔ Ở TƯƠNG LAI LÀ ẢO TƯỞNG và không có duyên để học hỏi nên không biết CÒN CÓ MỘT CÁCH THỨC CHẤM DỨT KHỔ TRONG HIỆN TAI nên vì không có lối thoát, họ đã kết liễu cuộc đời mình.
2 – HAI LÀ : Người đó giác ngộ, trở thành một bậc A La Hán. Đó là những người đã đi đến đích, đã ĐOẠN TẬN KHỔ. Vì vậy, họ không còn hy vọng thoát khổ ở tương lai, họ không còn tham ái Hạnh phúc nên không còn ước vọng bất cứ một niềm vui, hạnh phúc tương lai nào nữa. Họ đã đoạn tận hy vọng và sống như bài kệ kinh Nhất dạ hiền giả đã mô tả :
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ thì đã qua
Tương lai thì chưa tới
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây
Không động không rung chuyển.
Nhưng đối với vị hữu học chưa đạt được “Vô thượng an ổn thoát khỏi các khổ ách” thì vị đó vẫn còn phải nuôi dưỡng hy vọng. Hy vọng đương nhiên do Tham ái khởi lên nhưng vị hữu học có Văn Tuệ và Tư Tuệ biết rõ Nguyên nhân Khổ là Tham ái Dục lạc ( Dục ái ), Tham ái Hiện hữu ( Hữu ái ), Tham ái Hiện hữu không có thân xác ( Phi Hữu ái ) nên vị đó có tham muốn chấm dứt Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái để đạt được Chấm Dứt Khổ trong tương lai nhờ tu tập Bát Chánh Đạo. Hy vọng này khởi lên sẽ NHIẾP PHỤC hy vọng về niềm vui, hạnh phúc tương lai do Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái khởi lên. Hy vọng này mới phát sinh Tinh Tấn để tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế. Hy vọng này do tham muốn tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế cần phải được nuôi dưỡng đầy đủ, như ý cho đến mức độ nó nhiếp phục mọi hy vọng khác của con người và đó chính là Dục như ý túc. Do có Dục như ý túc là nhân sẽ phát sinh Tinh Tấn như ý túc để tu tập Bát Chánh Đạo. Có được hai yếu tố Dục như ý túc và Tinh Tấn như ý túc do Văn Tuệ và Tư Tuệ khởi lên thuộc Bát Chánh Đạo hiệp thế sẽ phát sinh tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế với Định như ý túc và Tuệ như ý túc. Định như ý túc là tuỳ theo ý muốn CHỨNG VÀ TRÚ sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hoặc tứ thiền. Tuệ như ý túc là khi thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thì Trí Tuệ khởi lên BIẾT ĐÚNG SỰ THẬT ĐỐI TƯỢNG ĐÓ LÀ CẢM THỌ DO CĂN TRẦN TIẾP XÚC MÀ PHÁT SINH, NÓ VÔ THƯỜNG, VÔ CHỦ ( VÔ NGÃ ), CÓ VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM VÀ SỰ XUẤT LY. Khi Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên với Định như ý túc, Tuệ như ý túc đang được tu tập thì Hy Vọng Chấm Dứt Khổ cũng được nhiếp phục còn khi Tứ Như Ý Túc gồm Dục như ý túc, Tinh Tấn như ý túc, Định như ý túc, Tuệ như ý túc được tu tập, được làm cho VIÊN MÃN thì lúc đó đạo quả A La Hán xẩy ra, và lúc đó MỌI HY VỌNG ĐƯỢC ĐOẠN TẬN.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *