GIỚI LUẬT LÀ GỐC HAY TRÍ TUỆ LÀ GỐC ĐẠO PHẬT

GIỚI LUẬT LÀ GỐC HAY TRÍ TUỆ LÀ GỐC ĐẠO PHẬT
Nhiều người cho rằng Giới Luật là Gốc của Đạo Phật, họ tuyên bố Giới Luật còn thì Đạo Phật còn. Quan điểm như vậy là do chấp thủ các hiểu biết sai lạc về lời dạy của Đức Thế tôn, do Không Thấy Biết Như Thật lời dạy của Ngài. Những người đó tuy có nghe, có đọc Kinh điển nhưng bị Vô minh che đậy, bị tham ái triền phược nên không có cách nào để thẩm thấu nội dung mà Đức Thế Tôn thuyết giảng. Trong Kinh Phạm Võng, bản kinh mở đầu bộ kinh Trường Bộ, là bản tuyên ngôn về sự giác ngộ của Đức Phật, Ngài đã không đề cao Giới Luật, không xem Giới Luật là gốc của Đạo Phật. Sau mỗi lần kể đến một Tiểu Giới, một Trung Giới, một Đại Giới thì đều có một khẳng định ngay liền : “Đó là những điều NHỎ NHẶT, KHÔNG QUAN TRỌNG, CHỈ THUỘC GIỚI LUẬT mà kẻ PHÀM PHU dùng để tán thán Như Lai, Như Lai không kể đến. Còn có NHỮNG PHÁP KHÁC, sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, chỉ có người trí mới có khả qnăng giác hiểu. Những pháp ấy Như Lai đã tự mình chứng ngộ và tuyên thuyết, và những ai như thật tán thán những pháp đó, Như Lai mới kể đến là người tán thán Như Lai”. Và gì là những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng … mà Như Lai đã tự mình chứng ngộ và tuyên thuyết và những ai, như thật tán thán các pháp ấy, Như Lai mới kể đến là người tán thán Như Lai. “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật TUỆ TRI sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ, mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ”. Đây mới là GỐC của Đạo Phật. Và GỐC đó là sự Giác Ngộ của Đức Phật, là TRÍ TUỆ THẤY BIẾT NHƯ THẬT THỰC TẠI. Đức Phật không giác ngộ Thực Tại là Thế Giới Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp như hiểu biết mặc định ( Vô minh ) của Nhân loại mà Ngài Giác Ngộ Thực Tại được thấy, được nghe, được cảm nhận là SÁU LOẠI CẢM THỌ do Sáu Căn và Sáu Trần ( Thế Giới ) tiếp xúc nhau mà phát sinh, nó Vô Thường, Vô Chủ, Vô sở Hữu ( Vô Ngã ), nó có Vị Ngọt, có Sự Nguy Hiểm, có Sự Xuất Ly.
Chính cái GỐC của Đạo Phật là Sự Giác Ngộ, là THẤY BIẾT NHƯ THẬT THỰC TẠI nên bài kinh mở đầu Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã dạy Pháp Môn Căn Bản của tất cả Giáo Pháp. Bài kinh này Ngài đã thuyết giảng về THẤY VÀ BIẾT của 4 hạng người từ phàm phu đến bậc hữu học, bậc A La Hán và Như Lai, qua đó nói rõ tu học là để THAY ĐỔI THẤY BIẾT, từ THẤY và BIẾT của Phàm phu là ” TƯỞNG TRI VÀ KHÔNG LIỄU TRI” đối tượng, thành THẤY và BIẾT của bậc Thánh là “THẮNG TRI VÀ LIỄU TRI” đối tượng. Tại sao Pháp Môn Căn Bản của Đạo Phật chỉ dạy tu tập THẤY và BIẾT mà không dạy tu tập Thái Độ và Hành Vi, không dạy tu Giới Luật. Hãy quan sát một thí dụ để sáng tỏ. Ví như một người, THẤY hình ảnh một người đang đi đến, rồi BIẾT người này mang tiền thưởng đến cho Ta, thì do THẤY và BIẾT như vậy, sẽ phát sinh Thái Độ vui vẻ, thích thú. Và do Thái Độ vui vẻ thích thú mà có hành động, lời nói nhã nhặn, dễ thương với đối tượng. Nếu THẤY một người đang đi đến, rồi BIẾT người này đến để đòi nợ Ta, thì do THẤY và BIẾT như vậy, sẽ phát sinh Thái Độ chán ghét, tức tối. Do Thái Độ như vậy, sẽ phát sinh Hành Vi trốn chạy hoặc nói lời khiếm nhã với đối tượng.
Cũng y như vậy nếu THẤY và BIẾT phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu thì BIẾT dó là VÔ MINH và do BIẾT VÔ MINH mà phát sinh Thái Độ Tham hoặc Sân, hoặc Si. Do Thái Độ Tham Sân Si mà phát sinh Hành Vi :Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng.
Nếu THẤY và BIẾT phát sinh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh, thì THẤY và BIẾT đó là MINH. Do THẤY BIẾT MINH mà sẽ phát sinh Thái Độ Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, và do Thái Độ Vô Tham, Vô Sân, Vô Si mà phát sinh Hành Vi Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng không có Tham Sân Si chi phối nữa.
Tóm lại : Hiểu Biết đối tượng như thế nào thì sẽ sống như thế đó. Nếu Hiểu Biết đối tượng là Vô Minh, không đúng với sự thật thì sẽ phát sinh Thái Độ và Hành Vi sống trái với sự thật, xung đột với sự thật và sẽ có Sầu Bi khổ ưu não. Nếu Hiểu Biết đối tượng là Minh, đúng sự thật thì sẽ có Thái Độ và Hành Vi tương ứng, và sống không xung đột với sự thật nên không có Sầu Bi Khổ Ưu Não. Vì vậy Pháp Môn Căn Bản của Đạo Phật là tu tập THẤY VÀ BIẾT để chấm dứt Vô minh, làm cho Minh khởi lên, sống với Minh.
Đối với một người đang thực hành và an trú lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế, thì do THẤY là Thắng Tri ( Tĩnh Giác ) và BIẾT là Chánh Tri Kiến, Liễu Tri đối tượng nên có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, và Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng đó là HỆ QUẢ tất yếu của Chánh Tri Kiến được biểu hiện ra bên ngoài. Các Hành Vi Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng do Vô tham, Vô Sân, Vô Si mà phát sinh nên không thể có Sát sanh, trộm cắp, hành dâm, nói dối, uống rượi và các bất thiện khác. Vì vậy đối với vị đó không còn ý niệm Giữ Giới và lúc đó Giới là điều NHỎ NHẶT, KHÔNG QUAN TRỌNG, không cần phải đề cao.
Nhưng để cho Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên và trên đó Giới được thanh tịnh toàn vẹn, viên mãn thì phải có công tác chuẩn bị. Đó là VĂN và TƯ, tức nghe giảng và tư duy về Duyên khởi, về Vô thường, Vô ngã, về Tứ Thánh Đế. Nếu VĂN và TƯ đó, làm phát sinh THẤY BIẾT NHƯ THẬT về các vấn đề trên, thì đó là Văn Tuệ và Tư Tuệ, thuộc về Bát Chánh Đạo hiệp thế, là công tác CHUẨN BỊ cho Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên. Với THẤY BIẾT NHƯ THẬT do Văn Tuệ và Tư Tuệ, người Trí đó có thể chấm dứt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, trở thành bậc Nhập lưu, và sẽ tự điều chỉnh được Hành Vi. Do đó, đối với vị đó, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượi … sẽ được từ bỏ dễ dàng, không khó khăn. Đối với vị có Văn Tuệ, Tư Tuệ đầy đủ, chính xác như vậy thì việc Giữ Giới cũng là điều NHỎ NHẶT, KHÔNG QUAN TRỌNG vì tâm vị đó chỉ hướng đến điều quan trọng nhất là Trí Tuệ, Liễu Tri tất cả pháp. Pháp của Đức Thế Tôn khéo giảng ” cho người trí tự mình giác hiểu” là dành cho hạng người trí ít ỏi này, chứ không phải cho mọi hạng người trong nhân loại.
Đối với đa số nhân loại, Văn Tuệ và Tư Tuệ còn nhiều thiếu sót, không đầy đủ, không chính xác, thậm chí là không có, đối với hạng người đó, ĐỨC TIN TÔN GIÁO là cơ bản thì phải đề cao giới luật, thực hiện giới luật là quan trọng. Bởi có như vậy mới ngăn chặn được một số tệ nạn và do vậy họ mới phát triển thêm ĐỨC TIN và cố gắng để có Văn Tuệ và Tư Tuệ. Chỉ khi nào Văn Tuệ và Tư Tuệ được đầy đủ và chính xác thì họ mới có CHÁNH TÍN và lúc đó mới sẵn sàng cho thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế với Chánh Niệm – Chánh Định – Chánh Tri Kiến mà gọi tắt là Niệm – Định – Tuệ theo lộ trình duyên khởi : Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ. Nhưng đây là một quảng đường rất dài đối với hạng người này.
Bài viết này được viết ra không có ý đồ phủ nhận sự nghiêm trì Giới Luật mà khẳng định phải ĐỀ CAO Trí Tuệ do VĂN, do TƯ, do TU. Nếu Trí Tuệ do VĂN TƯ TU được phát triển, được thành đạt, thì Trí Tuệ đó sẽ tự điều chỉnh Thái Độ và Hành Vi, lúc đó Giới sẽ thanh tịnh mà không phải “gồng mình” giữ giới.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *