Đa phần người người học Phật, đặc biệt là tầng lớp trí thức đều muốn tìm hiểu những kiến thức trong kinh Phật để xoá tan những nghi vấn của mình mà kiến thức thời đại không giải quyết nổi. Đặc biệt là các câu hỏi, con người từ đâu mà đến, khi chết đi về đâu, thế gới sau khi chết như thế nào, con người liên quan như thế nào với thế giới, với vũ trụ vạn hữu, thế giới vũ trụ vạn hữu này là như thế nào, từ đâu mà có, hữu biên hay vô biên, ngoài trái đất này có chổ nào có sự sống không …
Trong giáo lý Phật giáo lại chỉ đề cao Khổ Tập Diệt Đạo, nhưng khi được nghe về Khổ Tập Diệt Đạo, thì họ cảm thấy quá đơn giản và ai cũng thấy mình đã thấu suốt. Khổ là sinh già bệnh chết, là cầu mong mà không được, là yêu nhau mà phải biệt ly, là oán giận nhau mà phải sống chung, tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ.
Nguyên nhân Khổ là do Tham ái tìm cầu hạnh phúc chổ này chổ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái. Sự chấm dứt Khổ, là đoạn tận Tham Ái. Con đường Chấm dứt khổ, là rBát Chánh Đạo gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Hầu như ai cũng thấy rất đơn giản, gần như ai cũng cảm nhận mình đã hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về Khổ Tập Diệt Đạo. Nhưng những hiểu biết “giản đơn” như vậy không giải quyết được những câu hỏi, những tò mò, những nghi vấn đang chi phối họ. Vì vậy một số người sau khi biết như vậy họ dừng lại và hướng đến tìm kiếm câu trả lời mà mình băn khoăn ở các lĩnh vực hoặc tôn giáo khác.
Một số do Đức tin tôn giáo, họ thôi không chú tâm tìm hiểu Khổ Tập Diệt Đạo, mà họ chú tâm tìm kiếm những điều kỳ diệu, mầu nhiệm do “nghe đồn” nên họ cố gắng đọc, tìm hiểu để giải quyết nghi vấn của mình. Bỏ qua Khổ Tập Diệt Đạo, họ được kinh sách của các tông phái Phật Giáo đưa họ đến những cảnh giới hoành tráng, khoáng đạt với trí tưởng tượng vô giới hạn, đặc trưng của tư tưởng Ấn độ truyền thống, theo kiểu trường ca Mabrahata.
Họ được giới thiệu một thế giới quan được copy từ những kiến thức của kinh điển Vệ đà với Cửu sơn, Bát hải, núi Tu di, với tam thiên đại thiên thế giới, với các cõi trời kỳ diệu và các cõi địa ngục khủng khiếp, thoã mãn được trí tò mò. Họ được chiêu đãi và thưởng thức những bữa tiệc ngôn từ khoái khẩu, những tiết mục trình diễn xiếc ngôn từ, những khái niệm rất hấp dẫn như Chân đế, Tục đế, Chân không diệu hữu, Phật tánh, Tánh biết, Bản tâm không sinh không diệt, trùng trùng duyên khởi, Phật là tâm, Tâm là Phật, Thường lạc ngã tịnh … những thứ rất mơ hồ trừu tượng, không thể nào kiểm chứng, cũng không ai giới thiệu cách nào đạt được nó để kiểm chứng.
Góp thêm vào những thứ mơ hồ trừu tượng, Văn học Thiền tông Trung hoa đã góp thêm các món ngon vào bữa tiệc ngôn từ. Người đọc mê mẩn vì những điều bí mật, những cách thức cư xử kỳ dị của các thiền sư, những công án bí ẩn, những thách đố vĩ đại, kiểu như đệ tử hỏi Phật là gì thì thiền sư trả lời, Phật là cái que cứt khô …
Nhưng tất cả những bí ẩn, mơ hồ trùi tượng, xuất phát từ những suy diễn, tưởng tượng vô tiền khoáng hậu trong đó có ẩn chứa một HỨA HẸN KỲ DIỆU VỀ MỘT HẠNH PHÚC TUYỆT ĐỐI CỦA GIÁC NGỘ làm hấp dẫn người đọc. Chính điều này chắp cánh cho độc giả bay cao, và tất cả những thứ đó hấp dẫn tâm thức họ, rồi kể từ đó, kể cả ngôn từ Khổ Tập Diệt Đạo cũng không được họ nhắc tới nữa.
Trong số đó chỉ có một số rất ít người, sau nhiều năm tháng nghiền ngẫm những tư tưởng kỳ diệu đó nhưng dần dà nhận ra nó xa rời thực tiễn, nó không liên quan đến cuộc sống thường ngày, nó là cái BÁNH VẺ dẩn dụ con người vào thế giới tâm linh siêu hình huyền bí, CÒN CUỘC SỐNG THỰC, với những đối tượng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm thì vẫn Tham, vẫn Sân, vẫn Si, vẫn đầy Phiền não. Những người ấy, nếu có duyên thì họ sẽ quay về điểm xuất phát ban đầu để nghiên cứu sâu hơn về Khổ Tập Diệt Đạo.
Để hiểu biết thấu đáo về Khổ Tập Diệt Đạo, để giác ngộ Khổ Tập Diệt Đạo là điều không phải dễ dàng, không dành cho mọi hạng người, chỉ cho người trí. Bốn mươi lăm năm thuyết giảng Đức Phật không nói gì ngoài Khổ Tập Diệt Đạo, nhưng những điều giảng dạy, phân tích tỉ mỉ đã không được lưu truyền đầy đủ mà chỉ tồn tại rất ngắn gọn theo kiểu các đề mục, các mệnh đề tóm tắt như đã nêu trên.
Muốn thấu đáo Khổ Tập Diệt Đạo phải NƯƠNG THEO LỜI DẠY ĐÓ MÀ QUAN SÁT SỰ THẬT. Phải hiểu rằng có hai loại hiểu biết về Khổ Tập Diệt Đạo : một loại hiểu biết không đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo, gọi là Vô Minh, thuộc về Phàm phu, đã được Phàm phu học hỏi, tiếp nhận, vun bồi từ vô thuỷ, đang chi phối cuộc sống của Phàm phu nhưng Phàm phu lại không biết mình đang sống với hiểu biết vô minh đó. Loại thứ hai là hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo, gọi là Minh, được Đức Phật giác ngộ và thuyết giảng.
Cũng cần phải hiểu rõ là Đức Phật thuyết giảng với mục đích làm cho đệ tử HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT VỀ KHỔ ( gồm bốn khía cạnh KHỔ, nguyên nhân KHỔ, chấm dứt KHỔ, cách thức chấm dứt KHỔ ) chứ không phải để THẤY KHỔ, CẢM NHẬN KHỔ. Thấy Khổ hay cảm nhận Khổ thì Thánh hay Phàm đều cảm nhận như nhau, không cần phải học, chỉ có HIỂU BIẾT VỀ KHỔ thì khác nhau, đối lập nhau, cần phải học hỏi. Không phải chỉ có Khổ mà tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng, kể cả Pháp mà Đức Thế tôn khéo giảng trong kinh điển, đều tồn tại hai loại hiểu biết khác nhau là Vô minh của Phàm phu và Minh của bậc Thánh.
Ví như CỨNG chẳng hạn.Nhân loại hiểu biết CỨNG là tính chất vật chất thuộc về hòn đá, CỨNG thường hằng, thường trú trong hòn đá, CỨNG của hòn đá.Từ người không biết chữ, đến nhà bác học cho đây là đúng sự thật, là Chân lý. Nhưng nếu quan sát sự thật sẽ thấy: Hòn đá là một nhân tố, Bàn tay là một nhân tố. Có HAI NHÂN tố đó nhưng không có TIẾP XÚC nhau thì không có cái CỨNG nào được cảm nhận cả. Khi Hai Nhân tố, Bàn tay và Hòn đá tiếp xúc nhau thì lập tức phát sinh CẢM GIÁC CỨNG. Đây mới là Thực tại được từ CỨNG ám chỉ, mà hàng ngày Thánh hay Phàm đều cảm nhận được. Xúc sinh Cảm giác cứng sinh, Xúc diệt Cảm giác cứng diệt.Cảm giác cứng sinh lên rồi diệt đi, nên nó Vô thường, không thường hằng, không thường trú trong hòn đá. Cảm giác cứng do duyên Bàn tay và Hòn đá mà phát sinh, nên Cảm giác cứng không phải của Bàn tay, không phải của Hòn đá, nên nó Vô chủ, Vô sở hữu.
Khi quan sát và tư duy trên sự thật như vậy, mới có hiểu biết đúng sự thật : CỨNG là Cảm giác thuộc phạm trù tâm, và nó Vô thường, Vô chủ, Vô sở hữu. Khi có được hiểu biết đúng sự thật gọi là Minh như vậy, mới khẳng định được hiểu biết của nhân loại CỨNG là thuộc tính vật chất, thường hằng, thường trú trong Hòn đá, của Hòn đá là sai sự thật gọi là Vô minh. Nhân loại đang sống, đang hàng ngày thấy, nghe, cảm nhận thực tại mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn nặng nhẹ, xanh vàng đỏ trắng, đàn ông đàn bà xe cộ, người vật, mặt trăng mặt trời, sum là vạn tượng … nhưng đang hiểu biết vô minh, sai lạc thực tại. Cũng y như vậy có hai loại hiểu biết về Khổ :
A – HIỂU BIẾT VÔ MINH, KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT KHỔ :
phàm phu hiểu biết Khổ ở nơi thế giới ngoại cảnh, Khổ thường hằng, thường trú trong những hoàn cảnh khó khăn tồi tệ như nghèo đói, lạc hậu, thất học, thiếu tiện nghi … và trong những hoàn cảnh trung tính. Nguyên Nhân Khổ là từ những hoàn cảnh tồi tệ và trung tính mà đến với con người. Sự chấm dứt Khổ xẩy ra khi có Hạnh phúc, mà Hạnh phúc thường hằng, thường trú trong những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có, xinh đẹp, khỏe mạnh, thành đạt … Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh sống, chấm dứt hoàn cảnh khó chịu và trung tính và thay thế nó bằng hoàn cảnh tốt đẹp. Như vậy Khổ Tập Diệt Đạo thường hằng, thường trú nơi Thế Giới ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp.Khổ Tập Diệt Đạo là của hoàn cảnh và đồng thời có một cái TA, một bản ngã, là chủ nhân, chủ sở hữu của Khổ Tập Diệt Đạo.Hiểu biết này là Vô minh, có nội dung Thường kiến và Ngã kiến.
B – HIỂU BIẾT MINH, ĐÚNG SỰ THẬT KHỔ :
Bậc Thánh quán sát tiếp xúc giữa sáu Căn và sáu Trần, nên biết như thật Duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Tà Đạo, Duyên khởi lên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo và có hiểu biết đúng như thật :
1 – KHỔ : do duyên Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo, KHỔ là Cảm Giác ( Cảm Thọ ) thuộc nội tâm chứ không phải thuộc thế giới ngoại cảnh, KHỔ có tánh chất Vô thường, Vô chủ vô sở hữu ( Vô ngã ).
2 – NGUYÊN NHÂN KHỔ : là Vô minh và Tham ái phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo cũng có tánh chất Vô thường, Vô ngã và thuộc nội tâm chứ không thuộc thế giới ngoại cảnh.
3 – SỰ CHẤM DỨT KHỔ : là đoạn tận Vô minh và Tham ái xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, là pháp VÔ VI cũng xẩy ra nơi nội tâm chứ không phải thế giới ngoại cảnh.
4 – CON ĐƯỜNG CHẤM DỨT KHỔ : là Bát Chánh Đạo có tánh chất Vô thường, Vô ngã và thuộc nội tâm chứ không phải là thế giới ngoại cảnh.
C – Người tu học Phật cần thấu suốt hai loại hiểu biết về Khổ Tập Diệt Đạo là Vô minh và Minh bằng Văn, bằng Tư và bằng Tu.
Nếu không có hiểu biết cả hai, mà chỉ trau dồi Minh thì sẽ không Nhận Mặt được Vô Minh, không từ bỏ nó, không đoạn diệt nó, vẫn sử dụng nó để hiểu biết lời dạy của Phật. Nếu trau dồi Minh đến đâu, Nhận Rõ Vô Minh đến đấy, thì Minh mới xoá bỏ Vô Minh từng chút, từng chút một và đó chính là Trạch pháp giác chi.
Giờ phút Giác Ngộ của Phật không những do biết như thật : Đây là Khổ, Đây là Nguyên nhân Khổ, Đây là Chấm dứt Khổ, Đây là Con đường chấm dứt Khổ. Do THẤY NHƯ VẬY, BIẾT NHƯ VẬY mà mọi LẬU HOẶC ĐƯỢC ĐOẠN TẬN mà còn biết như thật : Vô Minh, Ta đã biết rõ ngươi rồi. Ngươi sẽ không làm nhà cho Như Lai được nữa, tất cả sườn nhà đã gãy đổ, cây đòn dông ngươi dựng cũng đã bị phá tan.
Sự Giác Ngộ xẩy ra do hiểu, tu tập để vun bồi, cũng cố, an trú Minh và đoạn diệt Vô minh bằng cách thay đổi lộ trình tâm sinh diệt Bát Tà Đạo, sang lộ trình tâm sinh diệt Bát Chánh Đạo, phát sinh do sự tiếp xúc giữa Sau Căn và Sáu Trần nơi mỗi người, chứ không cần đến một Tánh biết, Bản tâm, Phật tánh, Chân không không sinh không diệt nào hết. Nếu có dùng đến khái niệm Vọng Tâm, Chân Tâm thì phải hiểu rằng tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu là Tâm biết không đúng sự thật, là vọng tưởng nên gọi là Vọng Tâm. Tâm Bát Chánh Đạo của bậc Thánh là Tâm biết đúng sự thật, nên gọi là Chân Tâm.
Đức Phật giác ngộ là Giác ngộ TỨ THÁNH ĐẾ, là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, nghĩa là tự mình trở thành vị A La Hán, không thầy chỉ dạy còn các vị A La Hán Thanh văn, giác ngộ là nhờ bậc A la hán Chánh Đẳng Giác chỉ dạy. Vì vậy đừng có hiểu nhầm là tu thành A la hán rồi còn phải tu thành Phật. Nếu chưa thấu suốt điều này thì đừng có đoán già đoán non, hãy bỏ qua một bên rồi học và tu để trở thành một vị A La Hán cái đã và khi đã trở thành một vị A La Hán rồi, thì sẽ tự mình thấy, tự mình biết còn phải làm gì nữa hay không. Hãy là người biết suy xét đúng đắn, đừng là người chấp thủ vào những giáo điều mà tôn giáo đã nhồi sọ, đừng là người như ca dao tục ngữ đã mô tả là “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Đại Đức Nguyên Tuệ