ĐÂU LÀ GỐC ĐÂU LÀ NGỌN CỦA TU HỌC

ĐÂU LÀ GỐC ĐÂU LÀ NGỌN CỦA TU HỌC
Nói đến Gốc và Ngọn của sự tu học là sử dụng nghĩa đen của từ này, để ám chỉ nghĩa bóng. Gốc và Ngọn theo nghĩa đen là nói tới một cái cây và đương nhiên Gốc cây sinh ra Ngọn cây chứ không bao giờ Ngọn cây lại có thể sinh ra Gốc cây được. Vì thế, tu học cũng phải tu học cái Gốc chứ không thể tu học cái Ngọn, vì Gốc sinh ra Ngọn chứ không thể Ngọn sinh ra Gốc. Nhưng trong sự tu học Phật Giáo đâu là gốc, đâu là ngọn ? Nếu không hiểu đúng, không phân biệt rõ Gốc Ngọn thì rất dễ rơi vào tu học Cành ngọn mà bỏ qua Gốc rễ của Giáo Pháp và do vậy sẽ không có được kết quả giác ngộ và giải thoát.
Trong bản kinh Pháp Cú, được cho là rất cổ xưa, mở đầu Phẩm Song Yếu với hai bài kệ :
– Bài kệ 1 : Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiểm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.
– Bài kệ 2 : Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc có mặt ngay
Như bóng không rời hình.
Trong hai bài kệ Song Yếu này đều khẳng định, Ý là quan trọng nhất, Ý là nguyên nhân phát sinh ra Lời nói, Hành động và Lời nói, Hành động là nguyên nhân phát sinh kết quả Khổ não hay An lạc. Vậy Ý được hiểu là cái gì ?Ý trong các pháp cú này được hiểu là tâm biết Ý thức, có phận sự biết đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận là cái gì, tính chất ra sao. Tâm biết ý thức do Niệm – Tư duy mà phát sinh và nội dung thì tuỳ thuộc vào những tri thức, kinh nghiệm đã học hỏi, đã thu thập trong quá khứ. Có hai loại tâm biết ý thức của Phàm và Thánh được mô tả song song trong hai bài kệ :
– Một là : Tâm biết ý thức (Ý ) của Phàm phu hiểu biết sai, không đúng sự thật về đối tượng, được gọi là tà kiến, là vô minh chấp ngã nên gọi là Ý Ô NHIỂM. Do Ý ô nhiểm mà phát sinh thái độ hoặc Tham, hoặc Sân, hoặc Si. Do tham sân si mà phát sinh lời nói, hành động tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng và do tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng mà phát sinh sầu bi khổ ưu não tiếp theo ngay, như xe đi theo sau chân con vật kéo xe.
– Hai là : Tâm biết ý thức ( Ý ) của bậc Thánh hiểu biết đúng sự thật đối tượng, được gọi là Chánh kiến, là minh, là trí tuệ nên gọi là Ý THANH TỊNH. Do Ý thanh tịnh nên sẽ phát sinh lời nói, hành động chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Do lời nói, hành động chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, không còn tham sân si chi phối nên không còn khổ và gọi đó là an lạc có mặt ngay như bóng không rời hình.
Vậy hai bài kệ song yếu đã chỉ rõ cái Gốc của sự tu học là thay đổi Tâm biết ý thức từ tà kiến, vô minh chấp ngã của Phàm phu sang thành Tâm biết ý thức Chánh kiến, minh, trí tuệ của bậc Thánh, hay nói ngắn gọn là thay đổi NHẬN THỨC, thay đổi HIỂU BIẾT từ Tà kiến sang Chánh kiến. Còn Lời nói, Hành động ( thuộc về Giới luật ) là cái Ngọn, nó sẽ tự thay đổi khi tâm biết Ý thức thay đổi.
Bài kinh “Pháp môn căn bản” thuộc Trung Bộ Kinh, dạy Pháp môn căn bản của Giáo Pháp, là thuyết giảng của Đức Phật về cái Gốc của sự tu học. Nội dung bài kinh trình bày về Thấy và Biết của bốn hạng người : Phàm phu, Hữu học, A la hán và Như Lai. Thấy là nói gộp của thấy, nghe, cảm nhận đối tượng, chỉ cho tâm biết trực tiếp giác quan gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức chỉ có phận sự ghi nhận đối tượng. Biết là nói về tâm biết gián tiếp Ý thức, biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao.
– Đối với Phàm phu thì Thấy là Tưởng tri đối tượng, Biết là Tà kiến, là Không Liễu tri đối tượng. Và vì Biết là Tà kiến, Không Liễu tri đối tượng nên mới có Dục hỷ đối tượng và Dục hỷ là nguyên nhân phát sinh Khổ.
– Đối với Hữu học, A la hán và Như Lai thì Thấy là Thắng tri đối tượng ( Tĩnh Giác ), Biết là Chánh kiến, là Liễu tri đối tượng. Và vì vậy, không Dục hỷ đối tượng nên không còn Khổ.
Nội dung bài kinh chỉ rõ cái Gốc của tu học là thay đổi Thấy và Biết từ : Tưởng Tri và Tà Kiến ( không liễu tri các pháp ) của Phàm phu THÀNH Thắng Tri và Chánh Kiến ( liễu tri các pháp ) của bậc Thánh. Bài kinh “Pháp môn căn bản” nói chi tiết hơn bài kệ song yếu của kinh Pháp cú về Cái Gốc của sự tu học là Thấy và Biết chứ không bàn đến tu Lời nói, Hành động ( thuộc Giới Luật ) vì Lời nói, Hành động là sản phẩm của Thấy và Biết. Vì vậy, nếu tu lời nói hành động trước và trí tuệ sau là tu cái Cành Ngọn chứ không phải cái Gốc Rễ.
Rất nhiều người không hiểu đúng, không phân biệt rõ Gốc và Ngọn của sự tu học nên bỏ Gốc tu Ngọn, không chú trọng tu Chánh Kiến để đoạn trừ Tà Kiến mà chú trọng tu lời nói, hành động. Ví như, chủ trương trước khi nói hay làm là phải nghĩ tới hậu quả nên phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói …. Họ hiểu tu là phải thực hành theo tuần tự : bố thí, trì giới, tham thiền rồi mới trau đồi trí tuệ. Cách tu như vậy là dựa trên tâm biết ý thức Tà kiến để bố thí, trì giới và như vậy là dùng nghị lực để ức chế tâm, kiềm chế tâm nên rất căng thẳng và dễ dàng bùng nổ. Những người đó không có kinh nghiệm, không thực chứng được sự thật, là khi tu tập Chánh Kiến với 3 cấp độ : Một là nghe giảng để có Văn tuệ; Hai là Tư duy về giáo pháp đã nghe giảng để có Tư tuệ; Ba là thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế để có Tu tuệ, thì tuỳ theo cấp độ Tuệ đã đạt được mà Lời nói, Hành động sẽ thay đổi tương ứng. Lúc đó không còn phải ức chế tâm, không phải kiềm chế tâm mà lời nói, hành động sẽ tự động trở thành Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng và Giới Luật sẽ tự đầy đủ, trong sạch, Khổ sẽ giảm thiểu và chấm dứt. Cho nên nói Đạo Phật là đạo chuyển mê khai ngộ, đạo của trí tuệ và Chánh kiến dẫn đầu là vậy.

 

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *