ĐẠO PHẬT THẬT CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI TRÍ

ĐẠO PHẬT THẬT CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI TRÍ
Một ngộ nhận của đa số người học Phật là Đạo Phật cứu khổ được muôn loài, là Đạo dành cho tất cả nhân loại, tất cả chúng sanh. Điều ngộ nhận này trái với Đạo Phật thật, trái với Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã khéo léo thuyết giảng gồm 5 tính chất là : Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy; Không bị chi phối bởi thời gian; Có tính hướng thượng và Cho Người Trí Tự Mình Giác Ngộ. Đạo Phật thật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng là CHO NGƯỜI TRÍ chứ không phải cho mọi hạng người như ngộ nhận của đa số. Mà người trí thì như trong Kinh điển có đề cập đến là người trí so với nhân loại thì giống như vàng bạc so với đất đá trên quả đất này, hết sức ít ỏi. Điều này đã được Kinh điển lưu lại sự băn khoăn của Đức Phật bởi lời tự thán của Ngài : “Pháp mà Ta chứng được khó thấy, khó chứng, sâu kín, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua mọi tư duy lý luận suông, tế nhị, chỉ có người trí mới có khả năng giác hiểu. Còn quần chúng này thì ham mê ái dục, bị ái dục chi phối, nên Lý Duyên Khởi là một điều rất khó lãnh hội và Niết Bàn ( Khổ Diệt ), sự từ bỏ mọi khát ái, sự xả ly mọi khát ái, sự đoạn tận mọi khát ái cũng là một điều rất khó lãnh hội. Nếu Ta thuyết giảng pháp này mà quần chúng không hiểu thì thật là mệt nhọc cho Ta”. Do băn khoăn như vậy nên Ngài đã thụ động với sự khai giảng Giáo Pháp nhưng sau do Ngài thấy rõ có một số ít chúng sinh “có ít bịu trong mắt” có thể hiểu được Giáo Pháp nên Ngài đã quyết định thuyết giảng Giáo Pháp cho hạng người này.
Có một Đạo Phật mang tính tôn giáo, phát sinh và phát triển sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, đáp ứng nhu cầu tôn giáo của nhân loại thì dành cho tất cả mọi người. Đạo Phật tôn giáo cũng dựa vào Giáo Pháp của Đức Phật thuyết giảng nhưng được hiểu theocách của nhân loại, được diễn dịch, được giải thích phù hợp với hiểu biết của nhân loại. Nó đáp ứng khát vọng của loài người là Chấp Ngã và Tham Ái một cách kín đáo, vi tế và khôn ngoan nên đã phát triển rực rỡ tại Ấn Độ ( nơi đã sản sinh ra Đạo Phật thật ) trong một thời gian dài cho đến thế kỷ 11 sau Tây lịch và lan rộng thành một tôn giáo lớn trên thế giới. Ngược lại Đạo Phật thật, gọi là Phật Giáo Nguyên Thuỷ không tồn tại quá 300 năm trên đất nước Ấn Độ. Khi Phật Giáo Nguyên Thuỷ biến mất tại Ấn Độ thì một chi phái của Phật Giáo Thượng Toạ Bộ ( Therevada ) đã được truyền đến Tích Lan và truyền thừa ở phương nam cho đến ngày nay. Tuy Phật Giáo Therevada mà thực chất là Phật Giáo Thượng Toạ Bộ, không phải là Phật Giáo Nguyên Thuỷ, nhưng là tông phái GẦN VỚI NGUYÊN THUỶ nhất, đã cố gắng bảo thủ về Giáo Pháp, Giới Luật cũng như mọi cách thức sinh hoạt của Tăng đoàn từ thời Phật còn tại thế nhưng cũng không thể không chịu tác động của yếu tố tôn giáo. Và vì vậy, như cố Hoà thượng Minh Châu khi nghiên cứu, phiên dịch so sánh Kinh điển, Giới luật của các bộ phái Phật Giáo đã kết luận : Thượng tọa bộ tuy rất bảo thủ về Pháp và Luật nhưng cũng phải “nhi tiến” về phía tôn giáo. Trong Đạo Phật tôn giáo dù là tông phái nào cũng đã biến đổi Đức Phật thật, thành Đức Phật tôn giáo không nhiều thì ít có tính chất thần thánh siêu hình, thần thông phép lạ, hào quang sáng chói để gây dựng đức tin tôn giáo cho tín đồ về một vị giáo chủ phải sáng chói hơn các đạo khác. Nếu không biến đổi Đức Phật lịch sử thành Đức Phật tôn giáo với thần thông phép lạ, không biến đổi Giáo Pháp cao siêu chỉ người trí mới có khả năng lĩnh hội cho phù hợp với vô minh và tham ái của con người thì Đạo Phật tôn giáo sẽ không ra đời và không tồn tại được. Đạo Phật tôn giáo cũng như mọi tôn giáo khác trên thế giới căn bản dựa vào đức tin, đến để mà tin thậm chí là tin vào những tín điều rất ngây thơ và ấu trí đã được nhồi sọ chứ không phải đến để mà thấy, để giác ngộ chân lý, để khám phá sự thật thực tại như Đạo Phật thật. Đạo Phật tôn giáo cũng như mọi tôn giáo khác có tác dụng xoa dịu nỗi khổ của con người tuy nhanh chóng và hữu hiệu nhưng chỉ là liều thuốc giảm đau chứ không phải là phương thuốc trị bệnh, chấm dứt được đau khổ như Đạo Phật thật.
Trong Đạo Phật tôn giáo những lời dạy căn bản của Đức Phật Thích Ca vẫn còn tồn tại nhưng đã bị bao trùm bởi tôn giáo, nên rất khó cho con người bình thường hiểu và thực hành được. Vì vậy Đạo Phật tôn giáo đã che lấp mất Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã dày công thuyết giảng. Nhưng cũng có một sự thật, là nếu không có Đạo Phật tôn giáo với hệ thống kinh điển phát triển đồ sộ thì những lời dạy cốt lõi của Đức Phật Thích Ca không thể tồn tại đến ngày nay để người trí hiểu ra và thực hành. Giáp Pháp mà Đức Phật Thích Ca thuyết giảng giống như một viên ngọc quý nhưng rất dễ vở khi va chạm với các vật thể khác trong lúc chuyển động, và Đạo Phật tôn giáo đã tạo ra một lớp vỏ bọc cứng chắc hơn cả sắt thép bao bọc lấy viên ngọc và bảo vệ được nó. Vỏ bọc tôn giáo đó bảo về được viên ngọc Giáo Pháp nhưng cũng ngăn che làm cho người thường không thấy được viên ngọc Giáo Pháp, mà nhầm lẩn cái vỏ bọc đó là Giáo Pháp. Người trí là người khác thường, dám đập vở cái vỏ bọc để thấy được viên ngọc Giáo Pháp, nhưng người trí theo tinh thần Giáo Pháp, là người sẽ không kỳ thị, không phản bác, không chán ghét, không chủ trương phá bỏ cái vỏ bọc tôn giáo bởi người trí biết rất rõ rằng, nhờ Đạo Phật tôn giáo mà Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca còn tồn tại đến ngày nay cho người trí tự mình giác hiểu. Đương nhiên, tất cả mọi người kể cả người trí ngày nay đều phải bắt đầu từ Đạo Phật tôn giáo, nhưng khác với người thường, người trí không dừng lại, không thỏa mãn với Đạo Phật tôn giáo mà biết cách thẩm thấu Giáo Pháp qua mớ bòng bong thật giả lẫn lộn nơi Đạo Phật tôn giáo.
Được gợi cảm hứng từ Đạo Phật tôn giáo, đa phần người tu học hiểu rằng phải tu hành trong nhiều a tăng kỳ kiếp mới thành Phật quả, thành Phật Chánh Đẳng Giác hay thành Phật Thanh Văn Giác trong tương lai. Và đó là một con người vĩ đại, một bậc thánh nhân có thể biến một thân ra thành nhiều thân, có thể đi xuyên qua vách núi, có thể lấy tay sờ vào mặt trời, mặt trăng những vật có đại thần lực, đại uy lực; là người có trí tuệ bất khả tư nghì, không thể dùng ngôn từ mà diễn tả được, người biết hết tận cùng tam thiên đại thiên thế giới, người có năng lực cứu khổ muôn loài chúng sanh, có tình thương thuấn nhuần vào từng hạt bịu, từng ngọn cỏ hạt sương, người đã chứng nghiệm một thế giới tâm linh siêu hình mầu nhiệm, người chứng ngộ được trạng thái sung sướng đến tận đầu các ngón chân của thiền định, của Niết bàn. Tóm lại là trở thành một người bất khả tư nghì, không gì sánh bằng mà trí tưởng tượng của phàm nhân không thể hình dung nổi.
Nhưng Giáo Pháp mà Đức Phật Thích Ca chứng ngộ và thuyết giảng không phải để trở thành như vậy, mà chỉ nhằm thay đổi hiểu biết không đúng sự thật về thực tại của phàm phu gọi là vô minh thành hiểu biết đúng sự thật thực tại của bậc thánh gọi là minh, là trí tuệ. Do hiểu biết sai sự thật về thực tại mà có tham ái và do có tham ái ( dục ái, hữu ái, phi hữu ái ) mà phàm phu bị ràng buộc nên có khổ có vui với các đối tượng thực tại, nhưng vui thì ít khổ thì nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn. Khi đã học hỏi và tu tập thay đổi được hiểu biết thực tại từ vô minh thành minh, thành trí tuệ, người đó sẽ hiểu biết đúng như thật, rõ ràng, minh bạch như thấy rõ quả xoài trong lòng bàn tay, các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận của thực tại là Cảm Thọ, do Căn Trần tiếp xúc mà phát sanh, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ), có vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Với hiểu biết là trí tuệ, là minh như vậy, tham ái không còn nhân duyên sanh khởi, tham ái được đoạn tận. Do vô minh và tham ái được đoạn tận mà tất cả đã rõ ràng minh bạch, không còn mảy may nghi ngờ do dự, không còn mảy may phân vân lưỡng lự, không còn bất kỳ một câu hỏi nào phải trả lời, không còn bất kỳ một vấn đề nào phải giải quyết. Ngay bây giờ và tại đây chứ không phải tương lai, người đó đối diện với mọi đối tượng ( mọi hoàn cảnh ) giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, khỏe mạnh hay bệnh nan y, ca ngợi hay hủy báng, sống hay chết … hoàn toàn bình thản, vắng lặng mọi vui buồn, thương ghét, độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ lụy với bất kỳ đối tượng nào. Người đạt được như vậy sẽ sống không vui buồn, không thương ghét, không ràng buộc, không khổ đau cho đến hết cuộc đời và bình thản đón nhận cái chết thật sự. Cái chết đó gọi là nhập diệt, đó chính là chấm dứt sự luân hồi sinh tử, đó chính là chấm dứt sự hiện hữu với bất kỳ hình thức nào, bất kỳ nơi chốn nào, hình dung như ngủ một giấc say không mộng mỵ vĩnh viễn, khác hẳn phàm phu chỉ qua đời, chết chỉ là chuyển từ đời này sang đời khác trong vòng luân hồi sinh tử mà thôi.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *