fbpx

Bốn loại thức ăn – Bát Chánh đạo

Có một đoạn kinh như sau : “Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi thức ăn, thế nào là đoạn diệt thức ăn, thế nào là con đường đoạn diệt thức ăn ? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài chúng sanh được an trú, hay các loài hữu tình sẽ sanh được hỗ trợ cho sanh. Thế nào là bốn ? Đoàn thực loại thô hay tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh đạo tám chi là con đường đoạn diệt thức ăn”.

Để Liễu tri bốn loại thức ăn này tức hiểu biết đúng sự thật rốt ráo đầy đủ bốn phương diện của thức ăn gồm : sự thật về thức ăn, sự thật tập khởi thức ăn, sự thật đoạn diệt thức ăn, sự thật con đường đoạn diệt thức ăn theo công thức mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy về bốn khía cạnh của khổ gồm sự thật khổ, sự thật tập khởi khổ, sự thật đoạn diệt khổ, sự thật con đường đoạn diệt khổ.

1 – Sự thật về bốn loại thức ăn : Đây là bốn loại thức ăn làm cho con người tồn tại dù là Phàm hay thánh. Không có bốn loại thức ăn này con người không thể tồn tại

– Một là đoàn thực thô hay tế là các loại vật chất như thức ăn, nước uống, không khí để thở … là yếu tố cần thiết để tồn tại.

– Hai là Xúc thực là sự tiếp xúc giữa sáu căn và sáu trần. Đây là thức ăn, đây là yếu tố để một con người tồn tại nó xẩy ra liên tục, chỉ trừ lúc ngủ say không mộng mỵ, lúc ngất đi, lúc gây mê sâu khi mổ. Ba trường hợp này và khi chết nơi cái xác đó không có xúc thì chỉ tồn tại một thứ vật chất chứ lúc đó không tồn tại một chúng sanh.

– Ba là Tư Niệm thực là Trí nhớ ( Niệm ) và Tư duy ( Tư ). Niệm và Tư duy là hai hành vi quan trọng bậc nhất của đầu óc, của các tế bào thần kinh não bộ làm phát sinh hiểu biết, lời nói hành động. Nếu có Xúc thực nhưng không có Niệm và Tư duy ( trí óc không hoạt động ) thì vẫn thấy, nghe, cảm nhận thực tại nhưng không biết đó là cái gì. Hãy tưởng tượng một người mất trí nhớ ( Niệm ) hoàn toàn sẽ vẫn thấy nghe cảm nhận đối tượng nhưng hoàn toàn không biết những cái đó là cái gì thì lúc đó sẽ không thể sống như vậy được, không thể tồn tại được.

– Bốn là Thức thực là tâm biết ý thức để phân biệt cái này với cái kia, để biết cái này ăn được, cái kia không ăn được, đây là lửa nóng để không thò tay vào lửa … Không có tâm biết ý thức con người không thể tồn tại được nên thức thực là một yếu tố cần thiết để tồn tại một chúng sanh. Bốn loại thức ăn này là bốn yếu tố cần thiết để một chúng sanh được sinh ra, được tồn tại.

2 – Sự thật tập khởi thức ăn hay Nguyên nhân phát sinh bốn loại thức ăn : Chúng sinh được sinh ra với bốn loại thức ăn, tồn tại với bốn loại thức ăn và luân hồi cùng bốn loại thức ăn. Mà mỗi chúng sanh được sinh ra, tồn tại, luân hồi là do Tham Ái gồm Dục Ái, Hữu Ái, Phi Hữu Ái. Vì vậy, sự thật tập khởi thức ăn là do Ái.

3 – Sự thật đoạn diệt thức ăn là khi Ái đoạn diệt thì thức ăn đoạn diệt. Đối với đoạn diệt thức ăn rốt ráo là nói đến Niết bàn vô dư của vị Ala hán, nói đến thời điểm nhập diệt. Đó là lúc đoạn diệt, chấm dứt luân hồi, đoạn tận sự hiện hữu của chúng sanh đó cũng là thời điểm đoạn diệt, đoạn tận bốn loại thức ăn.

4 – Sự thật Con đường đoạn diệt thức ăn (cho đến Vô dư Niết bàn ) là Bát chánh đạo. Có thể diễn tả bốn loại thức ăn này theo khái niệm Năm uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành thức. Đoàn thực nuôi sống thân thể là nói đến Sắc uẩn. Xúc thực là nói đến Thọ uẩn và Tưởng uẩn vì Căn Trần tiếp xúc phát sinh đồng thời Thọ – Tưởng. Tư Niệm thực nói đến các tâm hành thuộc Hành uẩn. Thức thực là ý thức thuộc Thức uẩn. Bốn loại thức ăn ám chỉ lộ trình Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức, ám chỉ một chúng sanh.

Do Ái mà bốn loại thức ăn ( sắc – thọ- tưởng – hành – thức ) được hiểu là một chúng sanh được sinh ra tồn tại và luân hồi là do Dục ái, Hữu ái Phi Hữu ái. Do Ái đoạn diệt mà thức ăn đoạn diệt, chúng sanh đó đoạn diệt ( nhập diệt, niết bàn vô dư ). Con đường đoạn diệt thức ăn, đoạn diệt năm uẩn là Bát chánh đạo.

Thiền sư Nguyên Tuệ (29.6.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *