CHẤP CÓ VÀ CHẤP KHÔNG

Trong các bộ kinh Nykaya thường lặp đi lặp lại rất nhiều lần để nhấn mạnh Phật ngôn sau đây : Ai với chánh trí tuệ, thấy như chơn các pháp tập khởi thì không cho rằng các pháp là không có. Ai với chánh trí tuệ, thấy như chơn các pháp đoạn diệt thì không cho rằng các pháp là có. CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG là hai cực đoan của nhân loại, ly hai cực đoan đó, Như Lai thuyết pháp ở Trung Đạo, “nghĩa là cái này có do cái kia có, cái này sinh do cái kia sinh, cái này không có do cái kia không có, cái này diệt do cái kia diệt …”

CHẤP CÓ và CHẤP KHÔNG là hai cực đoan, là hai kiểu hiểu biết sai, hai kiểu tà kiến về các pháp của nhân loại. Nhưng để có được hiểu biết đúng như thật Chấp Có là một Tà kiến, Chấp không là một Tà kiến là điều không dễ đối với người học Phật nếu khái niệm CHẤP CÓ và CHẤP KHÔNG trong ngữ cảnh của Phật ngôn trên không được quan sát đúng theo ngữ cảnh một cách thấu đáo rõ ràng.

CHẤP CÓ VÀ CHẤP KHÔNG

1 – HIỂU SAI CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG đưa đến mâu thuẩn, nghịch lý:

Nhiều người học Phật khi nghe về CHẤP CÓ CHẤP KHÔNG thì hiểu rằng, tri thức của nhân loại cho rằng những sự vật, hiện tượng mà thuật ngữ Phật học gọi là các pháp gồm những gì được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là THẬT CÓ chính là Tà kiến và gọi đó là CHẤP CÓ.

Đương nhiên khi đã hiểu CHẤP CÓ là như vậy, là một Tà kiến, thì sẽ cho rằng các pháp là KHÔNG CÓ THẬT, là giả có mà thôi. Và chính hiểu biết mới này, các pháp không có thật, là giả có, lại chính là CHẤP KHÔNG, cũng là Tà kiến, cũng là hiểu biết sai, là một cực đoan khác trong tri thức của nhân loại. Như vậy, cho rằng các pháp thực có là sai, mà cho rằng các pháp không thực có cũng sai, vậy rốt cuộc các pháp là cái gì, có hay không có ?

Người học Phật sẽ rơi vào mâu thuẩn, nghịch lý không thể nào hiểu nổi. Để giải quyết cái THÁCH ĐỐ VĨ ĐẠI đó thì câu trả lời cho mọi người dễ chấp nhận nhất là “Bất khả tư nghì” ( Không thể suy nghĩ bàn ) đối với chúng sanh, chỉ có trí tuệ chư Phật mới thấu suốt. Vì không hiểu biết đúng như thật khái niệm Chấp Có Chấp Không mà Đức Phật đã thuyết giảng nên để giải quyết cái mâu thuẩn, nghịch lý giữa chấp có chấp không này mà Phật giáo phát triển đã dày công sáng tác ra rất nhiều bộ kinh, rất nhiều kiến giải về Tánh Không nhằm giải thích các pháp vượt ra ngoài có không bằng các lý luận hết sức rối rắm mà giống như tung hoả mù để người học cảm thấy bí ẩn, mầu nhiệm.

Rằng các pháp vượt ngoài có không nghĩa là : “vừa có vừa không có, không phải có cũng không phải không, không phải không có cũng không phải không không …”. Thực chất đây không phải là cách thức quan niệm về các pháp mới mẻ do Phật giáo phát triển phát minh ra mà chính là sự du nhập cách thức lý luận trườn uốn như lươn của Kỳ Na Giáo, một giáo phái Duy tâm vô thần phát triển và xiển dương cùng thời với Đức Phật.

2 – THẾ NÀO LÀ CHẤP CÓ :

CHẤP CÓ chính là tư tưởng THƯỜNG KIẾN, chính là tư tưởng DUY VẬT : Đây là một tư tưởng tà kiến, hiểu biết sai lạc về các pháp của tri thức nhân loại mà Đức Phật xếp vào một loại hiểu biết cực đoan trong hai cực đoan là DUY VẬT và DUY TÂM. Quan điểm Duy Vật cho rằng các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận, được nhận thức là THẾ GIỚI VẬT CHẤT, mà Vật Chất không được sinh ra, cũng không mất đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ trạng thái này sang trạng thái khác còn tâm là sản phẩm của tương tác vật chất mà phát sinh.

Vì vậy, VẬT CHẤT CÓ TRƯỚC TÂM THỨC CÓ SAU, nên không có một thế giới tâm linh không sinh không diệt, không có linh hồn, không có luân hồi của các linh hồn. Các pháp vận hành theo quy luật Nhân Quả,với định thức một nhân chính biến đổi thành quả nên “nhân trong quả, quả trong nhân, nhân quả tương tức, tương nhập, các pháp nương tựa nhau, phụ thuộc vào nhau mà cùng tồn tại”. Vì vậy, các pháp to nhỏ, dài ngắn, vuông tròn, xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, đàn ông đàn bà, xe cộ, nhà cửa … tóm lại là thế giới sum la vạn tượng đều là Vật Chất hoặc là Thuộc Tính Vật Chất. Ví như, cứng mền thô mịn, nặng nhẹ là tánh chất của vật chất địa đại, trơn ướt là tính chất của vật chất thuỷ đại, nóng lạnh là tính chất của vật chất hoả đại, chuyển động, co giản là tính chất của vật chất phong đại …

Với quan điểm Duy Vật như vậy thì các pháp là SẴN CÓ, LUÔN LUÔN CÓ, THƯỜNG HẰNG THƯỜNG TRÚ NƠI THẾ GIỚI VẬT CHẤT. Đức Phật gọi quan điểm Duy Vật này là CHẤP CÓ cũng đồng nghĩa với THƯỜNG KIẾN. Ví như, nhân loại cho rằng cây mía ngọt, nghĩa là vị ngọt là vật chất sẵn có, luôn luôn có, thường hằng, thường trú nới cây mía. Nếu ép cây mía thì vị ngọt đó sẽ chuyển sang nước mía, nước mía nấu thành đường thì vị ngọt chuyển vào đường, nếu ủ đường cho thành giấm thì vị ngọt lại biến đổi thành vị chua …

Vị ngọt sẵn có, không được sinh ra, không bị diệt đi mà chỉ di chuyển từ vật này sang vật khác, biến đổi từ trạng thái này ( ngọt) sang trạng thái khác ( chua ). Tương tự như vậy, cứng, nặng sẵn có, thường xuyên có, thường hằng thường trú trong hòn đá. Ngọt sẵn có nơi đường, mặn nơi muối, ngon dở nơi thức ăn, nóng nơi lửa, lạnh nơi nước đá, đẹp xấu nơi ngôi nhà …

Hạnh phúc sẵn có, luôn luôn có, thường hằng thường trú trong thế giới vật chất, nơi tiền bạc, sắc đẹp, sức khoẻ, tiện nghi …

Đau khổ sẵn có, luôn luôn có, thường hằng thường trú trong thế giới vật chất, nơi nghèo đói, bệnh tật, thiên tai, môi trường sống tồi tệ …

Với quan điểm Duy Vật thì VẬT CHẤT CÓ TRƯỚC TÂM THỨC CÓ SAU, nên đối tượng được biết là vật chất ( Sắc ) có trước và tâm biết đối tượng đó ( Danh ) có sau, Danh biết Sắc hay Tâm biết Cảnh được các tông phái Phật giáo cả Nam và Bắc tông sử dụng trong lý giải của mình. Cụ thể là Nhãn thức thấy Sắc trần, Nhĩ thức nghe Thanh trần, Tỷ thức cảm nhận Hương trần, Thiệt thức cảm nhận Vị trần, Thân thức cảm nhận Xúc trần, Ý thức biết Pháp trần được mô tả là Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh Sáu Thức và Sáu Thức đó biết Sáu Trần.

Ví như, Mắt tiếp xúc Sắc trần phát sinh Nhãn thức và Nhãn thức thấy Sắc trần đó, nên Sắc trần là đối tượng được thấy ( Sắc ) có trước và Nhãn thức là tâm thấy ( Danh ) có sau và như vậy Sắc trần trước khi tiếp xúc với Mắt và sau khi tiếp xúc vẫn là Sắc trần đó, nên đối tượng được thấy sẵn có, luôn luôn có, không sinh diệt. Đây chính là Thường kiến, là Chấp Có. Tương tự, khi Lưỡi tiếp xúc với Khúc mía phát sinh Thiệt thức và Thiệt thức cảm nhận vị ngọt của khúc mía. Và như vậy, Vị ngọt ( Vị trần ) là đối tượng được biết ( Sắc ) có trước, sẵn có, thường hằng thường trú nơi khúc mía, Thiệt thức là tâm biết (Danh ) có sau …

Với quan điểm Duy Vật thì TOÀN THỂ VŨ TRỤ VẬT CHẤT không được sinh ra, cũng không bị diệt đi nên CÁI TOÀN THỂ đó không sinh không diệt và mỗi một sự vật chỉ là sự biến đổi từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác trong CÁI TOÀN THỂ đó, nên mỗi sự vật chỉ biến mất ở chỗ này và lại TRÌNH HIỆN ở chỗ khác chứ không có sinh ra, không có diệt đi. Vì tư duy, suy luận theo quan điểm Duy Vật như vậy mà có bộ phái đã tuyên bố : “Các pháp vốn không sinh. Các pháp vốn không diệt. Nếu thấy được như thế. Chư Phật thường hiện tiền”. Cũng do tư duy theo Duy Vật như vậy mà thấy hoa trong rác, rác trong hoa, hạnh phúc trong đau khổ, đau khổ trong hạnh phúc, tu là chuyển hoá khổ đau thành hạnh phúc, một trong tất cả, tất cả trong một theo nguyên lý trùng trùng duyên khởi, thấy trong một ngọn cỏ có đầy đủ cả tam thiên đại thiên thế giới…

3 – THẾ NÀO LÀ CHẤP KHÔNG :

CHẤP KHÔNG chính là tư tưởng ĐOẠN KIẾN, chính là tư tưởng DUY TÂM : Duy Tâm cho rằng Tinh thần có trước Vật chất có sau, mà Tinh thần chính là một thế giới tâm linh không sinh không diệt với các tên gọi khác nhau ( tuỳ theo các tôn giáo khác nhau ) như Thượng Đế, Thiên Chúa, Tạo Hoá, Đại Ngã, Bản Tâm … mà từ đó phát sinh ra thế giới vật chất con người thấy, nghe, cảm nhận được. Thuyết minh một cách rõ ràng nhất cho quan điểm Duy Tâm là Thánh Kinh Cựu Ước mô tả Thiên Chúa là Đấng tâm linh tối cao đã sáng tạo ra thế giới rồi nặn ra con người từ đất sét và chúa đã thổi linh hồn Chúa vào con người qua hai lỗ mũi. Nội dung của Cựu ước là có một thế giới tâm linh tuyệt đối bao trùm vũ trụ gọi là Thiên Chúa chính là Linh Hồn Chúa đã HOÁ HIỆN ra thế giới vật chất trong đó có con người và trong mỗi con người có một phần Linh Hồn Chúa được Chúa thổi vào và đó chính là Tâm Biết. Nếu con người khi chết đi do thực hành các điều răn của Chúa mà Linh Hồn được trở về hoà nhập với Thiên Chúa thì đó là giải thoát nơi Thiên đường cực lạc. Vì vậy, thế giới vật chất mà con người thấy, nghe, cảm nhận như to nhỏ, vuông tròn dài ngắn,xanh vàng đỏ trắng, măn ngọt chua cay, cững mền thô mịn, nhơ sạch, đàn ông đàn bà, xe cộ, nhà cửa, sum la vạn tượng đều KHÔNG CÓ THẬT, LÀ GIẢ CÓ do Thượng đế hoá hiện ra mà thôi. Quan điểm DUY TÂM này chính là CHẤP KHÔNG hay còn gọi là ĐOẠN KIẾN.

Với quan điểm Duy Tâm, Ba la môn giáo cho rằng có một Đại Ngã hay Đại Linh Hồn không sinh không diệt bao trùm thấm nhuần khắp vũ trụ và trong mỗi một chúng sanh có một Tiểu Ngã hay một Tiểu Linh hồn cũng bất tử và Tiểu Linh Hồn này phải luân hồi mang các thân xác khác nhau qua từng kiếp sống. Khi nào đến một kiếp sống mà Tiểu Linh Hồn thoát ra, không còn bị giam hảm trong thân xác và hoà nhập vào Đại Linh Hồn thì lúc đó là Niết bàn, Giải thoát. Các tôn giáo và các tín ngưỡng Duy Tâm tuy có khác nhau về tên gọi và một vài chi tiết nhưng quan điểm cơ bản là giống nhau, đều quan niệm có THẾ GIỚI TÂM LINH và LINH HỒN KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT tồn tại khách quan làm nền tảng và từ đó HOÁ HIỆN ra thế giới vật chất được thấy, được nghe, được cảm nhận. Hạnh phúc và Khổ đau mà con người cảm nhận chính là do Thượng đế mang đến thưởng phạt con người hay như tín ngưỡng dân gian là do linh hồn ông bà tổ tiên đã quá vãng đang sống trong thế giới tâm linh thưởng phạt con cháu. Có tông phái Phật giáo chủ trương có Phật tánh thanh tịnh bao trùm, thấm nhuần khắp vũ trụ ( Biển tánh thanh tịnh ) và trong một chúng sanh cũng có cái Phật tánh là do tiếp thu tư tưởng Đại Ngã và Tiểu Ngã của Bà la môn giáo hình thành nên.

Với quan điểm Duy Tâm, Tinh thần có trước Vật chất có sau thì TÂM BIẾT CÓ TRƯỚC, ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BIẾT CÓ SAU. Tâm biết chính là Thượng đế, là Linh hồn bất sanh bất diệt là cái có trước rồi từ đó hoá hiện ra thế giới vật chất là cái có sau, nên Tâm biết có trước, đối tượng được biết có sau. Vì vậy, một số tông phái Phật giáo chủ trương có TÁNH BIẾT không sinh không diệt, PHẬT TÁNH không sanh không diệt, có cái HẰNG THẤY, HẰNG NGHE không sinh không diệt, BẢN LAI DIỆN MỤC, BẢN TÂM THANH TỊNH… thuộc về Thế giới tâm linh không sinh diệt, đương nhiên là VÔ TƯỚNG MỚI CHÂN THẬT, còn thế giới vật chất mà con người thấy, nghe, cảm nhận được hoá hiện ra, là HỮU TƯỚNG, VÔ THƯỜNG SANH DIỆT HƯ VỌNG nên nó là giả huyễn, không thật có, giả có mà thôi ( Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng ). Các quan điểm : trần gian là giả tạm huyển hoá; Nhất thiết duy tâm tạo ( tất cả các pháp do tâm tạo ra ), Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức … đều là tư tưởng Duy Tâm, và đều là Chấp Không hay Đoạn Kiến.

Với chủ yếu quan điểm Duy Tâm pha trộn một ít quan điểm Duy Vật, Phật giáo phát triển có quan niệm Chân Không Diệu Hữu cho rằng, có hai thế giới gồm : Thế giới BẢN THẾ và Thế giới HIỆN TƯỢNG. Thế giới Bản Thể là Chân lý tuyệt đối không sinh không diệt còn gọi là Chân Đế, là Tánh Không hay Chân Không, không hình không tướng ( Vô Tướng ) vượt ngoài thấy biết của Phàm phu, trong đó không có sắc thọ tưởng hành thức, không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới cho đến ý thức giới, không có Vô minh cũng như minh, không có khổ tập diệt đạo… như Tâm kinh bát nhã đã mô tả. Thế giới HIỆN TƯỢNG là thế giới vật chất mà chúng sanh thấy, nghe, cảm nhận, vận hành theo định luật nhân quả, nó vô thường sinh diệt, còn gọi là Thế giới Tục Đế, có sắc thọ tưởng hành thức, có mắt tai mũi lưỡi thân ý, có sắc thanh hương vị xúc pháp …

Thế giới BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI KHÔNG SANH DIỆT, CHÂN ĐẾ là nền tảng lưu xuất, biểu hiện ra Thế giới HÌNH TƯỚNG TƯƠNG ĐỐI SANH DIỆT, TỤC ĐẾ nhưng cả hai không rời nhau, hình dung như Nước là Bản Thể, Sóng là Hiện Tượng, Sóng và Nước không rời nhau. Vì vậy mà KHÔNG ( Bản Thể )chẳng khác SẮC ( Hiện Tượng ), SẮC ( Hiện Tượng ) chẳng khác KHÔNG ( Bản Thể ). KHÔNG ( Bản Thể ) chính là SẮC ( Hiện Tượng ), SẮC ( Hiện Tượng ) chính là KHÔNG ( Bản Thể ). Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như vậy, nghĩa là THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC ( Hiện Tượng ) chẳng khác KHÔNG ( Bản Thể )…

Quan niệm về Thế giới Bản Thể và Thế giới Hiện tượng như vậy là cách trình bày rất thông thái, thâm thuý, vi diệu nhưng nội dung thì y chang Thánh Kinh Cựu Ước trong đó Thế giới Bản Thể tuyệt đối không sinh diệt chính là Thượng Đế Toàn Năng còn Thế giới hiện tượng tương đối sinh diệt chính là vũ trụ do Thượng Đế Toàn Năng hoá hiện ra. Học thuyết Tam Thân cũng như vậy, trong đó Pháp thân là Bản Thể không sinh diệt, vô tướng còn Hoá thân và Ứng thân là Hiện Tượng hữu tướng, vô thường sinh diệt.

4 – TRUNG ĐẠO DUYÊN KHỞI :

Trong lịch sử loài người từ cổ chí kim, có một con người độc nhất vô nhị, không thầy chỉ dạy đã xếp hai quan điểm Duy Vật và Duy Tâm vào hai cực đoan, tức hai loại tà kiến, hai loại hiểu biết sai lạc về các pháp. Vì sao vậy ? Vì Ngài đã THẤY BIẾT NHƯ THẬT thế giới các pháp mà con người thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức không phải là thế giới vật chất sắc thanh hương vị xúc pháp, tồn tại khách quan đối với con người như Duy Vật, cũng không phải là một thế giới huyễn hoá do Tâm tuyệt đối hoá hiện ra như Duy Tâm, mà nó là thế giới CẢM GIÁC ( hay CẢM THỌ ) do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh ra, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ) như lời tuyên bố của Ngài trong kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh :

“Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ như thật tuệ tri sự sinh diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ”.

Hãy quan sát sự thật để hiểu rõ vấn đề này. Ví như, Duy Vật cho rằng vị ngọt là tính chất vật chất của cây mía, vị ngọt sẵn có, luôn luôn có, thường hằng thường trú nơi cây mía ( chấp có, thường kiến ) còn một người khi đau bệnh nhiều ngày cũng ăn khúc mía đó nhưng cảm thấy đắng thì sẽ tư duy theo quan điểm Duy Tâm, vị ngọt không có thật nơi cây mía chỉ là do Tâm tạo ra mà thôi ( chấp không, đoạn kiến ). Khi quan sát sự thật thì thấy Lưỡi là một nhân tố, Khúc mía là nhân tố thứ hai. Khi hai nhân (tố ) này chưa tiếp xúc với nhau thì chưa có vị ngọt nào được cảm nhận cả. Khi Lưỡi tiếp xúc Khúc mía thì lập tức phát sinh CẢM GIÁC ngọt ( hoặc đắng ) và đồng thời phát sinh Tâm biết trực tiếp ( Thiệt thức ) cảm nhận ( hay ghi nhận ) đối tượng CẢM GIÁC ngọt ( hoặc đắng ) đó. Đây mới là VỊ NGỌT THỰC của đời sống hàng ngày và nó là CẢM GIÁC ( CẢM THỌ ) thuộc phạm trù tâm chứ không phải là vật chất. Xúc sinh ( Lưỡi và Khúc mía ) thì Cảm giác ngọt và Thiệt thức sinh, Xúc diệt thì Cảm giác ngọt và Thiệt thức diệt nên Cảm giác ngọt và Thiệt thức đều sinh diệt, vô thường.

Đối tượng được Tâm biết Thiệt thức cảm nhận hay ghi nhận là CẢM GIÁC NGỌT chứ không phải là VỊ NGỌT CỦA CÂY MÍA. Với sự thật này, đối tượng được cảm nhận, được ghi nhận là CẢM GIÁC thuộc phàm trù tâm, nó sinh lên rồi diệt, nó vô thường, nó không phải là vật chất, nó không sẵn có, không luôn luôn có, không thường hằng, không thường trú nơi cây mía. Thấy biết sự thật như vậy thì chấm dứt tà kiến Chấp Có – Thường Kiến. Với sự thật này cũng thấy biết sự thật đối tượng được cảm nhận là CẢM GIÁC là thật có nên Thánh Phàm đều cảm nhận bằng Tâm biết trực tiếp Thiệt thức, tuy nó thuộc phạm trù tâm nhưng KHÔNG PHẢI DO TÂM TẠO mà nó do Căn Trần tiếp xúc ( tương tác ) mà phát sinh. Thấy biết sự thật như vậy thì chấm dứt tà kiến Chấp Không – Đoạn Kiến.

Tương tự như vậy, Mắt tiếp xúc Sắc phát sinh đồng thời Cảm giác hình ảnh và Nhãn thức, Tai với Tiếng phát sinh đồng thời Cảm giác âm thanh và Nhĩ thức, Mũi với Hương phát sinh đồng thời Cảm giác mùi và Tỷ thức, Lưỡi với Vị phát sinh đồng thời Cảm giác vị và Thiệt thức, Thân với Xúc phát sinh đồng thời Cảm giác xúc chạm và Thân thức, Ý với Pháp phát sinh đồng thời Cảm giác pháp trần và Tưởng thức. Và sáu thức, Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức thấy nghe, cảm nhận Sáu Cảm giác hay Sáu Cảm thọ tương ứng chứ không phải Sáu Thức đó thấy, nghe, cảm nhận thế giới vật chất Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp trần.

Quan sát sự thật này cũng đưa đến thấy biết như thật: TÂM BIẾT và ĐỐI TƯỢNG được biết PHÁT SINH CÙNG MỘT LÚC, đồng sinh đồng diệt, không trước không sau, không phải như Duy Vật, Đối tượng có trước, Tâm biết có sau hay Duy Tâm, Tâm biết có trước, Đối tượng có sau. Và một sự thật nữa cũng cần nhấn mạnh là Cái biết là Tâm và Đối tượng được biết cũng là Tâm nên TÂM BIẾT TÂM chứ không phải TÂM BIẾT CẢNH như hiểu biết vô minh của nhân loại.

Với sự thật này thì các sự vật, hiện tượng ( các pháp ) mà con người thấy, nghe, cảm nhận có tên gọi như to nhỏ, vuông tròn dài ngắn,xanh vàng đỏ trắng, mặn ngọt chua cay, cứng mền thô mịn, đàn ông đàn bà, nhà cửa xe cộ, hạnh phúc, khổ đau, sum la vạn tượng … là CÁC CẢM GIÁC ( CẢM THỌ ), không sẵn có, không luôn luôn có, không thường hằng, không thường trú ở đâu cả, nó chỉ xuất hiện khi Căn Trần tiếp xúc nhau rồi lại diệt đi liền. Muốn giải thoát không còn chấp thủ thì không những phải tuệ tri các đối tượng thực tai là Cảm giác ( Cảm thọ ) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, vô chủ ( vô ngã ) mà còn phái tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *