Trả lời câu hỏi về Người sống thực vật

Chúc Lực hỏi: Thưa Sư cho con hỏi: khi một người bị tai nạn, phải sống đời sống thực vật do mất ý thức thì người ấy có còn tâm không?

Nếu mất thì tâm lìa khỏi thân, thì làm sao vẫn sống được và có người nói rằng có những người (sống thực vật) khi nghe họ nói chuyện vẫn chảy nước mắt. Nếu còn tâm thì sao không thể hoạt động bình thường? Xin Sư chỉ dạy. Xin tri ân sư!

Trả lời : Trước tiên phải hiểu Tâm bao gồm 4 loại tâm là Thọ – Tưởng – Hành – Thức do Sáu Căn và Sáu Trần tiếp xúc nhau, nói chính xác là Tương tác nhau mà thuật ngữ Phật học gọi là Duyên ( nhau ) mà phát sinh theo tiến trình: [Thọ – Tưởng ]- Hành – Thức – Hành. Có trường hợp tâm chỉ có Thọ – Tưởng, có trường hợp gồm [Thọ – Tưởng ]- Hành, có trường hợp là [Thọ – Tưởng ] – Hành – Thức, có trường hợp gồm [Thọ – Tưởng ] – Hành – Thức – Hành. Vì vậy dùng từ Tâm lìa khỏi thân là sai, là Thường kiến vì tâm không sẵn có, không cư ngụ nơi thân để mà nói lúc đó tâm lìa khỏi thân.

Sáu Căn là sáu tế bào thần kinh bao gồm: Thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và tế bào thần kinh não bộ. Vì vậy khi các tế bào thân kinh này không hoạt động, lúc đó tuy có Sáu Trần nhưng không có Sáu Căn ( tế bào thân kinh không hoạt động ) nên không có Xúc, vì vậy lúc đó không có tâm, không có Thọ Tưởng Hành Thức. Đó là khi ngất đi trong một tai nạn, gây mê sâu khi mổ, ngủ say không mộng mỵ.

Một người bị tai nạn sống đời sống thực vật hoàn toàn (thần kinh não bộ và các giác quan không hoạt động) lúc đó không có tâm, tại sao người đó vẫn sống? Lúc đó người đó vẫn sống vì tim vẫn đập, máu vẫn chảy, tim gan thận phổi, dạ dày vẫn hoạt động. Vì sao? Vì Tâm là Thọ Tưởng Hành Thức chẳng liên quan gì đến hoạt động của các bộ phận đó mà các bộ phận đó vẫn vận hành theo lập trình của Thông Tin Di Truyền được cài đặt trong cấu trúc ADN trong mỗi tế bào của các bộ phận ấy.

Nhưng sống thực vật hoàn toàn không có tâm thức như thế này sau khi bị tai nạn không phải kéo dài mãi mãi cho đến khi chết mà các tế bào thần kinh não bộ sẽ hồi phục nhanh chậm tuỳ trường hợp. Có người chỉ ngất đi sau 15 phút, hay 30 phút, thậm chí 1 ngày … khi tỉnh lại họ không biết gì về thời gian ngất đã xẩy ra, không nhớ được chuyện gì đã xẩy ra vì trong thời gian ngất, không có tâm thức, không thấy nghe gì cả, nên không có gì lưu vào bộ nhớ để mà nhớ lại.

Người sống đời sống thực vật thì sau tai nạn các tế bào thần kinh có xẩy ra sự hồi phục nhưng không hồi phục hoàn toàn mà có những phần bị tổn thương trầm trọng không thể hồi phục. Tế bào thần kinh não bộ có thể không hồi phục hoàn toàn nên tâm biết ý thức không hoàn thiện như trước nhưng vẫn khởi lên. Nhưng vì những người đó có sự tổn thương không hồi phục được “cơ chế dẫn truyền thông tin” từ tế bào thần kinh não bộ đến các bộ phận trên cơ thể. Vì cơ chế dẫn truyên thông tin không hoạt động được nên khi người đó tác ý làm phát sinh lời nói hay hành động tại bộ phận nào đó của cơ thể thì cơ chế này không hoạt động. Vì thế mọi bộ phận trên cơ thể im lìm hoàn toàn ngoại trừ bộ phận nào hoạt đông theo thông tin di truyền.

Có người nghe người thân nói chuyện thì nước mắt trào ra biểu hiện tâm ý thức của họ hoạt động và thông tin đó từ não bộ truyền đến các tế bào tuyến lệ ( đường truyền này còn hoạt động) nên lập trình chảy nước mắt xẩy ra. Các cơ chế truyền dẫn thông tin đến các bộ phận khác bị tổn thương chưa hoặc không thể hồi phục nên họ không trở lại bình thường được. Người bị tai biến cũng bị tổn thương một phần não bộ, một phần bộ phận truyền dẫn thông tin nên họ cũng có một số cử động, lời nói không thể “điều khiển” được là vậy. Vì vậy người sống thực vật vẫn có thể biết mọi chuyện hay một phần những gì đang xẩy ra xung quanh nhưng họ không thể “Điểu Khiển” để phản ứng với xung quanh bằng lời nói hay hành động, cử động của thân thể.

Hãy nghe kỹ và quan sát thực tế để hiểu sâu sắc hơn về có chế vận hành của lộ trình tâm Bát Tà Đạo và cả Bát Chánh Đạo thì hiểu rõ những hiện tượng này.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (13.10.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *