Lối thoát khổ trong hiện tại, ngay bây giờ và tại đây được Đức Phật tự mình tìm ra, chứng ngộ và thuyết giảng. Đó là thực hành Bát Chánh Đạo với hai phương pháp : CHỈ và QUÁN. Lối tu CHỈ để người tu an trú Tâm biết trực tiếp giác quan nhờ Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định, gọi là an trú Tỉnh Giác và giải thoát do an trú Tỉnh Giác như vậy gọi là Tâm giải thoát hay Không giải thoát. Lối tu QUÁN để người tu an trú Tâm biết ý thức Chánh Kiến nhờ Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Chánh Tư Duy – Chánh Kiến, gọi là an trú Chánh Kiến và giải thoát do an trú Chánh Kiến ( Trí Tuệ ) như vậy gọi là Tuệ giải thoát hay Vô tướng giải thoát.
1 – Tỉnh Giác là gì ?
Đây là một khái niệm chỉ được Kinh điển đặt tên mà không được định nghĩa, giải thích, chỉ rõ là cái gì. Trong kinh chỉ nói như sau : “Vị Tỷ kheo khi đi tới đi lui đều Tỉnh Giác; khi ngó tới ngó lui đều Tỉnh Giác; khi mang y, mang bát đều Tĩnh Giác; khi ăn uống nhai nuốt đều Tỉnh Giác; khi đại tiện tiểu tiện đều Tỉnh Giác; khi đi đứng ngồi nằm thức nói đều Tỉnh Giác”.
Vì Tỉnh Giác là tâm biết “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt” ( nghĩa là không có khái niệm, không có ngôn từ, không có phân biệt ) nên nếu dùng khái niệm, ngôn từ, phân biệt để diễn tả nó thì sẽ rơi vào tâm biết ý thức có “khái niệm, ngôn từ, phân biệt” làm cho người đọc càng nhầm lẫn hơn về Tỉnh Giác nên Kinh chỉ dùng từ Tỉnh Giác mà không có thêm một định nghĩa, một giải thích nào.
Vì không thân chứng Tỉnh Giác, nên đa phần người tu sẽ dùng tâm biết ý thức để tư duy, suy diễn và sẽ đánh đồng tâm biết Tỉnh Giác với tâm biết Ý thức tà kiến ( vô minh, chấp ngã )của Phàm phu. Và họ sẽ giải thích đoạn kinh trên là : Khi đi tới, đi lui, tôi biết tôi đang đi tới đi lui; khi ngó tới ngó lui, tôi biết tôi đang ngó tới ngó lui; khi đại tiện, tiểu tiện, tôi biết tôi đang đại tiện tiểu tiện; khi nhặt rau, rửa bát, tôi biết tôi đang nhặt rau, rửa bát; khi thở vô thở ra, tôi biết tôi đang thở vô thở ra; khi thân thể đang làm gì, tư thế nào, tôi biết rõ thân thể tôi đang ở tư thế đó …
Đa phần đều hiểu “ý thức sáng tỏ” mỗi một việc làm trong giây phút hiện tại như vậy là Tỉnh Giác. Đây là một sự nhầm lẩn, một sai lầm nghiêm trọng, không hiểu biết đúng như thật “ý thức sáng tỏ”như vậy là tâm biết ý thức vô minh, tà kiến. Đó không phải là tâm biết Tỉnh Giác.
Muốn hiểu được Tỉnh Giác là gì phải quan sát và hiểu biết đúng sự thật Sáu Xúc Xứ ( sự tiếp xúc giữa Sáu Căn và Sáu Trần ). Thực tại gồm tâm biết và đối tượng được biết không có sẵn ở đâu cả, mà do Sáu Căn và Sáu Trần tiếp xúc mới phát sinh. Khi đối tượng của thực tại xuất hiện ( Cảm Thọ ) thì cũng xuất hiện các Tâm Biết có phận sự biết các đối tượng đó. Tâm biết lại được chia làm hai loại : một là tâm biết trực tiếp giác quan, có phận sự ghi nhận hay nhận biết đối tượng mà tâm lý học gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng; hai là tâm biết gián tiếp Ý thức, có phận sự xác định đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao mà tâm lý học gọi là Nhận thức lý tính đối tượng.
– Một là : Tâm biết trực tiếp giác quan ( dịch từ tiếng Tàu là trực giác ) gồm Nhãn thức thấy đối tượng Cảm giác hình ảnh, Nhĩ thức nghe Cảm giác âm thanh, Tỷ thức cảm nhận Cảm giác mùi, Thiệt thức cảm nhận Cảm giác vị, Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm, Tưởng thức ghi nhận Cảm giác pháp trần. Tâm biết trực giác này không do học hỏi, mà do Căn Trần tiếp xúc phát sinh nơi các giác quan, nên trong nó không có khái niệm, không có ngôn từ để chỉ các khái niệm, không phân biệt đây là cái này, đây không phải là cái kia, nên tính chất của nó là “vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt”. Hình dung tâm biết trực giác này giống như tâm biết của một đứa trẻ vừa sinh ra, nó vẫn thấy, nghe, cảm nhận mọi đối tượng của thực tại nhưng không biết các đối tượng đó là cái gì, vuông hay tròn, mặn hay ngọt, đẹp hay xấu, ngon hay dở, đúng hay sai, thiện hay ác … vì phần lớn tâm biết ý thức do học hỏi của nó chưa khởi lên. Tâm biết trực giác này không có Vô minh, cũng không có Minh nhưng nó ghi nhận trung thực đối tượng, đối tượng như thế nào thì ghi nhận như thế đó, không thêm bớt. Tâm biết trực tiếp này Thánh Phàm đều như nhau.
– Hai là : Tâm biết gián tiếp Ý thức do học hỏi mà có và phát sinh theo lộ trình nhân quả Niệm – Tư duy – Ý thức, xẩy ra nơi các tế bào thần kinh não bộ, nên thường gọi là cái biết trí óc, do suy nghĩ mà có. Tâm biết ý thức có phận sự biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao mà Tâm lý học gọi là Nhận thức lý tính đối tượng. Nội dung của tâm biết ý thức phụ thuộc vào Niệm ( nghĩa tiếng Việt là Trí nhớ ), nhớ được những tri thức hiểu biết đã học hỏi từ quá khứ được lưu giữ trong “bộ nhớ”. Nội dung tâm biết ý thức của Phàm phu, biết sai sự thật về đối tượng, mà thuật ngữ Phật học gọi là Tà kiến, là vô minh chấp ngã, nên nó chính là nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si, phát sinh Phiền não. Tâm biết Ý thức của bậc Thánh biết đúng sự thật đối tượng nên gọi là Chánh Kiến, là Minh, là Trí Tuệ nên không còn phát sinh Tham Sân Si, không còn phát sinh Phiền não. Đối với lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu thì tâm biết trực tiếp khởi lên rồi tâm biết ý thức sẽ khởi lên tiếp theo ngay, nên đó chính là nguyên nhân phát sinh tham sân si, phát sinh Phiền não.
* Lộ trình tâm do Mắt tiếp xúc Sắc trần sẽ có tâm biết : Nhãn thức – Ý thức
* Lộ trình Tai tiếp xúc Thanh trần sẽ có : Nhĩ thức – Ý thức.
* Lộ trình Mũi tiếp xúc Hương trần sẽ có : Tỷ thức – Ý thức
* Lộ trình Lưỡi tiếp xúc Vị trần sẽ có : Thiệt thức – Ý thức
* Lộ trình Thân với Xúc trần sẽ có : Thân thức – Ý thức
* Lộ trình Ý tiếp xúc Pháp trần sẽ có : Tưởng thức – Ý thức
Đối với trẻ con càng ít tuổi thì lộ trình tâm đa phần dừng lại tâm biết trực tiếp, tâm biết ý thức do tri thức hiểu biết, kinh nghiệm học hỏi còn ít nên phần nhiều chưa khởi lên, vì vậy chúng sống rất vô tư, rất ít phiền não. Người trưởng thành có mọi tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm đã học hỏi trong cuộc đời nên tâm biết trực tiếp và tâm biết ý thức khởi lên nối tiếp nhau, vì vậy có vô số phiền não chi phối.
Nếu quan sát đời sống từ khi sinh ra đến khi lớn lên rồi già cả thì tâm biết trực giác như nhau, nhưng càng lớn lên, càng từng trải thì tâm biết ý thức sẽ biết càng nhiều và càng biết nhiều bao nhiêu thì càng khổ nhiều bấy nhiêu. Lúc 5 tuổi biết ít hơn 10 tuổi, 10 tuổi biết ít hơn 20 tuổi, 40 tuổi biết nhiều hơn 20 tuổi nên 5 tuổi sống vô tư, ít khổ hơn khi 10 tuổi, 10 tuổi ít khổ hơn 20 tuổi, 20 tuổi sống vô tư, ít khổ hơn 40 tuổi.
Vì sao vậy ? Vì tâm biết ý thức đó là vô minh, tà kiến là nguyên nhân phát sinh tham sân si, phát sinh khổ. Nếu lộ trình tâm chỉ có tâm biết trực tiếp mà tâm biết ý thức không khởi lên thì sẽ không có tham sân si, không có phiền não. Vì vậy, tu CHỈ là dừng lại, không cho tâm biết ý thức khởi lên, chỉ có tâm biết trực tiếp giác quan Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ghi nhận đối tượng mà thôi. Vì tâm biết ý thức do suy nghĩ không có mặt nên người tu sẽ cảm nhận tâm rỗng lặng, trống không mọi suy nghĩ và lúc đó thực sự thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận, không hề có nhận xét, đánh giá đối tượng. Khi chỉ có tâm biết trực tiếp ghi nhận đối tượng mà tâm biết gián tiếp ý thức không có mặt như vậy thì đó gọi là Tỉnh Giác.
Đoạn kinh vị Tỷ kheo khi đi tới đi lui đều Tỉnh Giác … được hiểu là: khi có các hành động đó thì trên thân xuất hiện các Cảm giác và lúc đó nhờ có Chánh Niệm ( Nhớ đến chú tâm quán sát các Cảm giác nơi thân ) nên chỉ có Thân thức ghi nhận các Cảm giác xúc chạm, từ Cảm giác này sang Cảm giác khác, nhưng tâm biết trực tiếp ghi nhận đó không hề có ngôn từ, khái niệm như “tôi đang bước tới, tôi đang bước lui, chân trái tôi đang bước, chân phải tôi đang bước … “ . Vì chỉ có tâm biết Thân thức, vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt nên không thể có ngôn từ để diễn tả nó, chỉ có thể thân chứng nó nên vạn bất đắc dĩ phải đặt ra từ Tỉnh Giác để truyền thông với nhau, để người trí hình dung ra sự việc.
2 – Phương pháp tu CHỈ để an trú Tỉnh Giác :
Muốn an trú Tỉnh Giác phải thực hành Chánh Niệm về Thân, theo nghĩa tiếng Việt là thực hành Trí Nhớ Chánh, cụ thể là : Nhớ đến chú tâm quán sát các Cảm giác trên thân. Khi Chánh Niệm ( Nhớ đến chú tâm quán sát các Cảm giác trên thân ) liên tục khởi lên thì do nhân Chánh Niệm sẽ phát sinh một tâm hành “Tích Cực” mà thuật ngữ Phật học gọi là Chánh Tinh Tấn và do Chánh Tinh Tấn là nhân sẽ phát sinh tâm hành Chú Tâm từ Cảm giác này đến Cảm giác khác trên thân mà thuật ngữ Phật học gọi là Chánh Định.
Nhờ có Chánh Định mà lộ trình tâm sẽ dừng lại tâm biết trực tiếp ( gọi là Tỉnh Giác ) và tâm biết Ý thức không khởi lên. Khi Chánh Niệm có mặt, lộ trình duyên khởi Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – Tỉnh Giác sẽ tự động khởi lên nên người tu chỉ luyện tập Chánh Niệm, tức luyện tập Trí Nhớ để luôn luôn Nhớ đến chú tâm các Cảm giác trên thân là đủ, không cần làm thêm bất cứ điều gì, còn làm thêm điều gì nữa là sai.
– Khi tọa thiền : Để luôn luôn nhớ được chú tâm các cảm giác trên thân người tu luôn luôn nhớ đến ngậm chặt hai hàm răng lại, chú tâm vào cảm giác nơi răng lưỡi và để tự nhiên. Phải hiểu rõ nội dung của Chánh Niệm, của Trí Nhớ gồm 2 phần: một là chú tâm nơi răng lưỡi, và hai là để tự nhiên. Nghĩa là không những phải chú tâm cảm giác xẩy ra nơi răng lưỡi mà hãy để cho sự chú tâm tự động xẩy ra nơi các cảm giác thở vô, thở ra và mọi cảm giác khác xuất hiện trên thân, hãy để cho tâm biết trực tiếp ghi nhận các cảm giác một cách tự nhiên chứ không “lôi” tâm về nơi răng lưỡi.
Sự thực hành chỉ có vậy, không làm thêm điều gì nữa mà chỉ trải nghiệm cái gì sẽ xẩy ra lúc đó. Người thực hành sẽ cảm nhận được, lúc đó sự chú tâm bắt đầu nơi cảm giác răng lưỡi tiếp đến chú tâm sẽ tự động xẩy ra nơi cảm giác thở vô rồi đến cảm giác thở ra, rồi lại đến cảm giác răng lưỡi …
Sự chú tâm sẽ tự nhiên dần và liên tục từ cảm giác này sang cảm giác khác trên cả toàn thân và Thân thức sẽ ghi nhận từ Cảm giác này đến Cảm giác khác trên thân. Lúc đó tâm vắng lặng, rỗng không, không có tư tưởng tôi đau, tôi ngứa, tôi đang thở vào, tôi đang thở ra… nghĩa là tâm biết ý thức không có mặt. Đó chính là Tỉnh Giác.
Lúc tọa thiền nếu nhắm mắt lại thì chỉ có 3 đối tượng chính xuất hiện là Cảm giác trên thân, Cảm giác âm thanh và Cảm giác pháp trần còn 3 đối tượng còn lại là Cảm giác hình ảnh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị gần như không có. Người tu sẽ trải nghiệm được tuy chỉ thực hành Chánh Niệm về Thân, tức nhớ đến chú tâm các cảm giác trên thân nhưng lúc đó Tỉnh Giác không những là thuần tuý Thân thức ghi nhân các Cảm giác trên thân mà còn có thuần tuý Nhĩ thức ghi nhận Cảm giác âm thanh và thuần tuý Tưởng thức ghi nhận Cảm giác pháp trần mà không có Ý thức đi kèm.
Người tu có thể mở kèm một bản nhạc không lời hoặc một bài hát hay và chỉ nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi, chú tâm cảm giác nơi răng lưỡi và để tự nhiên thì sẽ kinh nghiệm được rất dễ dàng nhất tâm (không còn phân tâm với những chuyện khác ) và lúc đó chỉ có Thân thức ghi nhận đối tượng ( Cảm giác trên thân ), Tưởng thức ghi nhận đối tượng ( Cảm giác pháp trần ), Nhĩ thức ghi nhận đối tượng ( Cảm giác âm thanh). Lúc đó mới thực sự thân chứng, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không nhận xét đánh giá đối tượng vì ý thức không có mặt, nên không thích ghét, không bị cuốn hút vào bản nhạc hay bài hát như trước đây nữa.
Đây là một trải nghiệm rất có giá trị để người tu hiểu rằng chỉ cần nhớ đến xiết chặt răng lưỡi, chú tâm vào cảm giác răng lưỡi và để tự nhiên như nhiên thì sẽ không có thích ghét (tham sân ), không bị lôi cuốn vào bất kỳ một đối tượng nào trên đời. Có thể mở nhạc nữa thời đầu và nữa thời sau cứ để tự nhiên như vậy thì sẽ trải nghiệm nhất tâm rất dễ dàng. ( Muốn biết vì sao phải xiết chặt răng lưỡi, vì sao khi có nhạc thực hành dễ nhất tâm hơn và định mạnh hơn thì hãy tham dự một khoá tu sẽ hiểu rõ )
– Trong sinh hoạt đi đứng nằm ngồi, làm việc : thực tại lúc đó sẽ có 6 đối tượng là 6 Cảm giác ( Cảm thọ ) và để Chánh Niệm, nhớ đến chú tâm các Cảm giác trên thân được liên tục, không gián đoạn ( nhớ đến chuyện khác tức Tà Niệm khởi lên ) cần phải nhớ thêm niệm thầm “ theo dõi, theo dõi” để nhắc nhở, hỗ trợ Chánh Niệm có mặt. Nếu có nhịp thì niệm thầm “theo dõi, theo dõi” theo nhịp, nếu không có nhịp thì thỉnh thoảng niệm thầm “theo dõi, theo dõi”. Lúc đó đa phần lộ trình tâm, đến khoảng 70 đến 80% chỉ có tâm biết Tỉnh Giác ghi nhận đối tượng nên không có thích ghét và tâm sẽ bình an, vắng lặng mọi tư tưởng, không có phiền não. Người đó nhờ liên tục chú tâm lên thân mà sẽ chú tâm vào công việc và sẽ “làm tốt việc của mình, không xen vào việc người khác, không lo lắng việc của trời đất” nên sẽ kinh nghiệm khổ diệt ngay bây giờ và tại đây, không còn phải hy vọng khổ diệt trong tương lai nữa.
Đại Đức Nguyên Tuệ