THIỆN THỆ
Thiên thệ là một danh hiệu, một phẩm tánh của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, là một trong 10 danh hiệu gồm : Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn. Vậy Thiện thệ là gì ? Thiện thệ là tiếng Tàu, dịch sang tiếng Việt một cách ngắn gọn là “đi một cách tốt đẹp” vì thiện là thiện lành, là tốt đẹp, thệ là đi. Thiện thệ có 3 nội dung gồm :
– Một là: bậc đã đi trên con đường tốt đẹp, đó là Con Đường Tám Chánh hay Bát Chánh Đạo.
– Hai là : bậc đã đến đích tốt đẹp. Đó là Niết bàn, sự đoạn tận mọi khổ đau.
– Ba là : bậc đã nói những điều tốt đẹp, đã nói một cách tốt đẹp. Đó là Ngài đã nói ra Giáo Pháp tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, tốt đẹp ở chặng cuối.
Hai nội dung đầu đã rất rõ ràng, không cần phải nói thêm, nên bài viết chỉ đề cập tới nội dung thứ ba. Và thế nào là đã nói một cách tốt đẹp ? Đó là :
– Một là : Đức Phật chỉ nói những điều như chân như thật, còn những gì không như chân, không như thật Đức Phật không bao giờ nói đến. Những điều không như chân, không như thực cho dù được người nghe ái mộ, tán thán, ca ngợi, mang đến danh vọng, lợi dưỡng, Đức Phật không bao giờ nói đến. Những điều không như chân, không như thật có thể dùng làm PHƯƠNG TIỆN để dẫn dắt quần chúng vào đạo, Đức Phật không bao giờ nói đến.
– Hai là : Những điều như chân, như thật nhưng không hướng đến mục đích Chấm Dứt Khổ, Đức Phật không nói đến. Những điều như chân như thật đưa đến đoạn tận khổ đau, Đức Phật mới nói đến.
– Ba là : Những điều như chân như thật đưa đến đoạn tận khổ đau nhưng khó hiểu, khó nghe, không được quần chúng ái mộ, tán thán, ca ngợi, Đức Phật biết thời và biết cách để nói. Đức Phật nói đúng thời ( đúng thời gian và địa điểm ) nghĩa là nói đúng trình tự thời gian, cái nói trước thì nói trước, cái nói sau thì nói sau, không lẫn lộn, nói từ thấp lên cao, nói tuần tự thứ lớp ; nói đúng đối tượng có thể tiếp thu được, dùng những thí dụ cụ thể phù hợp với từng loại đối tượng, dùng các kiến thức chuyên môn của từng loại đối tượng để giảng giải Tứ Thánh Đế cho từng loại đối tượng đó.
Hãy suy ngẩm về phẩm tánh Thiện thệ của Đức Phật Chánh Đẳng Giác để phân biệt được trong rừng kinh điển mênh mông của các tông phái Phật Giáo hiện nay đâu là lời dạy thật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đâu là lời của những người sau không phải của Phật.
Đại Đức Nguyên Tuệ