Thấy biết như thật Khổ

Ai cũng có thể quan sát để thấy được Khổ và Vui (Đau khổ và Hạnh phúc) không có nơi thế giới bên ngoài, không có nơi các pháp mà nó phát sinh nơi lộ trình tâm của mỗi người một cách dễ dàng.

Đó là khi lộ trình tâm khởi lên thì lúc đó mới phát sinh ĐỐI TƯỢNG và lần lượt phát sinh THẤY rồi BIẾT đối tượng đó. THẤY là nói tắt của Thấy, Nghe, Cảm Nhận đối tượng có phận sự Ghi Nhận hay Nhận Biết đối tượng mà Tâm Lý học và Triết học dùng từ Nhận Thức Cảm Tính đối tượng (từ này gần gủi và dễ hiểu hơn thuật ngữ Phật học). BIẾT có phận sự xác định đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao mà Tâm Lý học và Triết học gọi là Nhận Thức Lý Tính đối tượng. Do THẤY và BIẾT đối tượng mà sẽ phát sinh THÁI ĐỘ thích ghét đối tượng và do THÁI ĐỘ thích hay ghét mà sẽ phát sinh PHẢN ỨNG với đối tượng, tức Lời nói, Hành động. Do PHẢN ỨNG mà sẽ phát sinh KẾT QUẢ là KHỔ hay VUI với đối tượng đó.

Đối với KHỔ là một đối tượng cũng như bao đối tượng khác của Thực Tại, phải quan sát và thấu triệt được có hai loại Thấy Biết về Khổ.

Phàm phu Thấy Biết Khổ là Vô minh, Tà kiến mà như ngôn từ của Kinh Pháp Môn Căn Bản, Thấy Khổ là Tưởng Tri và Biết Khổ là Không Liễu tri (Tà kiến).

Bậc Thánh Thấy Biết Khổ bởi Minh, Chánh kiến mà kinh Pháp môn căn bản gọi Thấy là Thắng tri (Tỉnh giác) và Biết Khổ là Liễu tri (Chánh kiến).

Nói một cách dễ hiễu thì Phàm phu Thấy Biết Vô minh, Không Đúng Như Thật, còn Bậc Thánh Thấy Biết Minh, Đúng Như Thật.

Bài viết này chỉ trình bày Thấy Biết Đúng Như Thật Khổ đã được trình bày trong Thánh Đế Về Khổ mà Đức Phật đã Giác Ngộ và tuyên thuyết trong kinh Chuyển Pháp Luân với một câu ngắn gọn:

* Sinh là Khổ, Già là Khổ, Bệnh là Khổ, Chết là Khổ, Cầu Mong mà không được là Khổ, Thù Ghét mà gặp nhau là Khổ, Yêu Thượng mà phải biệt ly là Khổ, Tóm Lại Năm Thủ Uẩn là Khổ.

* Đa phần hiểu về Khổ Đế là BÁT KHỔ, gồm cả 8 cái trên, nhưng không phải vậy, nội dung của đoạn kinh này chỉ ra BẢY KHỔ trong đoạn đầu là để THẤY NHƯ THẬT KHỔ, đó là sự có mặt Khổ trong bảy trường hợp trên, còn phần cuối TÓM LẠI NĂM THỦ UẨN LÀ KHỔ là BIẾT NHƯ THẬT KHỔ.

A – THẤY NHƯ THẬT KHỔ:

Trên thế gian này chỉ ngoại trừ người đã Giác Ngộ Pháp mà Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng còn bất kỳ một người nào, già trẻ, gái trai, giàu nghèo, thông minh hay ngu dốt, sắc tộc, tôn giáo nào đều có 7 loại khổ:

  1. Đã bị sinh ra trên đời thì ai ai cũng đều có khổ, cho dù sống vài ba năm, ba bốn chục năm, tám chín chục năm thì cuộc đời đều “vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm lại càng nhiều hơn”.
  • Đã bị sinh ra thì ai ai cũng bị già và khi già đến đau nhức thường xuyên, chân chậm, mắt mờ, tai nghêng ngãng, trí nhớ suy giảm, thậm chí lú lẫn và không ai không cảm nhận cái khổ đó. Thậm chí một số người già sống trên trăm tuổi luôn mồn than vãn sao sống quá lâu, quá khổ.
  • Đã bị sinh ra thì sẽ có thân và Đức Phật đã nói cái sự thật, “ai có ý nghĩ thân này sẽ không có bệnh thì đó là kẻ ngu” và khi bệnh thì ai ai cũng cảm nhận được Khổ có mặt.
  • Đã bị sinh ra là có chết và khi cái chết đến là nỗi hoảng sợ kinh hoàng. Đó chính là, chết là khổ vậy.
  • Nhân loại ai ai cũng mong cầu cho có được hạnh phúc vật chất, hạnh phúc tinh thần có trong sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái nên tìm cầu chỗ này chỗ kia. Khi không đạt được mong cầu, không có được thứ đang mong cầu thì khổ khởi lên, khi đạt được thì nắm giữ, mong cầu nó tồn tại mãi mãi nhưng nó vô thường nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi, khổ sẽ khởi lên. Đây là cầu bất đắc khổ, không ai là không có.
  • Thù ghét nhau, hay chán ghét một đối tượng nào đó, khổ sẽ khởi lên cũng là sự thật phổ quát của đời sống nhân loại, đó là oán tắng hội khổ.
  • Yêu thương mà phải chia lìa thì ai ai cũng cảm nhận được khổ, đó là ái biệt ly khổ.

Đây là, THẤY NHƯ THẬT KHỔ, cái thấy đa chiều, toàn diện về Khổ, là SỰ THẬT PHỔ QUÁT CHO TOÀN THỂ NHÂN LOẠI KHÔNG TRỪ MỘT AI cho dù là tổng thống đầy quyền lực, tỷ phú giàu nhất thế giới, một người đang ở trong tù, một người lê lết xin ăn, một người tật nguyền thiểu năng trí tuệ hay thông minh xuất chúng… Mọi chúng sanh đều BÌNH ĐẲNG VỀ KHỔ (ngoại trừ các bậc Thánh ).

Còn Phàm phu cũng THẤY KHỔ nhưng là cái thấy phiến diện, chỉ thấy hạng người nghèo đói bệnh tật, thiếu học, thất bại mới khổ còn những người giàu có, thành đạt, quyền lực, nổi tiếng thì sung sướng! không có khổ.

B- BIẾT NHƯ THẬT KHỔ:

Đó là NĂM THỦ UẨN LÀ KHỔ. Nghĩa là chấp thủ ( cho rằng )Năm uẩn là của Ta, là Ta, là Tự ngã của Ta sẽ khởi lên Khổ. Cụ thể là tư tưởng Tà Kiến, Chấp Thủ hoặc là Sắc, hoặc là Thọ, hoặc là Tưởng, hoặc là Hành, hoặc là Thức là Của Ta, Là Ta, Là Bản Ngã của Ta sẽ làm Khổ khởi lên chứ không phải Năm Uẩn Là Khổ. Vì vậy:

  1. KHỔ là pháp duyên khởi và LỘ TRÌNH DUYÊN KHỞI LÊN KHỔ được mô tả tóm tắt trong thập nhị nhân duyên:

Do có Xúc mà có Thọ, do có Thọ mà có Ái, do có Ái mà có Thủ, do có Thủ mà có Hữu, do có Hữu mà có Sinh, do có Sinh mà có Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não không thể kể xiết. XÚC – THỌ – ÁI – THỦ – HỮU – KHỔ.

Nếu mô tả đầy đủ, tỷ mỷ hơn thì lộ trình duyên khởi lên khổ là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu:

XÚC – < Thọ – Tưởng > – Tà Niệm – Tà Tư Duy – Ý thức Tà Tri Kiến – Tham Sân Si – Tà Định – Dục – Tà Tinh Tấn – Phi Như Lý Tác Ý – ( Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng ) – Sinh Già Bệnh Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não ( sơ đồ cuối bài ).

Trong lộ trình Bát Tà Đạo này Ý Thức Tà Tri Kiến là tư tưởng tà kiến, là NĂM THỦ UẨN.

  • KHỔ khởi lên trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo nên KHỔ thuộc phạm trù TÂM chứ không phải Thế giới ngoại cảnh như hiểu biết của Phàm phu.
  • KHỔ là Pháp duyên khởi nên khổ có tự tánh VÔ THƯỜNG, VÔ CHỦ VÔ SỞ HỮU hay VÔ NGÃ, nghĩa là không có BẢN NGÃ (TỰ NGÃ) là chủ nhân, chủ sở hữu khổ, đó là nghĩa VÔ NGÃ.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh đã nêu rõ vấn đề Khổ có tính chất Vô thường, Vô Chủ, Vô sở hữu hay Vô ngã qua vấn đáp giữa một Bà la môn và Đức Phật:

* Bà la môn hỏi: Khổ do mình làm và mình lãnh thọ có phải không? ( Nghĩa là có ông A là chủ nhân, chủ sở hữu tạo tác ra cái nhân tạo ra khổ và chính ông A đó là chủ nhân, chủ sở hữu của cái khổ do ông ta tạo ra từ quá khứ).

* Đức Phật trả lời: Không phải vậy, đó là Thường Kiến. (Nghĩa là vì không biết như thật khổ có tự tánh vô thường, vô chủ vô sở hữu , phàm phu không biết như thật ngôn từ ông A là chỉ cho các lộ trình sinh diệt của Năm Uẩn, có tác dụng là để phân biệt Năm Uẩn này gọi là A, Năm Uẩn kia gọi là B chứ không phải có một thực thể ông A không sinh không diệt, hiện hữu từ quá khứ đến hiện tại, vị lai là chủ nhân, là tác giả tạo tác nhân của khổ và lãnh thọ quả Khổ. Hiểu biết như vậy của Phàm phu gọi là Thường kiến.)

* Bà la môn lại hỏi: Vậy khổ do người khác làm mà mình chịu có phải không? ( ví như Khổ do Thượng đế trừng phạt loài người vì tội do tổ tông Adam và Eve đã phạm phải, Khổ do tổ tiên ông bà đã quá vãng trong thế giới tâm linh trừng phạt con cháu, ví như dân gian có câu cha ăn mặn con khát nước, quýt làm cam chịu …)

* Đức Phật trả lời: Không phải vậy, đó là Đoạn kiến.

* Bà la môn lại chất vấn: Vậy thì, không có Khổ sao?

* Đức Phật trả lời: Có khổ, Ta đã thấy khổ, biết khổ

* Bà là môn lại hỏi: Vậy Khổ ở đâu?

* Đức Phật trả lời: KHỔ DO DUYÊN XÚC (khổ không có sẵn nơi các pháp như cách hiểu các pháp là khổ)

( Nghĩa là, Khổ là Pháp duyên khởi do duyên Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh theo lộ trình tâm Bát Tà Đạo, nên nó Vô thường, không thường hằng, không thường trú trong Thế giới vật chất ngoại cảnh như quan niệm Duy vật ( Thường kiến ) cũng không phải là sự thưởng phạt của Thượng đế, của Thế giới tâm linh như Quan niệm Duy tâm ( Đoạn kiến ), nó Vô chủ, vô sở hữu nên không có một ai, một tác giả, một cái Ta, một Bản ngã nào tạo tác hay lãnh thọ, sở hữu Khổ, đó là nghĩa vô ngã ).

Ví như, Biết đúng như thật Bệnh là Khổ phải được hiểu như sau:

Vì không hiểu biết đúng như thật trạng thái khoẻ mạnh là một Lạc thọ, nó là tâm, nó vô thường, vô ngã nên thích thú rồi chấp thủ trạng thái khoẻ mạnh là của Ta, là Ta nên nắm giữ và muốn nó tồn tại mãi mãi. Vì vậy khi ốm bệnh, trạng thái khoẻ mạnh (Lạc thọ) đó mất đi, nên sầu bi khổ ưu não khởi lên. Khổ này gọi là Hoại khổ do Tham, thuộc về tâm và chính là cầu bất đắc khổ.

Khi mất Lạc thọ, mất cái được chấp thủ là của Ta, là Ta ( Thọ thủ uẩn ) và thay thế bằng Khổ thọ ( đau ) thì bực bội với Khổ thọ đó nên khởi lên Khổ, đó là chán ghét mà gặp nhau là khổ. Khổ này do Sân gọi là Khổ khổ, nó là tâm chứ không phải là thế giới ngoại cảnh.

Khi đau bệnh như vậy thì sợ cái chết, nên suy nghĩ tìm cầu, hy vọng chữa lành bệnh tật do vậy sầu bi khổ ưu não khởi lên. Khổ này gọi là Hành khổ do Si, cũng là tâm chứ không phải thế giới bên ngoài.

Như vậy, do Chấp Thủ khoẻ mạnh, ốm đau, chết chóc là Của Ta, Là Ta (Thọ thủ uẩn) nên trên thân có Khổ thọ, tâm sẽ có Hoại khổ, Khổ khổ, Hành khổ khởi lên.

Một người bà vì Chấp Thủ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức của đứa cháu là Của Ta, Là Ta nên khi đứa cháu bị tai nạn chết đi, sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Nhưng người bà đó Không Chấp Thủ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đứa cháu nhà hàng xóm là Của Ta, là Ta nên dù đứa cháu nhà hàng xóm có chết vì tai nạn, sầu bi khổ ưu não không khởi lên nơi bà. Một anh thanh niên tuy có quen biết nhưng chưa yêu cô gái nên Không có tư tưởng Chấp Thủ, cô gái này, cha mẹ, anh em cô gái là Của Ta, là Ta nên anh ta không vui khi họ vui, không khổ khi họ khổ. Nhưng khi anh ta yêu và cưới cô gái thì lập tức có tư tưởng Chấp Thủ, cô gái cùng cha mẹ, anh em cô gái là Của Ta, Là Ta nên anh ta sẽ vui cái vui của họ và khổ cái khổ của họ…. Tóm lại Năm Thủ Uẩn Là Khổ là như vậy.

Thấy biết NHƯ THẬT KHỔ do nghe giảng, do nghiên cứu kinh điển và tư duy gọi là Văn tuệ và Tư tuệ. Khi thực hành Tứ niệm xứ khởi lên Bát chánh đạo nói nôm na là Hành thiền để Thấy biết NHƯ THẬT KHỔ DIỆT (mà thuật ngữ Phật học gọi là Niết bàn) gọi là Tu tuệ.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (5.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *