TÀM QUÝ LÀ TÀI SẢN CỦA BẬC THÁNH HỮU HỌC

Tàm và Quý là hai trong bảy tài sản đáng quý, đáng gìn giữ, đáng tích luỹ của các bậc Thánh hữu học gồm : Tín – Giới – Tàm – Quý – Văn – Tinh tấn – Trí tuệ. Tàm Quý là thuật ngữ Phật học tiếng Tàu, mà nghĩa tiếng Việt của Tàm là xấu hổ, hổ then, Quý là sợ hãi. Trong đời sống của Phàm phu, hàng ngày họ cũng đang sống với xấu hổ, với sợ hãi và xấu hổ sợ hãi lại chính là Nguyên nhân phát sinh đau khổ. Vậy thì Tàm Quý của Phàm phu không phải là tài sản đáng quý, đáng gìn giữ, đáng tích luỹ mà là cái của nợ cần phải vứt bỏ. Nhưng tại làm sao Tàm Quý lại là tài sản đáng quý, đáng trân trọng, đáng tích lũy của các bậc Thánh hữu học ? Vậy, có gì khác nhau giữa Tàm Quý của Phàm phu và Tàm Quý của bậc Thánh ?
1 – Tàm và Quý của Phàm phu :
Xấu hổ và Sợ hãi là hai tâm hành có mặt “thường xuyên” hàng ngày trong đời sống nhân loại. Con người đang sống với đủ thứ xấu hổ; xấu hổ vì nghèo khổ, vì thất bại, vì xấu xí, vì tàn tật, vì thất tình, vì bị khinh rẽ, vì nòi giống, vì địa vị, vì lạc hậu, vì phá sản, vì bị tù tội, vì bị vạch mặt vv… Sợ hãi vì sợ bị mất những niềm vui, hạnh phúc mà mình sở hữu như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái; sợ hãi bị đói khổ, nghèo thiếu, bệnh tật, thiên tai; sợ hãi bị khinh rẽ, chê bai, áp bức; sợ hãi bị già, bị bệnh, bị chết vv… Tâm hành xấu hổ, sợ hãi chính là biểu hiện của tâm hành Sân trong các trường hợp khác nhau. Khi nào mà Xấu hổ và Sợ hãi có mặt thì Khổ có mặt, vì vậy đối với Phàm phu, Xấu hổ, Sợ hãi là Nguyên nhân của Khổ đau.
2 – Tàm và Quý của bậc Thánh hữu học ( Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm ):
Bậc Thánh hữu học là người đã thấy Pháp, ngộ Pháp ( Pháp của Đức Thế Tôn thuyết giảng ), mọi nghi ngờ được diệt tận, mọi do dự được vượt qua, nhờ nghe giảng ( Văn ) và tư duy ( Tư ) mà có hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo. Đối với vị đã đoạn trừ được Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ như vậy, đã ghi nhận chắc chắn Nguyên nhân phát sinh Khổ là Tham Sân Si, thuộc nội tâm chứ không phải là từ thế giới ngoại cảnh mà đến với con người. Tuy có Văn tuệ và Tư tuệ như vậy nhưng vị đó khi không tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế thì Tham Sân Si vẫn có mặt, vẫn chi phối, vẫn tàn phá vị đó. Cho đến lúc vị đó “Sực nhớ đến” lời dạy của Đức Phật về Tứ Thánh Đế, ngay lập lức vị đó Xấu hổ, Hổ thẹn vì đã không Chánh niệm, đã không nhớ đến thực hành lời dạy của Ngài. Vị đó sợ hãi, vì đã để cho Tham Sân Si chi phối nên phải lãnh thọ khổ do Tham Sân Si khởi lên. Một người có Văn Tuệ và Tư Tuệ sâu sắc thì xấu hổ, hổ thẹn, sở hãi khi bị Tham Sân Si chi phối càng mãnh liệt. Một bậc Thánh hữu học xuất gia, mỗi khi quyên mất Chánh niệm, không nhớ đến Tứ Thánh Đế, đặc biệt Tham Sân Si là nhân sanh khổ thì sau đó khi Sực Nhớ đến lời dạy của Phật, Tàm và Quý sẽ dày xéo vị đó : “Thật đáng hổ thẹn cho ta, thật đáng ghê sợ cho ta, thật khốn nạn cho ta. Ta đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, để đoạn trừ Tham, để đoạn trừ Sân, để đoạn trừ Si, để có thể chấm dứt khổ nhưng Tham vẫn xâm chiếm tâm ta, Sân vẫn xâm chiếm tâm ta, Si vẫn xâm chiếm tâm ta. Dục tầm, Sân tầm, Hại tầm vẫn xâm chiếm tâm ta. Thật là khốn nạn cho ta, thật là đau đớn cho ta”. Tàm Quý như vậy là tài sản đáng quý, đáng trân trọng, đáng nuôi dưỡng, đáng tích lũy. Vì sao vậy ? Vì nó sẽ đưa đến Chánh niệm, đưa đến tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế, đưa đến đoạn tận Tham Sân Si, đưa đến chứng đạt Niết bàn.
Ngược lại với bậc Thánh hữu học biết như thật về sự nguy hiểm nên có Tàm Quý về Tham Sân Si, Phàm phu không biết như thật về nguy hiểm nên không có Tàm Quý về Tham Sân Si mà còn tự hào, ca ngợi Tham Sân Si. Phàm phu đã Mặc Định rằng, nếu không có tham muốn giàu có, không có khao khát giàu có, không có lý tưởng làm giàu thì nhân loại không có đủ nghị lực, không có đủ tích cực để tìm kiếm, để phát minh, để làm giàu, để phát triển, để biến thế giới nghèo nàn, lạc hậu, tối tăm ngày xưa thành một thế giới giàu có, tân tiến, đầy đủ tiện nghi như ngày nay. Nếu không có lòng căm thù làm động lực thì một đất nước không thể tự bảo vệ mình trước các cuộc xâm lăng. Nhiều ông bố bà mẹ đã giáo dục con cái mình theo cái “lẽ phải” của nhân loại, bằng cách quát tháo đứa con “nó đánh mày mà mày chỉ biết khóc, mày không có tay đánh lại nó à vv…” Nhân loại ca ngợi sự sống, sự hiện hữu là mầu nhiệm, là kỳ diệu làm tăng trưởng lòng tham ái sự sống, sự hiện hữu ( Hữu ái ) mà không biết sự nguy hiểm là chính tham ái sự sống, sự hiện hữu ( Hữu ái ) là nguyên nhân đưa đến sinh tử luân hồi, đưa đến nỗi thống khổ của sinh già bệnh chết. Người tu hành thì xem sự hiện hữu của linh hồn không còn bị giam hãm trong thể xác là giải thoát tối hậu nên tham ái sự hiện hữu không có thân xác nơi Đại ngã hay Thiên đường ( Phi Hữu ái hay Dục hỷ Niết bàn ) mà không biết Phi Hữu ái cũng chỉ đưa đến sinh tử luân hồi, đưa đến nỗi thống khổ của sinh tử luân hồi.
Bậc Thánh hữu học có Tàm Quý về Tham Sân Si, nhưng xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo nhờ “Sực Nhớ Đến Tứ Thánh Đế”. Lúc “Sực nhớ đến Tứ Thánh Đế”, tức nhớ lại được những điều đã học từ trước, đúng sự thật thì đó là Chánh niệm. Nhưng Chánh niệm này xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo, và vì thế mới phát sinh Xấu hổ, Sợ hãi ( Sân ) nên Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh kiến đó thuộc về BÁT CHÁNH ĐẠO HIỆP THẾ. Bát Chánh Đạo Hiệp Thế do Văn Tuệ và Tư Tuệ khởi lên làm phát sinh Tàm Quý là bước CHUẨN BỊ HÀNH TRANG cho BÁT CHÁNH ĐẠO SIÊU THẾ với Tu Tuệ khởi lên. Và khi Bát Chánh Đạo siêu thế được tu tập, được khởi lên, lúc đó không còn Tham Sân Si nên Tàm Quý cũng không còn nhân duyên để có mặt, Tàm Quý được nhiếp phục và sẽ được đoạn tận. Đối với bậc Thánh vô học A la hán, Tham Sân Si đã được đoạn tận nên Tàm Quý được đoạn tận, không còn là tài sản của vị vô học. Bậc Thánh vô học sống với Chánh kiến, với tư tưởng Vô chủ, vô sở hữu, không có bất kỳ một tài sản nào.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *