CHÁNH NIỆM VỀ THAM SÂN SI

Có vấn đề mà nhiều người tu tập băn khoăn : Có phải Chánh Niệm là “Nhớ đến chú tâm quan sát Tham Sân Si” và lúc đó Tham Sân Si sẽ diệt đi không ? Có phải khi Tham Sân Si khởi lên thì chỉ cần biết có Tham Sân Si là đủ và sống trọn vẹn với “cái thực tại đang là” ấy không ?

Đây là những hiểu lầm, hiểu sai rất tai hại khi tu tập Giáo Pháp, nó xuất phát từ tư duy, lý luận suông mà tưởng tượng ra các kiến giải như vậy. Người tu phải ngay nơi Pháp học, Pháp hành thấy biết như thật, có hai thực tại : Thực tại Thế gian của Phàm phu có Tham Sân Si và Thực tại Xuất thế gian của bậc Thánh ( Hữu học và Vô học ) không có Tham Sân Si.

1 – THỰC TẠI THẾ GIAN :

Phàm phu sau khi Thấy, Nghe, Cảm nhận đối tượng ( gọi chung là THẤY ) Tà Niệm – Tà Tư Duy khởi lên, phát sinh tâm biết Ý thức, hiểu biết sai lạc, không đúng sự thật đối tượng. Hiểu biết này gọi là Tà Tri Kiến, là Vô Minh và chính nó là nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si và Tham Sân Si là nhân phát sinh Phiền Não. Đây là lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu, có VÔ MINH, có THAM SÂN SI, có PHIỀN NÃO.

Trong Hiểu biết Vô minh, có nội dung không đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo, nên cũng hiểu biết không đúng như thật về Tham, về Sân, về Si. Cụ thể ý thức Tà Tri Kiến, Vô minh biết Tham là một đối tượng Dễ chịu, sẽ mang lại Hạnh phúc, sẽ Chấm dứt Khổ cho Ta, nên khi biết có Tham, thì Tham phát sinh tiếp ( Tham sẽ tăng trưởng ).

Ý thức Tà Tri Kiến biết Sân là một đối tượng Khó chịu, sẽ mang Đau khổ đến cho Ta, phải xua đuổi nó, nên khi biết có Sân, thì Sân sẽ tiếp tục phát sinh, tăng trưởng. Ý thức Tà Tri Kiến biết Si là hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu ( Hạnh phúc ) để thay thế đối tượng Trung tính, sẽ mang Hạnh phúc đến, sẽ Chấm dứt Khổ cho Ta, nên khi biết có Si, thì Si sẽ sẽ tiếp tục phát sinh, tăng trưởng.

Trong Thực tại Thế gian có Vô minh, có Tham Sân Si, có Phiền Não, thì Ý thức Tà Tri Kiến khi có Tham vẫn biết có tham , khi có Sân vẫn biết có sân,khi có Si vẫn biết có si, chứ không phải không biết, nhưng là hiểu biết Tà kiến về Tham Sân Si chứ không phải Chánh kiến về Tham Sân Si, nên Tham Sân Si sẽ tăng trưởng chứ không đoạn diệt, bởi Tà kiến là Nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si.

Khi một lộ trình tâm có Tham Sân Si, thì lộ trình tâm đó là Bát Tà Đạo thuộc về Phàm phu, đương nhiên lộ trình tâm đó có Ý thức Tà Tri Kiến là Vô minh do Tà Niệm – Tà Tư Duy phát sinh và như vậy, không thể có mặt Chánh Niệm để mà quan sát Tham Sân Si. Vì vậy, không thể có sự kiện dùng Chánh Niệm để quán sát , diệt trừ Tham Sân Si, và càng không thể sống trọn vẹn với thực tại có Tham Sân Si mà lại Giải thoát, không có Phiền não. Sự kiện này không thể xẩy ra.

2 – THỰC TẠI XUẤT THẾ GIAN :

bậc Thánh ( Hữu học và Vô học ) sau khi Thấy, Nghe, Cảm nhân đối tượng ( gọi chung là THẤY ), Chánh Niệm khởi lên. Do Chánh Niệm khởi lên mà Bát Chánh Đạo sẽ khởi lên theo định luật Duyên khởi. Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo có THẤY là Tĩnh Giác ( Thắng tri ) và BIẾT là Ý thức Chánh Tri Kiến, là Minh, là Trí Tuệ, hiểu biết như thật đối tượng.

Trong đó có hiểu biết đúng như thật về Khổ Tập Diệt Đạo, hiểu biết đúng như thật về Tham Sân Si là nguyên nhân của Phiền não. Trên Bát Chánh Đạo không có Vô minh, không có Tham Sân Si, không có Phiền não. Vì vậy, trong Thực tại Xuất Thế gian không thể có Tham Sân Si để mà quan sát nó, diệt trừ nó. Lúc đó, hành giả sống trọn vẹn với Thực tại Xuất Thế Gian có Giải thoát, không có Phiền Não.

3 – TU LÀ LÀM KHỞI LÊN BÁT CHÁNH ĐẠO SIÊU THẾ :

lúc đó Thực tại Xuất Thế gian được khởi lên. Vì vậy, Thực tại Thế gian được nhiếp phục, không khởi lên. Hành giả an trú Thực tại Xuất Thế gian thì đâu có Tham Sân Si để mà quan sát.

Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, thực hành bốn Chánh Niệm về Thân Thọ Tâm Pháp trong 5 phút, 10 phút, một giờ, một ngày, một tháng … nếu Chánh Niệm khởi lên liên tục thì Tà Niệm được nhiếp phục. Vì vậy, Bát Tà Đạo, Thực tại Thế gian được nhiếp phục, và trong khoảng thời gian đó, Bát Chánh Đạo, Thực tại Xuất Thế Gian có mặt và Người tu sẽ an trú Thực Tại Xuất Thế gian không có Tham Sân Si.

Trong khoảng thời gian đó không hề tồn tại Tham Sân Si, nên không thể có sự kiện, dùng Chánh Niệm để quan sát Tham Sân Si. Chỉ cần thực hành Chánh Niệm, lúc đó Bát Chánh Đạo khởi lên và Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ Tuệ tri không có tham, không có sân, không có si và đó cũng là TUỆ TRI KHỔ DIỆT, TUỆ TRI NIẾT BÀN. Sự thực hành mà Đức Phật dạy chỉ tóm gọn trong một câu : Ngồi kiết già lưng thẳng, an trú Chánh Niệm trước mặt là vậy.

Trong kinh Niệm Xứ thuộc Trung Bộ Kinh, phần Quán Tâm có nói : khi có tâm tham, “tuệ tri” tâm có tham, khi có tâm sân “tuệ tri” tâm có sân, khi có tâm si, “tuệ tri” tâm có si, có trái với giải thích trên không ? Phải hiểu “tuệ tri” Tham Sân Si là tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo có nội dung, biết như thật Tham Sân Si là Nguy hiểm, Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ.

Điều này phải xẩy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vào thời điểm đã kết thúc lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Tham Sân Si trước đó. Ví như trong khoảng thời gian 3 phút, Bát Tà Đạo có mặt với Tham Sân Si, nhưng hết 3 phút thì một lộ trình tâm có Chánh Niệm, tức Bát Chánh Đạo khởi lên, lúc đó Ý thức Chánh Tri Kiến biết có Tham, hoặc biết có Sân, hoặc biết có Si của lộ trình Bát Tà Đạo TRƯỚC ĐÓ VÀ ĐÃ DIỆT. Chánh Tri Kiến biết như thật (nhưng là biết về lộ trình Bát Tà Đạo đã diệt ), Tham Sân Si là nguy hiểm, Tham Sân Si là nhân sanh khổ thì Tham Sân Si không thể tiếp tục khởi lên. Đây gọi là Tuệ tri Tham, Tuệ tri Sân, Tuệ tri Si.

Đại Đức Nguyên Tuệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *