TÂM HÀNH SI - Bát Chánh đạo - Gosinga

TÂM HÀNH SI – Bát Chánh đạo

TÂM HÀNH SI
A – Nguyên nhân phát sinh tâm Si và biểu hiện của tâm Si:
Đa phần người học Phật đều đồng nhất Si với ngu si, Si với Vô minh. Đây là một sự nhầm lẫn hệ trọng bởi tâm hành si rất vi tế khó thấy, khó biết. Si không thô thiển như tâm hành Tham và Sân dễ thấy dễ biết và đặc biệt kinh điển cũng không nói rõ Si là gì. Si được nói đến trong ngữ cảnh Tham Sân Si là ba tâm hành, là ba THÁI ĐỘ đối với ba loại đối tượng: Dễ chịu, Khó chịu, Trung tính mà thực chất là ba loại Cảm thọ: Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ. Cụ thể Tham là thái độ yêu thích đối với Lạc thọ, Sân là thái độ chán ghét đối với Khổ thọ. Còn đối với Bất khổ bất lạc thọ thì có thái độ không thích, không ghét nhưng lại phát sanh tác ý tìm kiếm một Lạc thọ để thay thế Bất khổ bất lạc thọ. Đó chính là tâm hành Si. Ba tâm hành Tham Sân Si này phát sinh do Ý thức Tà Tri Kiến, là hiểu biết sai lạc, là VÔ MINH về các pháp, VÔ MINH về Khổ Tập Diệt Đạo trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Đó là hiểu biết Khổ và Nguyên nhân Khổ chính là những đối tượng Khó chịu ( Khổ thọ ). Sự chấm dứt Khổ chính là Hạnh Phúc có ở những đối tượng Dễ chịu ( Lạc thọ ). Còn những đối tượng Trung tính không mang đến Khổ nhưng cũng không mang đến Hạnh phúc, chỉ những đối tượng Dễ chịu mới mang đến Hạnh phúc. Và như vậy Con đường chấm dứt Khổ là thay đổi hoàn cảnh, tìm kiếm những đối tượng dễ chịu để thay thế đối tượng khó chịu và trung tính. Chính vì những hiểu biết VÔ MINH về Khổ Tập Diệt Đạo này mà khi Ý thức Tà Tri Kiến khởi lên và nếu xác định đối tượng được Thấy, được Nghe, được Cảm nhận là:
– Dễ chịu ( Lạc thọ) thì sẽ phát sinh thái độ thích thú ( Tham )
– Khó chịu ( Khổ thọ ) thì sẽ phát sinh thái độ chán ghét ( Sân )
– Trung tính ( Bất khổ bất lạc thọ ) thì sẽ phát sinh thái độ không thích không ghét ( Si ) và do Si mà phát sinh Phi như lý tác ý : tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Trung tính.
Như vậy VÔ MINH là Nhân phát sinh Tham Sân Si là Quả và như vậy Si không phải là Ngu Si, không phải là VÔ MINH như nhiều người hiểu lầm mà đây là THÁI ĐỘ, một tâm hành rất vi tế khó thấy, khó biết hơn Tham và Sân rất nhiều. Tham và Sân có thể biết rõ trong đời sống, nó chỉ chiếm khoảng 20 đến 30% thời gian trong ngày ( các đối tượng khởi lên thích và ghét ) còn Si chiếm đến 70 đến 80% thời gian còn lại. Biết được Si không phải là cái biết trực tiếp giác quan ( Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ) mà là Ý thức, biết gián tiếp thông qua tư duy, suy luận về hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu để thay thế đối tượng Khó chịu và Trung tính.
Trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả mô tả lối sống của Phàm phu là : Truy tìm quá khứ, Ước vọng tương lai và Đắm chìm trong hiện tại. Đắm chìm trong hiện tại chính do Tham và Sân gây nên, Truy tìm quá khứ, Ước vọng tương lai do Si gây nên. Nghĩa là khi đối diện với đối tượng Dễ chịu hoặc Khó chịu thì Tham Sân khởi lên, do Tham Sân mà sẽ chú tâm vào đối tượng, bị cuốn hút vào đối tượng. Đây gọi là “đắm chìm trong hiện tại”. Khi đối diện đối tượng Trung tính, Si khởi lên. Đây là Thái độ không thích, không ghét đối tượng, nên không bị cuốn hút vào đối tượng ( không đắm chìm trong hiện tại ) nhưng lại tác ý đưa đến tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu trong quá khứ hoặc tương lai để thay thế đối tượng Trung tính trong hiện tại. Tâm Si làm phát sinh hành vi : Tìm kiếm đối tượng Dễ chịu trong Quá khứ hoặc Tương lai làm cho đời sống của Phàm phu đa phần là sống truy tìm Quá khứ hoặc ước vọng Tương lai. Đặc biệt là sống trong ước vọng Tương lai, hy vọng Tương lai là đặc trưng của đời sống nhân loại và những ai không còn một chút nào hy vọng về tương lai nữa, họ không thể nào chịu đựng được Hiện tại khổ đau và họ sẽ tự sát.
Tâm Si sẽ làm phát sinh hành vi Tìm kiếm một đối tượng Dễ chịu thực chất là Tìm kiếm Niềm Vui, Hạnh Phúc vì hiểu biết VÔ MINH về Khổ Tập Diệt Đạo là chỉ có Hạnh Phúc mới Chấm Dứt Khổ và Hạnh Phúc thì sẵn có, thường xuyên có ( thường hằng, thường trú ) trong những đối tượng Dễ chịu, những hoàn cảnh tốt đẹp như giàu có, sắc đẹp, thành đạt, đầy đủ tiện nghi … Sự tìm kiếm này xẩy ra nơi DỤC LẠC, nơi HIỆN HỮU ( sự sống ), nơi PHI HIỆN HỮU ( hiện hữu không có thân xác ) mà trong Kinh nói là DỤC ÁI, HỮU ÁI và PHI HỮU ÁI.
1 – Tìm kiếm Hạnh Phúc vật chất, Hạnh phúc tinh thần trong DỤC LẠC ( Dục Ái ) là tìm kiếm Hạnh Phúc trong Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái… Ngoài khoảng khắc đối diện với đối tượng Dễ chịu và Khó chịu, Tham Sân khởi lên và “đắm chìm trong hiện tại”, tâm Si khởi lên liên tục suy nghĩ để tìm kiếm Hạnh phúc nơi Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm,vị ngon, Xúc chạm êm ái đã có trong quá khứ hoặc mơ ước sẽ có trong tương lai. Khi Mắt tiếp xúc với Sắc trần như cây cối, xe cộ, thú vật, nhà cửa, đàn ông, đàn bà … nếu là hình ảnh Đẹp thì thích thú,mê mẩn, nếu hình ảnh xấu thì chán ghét, chê bai, nếu hình ảnh Không Đẹp Không Xấu thì không “để ý” đến mà tác ý đưa đến quay đầu sang hướng khác, tìm một hình ảnh Đẹp để thích thú. Tác ý như vậy do tâm Si mà khởi lên. Khi rảnh rỗi luôn luôn tìm người để nói chuyện, chủ đích là có Niềm vui trong chuyện trò. Đó là biểu hiện của Si. Khi ăn một miếng cơm không thức ăn thì không thích, không ghét nhưng lại tìm một loại thức ăn ( cho dù là muối ) để có được cảm giác ngon, thay thế cho cảm giác không ngon không dở. Khi đi bộ trên đường, Chân xúc chạm với mặt đường, nếu dẩm gai, dẩm đá, đau chân là một Cảm giác Khó chịu thì bực bội rồi chú tâm vào và biết rõ cảm giác khó chịu đó, nếu có cảm giác mát lạnh hoặc êm dịu thì thích thú và cũng chú tâm vào và biết rõ cảm giác đó. Nhưng những cảm giác còn lại đa phần là Trung tính ( không dễ chịu không khó chịu ) thì không “để ý” mà tác ý khởi lên suy nghỉ chuyện này, chuyện kia, hay tác ý vào những hình ảnh bên đường. Đây là biểu hiện của Si. Một biểu hiện dễ dàng nhận thấy nhất của tâm Si là trong đời sống của nhân loại đa phần thời gian con người “cắm mặt” vào màn hình chiếc điện thoại thông minh để tìm kiếm Niềm vui trong thế giới ảo, trong chơi game … để thay thế cảm giác trung tính. Khi đã “nhàm” các đối tượng đang có, đang sử dụng mà trước đó thích thú thì tâm Si sẽ tác ý tìm kiếm những đối tượng dễ chịu khác để thay thế các đối tượng đã “nhàm”, nên nhiều người tìm đến với ngoại tình, ma tuý, cá cược, những trò chơi nguy hiểm, những cảm giác mạnh … Trường hợp vi tế nhất và xẩy ra nhiều nhất là hoài nghi và lúc đó tâm Si sẽ tác ý đưa đến suy nghỉ, tìm kiếm một lời giải cho sự hoài nghi đó. Ví như vợ đi làm thường ngày về nhà vào lúc 18 giờ chiều nhưng hôm đó đến 20 giờ vẫn chưa thấy vợ về. Nếu biết rõ là vợ đang ở cơ quan để lĩnh thưởng hoặc biết rõ vợ đang đi với tình nhân thì Tham Sân sẽ khởi lên, nhưng không biết rõ vợ đang ở đâu, làm gì, tình trạng ra sao thì đó là hoài nghi, đó là Trung tính. Khi đó tâm Si khởi lên đưa đến tác ý suy nghỉ, tìm kiếm một lời giải để thay thế hoài nghi đó: không biết đi đâu nhỉ, có bị tai nạn không, đang nằm bệnh viện nào, sao điện thoại không có sóng, phải đi tìm ở đâu đây, hay là bị cươp, có đi với “thằng kia” không nhỉ … Sự tư duy tìm kiếm học hỏi, phát minh chính là biểu hiện của tâm Si để tìm kiếm một giải đáp cho những hoài nghi, để thay thế đối tượng Trung tính đó …
Tâm Si không phải là Ngu Si mà nó đưa đến tác ý suy nghĩ, tìm kiếm Niềm vui, Hạnh phúc trong Dục Lạc, nên nó là động lực cho các phát minh của nhân loại. Nhờ nó mà nhân loại phát minh ra điện, máy bay, tàu hoả, ô tô, máy móc, công nghệ, các phương tiện nghe nhìn, các tiện nghi sang trọng, các món ăn khoái khẩu, mạng Internet, một xa lộ thông tin khổng lồ. Nhờ nó mà văn học, nghệ thuật, thi ca, âm nhạc, điện ảnh, các môn thể thao ra đời. Nhờ nó mà nhân loại có được một lượng kiến thức khổng lồ về mọi thứ … Trong một ngày tâm Tham ( thích ) và Sân ( ghét ) khởi lên chỉ chiếm khoảng 20 đến 30% tổng lượng thời gian còn tâm Si thì chiếm đến 70 đến 80% thời gian còn lại.
2 – Tìm kiếm Hạnh phúc trong SỰ SỐNG, SỰ HIỆN HỮU hay HỮU ÁI : Hiểu biết Vô Minh đã Mặc Định, sống với thân xác này, hiện hữu với thân xác này là Hạnh phúc. Chết là sự chấm dứt sự sống, sự hiện hữu của thân xác là vô cùng đau khổ. Sự chết, sự chấm dứt hiện hữu của thân xác này là mở đầu cho “một cái gì đó” đầy bí hiểm, chưa bao giờ kinh nghiệm được, đầy hoang mang, nghi ngờ, do dự… Chính vì vậy mà tâm Si khởi lên, tìm kiếm sự sống, sự hiện hữu, bám vúi sự sống, sự hiện hữu. Trong giờ phút hấp hối, Hữu Ái khởi lên mãnh liệt và nó là Nhân để phát sinh Thức Tái Sinh, tiếp tục chu kỳ tái sinh với Khổ của Sinh Già Bệnh Chết. Nhưng chính cũng do Hữu Ái mà loại người tìm kiếm Hạnh phúc trong sự sống, sự hiện hữu của thân xác lại là động lực cho các phát minh: vô số các loại dược phẩm, các phương pháp chữa bệnh, các loại máy móc dụng cụ y tế, các phương pháp phẫu thuật cấy ghép nội tạng …
3 – Tìm kiếm Hạnh phúc tuyệt đối trong sự PHI HIỆN HỮU hay PHI HỮU ÁI : Đây là lĩnh vực của tôn giáo, của những người tu hành tìm kiếm Hạnh phúc tuyệt đối trong các cảnh giới Tâm Linh, sự hiện hữu trong các cảnh giới Giải thoát Tâm Linh không còn thân xác ( phi hiện hữu thân xác )
Trong ba biểu hiện của tâm Si là tìm kiếm Hạnh phúc ở Dục, ở Hữu, ở Phi Hữu mà Kinh đề cập là Dục Ái, Hữu Ái và Phi Hữu Ái thì có vẻ như Dục Ái rất mãnh liệt nhưng là Thô dễ nhận biết nhưng Hữu Ái vi tế hơn, khó nhận biết nhưng lại mãnh liệt hơn Dục Ái, còn Phi Hữu Ái thì vi tế hơn nữa và cũng mãnh liệt hơn cả Hữu ái rất nhiều. Ví như một người có nhiều tỷ đô la, nếu mất đi thì người đó sẽ đau đớn quằn quại nhưng nếu anh ta mắc một bệnh nan y chỉ còn vài tuần sẽ chết và nếu đánh đổi toàn bộ khối tài sản kia mà bảo toàn được sự sống thì người đó sẵn sàng cho sự đánh đổi. Đây là biểu hiện Hữu ái mãnh liệt hơn Dục Ái. Tính mạng đáng quý như vậy nhưng một số người lại đánh bom tự sát để đánh đổi lấy hạnh phúc lạc thú nơi thiên đường của Thượng đế. Đây là biểu hiện Phi Hữu Ái mãnh liệt hơn Hữu Ái. Một số đạo sĩ loã thể xưa và nay đã “đè nén” được Dục Ái và Hữu Ái, họ được dân chúng Ấn độ tôn sùng vì ít ai “đè nén” được Dục Ái như họ. Ví như không quần áo che thân, không cần che những chổ hổ thẹn, một phụ nữ cầm lấy “cái đó” xoa xoa rồi bội lên đầu nhưng đạo sĩ vẩn bình thản, không “cương” lên. Đạo sĩ đè nén được Dục Ái và Hữu Ái như vậy nhưng lại dồn tất cả nghị lực chỉ với ước mong tương lai, khi không còn thân xác ,Linh hồn sẽ được ” hoà nhập” với Thượng đế, với Đại Ngã.
B – Tâm Si là Nguyên nhân Khổ: Tham Sân Si là Nguyên nhân Khổ nhưng bài này chỉ bàn về tâm Si nên chỉ đề cập tới Khổ do Si khởi lên. Trong Kinh Chuyển Pháp Luân tuyên bố Nguyên nhân Khổ là : Khát Ái tìm cầu hỷ lạc chổ này chổ kia như Dục Ái, Hữu Ái và Phi Hữu Ái. Trong Kinh Pháp Môn Căn Bản tuyên bố : Dục hỷ là Căn bản của Khổ ( Dục hỷ bao gồm: Dục hỷ Dục lạc, Dục hỷ Hữu và Dục hỷ Niết Bàn ). Trong những tuyên bố này đã nhấn mạnh đến Si là Nguyên nhân Khổ, vì nếu xét theo thời gian thì Tham Sân chỉ chiếm 20 đến 30% còn Si chiếm đến 70 đến 80% thời gian. Nguyên nhân Khổ đã được khảo sát kỷ trong nhiều bài giảng khác nhau, bài này chỉ giải đáp một thắc mắc : Tâm Si là động lực mà nhờ đó loài người thay đổi được Thế giới ngoại cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp, biến Thế giới lạc hậu, tối tăm, nghèo đói, thiếu tiện nghi … thành một thế giới ngày càng hiện đại, giàu có, sung túc, đầy đủ tiện nghi … chấm dứt được những hoàn cảnh Khó chịu và Trung tính đạt được những hoàn cảnh Dễ chịu như thế, nhưng TẠI SAO CON NGƯỜI KHÔNG HẾT KHỔ ? Bởi vì hiểu biết không đúng sự thật, hiểu biết Vô Minh đã chi phối con người. Vô Minh là Tâm biết Ngoại Cảnh, là Khổ Tập Diệt Đạo thường hằng, thường trú trong Ngoại Cảnh. Nhân loại hiểu Thực Tại này là Thế giới Ngoại Cảnh Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp mà không Thấy Biết sự thật: Thực Tại mà con người đang sống là CẢM THỌ, nó Vô Thường, Vô Chủ, Vô Sở Hữu. Thực tại đó do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh ra. Vì Vô Minh chi phối mà con người đang đuổi bắt để làm chủ, để sở hữu các Cảm Thọ dễ chịu ( Lạc thọ ) hòng thay thế Khổ thọ và Bất Khổ Bất Lạc thọ. Đó ảo tưởng lớn nhất của nhân loại. Vì rằng Cảm Thọ thuộc phàm trù Tâm, nó Vô thường, Vô chủ, Vô sở hữu nên không thể nào nắm bắt hay xua đuổi, không thể nào làm chủ hay sở hữu nó. Tuy rằng nhân loại đang sống trong ẢO TƯỚNG LỚN như vậy nhưng lại lầm tưởng rằng, mình sẽ chiếm hữu, sẽ làm chủ được Hạnh phúc sẵn có, thường xuyên có ( thường hằng, thường trú ) trong Thế giới vật chất Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái, trong sự sống trường tồn, hay trong một cảnh giới giải thoát không sinh không diệt. Chính Vô minh đó ám ảnh dẩn dắt nhân loại đuổi bắt các Cảm Giác Dễ Chịu, nhưng khi tìm gặp được nó, vì nó là Vô Thường nên nó chỉ tồn tại trong giây lát rồi lại biến mất. Và khi nó biến mất lại xuất hiện một Cảm Giác Khó chịu hoặc Trung Tính, nên lại phải tiếp tục đuổi bắt Cảm Giác Dễ Chịu khác để thay thế. Cái “trò chơi” đuổi bắt tìm kiếm Lạc Thọ như vậy cứ tiếp diễn liên tục vô định miên viễn trong luân hồi sinh tử không dừng nghỉ và vì vậy mà Khổ sẽ khởi lên liên tục. Khổ khởi lên do tâm Si đuổi bắt các Lạc thọ như vậy gọi là Hành Khổ. Ví như một người đi đường về rất mệt mỏi, vừa ngồi lên ghế tựa thì cảm nhận một Cảm giác êm ái dễ chịu và thích thú nhưng Cảm giác êm ái dễ chịu đó chỉ tồn tại khoảng 5 – 7 phút và khi nó chấm dứt thì xuất hiện Cảm giác trung tính. Khi cảm nhận Cảm giác trung tính xuất hiện, tâm Si khởi lên đưa đến tác ý tìm kiếm một đối tượng dễ chịu khác để thay thế như đi tắm hay nghe nhạc, đọc báo, ngắm hoa … Một món ăn thượng vị, ngon lành hấp dẫn được con người thích thú khi cảm nhận Cảm giác vị ngon nhưng ăn liên tục 4 – 5 ngày liền thì Cảm giác vị ngon biến mất và khi cảm nhận Cảm giác vị không ngon không dở cũng do thức ăn ấy tiếp xúc với lưỡi phát sinh thì tâm Si khởi lên, tìm kiếm một thức ăn ngon khác để thay thế… Một người mơ ước rồi nỗ lực cố gắng đạt được khối tài sản 10 tỉ và khi có được 10 tỉ thì thích thú hoan hỷ, hãnh diện nhưng sau vài ba tháng thì Cảm giác đó phai nhạt dần và xuất hiện Cảm giác trung tính, lúc đó tâm Si khởi lên lai tìm kiếm Niềm vui, Hạnh phúc khi có 100 tỉ. Những người đạt đến đỉnh cao danh vọng, các nhà vô địch, những thiên tài nghệ thuật khi đạt đến tuyệt đỉnh họ cảm nhận Cảm giác Hạnh phúc vô song nhưng rồi theo năm tháng cái Cảm giác Hạnh phúc vô song ấy biến hoại, biến diệt và xuất hiện Cảm giác trung tính. Lúc đó tâm Si khởi lên sẽ tìm kiếm một Cảm giác Hạnh phúc mãnh liệt hơn trước để thay thế, nhưng mọi nỗ lực cố gắng đều không vượt qua đỉnh cao đã thành đạt. Sự tìm kiếm trở nên vô vọng nên nhiều người rơi vào trầm cảm, tự sát … Cái ghế tựa vật chất, thức ăn “ngon” vật chất … không biến mất, hoặc có biến mất cũng phải mấy năm, hoặc mất chỗ này thì vẫn còn chổ khác, nhưng cái Cảm giác dễ chịu do cái ghế hay thức ăn… tiếp xúc với thân hay lưỡi… thì biến hoại, biến diệt tức thì không thể nào nắm giữ, làm chủ, sở hữu nó được. Phải Thấy Biết như thật rằng: CON NGƯỜI ĐANG SỐNG TRONG THỰC TẠI CẢM THỌ
C – Chấm dứt Si là Chấm dứt Khổ: Tham Sân Si là nguyên nhân phát sinh Khổ thì đương nhiên Chấm dứt Tham Sân Si là Chấm dứt Khổ, điều này là sự thật như là đất ở dưới chân. Muốn chấm dứt Tham Sân Si phải thực hành Bát Chánh Đạo như bậc Đại Giác đã chỉ dạy mà cụ thể là thực hành Tứ Niệm Xứ. Thực hành Tứ Niệm Xứ là thực hành Chánh Niệm về Thân, Chánh Niệm về Thọ, Chánh Niệm về Tâm, Chánh Niệm về Pháp mà cụ thể là:
1 – Chánh Niệm về Thân là NHỚ ĐẾN chú tâm quán sát thân nơi thân ( quán sát trực tiếp không qua suy luận ) với Chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục Tham ưu.
2 – Chánh Niệm về Thọ là NHỚ ĐẾN chú tâm quán sát thọ nơi thọ với Chánh Niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác để nhiếp phục Tham Ưu
3 – Chánh Niệm về Tâm là NHỚ ĐẾN chú tâm quán sát tâm nơi tâm với Chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác để nhiếp phục Tham Ưu
4 – Chánh Niệm về Pháp là NHỚ ĐẾN chú tâm quán sát pháp nơi pháp với Chánh niệm, nhiệt tâm, tĩnh giác để nhiếp phục Tham Ưu
Lưu ý : Chánh Niệm là nhớ đến “như vậy” còn Tà Niệm là nhớ đến đủ thứ chuyện trong đời, và vì vậy mà “phân tâm bởi mọi thứ chuyện thế gian”. Vì như khi có Nhớ đến ngồi thiền thì mới đi ngồi thiền, còn Nhớ đến xem phim thì sẽ đi xem phim, Nhớ đến chú tâm ( đối tượng nào) thì chú tâm mới xẩy ra vì vậy Chánh Niệm không phải là cái biết nên không phải là Ghi Nhận hay là Hay Biết.
Khi có Chánh Niệm thì Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên và trong đó có Chánh Định ở cấp độ : Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền hoặc Tứ thiền lúc đó tâm Si mới được nhiếp phục, lúc đó mới đối mặt được, không còn ” chạy trốn” Trung Tính, đặc biệt là tu sĩ.

Đại đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *