Theo các Chú Giải được lưu truyền trong tạng Luận có Bốn Đạo, Bốn Quả và Niết Bàn là chín. Bốn Đạo hay Bốn Con Đường đưa đến Bốn Quả là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Mỗi một Đạo khởi lên thì ngay liền có Quả và vị đó thấy rõ Niết Bàn. Niết Bàn được hiểu là một, duy nhất nhưng phải lần lượt và tuần tự thấy rõ Niết Bàn bốn lần như vậy. Đây là quan điểm của các luận sư không phải do sự Tu Chứng có được, mà chỉ là Tư Duy Lý Luận Suông, suy diễn tưởng tượng ra như vậy. Những quan điểm này chỉ lưu truyền trong tạng Luận, là quan điểm của các luận sư mà không có nơi tạng Kinh, là tạng do Đức Phật thuyết giảng. Những quan điểm trong tạng Luận như vậy không phù hợp, thậm chí là trái ngược với tạng Kinh do Đức Phật thuyết giảng.
Xuyên suốt toàn bộ tạng Kinh Đức Phật chỉ thuyết một ĐẠO DUY NHẤT, một CON ĐƯỜNG DUY NHẤT là BÁT CHÁNH ĐẠO, không có Con Đường thứ hai, thứ ba, thứ tư nào hết. Khi thực hành Bát Chánh Đạo, tuỳ theo sự THẤU ĐẠT Bát Chánh Đạo đến đâu sẽ THẤU ĐẠT Niết Bàn đến đó và sẽ có KẾT QUẢ tuỳ thuộc vào sự THẤU ĐẠT đó. Kết quả có thể được chia làm bốn mức độ : Tu Đà Hoàn hay Nhập Lưu, Tư Đà Hàm hay Nhất Lai, A Na Hàm hay Bất Lai và A La Hán.
1 – TU ĐÀ HOÀN hay Quả Nhập Lưu : Một vị nhờ Nghe và Tư Duy mà có được Văn Tuệ và Tư Tuệ là hiểu biết đúng như thật về Duyên Khởi các pháp, về Vô Thường, Vô Ngã ( Vô chủ, Vô sở hữu ), về Khổ Tập Diệt Đạo. Vị ấy nhờ Nghe và Tư Duy mà THẤU ĐẠT được Bát Chánh Đạo, THẤU ĐẠT được Khổ Diệt hay theo ngôn ngữ Ấn độ là Niết Bàn, nghĩa là THẤU ĐẠT Đạo Đế và Diệt Đế. THẤU ĐẠT nhờ Văn và Tư đến MỨC ĐỘ Đoạn Trừ được Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ thì mọi Phiền não do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ được đoạn trừ, lúc đó vị ấy đạt được Quả Tu Đà Hoàn hay là bậc Thánh Nhập Lưu.
* Niết Bàn của một vị Nhập Lưu là sự chấm dứt, sự vắng mặt, sự vắng bóng hoàn toàn PHIỀN NÃO do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ gây nên. Ví như trước đó vị ấy có 100% phiền não, nay khoảng 30% phiền não do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ đã được đoạn trừ còn dư sót lại 70% phiền não. Vị đó biết rõ 30% phiền não đã đoạn diệt, còn dư sót 70% phiền não và đó là Niết bàn của vị Nhập Lưu, gọi là Niết bàn hữu dư ( con số 30% là tương đối chứ không chính xác tuyệt đối, dùng làm ví dụ cho người đọc dễ hình dung ). Quả Tu Đà Hoàn có thể xẩy ra do “đột chuyển” đối với các bậc thượng căn, thượng trí chỉ nhờ Nghe và Tư Duy về Tứ Thánh Đế, còn đa phần xẩy ra một cách “từ từ” khi Nghe, Tư Duy và Tu Tập Bát Chánh Đạo siêu thế.
2 – TƯ ĐÀ HÀM hay Quả Nhất Lai : Một vị Nhập Lưu sẽ thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế và khi thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế ,Tham ái Dục lạc do Sắc đẹp, Tiếng hay, Hương thơm, Vị ngon, Xúc chạm êm ái khởi lên được giảm thiểu. Khi Tham ái đối với năm thứ Dục lạc được giảm thiểu thì Sân ( thái độ đối với các đối tượng ngược với Năm Dục ) cũng được giảm thiểu. Do Tham và Sân được giảm thiểu mà các Phiền não do Tham Sân giảm thiểu đó đã được đoạn trừ. Vị ấy do có Văn Tư Tu như vậy mà THẤU ĐẠT Bát Chánh Đạo và Niết Bàn đến MỨC ĐỘ đoạn trừ được Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ và làm muội lược Tham Sân đối với Năm Dục, thì đó là vị Tư Đà Hàm hay Nhất Lai.
* Niết Bàn mà vị ấy chứng ngộ và an trú là Vắng Mặt Phiền Não do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ và phần Tham Sân đã được muội lược khởi lên. Phiền não đã đoạn tận do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ là 30% còn phiền não đã đoạn tận do làm muội lược Tham sân áng chừng 30% nên vị Nhất Lai biết rõ Niết bàn hữu dư là 50% phiền não đã đoạn tận còn dư sót 50% cần phải đoạn tận. Trong ba Tham ái, nguyên nhân Khổ là Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái, bậc Thánh này mới chỉ làm MUỘI LƯỢC chứ chưa đoạn trừ được Dục ái nên nếu tại đây, vị ấy thân hoại mạng chung thì vị đó sẽ còn tái sinh trở lại làm người một lần nữa nên gọi là Nhất Lai.
3 – A NA HÀM hay Quả Bất Lai : Vị Nhất Lai tiếp tục tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế và khi thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế, đến lúc Dục Ái được đoạn tận, nghĩa là Tham và Sân đối với Năm Dục được đoạn tận. Vị ấy THẤU ĐẠT Bát Chánh Đạo và Niết Bàn cho đến MỨC ĐỘ đoạn trừ được Năm Hạ Phần Kiết Sử là Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ, Tham, Sân ( đối với Năm Dục ) thì đó là vị A Na Hàm hay Bất Lai.
* Niết Bàn mà vị ấy chứng ngộ và an trú là Niết bàn hữu dư, là sự Vắng Mặt Phiền Não do Năm hạ phần kiết sử gây nên. Cụ thể là phiền não do Thân Kiến, Nghi, Giới Cấm Thủ đã đoạn tận được 30%, phiền não do Tham Sân đối với Dục ái đoạn tận được 50% ; tổng cộng phiền não đoạn tận được 80% còn dư sót 20%. Vị Bất Lai tại đây mà thân hoại mạng chung thì sẽ tái sinh làm chư thiên và tại đấy Nhập Diệt, không còn trở lui cuộc đời này nữa. Đối với vị Bất Lai, trong ba Ái là Dục ái, Hữu ái và Phi Hữu ái mới chỉ đoạn trừ Dục ái, còn Hữu ái và Phi Hữu ái vẫn còn, và như vậy vẫn còn Nhân cho tái sinh. Các kiết sử mà vị ấy chưa đoạn trừ được là Hữu ái ( Tham ái hiện hữu có thân ) trong kinh gọi là Sắc tham, Phi Hữu ái ( Tham ái sự hiện hữu không thân ) trong kinh gọi là Vô sắc tham, Vô Minh, Mạn ( Ta hơn, Ta kém, Ta bằng ), Trạo cử hối quá ( chính là Si ). Đây chính là Năm Thượng Phần Kiết Sử chưa được đoạn trừ nơi vị Bất Lai nên vị ấy còn tái sinh thành chư thiên một lần chót.
4 – A LA HÁN : Vị Bất Lai tiếp tục tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế và khi thực hành Bát Chánh Đạo siêu thế, đến lúc Dục ái, Hữu ái, Phi Hữu ái được đoạn tận. Cho đến lúc đó, vị ấy THẤU ĐẠT Bát Chánh Đạo và Niết Bàn đến MỨC ĐỘ mà cả MƯỜI KIẾT SỬ ĐƯỢC ĐOẠN TẬN. Do mười kiết sử được đoạn tận, Vô Minh, Tham Sân Si được đoạn tận mà Sầu Bi Khổ Ưu Não, Sinh Già Bệnh Chết được đoạn tận.
* Niết bàn của vị A la hán là sự đoạn tận phiền não gồm hoại khổ, khổ khổ, hành khổ do Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái được đoạn tận nhưng vẩn còn dư sót một ít khổ thọ trên thân khoảng 2 đến 3% còn lại. Đây là Niết bàn hữu dư của vị A La Hán. Khi vị A La Hán nhập diệt thì 2 đến 3% khổ còn dư sót được diệt tận. Đó là Niết bàn vô dư . Lúc đột chuyển xẩy ra, kiết sử cuối cùng là VÔ MINH được đoạn tận, CHÁNH TRÍ khởi lên nơi vị ấy : Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui cuộc đời này nữa.
Trong bốn quả vị thuộc về bậc Thánh, ba quả đầu là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay là Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai là bậc Thánh hữu học ( đang tu học ), quả A La Hán là bậc thánh vô học ( không còn phải tu học ). Ba quả đầu thông thường chỉ xẩy ra “từ từ” nên không phân biệt được một cách minh bạch, rành rẽ, mà chỉ có quả A La Hán do “đột chuyển” nên vị ấy nhận ngay ra liền khi xẩy ra “đột chuyển”. Vì vậy, trong Kinh thường không mô tả thời điểm cũng như cách thức đạt được quả Nhập Lưu, Nhất Lai và Bất Lai mà chỉ mô tả thời điểm và cách thức đạt được quả A La Hán : … với tâm định tĩnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng, vững chắc, bình thản, không cấu nhiễm, vị ấy hướng đến, Chánh Tư Duy và BIẾT NHƯ THẬT : Đây là Khổ, Đây là Nguyên nhân Khổ, Đây là Khổ Diệt, Đây là Con đường Khổ Diệt. BIẾT NHƯ THẬT : Đây là Lậu Hoặc, Đây là Nguyên nhân Lậu Hoặc, Đây là Lậu Hoặc Diệt, Đây là Con đường Lậu Hoặc Diệt. DO THẤY NHƯ VẬY, BIẾT NHƯ VẬY mà MỌI LẬU HOẶC ĐƯỢC ĐOẠN TẬN. Tại thời điểm đó, Minh xoá bỏ hoàn toàn Vô Minh, “đột chuyển” xẩy ra và CHÁNH TRÍ khởi lên nơi vị ấy : Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại cuộc đời này nữa.
Đại Đức Nguyên Tuệ