fbpx

QUA SÔNG BỎ LẠI BÈ

Có một câu trong kinh được nhiều người trích dẫn: “Chánh Pháp được ví như cái bè để vượt sông, qua sông rồi thì bỏ lại bè. Cũng y như vậy, Chánh Pháp còn phải BUÔNG BỎ huống hồ là Phi Pháp.”

Đa phần đều hiểu nghĩa của đoạn kinh này là Chánh Pháp là PHƯƠNG TIỆN để tu tập thôi, khi tu tập xong rồi thì phải BUÔNG BỎ phương tiện đó như bè là phương tiện để qua sông, qua sông rồi phải bỏ bè tại, không thể vác bè lên vai mà đi tiếp trên đường đất.

Chánh pháp chính là Tứ Thánh Đế, là Bát Chánh Đạo, là Định, là Tuệ, là Thất giác chi…, và nếu hiểu đoạn kinh theo nghĩa trên thì Đức Phật phải buông bỏ Chánh Pháp, buông bỏ Định- Tuệ, buông bỏ Thất giác chi… vì Ngài đã giác ngộ, đã qua sông sông rồi thì phải bỏ bè lại nơi bến sông. Nhưng thực tế, khi đã giác ngộ rồi, hàng ngày Ngài vẫn sống với Bát chánh đạo, sống với Định và Tuệ, sống với Thất giác chi Bảy yếu tố giác ngộ) đâu có buông bỏ nó như qua sông bỏ lại bè.

Vậy phải hiểu đoạn kinh trên như thế nào mới hợp lý?

Phải hiểu đúng chữ BUÔNG BỎ trong Chánh Pháp là BUÔNG TƯ TƯỞNG LÀM CHỦ, TƯ TƯỞNG SỞ HỮU, TƯ TƯỞNG ĐIỀU KHIỂN chứ không được hiểu chữ Buông Bỏ theo nghĩa thế gian đang hiểu. Thế gian hiểu Buông bỏ là vứt bỏ những thứ mình có, mình sở hữu vì cho rằng những thứ mình có, mình sở hữu là những gì mình thấy, nghe, cảm nhận hàng ngày là Thế giới vật chất. Và buông bỏ Chánh pháp là vứt bỏ, quăng bỏ Chánh pháp như vứt bỏ, quăng bỏ cái bè vật chất.

Năm thủ uẩn là khổ thì chỉ cần quăng bỏ Năm thủ uẩn là xong, là đạt mục đích chấm dứt khổ, giải thoát khổ. Mà Năm thủ uẩn chính là TƯ TƯỞNG LÀM CHỦ, TƯ TƯỞNG SỞ HỮU, TƯ TƯỞNG ĐIỀU KHIỂN.

Bờ bên này là Thực tại thế gian, thực tại Bát tà đạo với tư tưởng chấp ngã: cái này là của ta, là ta. Cho dù có Văn tuệ và Tư tuệ thì vẫn là Hiểu biết đúng sự thật trên lộ trình tâm Bát tà đạo (gọi là Bát chánh đạo hiệp thế) vẫn có tư tưởng chấp ngã: Kiến thức đặc biệt này là CỦA TA, giáo pháp này là CỦA TA, ta đã làm chủ được giáo pháp này, ta là người trí hiểu được giáo pháp này… Văn tuệ và Tư tuệ thuộc bờ bên này nên là phương tiện, là bước chuẩn bị để sang bờ bên kia, thực tại Xuất thế gian, thực tại Bát chánh đạo.

Khi tu tập Tứ niệm xứ, lộ trình tâm Bát chánh đạo siêu thế khởi lên, thực tại Xuất thế gian khởi lên. Đó chính là bờ bên kia. Lúc đó là Tu tuệ với tuệ tri vô ngã, tuệ tri không còn tư tưởng chấp ngã, không còn tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, tư tưởng điều khiển các pháp. Lúc đó an trú Bát chánh đạo, an trú Định và Tuệ, an trú Tỉnh giác và Chánh kiến, an trú Thất giác chi… nhưng không còn tư tưởng: Hiểu biết này là của Ta, giáo pháp này là của Ta, Ta đã thân chứng giáo pháp này… Lúc đó đã bỏ tại Bản ngã, bỏ lại tư tưởng chấp ngã được ví như qua sông thì bỏ lại bè, không vác bè lên mà đi tiếp.

Văn tuệ và Tư tuệ là Phương tiện để đạt đến TU TUỆ. Tu Tuệ mới Giác ngộ và Giải thoát.

-** **Thiền Sư Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *