Phân biệt Tứ Niệm Xứ với Vipassana và các phương pháp Thiền Định khác

Hiện nay, có nhiều người chủ trương chia sự tu tập Phật giáo ra làm 2 phần riêng biệt là Thiền Định và Thiền Quán. Trong đó:

  • Thiền Định (còn gọi là Thiền Chỉ): chủ trương thực hành là buộc tâm vào một đối tượng để tâm không phóng dật, chỉ nhất tâm trên một đối tượng đó (tâm nhất cảnh).
  • Thiền Quán (còn gọi là Thiền Minh Sát, Vipassana): chủ trương thực hành là quan sát các đối tượng, từ đối tượng này sang đối tượng khác để thấy các đối tượng đó vô thường, khổ, vô ngã.

Vậy có gì khác nhau giữa Thiền định, Thiền Vipassana với Tứ Niệm Xứ là gì?

Phân biệt Tứ Niệm Xứ với phương pháp Thiền khác

Tứ Niệm Xứ vs. Thiền định

Thiền Định

Sự thực hành Thiền Định hiện nay đa phần là buộc tâm, trụ tâm vào một đối tượng (như tập trung vào hơi thở, vào sự phồng xẹp nơi bụng, tập trung vào điểm xúc chạm của hơi thở với môi trên, tập trung vào việc đếm hơi thở,…) để đạt trạng thái nhất tâm trên một cảnh – tức là chỉ có một cái tâm biết liên tục một đối tượng duy nhất. Sự chú tâm liên tục tập trung này chỉ có duy nhất một loại chú tâm là Có tầm có tứ (phải hướng đến đối tượng và duy trì chú tâm trên đối tượng đó). Để đạt được chú tâm liên tục với mục đích là tập trung vào một đối tượng như vậy thì phải ức niệm, phải ức chế tâm nên sẽ phát sinh Căng thẳng, mệt mỏi, phiền não.

Sự thật là: không có một đối tượng nào cố định duy nhất để buộc vào vĩnh viễn, và cũng không có một cái tâm nào là thường hằng bất biến để tập trung liên tục vào đối tượng. Vì tất cả các pháp đều vô thường, đều đang sinh diệt liên tục.

Tứ Niệm Xứ

Trong Tứ Niệm Xứ, thực hành Chánh định là thực hành chú tâm liên tục cảm giác toàn thân, từ đối tượng này sang đối tượng khác theo thứ tự sinh diệt của chúng. Đối tượng chú tâm của Chánh định là mọi đối tượng của thực tại, bao gồm các pháp thuộc về Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Đây là sự chú tâm liên tục KHÔNG TẬP TRUNG vào một đối tượng nhất định nào, gồm có 2 loại chú tâm là Có tầm có tứ và Không tầm không tứ (chú tâm không tầm không tứ là chú tâm tự động xảy ra từ đối tượng này sang đối tượng khác, không hướng đến cũng không duy trì chú tâm trên đối tượng). Sự chú tâm này làm phát sinh trạng thái Chánh định với 4 cấp độ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, đưa đến tâm trạng tích cực, vui, thoải mái (hỷ lạc của các tầng thiền).

Một điểm nữa cần lưu ý: đa phần người thực hành Thiền định hiện nay đều cho rằng đối tượng được chú tâm quan sát là vật chất: như chú tâm vào hơi thở, trụ tâm vào bụng… Thực hành như vậy là dựa trên hiểu biết Tâm biết Cảnh. Đây là hiểu biết không đúng sự thật, vì những gì mà con người có thể thấy, nghe, cảm nhận được là cảm giác chứ không phải là cảnh, không phải là thế giới vật chất.

Sự thật xảy ra là chỉ có thể chú tâm trên những đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận một cách TRỰC TIẾP; còn những đối tượng Không được Thấy, Không được Nghe, Không được Cảm nhận trực tiếp, mà chỉ biết nó GIÁN TIẾP qua suy luận thì không thể chú tâm. Ví dụ: Hơi thở là vật chất, không có tâm biết nào biết được hơi thở vô hơi thở ra cả, mà chỉ có tâm biết ý thức suy luận, qua cảm giác thở vô thở ra mới biết là có hơi thở vô hơi thở ra.

Với pháp hành Tứ Niệm Xứ, thực hành chú tâm là chú tâm vào các cảm giác: cảm giác thở vô, cảm giác thở ra, cảm giác phồng xẹp nơi bụng, các cảm giác chuyển động trên thân… Ví dụ: thực hành chú tâm vào cảm giác thở vô, thở ra là chú tâm quan sát các cảm giác thở vô, thở ra khi có hơi thở là luồng không khí tiếp xúc với thân phát sinh cảm giác thở vô, cảm giác thở ra và Thân thức cảm nhận trực tiếp các cảm giác ấy.

Tứ Niệm Xứ vs. Thiền Vipassana

Tứ Niệm Xứ

Đức Phật giảng dạy về sự tu tập Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, với pháp hành là Tứ Niệm Xứ, những điều này đều được đề cập trong kinh điển nguyên thủy. Nói Thiền Tứ Niệm Xứ là để ám chỉ cho trạng thái Chánh định trong Bát Chánh Đạo, gồm Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền; còn Tứ Niệm Xứ là thực hành 4 loại Chánh niệm: Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp. Khi có Chánh niệm khởi lên thì toàn bộ Bát Chánh Đạo khởi lên theo định luật duyên khởi.

Như vậy, sự thực hành Tứ Niệm Xứ không chỉ thực hành riêng rẽ mỗi chi phần Định hay chi phần Tuệ, mà là tu tập Bát Chánh Đạo với cả 8 chi phần: Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định, Chánh tư duy, Chánh tri kiến, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng Trong đó, có 3 chi phần quan trọng nhất là Chánh niệm – Chánh định – Chánh tri kiến, gọi tắt là Niệm (gồm Tứ Niệm Xứ, 4 loại Trí nhớ Chánh) – Định (gồm Tứ thiền, 4 tầng thiền)  – Tuệ (gồm Tứ Thánh Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế).

Thiền Vipassna

Trong thiền Vipassana: đa phần cho rằng sự thực hành Thiền định và Thiền quán là riêng rẽ, không thể song hành. Nếu thực hành Thiền Định thì không thể thực hành Thiền Quán được và muốn Thiền Quán thì phải ra khỏi Thiền Định, vì Thiền định là trụ tâm vào một đối tượng duy nhất, còn Thiền quán thì phải quan sát nhiều đối tượng, không thể buộc tâm vào một đối tượng duy nhất mà quán được. Khi muốn tư duy, đạt tuệ thì phải xuất định. Do mâu thuẫn giữa Thiền định và Thiền quán như vậy mà nhiều người thậm chí còn cho rằng Thiền định cản trở Thiền quán, Thiền định không giúp gì cho Thiền quán nên không cần tu tập Thiền định, họ phủ nhận sự tu tập Định với các tầng thiền mà Đức Phật đã giảng dạy.

Có thể thấy, sự tu tập Bát chánh đạo là Định và Tuệ song hành – phải có Định mới quán được, mới có Tuệ. Không thể có Tuệ nếu không có Định. Còn chủ trương nào không cần Định mà vẫn có Tuệ thì không đúng với cách tu Bát chánh đạo, không đưa đến Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, không đúng với Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng.

Lưu ý: Cần phân biệt khái niệm Tu Chỉ – Tu Quán với Thiền Chỉ (Thiền Định) – Thiền Quán.

Đức Phật chỉ đề cập đến sự thành hành Bát Chánh Đạo bao gồm Tu Chỉ và Tu Quán.

  • TU CHỈ (còn gọi là tu tập Định): khi thực hành Niệm Thân (nhớ đến tích cực chú tâm quán sát thân nơi thân), nhờ có Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định mà lộ trình tâm dừng lại ở Tâm ghi nhận thuần túy gọi là Tỉnh giác. Sự thực hành như vậy gọi là Chỉ: nghĩa là dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan (thấy thuần túy), không khởi lên tâm biết ý thức. An trú Tỉnh giác sẽ kinh nghiệm Tâm giải thoát.
  • TU QUÁN (còn gọi là tu tập Tuệ): khi thực hành Niệm Thọ, Niệm Tâm, Niệm Pháp có các chi phần Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh tri kiến, lộ trình tâm sẽ khởi lên tâm biết ý thức Chánh kiến hiểu biết đúng sự thật về đối tượng, biết như thật về Khổ Tập Diệt Đạo, sự thực hành này gọi là Quán. An trú Chánh kiến sẽ kinh nghiệm Tuệ giải thoát.

Sự thực hành Bát Chánh Đạo bao giờ cũng có Chỉ – Quán song hành, Định – Tuệ song hành chứ không có thực hành riêng rẽ Thiền Chỉ – Thiền Quán như một số chủ trương hiện nay. Điều này được thể hiện rõ qua bài kinh Pháp cú 372:

Không thiền không trí tuệ

Không trí tuệ không thiền

Người có thiền có tuệ

Nhất định gần Niết bàn.

Một số câu hỏi về Tứ Niệm Xứ và Vipassana

Đinh Hương tổng hợp và biên tập từ các bài giảng của Thiền Sư Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *