Lá thư số 80: Thật sự có cần rèn luyện sự đồng cảm, lòng thấu cảm?

Trong tiếng anh có câu “Stand in my shoes”, để nói về sự thấu cảm- đồng cảm. Kiểu như anh phải đứng vào vị trí của tôi anh mới biết được hiểu được nguyên do tôi suy nghĩ- hành động- biểu hiện như thế. Kiểu như khuyến khích mọi người đứng vào vị trí của nhau để thấu cảm rồi thông cảm cho nhau. Xưa mình thích câu này lắm. Suốt chừng đó năm qua, mình đã cứ tin rằng đồng cảm, thấu cảm là một kỹ năng quan trọng và nền tảng cho một mối quan hệ, để bao dung và chấp nhận nhau. 

Nhưng nay mình không tin vậy nữa. Mình tin KHẢ NĂNG CHẤP NHẬN nhau mới là mấu chốt. Hay thay mình phát hiện ra là, khả năng này không luôn liên quan gì đến khả năng thấu cảm đồng cảm. Tức là, không cần nhất thiết phải hiểu rõ hay thấu cảm, bạn vẫn có thể chấp nhận được.

Thứ nhất là, Đồng cảm, thấu cảm là thứ không dễ có, hoặc nói thẳng ra là không có được. 

Tôi không thể nào hiểu được cảm giác của ông hết, dù tôi đã đứng chỗ ông rồi nhé. Đã bao giờ bạn có cảm giác thấy người ta hành xử gì kỳ cục, nếu là mình, mình sẽ không hành xử như thế. Rồi để thông cảm, mình nghĩ lúc đó người ta mắc trong tình huống đó khó khăn abc gì đó. Nhưng lại nghĩ, biết là trong tình huống đó tệ/ bận/ cáu/ mệt thật, họ cũng không nên hành xử như thế chứ. Là bởi, cách suy nghĩ hay hành xử của một người không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh đó, mà do một quá trình dài người đó sống trải nghiệm tích lũy. Cộng thêm các yếu tố phụ gia khác nữa. Vậy nên nếu bạn nghĩ bạn đang hiểu được cảm giác của họ, thì thực ra bạn đang tự bịa ra thôi.

Vậy làm sao mà bạn đứng trong cảm xúc và cảm nghĩ của họ được mà hiểu, ngoại trừ có một chiếc máy giả lập nào đó, giúp bạn được đứng trong đầu của họ, ngay lúc đó, để hiểu họ nghĩ gì? Chẳng nhẽ chúng ta phải chờ hết tất thảy đàn ông trên thế giới này được sử dụng máy trải nghiệm đau đẻ rồi mới mong họ thương vợ mình?

Các bà các mẹ hay than phiền chuyện chồng con không hiểu không giúp mình. Họ thấy các ông chồng và con cái chỉ ăn chơi nhảy múa không lo lắng san sẻ gì hết. Họ thấy mỗi họ là duy nhất dọn dẹp nhà cửa quán xuyến bếp núc lo lắng cho mọi người. Thế rồi lọ lèm bèm ca cẩm kể cả trong những giờ cơm. Nhưng nếu thử để mấy ngày ông chồng và con cái thay vị trí, họ chắc gì đã suy nghĩ giống vậy? Họ sẽ nghĩ thôi thì đi thuê cho khỏe. Rồi thì nấu món gì chẳng được sao phải cầu kỳ. Rồi thì đứt tay xíu này có sao đâu, mình trước đá bóng còn gãy chân cơ mà. Và người đàn ông, họ không có những lo lắng trăn trở hay giận hờn suy nghĩ vu vơ của người đàn bà. Người đàn ông chỉ nghĩ ăn sao cho no. Người đàn bà mong muốn bữa ăn thật ấm bụng. Người đàn ông gói cho con hộp cơm là đủ. Người đàn bà sẽ cho thêm quả cam quả chuối. Người đàn ông dặn con ăn nha. Người đàn bà sẽ nhẹ nhàng thỏ thẻ hoặc ghi note. Người đàn ông quên chuyện đó luôn đến tối về thấy con mới nhớ. Người đàn bà sẽ vấn vương trong đầu không biết con ăn giờ này cơm còn ấm không… Có thể bị nói là đang quá đánh đồng hay phân biệt giới tính, nhưng số chung là sẽ như vậy. Cái đó là bản năng được cài đặt, được nằm trong sâu thẳm tế bào thần kinh mỗi người, thử hỏi làm sao mà đứng vào vị trí của nhau mà hiểu được.

Mình theo dõi và rất quý chị PGS TS Nguyễn Phương Mai. Nhưng có điểm mà mình không thích lắm và ít đọc, đó là cái dự án Hoán đổi giới tính, “là nơi chúng ta có thể hoán đổi vị trí giới tính và nhận thức được sự thú vị cũng như ngớ ngẩn khi nam giới và nữ giới bị đặt vào những tình huống và vị trí xã hội của nhau”. Mình biết ý nghĩa của việc vị trí hoán đổi là để giúp mọi người thấy đồng cảm và hiểu nhau hơn. Nhưng mà, lại tự hỏi: Sự hoán đổi giới tính là thứ hoàn toàn không thật, ít nhất là ở thế giới hiện tại. Tại sao lại đi lấy sự không thật đó để cố đi tìm hay chứng minh một thứ có thật (sự chấp nhận nhau). Nghe có vẻ mong manh. 

Thứ hai là, hiểu được rồi thì chưa chắc đã chấp nhận đâu. 

Mình bạo dạn cho rằng, chấp nhận hay không chấp nhận một việc, là chỗ sự kiện đó đem lại cảm giác/ hệ quả như thế nào cho mình. Nó tốt cho mình thì mình thích. Không tốt thì không chịu. Không tốt vừa thì thấu cảm còn vớt vát được để cảm thông cho qua. Chứ tệ quá, bị tổn thương không chịu nổi thì hiểu hết vấn đề rồi vẫn thấy khó chịu. Tức là chung quy lại vẫn dựa vào cảm giác bản thân phần lớn. 

Bạn có thể thông cảm phần nào cho người bán hàng vì bận quá mà đưa thiếu đồ cho mình. Nhưng có chắc rằng thông cảm cho trường hợp chồng hay người yêu có người thứ 3, dù người đó đã nói đủ lý do họ thực sự có. Hoặc bạn hiểu luôn sự thật là Sở Khanh tệ bạc đi. Và kể cả chia tay rồi, thì bạn có thực sự thông cảm, chấp nhận mà quên hẳn sự việc? 

Vậy nên cái điều Hiểu để thấu cảm và thứ tha, cũng là sự ảo tưởng về độ bao dung tốt bụng của bản thân mình mà thôi.

Nói đi cũng phải nói lại,

Đương nhiên là, nếu có sự trải nghiệm đủ nhiều, tầm nhìn đủ rộng và cái đầu tỉnh táo, bạn có thể hiểu một phần nào cảm giác của người đó. Và sự tương đồng giống nhau này làm bạn nghĩ mình là người thấu cảm. Nhưng sự thực là, bạn và người đó là hai ô tròn cảm xúc và trải nghiệm riêng biệt nhau có phần nào đó tương tự thôi. Bạn thấy sự tương tự và bạn đoán là đối phương cũng đang suy nghĩ tương tự như vậy.

Và phải nói thêm, đó là trường hợp bạn tỉnh táo và bình tĩnh để ngồi lật lại phân tích vấn đề. Chứ nếu lúc xảy ra chuyện, bạn chỉ nghĩ đến việc vò đầu và ném giày vào người ta rồi, thì còn đâu tâm tư lý trí để gắng stand in người ta’s shoes.

Tin may là, bạn có thể chấp nhận một việc mà không cần hiểu nó.

Đó là khi bạn hiểu rằng, mỗi người là một thế giới cảm giác, theo đúng nghĩa đen. 

Đó là khi bạn hiểu rằng thế giới của bạn chỉ là mớ thông tin, như một bộ phim mà các cơ quan của bạn tiếp xúc với thế giới bên ngoài tạo ra. Sẽ bất ngờ nếu như bạn biết rằng thứ bạn đang thấy không phải là thế giới này. Nhưng sẽ tốt lắm nếu như bạn hiểu mỗi người có một bộ phim riêng, bạn sẽ bớt đi bao nhiêu thời gian và âu lo dành cho thắc mắc: Tại sao họ lại suy nghĩ, hành xử như thế được nhỉ?

Không hiểu sao nghe câu “Stand in my shoes” này mình cứ nghĩ ngay đến cảnh đi giỗ ở quê, nhà đông người. Lúc về ông nội mình lúc nào cũng than mất đôi dép mới rồi, đang phải đi đôi dép rách nhà ai đây không biết. Thì ra từ xưa mọi người đã biết stand in shoes của nhau, mà phải chọn shoes hay dép nào mới đẹp mới stand rồi take hẳn luôn cơ. Shoes xấu với vị trí xấu khó stand lắm. Anh chị em hãy cứ stand chỗ của mình. Khoa học cũng không cần mất công phát minh máy móc giả lập nào cả. Mọi người đi học khóa này là được rồi nè.

https://gosinga.vn/khoa-hoc/online/

Thiền sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

——————————————

? Đọc thêm các lá thư chia sẻ khác tại Chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

? Fanpage Gosinga nơi cập nhật các tin tức hoạt động mới nhất, Chuyên mục Bài pháp hay Mỗi ngày: https://www.facebook.com/gosinga.vn

? Youtube Gosinga cập nhật các Bài pháp mới nhất từ Thiền sư, Audiobook sách nói, Video Hỏi – Đáp: https://www.youtube.com/gosinga

? Group facebook nơi giao lưu trao đổi của các thiền sinh, đặt câu hỏi Thiền sư giải đáp:  https://www.facebook.com/groups/thientuniemxu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *