Lá thư số 79. Con đã thấy được “bầu trời tâm trong sáng”, không có mây mù của “của những ý nghĩ cuồn cuộn” che ám

Kính gởi Thiền Sư Nguyên Tuệ,

Con là Đỗ Trần Mỹ Thúy (pháp danh Tuệ Phương), 50 tuổi. Có lẽ con là một thiền sinh kém cỏi nhất của Sư. Con theo học Sư lần đầu tiên là khóa offline ở Chùa Thanh Long, Bình Dương vào năm 2018, nhưng đến nay con mới có một số trải nghiệm hơi rõ ràng, đủ để có thể viết thư trình pháp với Sư và hy vọng là chia sẻ này cũng giúp sách tấn các bạn đồng tu mới.

Lần đầu nghe Sư giảng Pháp Học, con có cảm giác như bị Sư dùng gậy đập vào đầu. Con bắt đầu nghiên cứu về Thiền và Đạo Phật vài năm trước đó, tuy thấy hay và giải đáp được nhiều vấn đề mà Đạo Cao Đài truyền thống của gia đình con không giải quyết được, nhưng con vẫn cảm thấy còn nhiều mâu thuẫn, khó hiểu khi đọc các truyện về Đức Phật hay Vi Diệu Pháp. Các bài pháp của Sư lúc đó như cú đập vào khối Vô Minh to lớn trong đầu con làm nó nứt ra một khe nhỏ cho chút ánh sánh chui vào. Tuy nhiên, trong 2 khóa offline lần đó con không thực hành được Pháp Hành: cứ siết chặt răng lưỡi là con cảm thấy căng thẳng. Đặc biệt là con rất sợ khi được yêu cầu quan sát hơi thở theo 4 giai đoạn: thở vô, dừng ngắn, thở ra, dừng dài. Có lẽ là do hơi thở con bình thường rất ngắn và mũi thường xuyên bị nghẹt vì polyp mũi xoang.

Việc học với Sư tạm dừng ở đó, khi con bắt đầu quay cuồng lại với công việc thường xuyên phải đập óc suy nghĩ, bù đầu làm ngoài giờ cho kịp tiến độ và trong một môi trường đầy Tham Sân Si. Nhiều lúc, con cảm thấy kiệt sức, thường thức giấc lúc nửa đêm với những lo lắng, suy nghĩ cuồn cuộn trong đầu và không thể ngủ lại được. Tuy nhiên, chị Đỗ Nga đã không để con bỏ cuộc, chị thường gọi điện cho con, thông báo thời biểu các buổi pháp đàm của Sư và chia sẻ Facebook Sakya Sông Lam – trong đó có đăng các video Sư giảng ở các khóa trước. Con lại tiếp tục nghe và học Pháp Học một cách không thường xuyên.

Cho đến đầu năm 2021 khi Gosinga chính thức mở các khóa học online buổi tối. Nghe Pháp học ở các khóa 13 ngày và 6 ngày, con từ từ vỡ ra nhiều điều hơn, nhưng con vẫn rất sợ bài giảng về Chánh Định và Tà Định. Con không dám nghe kỹ bài này, đặc biệt khi Sư khẳng định là phải có Định rồi mới Quán được. Con vẫn loay hoay trong thực hành Định: phần vì các căng thẳng trong Thân, phần vì đầu óc cứ nhảy múa với những câu chuyện Tham Sân Si ở cơ quan. Thực hành Định rất khó khăn, con luôn chờ đợi khóa học có phần Quán Thọ, Tâm, Pháp. Đồng thời, con cũng cân nhắc ngưng làm công việc căng thẳng đầu óc để có nhiều thời gian hơn cho việc thực hành Thiền. Quả vậy, việc giảm tải căng thẳng và bớt Tham Sân Si trong tâm đã giúp con thực hành thiền tốt hơn.

Khi khóa 23 ngày đến, giai đoạn đầu, con dành nhiều thời gian hơn trong việc Quán Thọ, Tâm, Pháp. Con quan sát Lộ Trình Tâm diễn ra trong lúc tọa thiền. Đối với con, cảm giác pháp trần hiện lên rất nhiều nên con quan sát chúng khá dễ dàng. Con thấy rõ khi các cảm giác pháp trần với hình ảnh nhảy ra, đôi khi còn đi kèm với cả 1 số cảm thọ Khổ – Lạc. Chẳng hạn, khi hình ảnh của 1 người vừa hiện ra, thì đi kèm với đó là cảm giác lồng ngực thắt lại. Lúc đó, nhiều người nói với con rằng khi có cảm thọ như vậy là đã có Thích-Ghét, nghĩa là lộ trình tâm Bát Tà Đạo đã chạy đến Thích –Ghét, Khổ- Vui, nên con đã bỏ qua, không để tâm quan sát kỹ Lộ Trình Tâm nữa.

Gần đây, khi nghe Sư trả lời về Pháp Tưởng cho anh Đắc, con lờ mờ nhận ra rằng Pháp Tưởng của con lúc mới nghỉ việc khác nhiều so với bây giờ. Các hình ảnh, câu chuyện về những người làm chung bây giờ rất ít hiện lên so với trước đây. Con nghĩ có lẽ Pháp Tưởng của vị A La Hán cũng sẽ khác, sẽ không “bão tố” như của người Phàm phu.

Thời gian đầu, con có nhiều băn khoăn. Với Cảm giác Pháp Trần nặng nề, con cho rằng đây là phân tâm. Lại nữa, con cũng băn khoăn với cảm giác Âm Thanh: khi ngồi thiền trong lúc TV bên ngoài vẫn mở, con thấy mình vẫn hiểu được ý nghĩa của các câu chữ được nghe. Con cũng cho rằng mình không có Nhất Tâm

Có lẽ do các băn khoăn này, mà con không có Định tốt. Trong các thời thiền quán Thân, con vẫn thực hành song song với quán Thọ, Tâm và Pháp. Con thường thực hành quán Buông vào đầu các thời thiền, để buông bỏ các ý nghĩ lao xao, rồi sau đó, mới có thể chú tâm vào cảm giác hơi thở và cảm giác toàn thân. Khi cảm giác Pháp Trần hiện lên, nếu để yên thì chúng sẽ tiếp tục khởi lên nhiều chuyện quá khứ, nên con chủ động nhắc mình: “Tưởng Thức ghi nhận cảm giác pháp trần” để chấm dứt các pháp trần này, quay lại cảm giác trong thân. Rồi nhiều Âm Thanh vang lên, con lại nệm “Cảm giác Âm Thanh” rồi quay về cảm giác trong thân. Mọi thứ cứ đan xen, nên chắc là con không có những phút giây hoàn toàn ngưng lại ở Tưởng. Có lẽ vậy, nên con chưa bao giờ cảm nhận được Hỷ, chỉ cảm nhận được Lạc.

Tuy nhiên, có một số thời Thiền với cảm giác yên ả, nhẹ nhàng, con cảm nhận được mọi thứ trong cơ thể tự vận hành mà không có bất kỳ sự điều khiển nào. Con phần nào nhận ra con robot sinh học mà Sư nói đến. Điều đó lại được củng cố hơn khi con vào khóa Miên Mật online 9 ngày K01: sau khi nghe Sư hướng dẫn thực hành quán Tâm để thấy Vô Ngã, con quan sát các Lộ trình tâm và đến một lúc bỗng ngạc nhiên nhận ra: đúng là các loại Tâm đang tự vận hành, chứ không có một cái Ngã nào điểu khiển chúng. Đúng thật là do cái này chạy thì cái kia chạy. Rồi lần khác, khi cô Tịnh Trí tả: nếu quan sát kỹ, thấy các loại tâm Thọ Tưởng Hành Thức là độc lập, không thuộc về cái Tôi nào cả, thì cảm giác đau cũng bớt đau đi, con cũng thử quan sát theo hướng đó và cũng nhận ra cảm giác tương tự. Quả là không có cái Tôi!

Về “Thực Tại là Cảm Thọ”, con cũng có 1 số trải nghiệm rất ngộ nghĩnh. Khi nghe bài giảng Quán Hữu Ngã và Vô Ngã của Sư, con nghe đi nghe lại 2, 3 lần một cách thích thú, nhưng  con vẫn thắc mắc chỗ Sư nói “Quý vị cần phải tuệ tri các ngôn từ To, Nhỏ, Vuông Tròn, Dài Ngắn, Đỏ Xanh, Mặn Ngọt, Chua Cay, Đàn Ông Đàn Bà…”. Chuỗi từ này con đã được nghe Sư lặp đi lặp lại rất rất nhiều lần, nhưng vẫn không hiểu tại sao Sư phải tốn công lặp đi, lặp lại nó mãi.

Cho đến một hôm, sau khi nghe bài giảng về Sự Giác Ngộ của Đức Phật trong khóa Miên Mật Online K04, con đi rửa chén. Khi xoay xoay cái chén tròn, màu trắng trong tay, con thấy rõ hình khối của cái chén – bên này sẫm màu hơn bên kia, từ đậm chuyển sang nhạt dần lộ rõ khối cong, con bỗng nhớ lại khi xưa vẽ Tĩnh Vật và Tượng người, mình từng ngồi dùng bút chì vẽ trên trang giấy A3, cố gắng diễn tả các hình khối này. Sau đó, khi quan sát các bức tranh của cả lớp treo lên cho thầy chấm bài, mình từng ngạc nhiên thấy các vật 3D như thật nhưng thực sự lại chỉ là các hình 2D nằm gọn trong mặt phẳng của 1 tờ giấy A3 thôi. A ha, vậy ra cái mình cảm nhận trong mắt hiện nay cũng chỉ là hình ảnh như các bức vẽ 2D khi xưa thôi! Rồi con bỗng rùng mình, chập chạp nhìn lên, quan sát các đồ vật, cảnh vật xung quanh như mới thấy chúng lần đầu. Hóa ra tất cả những cái mình thấy đây chỉ là các hình vẽ 2D được tô màu, đánh bóng. Ha, đây đúng là “Cảm giác Hình Ảnh” và “Thực tại” đúng chỉ là “Cảm Thọ”! Và con bỗng hiểu ra các khái niệm “To, Nhỏ, Vuông Tròn, Dài Ngắn, Đỏ Xanh, Mặn Ngọt, Chua Cay, Đàn Ông Đàn Bà…” thực ra chỉ là các hình ảnh 2D nằm trên 1 trang giấy mà thôi. Liền ngay khi đó, con cảm giác chuỗi các “tranh 2D” đó bỗng rơi rụng xuống, không còn dính mắc, không còn ràng buộc! Con đã hiểu được cái gọi là “Cảm Giác Hình Ảnh” và “Sắc Tưởng”. Giờ đây, khi giận dữ với ai lúc nhìn thấy hay tưởng nhớ đến họ, con dễ dàng buông hơn khi tự nhắc “Thọ, Thọ”.

Cảm giác Âm Thanh và Thanh Tưởng cũng nhờ đó mà được con quán dễ dàng hơn. Đặc biệt, con nhận thấy có 2 loại cảm nhận về cảm giác Âm Thanh:

Loại 1: Khi nghe, nếu con xác định không cần nghe để hiểu rõ (như khi vô tình phải nghe âm thanh của TV- các bản tin, bài hát hay đôi lúc là cả một tuồng cải lương…), con buông lỏng mình ra, cảm giác để cho âm thanh cứ đi xuyên qua lỗ tai một cách tự nhiên, thì kết quả là có một số câu chữ con hiểu ý nghĩa và một số câu chữ khác thì không. Con hiểu đây là Tưởng Thức đan xen với Ý Thức đang ghi nhận: Có một số Lộ Trình tâm khi Tưởng thức ghi nhận rồi dừng lại nên con không hiểu ý nghĩa; nhưng đan xen vào đó là một số lộ Trình Tâm chạy đến Tư Duy và Ý Thức làm con hiểu ý nghĩa những chỗ ấy. Điều này giống như ví dụ của Sư về việc nhìn cảnh vật qua cửa sổ đoàn tàu đang chạy.   

Loại 2: Nếu con xác định cần phải nghe để hiểu rõ (như khi đang nói chuyện với người khác), thì con cảm nhận rất rõ ràng 2 trường hợp: có những lúc nghe, hiểu và sau đó liền nhận xét, đối thoại thầm, có Thích-Ghét theo sau. Khi nhận ra điều này, con lập tức quan sát cảm giác trong thân, thì nhận ra liền một hiểu biết khác lạ so với từ trước đến nay mình vẫn hiểu về người này. A, hóa ra câu họ nói không có lời nào rên than, hay mong muốn dựa dẫm như trước giờ mình vẫn hiểu; họ chỉ đơn thuần nói ra cảm giác của họ, hay phát biểu những dự đoán mà họ cho rằng có người đang đến giúp đỡ họ điều này, điều kia. Việc họ có đang hoang tưởng về các cảm giác của họ hay không, và họ có thực sự sẽ được người khác đến giúp đỡ hay không là một việc khác, và rõ ràng là mình không phải làm gì cho họ vào lúc này. Đây đúng thật là Độc Lập- Không Ràng Buộc, Giải Thoát- Không Hệ Lụy. Trời ơi, mình đã bóp méo lời nói của người khác bao lâu nay!  

Tuy nhiên, những phát hiện khi quán Thọ, Tâm, Pháp bên trên chỉ phát huy tác dụng khi con nhớ được “Thọ, Thọ”, hay “Cảm giác hình ảnh”, “Cảm giác âm thanh”…Vẫn còn nhiều lúc con quên mất điều này và Vô Minh lập tức len vào, con vẫn trở lại lo lắng, cãi nhau với người khác. Con hiểu đây là lý do cần phải duy trì Chánh Niệm liên tục.

Trở lại chuyện tu tập Định, đây là phần khó khăn nhất của con. Con đã trải qua nhiều căng thẳng, lo lắng và sân hận với bản thân khi thực hành Quán Thân. Con từng có nhiều thời ngồi, lắng nghe, xoay trở từng câu, chữ trong phần hướng dẫn Pháp Hành của Sư, và cố thực tập Siết chặt răng lưỡi, chú tâm vào cảm giác Hơi thở, quan sát hơi thở Vô-Ra-Dừng, nhưng thân thể như đông cứng, nặng nề. Hết thời tọa thiền, con bị ngáp liên tục. Nhiều tháng liền, con vẫn thắc mắc thế nào là “tự động” trong “cảm nhận cảm giác hơi thở vô-ra một cách tự động” và “hướng tâm” trong “hướng tâm đến cảm giác răng lưỡi”, thế nào là “để tự nhiên” và “tự nhiên như nhiên” … Con loay hoay, gọi điện hỏi bạn Tuyết nhiều lần, thì bạn ấy cũng dùng đúng các từ này để diễn tả cảm nhận thực của bạn ấy nên con đành bó tay, tự giận bản thân “tại sao bao nhiêu người đều hiểu và thực chứng được những lời Sư nói, mà mình thì không?”.

Sau nhiều lần như vậy, con lục tìm lại sách của một Thiền Sư dạy quán tâm con đã học trước đây, con đọc kỹ lại 2 lời khuyên cốt yếu là “Thư giãn” và “Thái Độ Đúng Đắn”. Thư giãn là trước khi bắt đầu thời thiền, cần phải thả lỏng cơ thể, sửa lại y áo để bảo đảm không bị co cứng ở bất cứ chỗ nào. Thái Độ Đúng Đắn nghĩa là chấp nhận, tri túc – biết đủ với bất cứ điều gì đang được trải nghiệm. Con tập kết hợp giữa Thư Giãn và Xiết Chặt Răng Lưỡi. Con tìm nhiều tư thế để tạo cảm giác răng lưỡi: bắt đầu thời thiền con thả lỏng răng lưỡi cho đến khi hơi thở tự động, thân thể nhẹ nhàng, con mới bắt đầu chạm lưỡi vào nóc họng, chạm khẽ 2 hàm răng lại với nhau. Còn trong lúc làm việc nhà, nếu Xiết Chặt Răng Lưỡi gây căng thẳng, con thả lỏng 2 hàm rồi chậm chạp cử động chúng như đang nhai nhè nhẹ. Vẫn có cảm giác răng lưỡi, nhưng bớt căng thẳng hơn. Cứ thế, con dần dần hiểu các hướng dẫn của Sư theo cách uyển chuyển hơn.  

Sau khi biết thả lỏng cơ thể, con cũng nhận ra: trong lúc tọa thiền, khi cố phân biệt từ ngữ “tự động” và “hướng tâm”, con vô tình đã đem Tư Duy và Ý Thức vào. Và khi quan sát hơi thở Vô-Ra-Dừng, hơi thở vô tình bị điều khiển khi được quan sát theo 3 giai đoạn, nó không còn tự nhiên nữa. Con cũng phát hiện ra: khi đặt quá nhiều chú tâm vào từng giai đoạn Vô-Ra-Dừng, Lắc răng lưỡi, có nghĩa là con đang chú tâm cả bằng tâm biết Trực Tiếp Giác Quan và Tâm biết Ý thức. Điều này gây nên cảm giác nặng nề, căng thẳng trong thân. Hiểu ra điều này, con bắt đầu buông lỏng, thư giãn luôn cả Tâm, chỉ còn Tâm biết Trực Tiếp Giác Quan và để hơi thở tự động- chấp nhận đôi lúc chỉ có 2 giai đoạn, đôi lúc được 3 giai đoạn.

Ngẫm lại, so sánh câu với câu, chữ với chữ, con hiểu ra rằng cụm từ “tự nhiên” hay “tự nhiên như nhiên” của Sư chính là “Thư Giãn- thả lỏng cơ thể”. Còn “chấp nhận, tri túc- biết đủ” cũng được Sư đề cập đến qua cụm từ “học từ từ, hành từ từ và chứng ngộ từ từ”. Con cũng nghiệm ra từ “tự động” của Sư có nghĩa là bởi vì cảm giác hơi thở vô-ra rất nổi trội nên dù có đang chú tâm vào cảm giác khác, ta cũng tự động nhận thấy các cảm giác hơi thở Vô-Ra. Ngược lại, “hướng tâm” là do cảm giác đó nhẹ, ít nổi trội nên phải đưa sự chú ý vào đó hơn một chút.

          Riêng về cụm từ “Chấp Nhận, Tri túc – Biết Đủ” hay “học từ từ, hành từ từ và chứng ngộ từ từ”, con cũng có một trải nghiệm nho nhỏ. Lần đó, sau nhiều ngày liên tiếp không Định được (do cứ ngồi vào, thở vài hơi là lồng ngực con bị tê cứng -có thể là polyp phình ra, làm mũi bị nghẹt), con đã bắt đầu một thời thiền với ý nghĩ buông xuôi hết, tự nhủ “mình cứ tu, nhưng chắc kiếp này không đạt được gì đâu và nếu phải tái sinh thì cũng đành chấp nhận thôi”. Ấy vậy mà, sau ý nghĩ buông xuôi như vậy, con có một thời thiền rất tốt- nhẹ nhàng, lâng lâng, dễ dàng vào Định. Cứ như thế, con dần dần hiểu ra từng chút một.   

Đến bây giờ, Định của con vẫn chưa được tròn đủ; con vẫn chưa cảm nhận 4 tầng Thiền một cách rõ ràng như Sư mô tả và cũng chưa “như ý túc” được tầng nào. Tuy nhiên, với những hiểu biết như trên, con không còn cảm thấy ngán ngại phần thiền Quán Thân. Giờ đây, con nhận biết được thế nào là “bầu trời tâm trong sáng”, không có mây mù của “của những ý nghĩ cuồn cuộn” che ám.

Lời cuối cùng, thưa Thiền Sư!  

Con nhớ đã đọc được đâu đó câu nói đại ý là: lòng tri ân lớn nhất mà một người có thể dành cho vị Thầy của mình, đó chính là luôn luôn thực hành Pháp mà vị đó đã chứng ngộ và thuyết giảng. Thưa Sư Phụ, tuy con chưa chứng đạt được điều gì lớn lao trong Thiền và Tuệ, nhưng dây leo chằng chịt trong khu rừng U Minh của con giờ đã chặt bỏ được phần nào, con đã nhìn thấy được chút ánh sáng, không còn tối tăm mù mịt như trước kia.

Hiện nay hằng ngày, con vẫn tham gia thực hành Thiền đều đặn, hoặc qua zoom với nhóm cộng tu, hoặc tự tu tập một mình khi giờ giấc không phù hợp, hay khi con muốn ngồi một mình để thực hành quán âm thanh hay muốn vào Định với thời gian lâu hơn…Về các khóa học, con vẫn tham dự khá đều đặn các khóa Miên Mật online 9N, nhờ nội quy của khóa này khá thoáng. Được Sư Thiện Đức thông qua – các Khóa này không bắt buộc Thiền Sinh luôn bật camera, nên con có thể vừa tham gia đầy đủ các thời tọa Thiền và nghe một cách rất thấu suốt các bài giảng hay phần hỏi đáp Pháp Đàm, nhưng vẫn vừa đảm bảo làm cơm và những việc khác trong gia đình.

Giờ đây, con học và hành với tinh thần:

Không thắc mắc khi nào thì tới đích

Hôm nay vui vì tìm thấy con đường

Và từng bước, từng bước, mình đang đến…”

Con xin cúi đầu cảm tạ Sư Phụ! ? Con cũng xin cám ơn BTC Gosinga và các Tình Nguyện Viên đã tạo điều kiện cho con có cơ hội được học đi, học lại những điều Sư truyền giảng.

Ngày 15/12/2021

Thiền sinh Tuệ Phương                                                            

? Fanpage Gosinga nơi cập nhật các tin tức hoạt động mới nhất, Chuyên mục Bài pháp hay Mỗi ngày: https://www.facebook.com/gosinga.vn

? Youtube Gosinga cập nhật các Bài pháp mới nhất từ Thiền sư, Audiobook sách nói, Video Hỏi – Đáp: https://www.youtube.com/gosinga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *