Lá thư số 75: Hành trình tìm ra phương pháp nuôi dạy con nhỏ

Là 1 thiền sinh theo học các khóa thiền Tứ niệm xứ online của Gosinga, đồng thời cũng là phụ huynh đang nuôi dạy 2 con nhỏ (6 tuổi và 7 tuổi), tôi xin phép có đôi lời chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng kiến thức Bát Chánh Đạo để dạy con của bản thân:

Trước khi biết đến Chánh pháp: Tôi nuôi dạy con hướng theo chuẩn mực Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực (theo phương pháp 3 Gốc của thầy Trần Việt Quân), đồng thời căn cứ theo các chuẩn mực về chân – thiện – mỹ mà Đạo phật tôn giáo thường giảng dạy. Tôi hiểu rằng mỗi con có một thế mạnh riêng nên không ép con phải học giỏi tất cả các môn, kể cả các môn học cơ bản như Toán – Tiếng Việt – Tiếng Anh mà con không có hứng thú thì tôi cũng không ép, chỉ yêu cầu con nắm được các kiến thức cơ bản nhất. Tôi không chú trọng dạy con kiến thức mà chú trọng đến yếu tố Đạo đức (hướng con làm các điều thiện, không làm phiền hay tổn hại cho người khác), yếu tố Nghị lực (hướng con làm việc gì cũng phải có trách nghiệm, có nghị lực, đã đặt ra phải làm đến cùng, khuyến khích con tham gia làm việc nhà cùng mẹ), yếu tố Trí tuệ (dạy con về quy luật Nhân – Quả thông qua bộ sách tranh “Gieo hạt cùng vĩ nhân”, phim hoạt hình Đức phật, thẻ trò chơi Nhân – Quả…)

Qua cách giáo dục con này, tôi thấy con dần có hiểu biết về quy luật Nhân – Quả (theo kiểu một nhân sinh quả) nên tự biết hạn chế làm điều xấu, ít làm phiền đến người khác. Tuy nhiên, tôi còn kỳ vọng ở con về NGHỊ LỰC, mà điều này thì con chưa làm được, nên nhiều lúc tôi bị tâm SÂN chi phối.

Từ khi biết đến Chánh pháp: Bản thân tôi từ khi hiểu được Lý duyên khởi, tức là 2 nhân tương tác với nhau, cùng diệt mới phát sinh quả, thì không còn để con tự đọc bộ sách “Gieo hạt cùng vĩ nhân” và tự học theo những kết luận được viết trong sách nữa, vì trong sách vẫn theo tư tưởng “1 nhân sinh quả”, chưa phản ánh được đúng sự thật thực tại. Vậy nên khi con đọc sách, tôi thường giải thích lại cho con trên cơ sở 2 nhân tương tác với nhau mới phát sinh quả. Câu chuyện trong sách mới là 1 nhân, phải có 1 nhân thứ hai nữa thì mới phát sinh ra kết quả như trong sách đề cập. Bởi độ tuổi của các con còn khá nhỏ, chưa hiểu biết được thấu triệt; đồng thời cũng đã vào năm học mới, các con cũng khá bận với việc học online nên tạm thời bộ sách này tôi dừng lại, chưa hướng dẫn các con đọc thêm.

Tuy nhiên, tôi vẫn để các con tiếp cận dần với Quy luật duyên khởi thông qua bất kỳ 1 sự kiện nào các con gặp trong ngày. Chẳng hạn, khi con bị ngã xuống đất và đau đầu gối thì con đã tự giải thích được rằng sự đau này chỉ là cảm giác, do căn (đầu gối) tiếp xúc với trần (mặt đất) mà phát sinh; cảm giác này sinh lên rồi sẽ diệt đi (vô thường), bởi vậy con không hề kêu khóc mà chỉ tự đi rửa đầu gối, tự xoa rồi kể lại với mẹ. Việc hiểu biết về quy luật duyên khởi, hiểu biết về thực tại là cảm thọ sẽ giúp các con biết chấp nhận sự thật thực tại, chấp nhận những điều đang xảy ra với mình bằng trí tuệ mà không hề oán trách bất kỳ ai.

Bản thân tôi, từ khi thực hành Tứ Niệm Xứ và thấy được những lợi lạc của cách thực hành mà Sư Nguyên Tuệ đang hướng dẫn, tôi cũng hướng dẫn lại cho con cách thực hành Niệm thân đơn giản: “Nhớ đến siết chặt răng lưỡi và ghi nhận cảm giác toàn thân”. Mỗi khi các con làm việc nhà (lau bàn ghế, lau nhà), tôi nhắc các con siết chặt răng lưỡi và ghi nhận cảm giác để làm việc một cách tập trung, hiệu quả mà không thấy mệt mỏi. Khi các con học bài, tôi cũng nhắc các con thực hành tương tự. Phải nói thêm rằng các con còn nhỏ nên chỉ thực hành được vài giây, hoặc vài phút là lại quên ngay, lại nói chuyện, lại đùa nghịch, những lúc ấy, tôi cũng chỉ nhắc lại để các con nhớ thực hành siết chặt răng lưỡi thôi, chứ bản chất của NIỆM là vô chủ vô sở hữu, nên tôi không ràng buộc vào kết quả là con có làm được hay không. Tôi chỉ đơn giản là nhắc nhở con mỗi khi thấy con quên chánh niệm thôi.

Hiện tại, đó là việc duy nhất mà tôi nhắc các con thực hành, tôi cũng không còn yêu cầu hay kỳ vọng con phải có NGHỊ LỰC, có trách nhiệm nữa. Nghị lực, hay trách nhiệm đó thực ra chính là kết quả công việc của con được yêu cầu làm, mà kết quả này thì tôi (hoặc con) đều không thể làm chủ được. Khi có Chánh niệm thì tự con sẽ có Chánh nghiệp, con sẽ làm những điều cần phải làm mà tôi không cần phải yêu cầu hay kỳ vọng.

“Ý dẫn đầu các pháp” – Bởi tư duy và ý thức đã thay đổi nên tôi cũng đã có thay đổi căn bản trong việc dạy con; các con thì có được thói quen tự giác: cứ đến giờ học là ngồi học, đến ngày dọn dẹp nhà cửa thì cùng mẹ làm…

Trong thời gian này, các gia đình có con đang học online đều trải nghiệm sự vất vả, căng thẳng giữa bố mẹ và con cái. Tôi thấy mình thật may mắn vì được biết đến Chánh pháp nên việc học online của cả 2 con với tôi thật nhẹ nhàng, đơn giản. Hàng ngày, các con học các môn học theo thời khoá biểu, tôi chỉ yêu cầu các con hoàn thành bài chứ không yêu cầu phải làm đúng (tôi không kiểm tra), hoàn thành bài xong các con có thể chơi thoải mái, đặc biệt, trong giờ con học online thì tôi không ngồi cùng con như các bố mẹ khác mà để con tự học với cô. Tôi cũng hướng dẫn con thêm rằng: Khi nói chuyện hoặc phát biểu ý kiến (trong lớp học), con có thể nắm chặt 2 ngón tay cái để không quên cảm giác trên thân, từ đó lời phát biểu cũng từ tốn và rõ ràng hơn.

Thói quen “siết chặt răng lưỡi, ghi nhận cảm giác”, thói quen để Chánh niệm khởi lên – Điều quan trọng nhất ấy tôi đã hướng dẫn cho con, đồng thời nhắc con mỗi khi con quên Chánh niệm. Một khi có thói quen này, Chánh ngữ – Chánh nghiệp – Chánh mạng sẽ tự động khởi lên, con sẽ biết nói những điều cần nói, làm những điều cần làm.

Có lẽ do có sự tương hợp nhất định về thông tin trong bộ nhớ pháp trần mà các con cũng rất thích thú mỗi khi được nhìn thấy hình ảnh Sư Nguyên Tuệ giảng pháp, được nghe Sư Nguyên Tuệ thuyết giảng. (mặc dù khi tôi hỏi con có hiểu Sư đang nói gì không thì con bảo là không :))

Cùng một sự chia sẻ của mẹ, nhưng khả năng lĩnh hội Pháp cũng như khả năng thực hành của hai con là khá khác nhau. Tôi chưa biết sau này hai con có tiếp tục lựa chọn con đường này hay không, nhưng ít nhất hiện tại, hai con đều cảm nhận được rằng: “Khi thực hành Bát Chánh Đạo thì khổ không hiện hữu”, các con được sống trong sự thoải mái và tự do. Với hiểu biết non nớt và tư duy ngây thơ của trẻ con, hai bé nói với tôi rằng: “Mẹ ơi, xem video của Thầy con thấy Hoá sinh khổ quá, nên con không thích tái sinh thành Hoá sinh đâu. Con thích thực hành Bát Chánh Đạo để nhập diệt cơ!”

Nghe lời nói chững chạc trên gương mặt thơ ngây của con, tôi chỉ mỉm cười và thầm biết ơn Sư phụ Nguyên Tuệ – người đã đem viên ngọc quý giá “Đạo Phật thật” chia sẻ tới những người hữu duyên trên thế gian này.

Thiền Sinh Phan Thủy Quyên

? Fanpage Gosinga nơi cập nhật các tin tức hoạt động mới nhất, Chuyên mục Bài pháp hay Mỗi ngày: https://www.facebook.com/gosinga.vn

? Youtube Gosinga cập nhật các Bài pháp mới nhất từ Thiền sư, Audiobook sách nói, Video Hỏi – Đáp: https://www.youtube.com/gosinga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *