Lá thư số 69. Dạy con trong chánh niệm chính là rèn luyện bản thân “bình tĩnh – sáng suốt”

Con chào quý thầy cô, quý đạo hữu ạ!   

Sau một khoảng thời gian học và hành pháp, con lại có thêm một vài trải nghiệm mới. Nay con xin phép được chia sẻ cùng quý thầy cô và quý đạo hữu.

TRẢI NGHIỆM THỨ NHẤT: là phần thực hành tọa thiền của con đã tiến bộ hơn rất nhiều so với thời gian đầu mới học, đặc biệt là sau khóa tu miên mật 9 ngày online tháng 9 vừa rồi.
Trước đây con SỢ NHẤT ngồi thiền, vì má chân phải của con bị chấn thương cách đây 2 năm, nên thời gian đầu ngồi thiền thực sự là cực hình với con, đau kinh khủng. Con còn tưởng mình sẽ gãy chân mất nếu cứ cố ngồi kiết già như thế này.
Sau đó con tham khảo một số video giãn khớp háng hoặc xoa bóp chân trước và sau khi thiền thì có được cải thiện. Nhưng khi ngồi thiền chỉ dễ chịu lúc đầu (khoảng 15p đầu), sau đó thì chân bắt đầu tê và đau mạnh hơn, nên mỗi thời thiền con chỉ có thể ngồi được 30 phút là lâu nhất, sau đó phải đổi chân đổi tư thế khác ngay.

Từ tháng 6 đến tháng 8 con duy trì mỗi ngày ngồi thiền một lần, nhưng lần nào cũng đau chân, nên mỗi lần đến giờ ngồi thiền hoặc đến thời thực hành trong khóa online là con cảm thấy nặng nề khổ sở, vì nghĩ đến cảnh chân mình lại sắp bị đau. Con tìm mọi cách để ngồi sao cho đỡ đau, đỡ mỏi, thậm chí con còn xem đi xem lại nhiều lần video hướng dẫn thiền của Sư, cách sư bắt chân, tỉ lệ bao nhiêu, trông dáng Sư ngồi như nào, lắc qua lắc lại bao nhiêu lần, chuyển động đầu lên xuống nhẹ hay rõ rệt, thậm chí có khi cả thời thiền con chỉ ngồi quan sát cử chỉ tọa thiền của Sư.

Rồi đến khóa 9 ngày online, với số lần tọa thiền lên đến 5 thời, mỗi thời 40-50 phút. Nên con cũng phải phân vân lắm mới dám đăng ký tham gia. Con lo sợ mình không trụ được, ngồi 1 ngày 1 thời 40 phút con còn chật vật khổ sở, nữa là 1 ngày 5 thời từ sáng tới tối.

Rồi thì chuyện gì đến cũng đến, tại ngày thứ 5 của khóa 9 ngày con đã tìm ra cách giúp mình hết đau chân. Việc tập mở giãn khớp, bóp nắn chân trước và sau khi ngồi thiền chỉ là hỗ trợ giúp ngồi được tư thế thiền chứ không thể làm hết đau khi ngồi thiền được. Ngồi thiền kiết già không đau hoặc ít đau chỉ khi HAI CHÂN ĐẶT ĐÚNG và sau khi đã VÀO ĐỊNH.
–          Đặt chân không đúng chân nọ chèn vào mạch máu chân kia, khiến chân con TÍM TÁI lại, cái đau rất dữ dội. Nếu chân đặt đúng thì bàn chân có màu đỏ nhẹ, chỉ hơi tê tê một chút.
–          Và quan trọng nhất là áp dụng theo đúng những gì Sư chỉ dạy, để vào được Định vững chắc: “SIẾT CHẶT RĂNG LƯỠI, NHỚ KỸ ĐIỂM DỪNG”. Nếu có sự đau ở chân xảy ra thì con cứ bám “vô – ra – điểm dừng”, lúc này cảm giác đau nổi trội ở chân được chuyển dần sang “vô – ra – dừng”, sự thở nhẹ dần, con cảm nhận cơ thể nhẹ dần, cảm giác đau ở chân cũng biến mất lúc nào không biết. Được một lát con lại đau, con lại chuyển sự chú ý ngay đến “vô – ra – dừng”, đau lại hết. Khi đã vào định được vững chắc rồi thì lúc này con mới thực hành các đề mục quán thọ – tâm – pháp.
Cứ vậy con ngồi được hết thời thiền, đến lúc bỏ chân ra thì “ôi trời ơi, vừa tê vừa đau dữ dội hơn lúc mới ngồi thiền”. Nhưng cũng chẳng sao, vì con đã ngồi thiền xong rồi. Nhắc thầm “thọ thọ”, xoa nắn chân một lát là đứng dậy đi thiền hành được thoải mái.

 Giờ con chẳng còn “SỢ” ngồi thiền nữa, mà ngược lại thích ngồi thiền, vì ngồi thiền không còn đau nữa, vào định rồi thì cảm giác toàn thân nhẹ nhàng dễ chịu lắm.

TRẢI NGHIỆM THỨ 2 CỦA CON LÀ VỀ CẢM THỌ
Trong quá trình học pháp, con thấy bài nào Sư giảng cũng rất logic, hợp lý. Không chỉ có bài giảng, mà còn cả sách nữa, rồi cả những câu trả lời trên nhóm, video trên youtube. Nhiều bài quá so với sức con hiện tại, vì học là phải hành chứ không thể học vẹt được. Nên con chọn từng bài để làm từng đề mục quán khi hành thiền và thực hành trong cuộc sống. 

Bài đầu tiên là thực tại là cảm thọ. Đến bây giờ con mới hiểu rõ thế nào là cảm thọ, và tại sao thực tại này lại là cảm thọ sau khi nghe thầy giảng nhiều lần. 

Có một lần con đang dạy học bài cho con gái của con. Cháu nó không chịu tập trung nghe mẹ giảng bài, nếu trước khi chưa được học Pháp thì con kiểu gì cũng giơ tay lên “oánh” cho cháu mấy cái. Nhưng lúc này trong đầu con liền xuất hiện dòng suy nghĩ “Chánh Niệm ngay, ngậm chặt răng… thọ thọ thọ, chỉ là cảm thọ, thực tại mà mình đối diện đây là cảm giác của chính mình chứ không phải là con, sự khó chịu này chỉ là cảm giác, bình tĩnh nào, tức giận là khổ mình khổ con.” Điều kỳ diệu xảy ra: con hết giận luôn, tự động hạ giọng với con gái, cảm nhận được cảm xúc lúc đó của con hết sức nhẹ nhõm như vừa buông một gánh nặng.
Con lại từ tốn giảng bài cho cháu, và thực hiện quán thân (siết răng khi chờ đợi con trả lời câu hỏi). Kết hợp quán thọ (nhắc thầm thọ thọ khi nghe cháu trả lời, nhất là khi cháu trả lời sai hoặc mặt mũi nhăn nhó cố ý không chịu học bài). Con gái không hiểu bài ư? Tìm cách khác để giảng? Không tập trung ư? Tìm cách để con tập trung? Phải là CÁCH KHÔNG BỊ CHI PHỐI BỞI CẢM XÚC, phải là CÁCH ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI CHÁNH NIỆM thì mới có kết quả. 

Cách của con thường là tạo hứng thú trong học tập cho cháu, khích lệ động viên con học, nghiêm khắc khi con có hành động không đúng như nói dối, làm quấy nhiễu. Vẫn là nghiêm khắc khi dạy dỗ cháu nhưng phải dựa trên Chánh Niệm, không có cảm xúc thích ghét chen vào, không có ý nghĩ về sự sở hữu “đây là con mình” xen vào. Tất nhiên khi đã có Chánh Niệm rồi thì sẽ không mắng mỏ, không đánh đập, không xúc phạm con, mà ngược lại là từ tốn – tôn trọng một cách rất tự nhiên.

Áp dụng Chánh Niệm trong dạy dỗ con thực sự đem lại hiệu quả rất tốt: mẹ không bị ức chế vì con, con không bị áp lực vì mẹ. Dạy con trong chánh niệm chính là rèn luyện bản thân “bình tĩnh – sáng suốt”.

Con hiểu rõ hơn CẢM THỌ: mọi điều mình cảm nhận chỉ là cảm giác, mà đã là cảm giác thì không nắm giữ điều khiển được, tương tác khác nhau khi cho ra cảm giác khác nhau. Cảm giác ở mỗi người thì không giống nhau. Cảm giác thì sinh lên rồi diệt đi trong tích tắc, nếu không giữ chánh niệm mà cứ để cho cảm xúc vui buồn thích ghét, suy nghĩ linh tinh kéo đi thì khổ chắc chắn sẽ xảy ra.

Trên đây là sự trải nghiệm của bản thân con trong thời gian tu học vừa qua. Hy vọng góp chút ít động lực cho tinh thần học của các đạo hữu, đặc biệt là các đạo hữu mới. Những người mà chỉ vì ngồi thiền đau quá rồi bỏ thiền, hoặc học mà chưa hành đến nơi đến chốn đã đòi bỏ cuộc như CON ĐÃ TỪNG, sẽ tinh tấn, kiên trì trên con đường giải thoát cho chính mình.

Con xin chân thành cảm ơn Sư Nguyên Tuệ và Gosinga !

Ngày 2/10/2021

Thiền sinh Phạm Thanh Hương

? Fanpage Gosinga nơi cập nhật các tin tức hoạt động mới nhất, Chuyên mục Bài pháp hay Mỗi ngày: https://www.facebook.com/gosinga.vn

? Youtube Gosinga cập nhật các Bài pháp mới nhất từ Thiền sư, Audiobook sách nói, Video Hỏi – Đáp: https://www.youtube.com/gosinga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *