Lá thư số 46. Hành trình một năm đi tìm nơi để chuyên tâm tu tập

Cũng giống như hầu hết mọi người thường làm kế hoạch lớn, kế hoạch nhỏ cho cuộc sống thì tôi cũng lập kế hoạch cho việc đi tu của mình. ?

Xin chia sẻ hành trình một năm, từ lúc tôi bắt đầu chuyên tu để cho đạo hữu nào cũng có kế hoạch dành toàn thời gian tu tập trong một vài năm hoặc đến hết đời có thêm thông tin tham khảo cho hành trình của mình. Thực tế có thể khác xa với dự tính nhưng kinh nghiệm cá nhân thì tôi vẫn thấy tôi duy trì chuyên tu được đến giờ cũng nhờ có kế hoạch đi tu tập này.

Vậy là từ khi kết thúc khoá tu 10 ngày, trong tôi gieo mầm ý định sắp xếp cuộc sống để giành toàn thời gian tu tập và nếu đủ duyên thì xuất gia. Việc đầu tiên tôi nghĩ ngay đến là tiền và tôi xem tôi cần bao nhiêu tiền để có thể nghỉ làm để chuyên tu (tiền trả nợ, tiền học cho con, tiền đi lại trong quá trình tu tập…), nhẩm tính ra cũng cần tới 5 năm làm việc nữa, cũng lâu phết nha.☹️

Tôi mong muốn thời gian ngắn hơn chút nữa, nhưng vì cần thời gian nghe Pháp, nên tôi không cố gắng cày thêm để nhanh đạt được kết quả, mà tôi bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Vì có thói quen ghi chép chị tiêu, nên tôi ngồi nghiên cứu những khoản chi không cần thiết. Vậy là cắt toàn bộ tiền đi ăn hàng, tụ tập bạn bè, mua sắm quần áo, giày dép… Giảm chi cho thực phẩm chức năng, chăm sóc da, mỹ phẩm… Tôi cũng học cách ăn khoa học để vừa đảm bảo sức khỏe vừa tiết kiệm chi phí.

Rồi chị bạn tôi quen xuất gia ở một chùa miền Nam. Tôi hỏi thăm cuộc sống và tình hình trong đó, nghe và hiểu ở chùa tứ vật dụng đầy đủ cũng không phải chi phí gì, không khí dễ chịu, thoáng mát, con người khả ái…

Oh, tôi nghĩ “nếu vô đó ở chùa tôi không phải chi phí gì thì tiền cho thuê nhà đủ tiền cho con gái học và trả nợ dần thì thôi chuyên tu thôi”. Nghĩ là làm, tôi đăng cho thuê nhà và sắp xếp đồ đạc mang về quê rồi khăn gói vào Nam để tu. Lúc đó mới là 1 năm, từ khi tôi lên kế hoạch dành toàn bộ thời gian tu tập thôi nhé, vậy hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 400% so với kế hoạch ? Oh yeah!!!

Tôi cùng một cư sỹ nữa có mặt tại một ngôi chùa Nam Tông, nơi vị tiền bối tôi đang ở, với tinh thần ở lâu dài và sẵn sàng thích nghi. Theo quy định ở chùa thì 2 ngày đầu để làm quen chưa phải theo thời khoá gì, nên tôi có 2 ngày nghỉ ngơi, nhìn ngó … Chùa đẹp, phòng giường sạch sẽ, nhà vệ sinh khép kín, không khí trong lành. Tôi lại gặp thêm một cư sỹ nữa tu theo pháp Sư Phụ mới đến trước mấy ngày, có thêm bạn đồng tu rồi nha. Vậy là thực sự tốt lành hơn mong ước của tôi.

Bắt đầu tuần mới chính thức tu tập, tôi được phân công phụ bếp chuẩn bị bữa ăn sáng và trưa (ở đây và hầu hết các chùa Nam Tông không ăn chiều). Tôi hẹn giờ dậy lúc 3h sáng, nằm cho tỉnh táo rồi lên bếp lấy nước vào nồi lớn (giống như nồi luộc bánh Trưng ngày Tết thường thấy?).  Nhóm củi đun nước, chèn cục củi to để bếp cháy lâu hơn. 3h50 lên thiền đường đọc kinh nào (thời khoá đọc kinh bắt đầu lúc 4h). 5h trở lại, bếp nước đã sôi rồi nè, múc ra loạt phích đã xếp hàng dài dùng trong ngày. Quay lại, Sư cô đã nấu xong, đi chuẩn bị bày biện chỗ ngồi và sắp xếp đồ ăn sáng thôi ❤️

6h tăng đoàn xếp hàng khất thực, ổn định chỗ ngồi, tụng kinh trước khi ăn, rồi ăn trong tĩnh lặng. 7h ăn sáng và dọn dẹp xong, mọi người theo lịch đi lao tác, tôi chuẩn bị nhặt rau cho bữa trưa có 14 – 15 người ăn chứ mấy, các chùa khác nghe nói toàn 50-60 người thậm chí cả trăm người.

8h-9h là giờ học Vi Diệu Pháp hoặc tiếng Pali hoặc tiếng Anh hoặc Luật… học xong tiếp tục lên phụ bếp. 10h30 đồ ăn đã xong, bày biện chỗ ngồi, đồ ăn, cọ rửa nồi niêu nào (đun bếp củi nhưng phải cọ sạch nhọ nồi nhé – Sư trụ trì yêu cầu thế). 11h lại xếp hàng khất thực, ổn định chỗ ngồi và ăn trong tĩnh lặng. 12h về phòng nằm xuống giường là ngủ biết trời đất gì luôn, chắc tại tu tập chưa tốt nên khi làm việc không tỉnh giác được nên mệt.

Buổi chiều dậy ngồi thiền, thiền hành. 4h tụng kinh chiều xong về phòng tắm giặt, 6h lên cốc Sư trụ trì đọc kinh Nikaya và giải nghĩa (giải theo hiểu biết của cô trụ trì nhé – vụ này không phán xét – vì cô chắc cũng đang cố gắng dạy lại những gì cô biết và cho là tốt nhất cho người đến tu tập).

7h30 kết thúc tu tập tự do, tôi đi bộ lòng vòng rồi về ngủ để hôm sau dậy sớm. Vì chưa quen nên cũng mệt nữa. Những ngày tiếp theo, lịch lặp lại như vậy chỉ là buổi chiều hôm phát sinh nhổ đinh, hôm bốc gạch… Chùa đang xây dựng khu ở riêng cho cư sỹ đến tu mà.

Được 3 hay 4 ngày, tôi cũng không nhớ, vị tiền bối của tôi báo 1 tuần nữa sẽ rời chùa ra khoá tu 9 ngày của Sư phụ để trợ duyên tu tập. Thế là sau một hồi cân nhắc, một phần thấy pháp học, pháp hành còn non, một phần vì chùa mới chưa quen tôi lại đặt vé ra khoá tu cùng.

 Vậy là kế hoạch Nam tiến tu tập của tôi lần này thực hiện được 10 ngày (vậy là cũng đạt 5% kế hoạch). Trước khi rời chùa, còn chụp được bộ ảnh đẹp đăng facebook làm kỷ niệm.

Xong khoá tu 10 ngày, thấy năng lực tu tập chưa phù hợp lắm với thời khoá của chùa trong miền nam. Tôi và 1 đạo hữu nữa nhờ vị tiền bối hỏi giúp một ngôi chùa nhỏ gần Hà Nội để chủ động thời khoá tu tập và học kỹ hơn Văn tuệ với kế hoạch là sẽ ở đây 1 tháng.

Có thêm 1 đạo hữu nữa trong khoá tu nhập hội, vậy nên chúng tôi (3 người) đến chùa  và lên thời khoá đàng hoàng, chia nhau công việc lao tác (quyét chùa, lau thiền đường, Chánh điện, nhà tổ, nhà mẫu, chăm sóc cây cối, phụ cơm nước …). Mọi việc diễn tiến thuận lợi, cả ba tuân thủ thời khoá, Tu tập tinh tấn… (cứ đà này là Văn, Tư sắp ngon lành đây?).

Cứ như vậy được 8 ngày, hai vị đạo hữu kia: một vị thì người yêu lên đón, một vị thì người yêu ốm phải về chăm. Vậy là lại còn một mình tôi. Lúc này, tâm trạng tôi cũng muốn về luôn đấy, nhưng vì sắp xếp hết để đi tu nên giờ ngoài việc tu thì tôi cũng chẳng có việc gì khác, nên thôi tiếp tục ở lại tu vậy) ?

Nhờ cũng có chút vốn liếng trong tu tập, nên tôi cũng thích nghi được. Tuy nhiên, một mình nên việc học Văn – Tư – Tu cũng chểnh mảng. Một tháng cũng qua, tôi hoàn thành 100% kế hoạch. Tôi về thăm người nhà và chuẩn bị cho kế hoạch Nam tiến tu tập lần 2.

Khoảng giữa tháng 9, Sư thầy gọi nhắc kế hoạch cùng thầy vào Nam thăm vị tiền bối tôi vẫn kể. Vậy là tôi lại khăn gói vào Nam với kế hoạch ít nhất ở hết mùa đông (vì tôi có bệnh liên quan đến phổi nên tôi cũng thấy hợp khí hậu mùa hè – ý là trốn đông miền Bắc ấy ạ).

Lần này vẫn ngôi chùa cũ, mọi thứ không thay đổi nhưng tôi thấy thích nghi và an lạc hơn – đúng là có chuyên tâm tu tập có khác.? Vào đây tôi cũng gặp thêm một vài người, cũng đã từng nghe pháp của Sư phụ qua YouTube và theo hướng dẫn của vị tiền bối. Vậy là lại có đồng đội rồi! ?

Tuy nhiên, đang ở chùa Nam tông nên cũng phải theo quy định hoạt động riêng của chùa nên việc tu tập nhóm riêng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi toàn người chuyên tu và nhất hướng theo học pháp Sư phụ, nên việc cần một nơi tu tập riêng được đặt ra.

Sư trụ trì chùa ngoài Bắc và vị tiền bối đã quyết định lập khoá tu (dự kiến hết tháng 2/2021) tạo điều kiện cho nhóm chuyên tu pháp của Sư phụ. Vậy là sau 3 tuần, tôi lại ra Bắc để tu tập, lúc này cũng bắt đầu mùa đông. Vậy là kế hoạch trốn đông không thành công?nhưng việc tu tập lại có chiều hướng sâu hơn. Do một vài nhân duyên khoá tu này cũng kết thúc sớm so với kế hoạch 2 tháng?.

Kết thúc năm 2020, với kế hoạch chị tiết tỉ mỉ cho quá trình đi tu học của mình. Nhưng thực chất, chẳng có gì theo kế hoạch, thấy rõ hơn về vô thường, về vô chủ, vô chủ sở hữu được các pháp. Nhưng dù sao, vẫn cần lên kế hoạch vì nhìn nhận lại cũng nhờ có kế hoạch, có dự phòng tài chính nên con đường chuyên tu của tôi lại tiếp tục.

Trải nghiệm thực tế của bản thân Tôi chia hành trình tu tập ra làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bạn mới học pháp, mới có Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ còn yếu. Giai đoạn bạn cũng đã có một phần thích nghi, dục tu thì mạnh mẽ, nhưng hầu hết vẫn là tâm lý nương tựa: nương tựa vào nhóm tu tập, nương tựa người chỉ dạy … Trong khi chưa có nơi chốn, chuyên tu tập pháp Sư phụ dài hạn, các vị tiền bối mỗi người cũng mỗi nơi khác nhau. Trong giai đoạn này, có thể lựa chọn tu tập tại gia, kết hợp tham gia cộng tu cùng các đạo hữu ở gần, khoá tu online hay offline. Nếu ai có ý định chuyên tu, thì cần chuẩn bị tài chính cho giai đoạn này đủ để có thể chủ động đi đến và lựa chọn nơi mình có thể thực hành tốt nhất theo mỗi giai đoạn (chùa, tịnh xá, khoá tu, nhóm tu…). Nhiều bạn muốn chuyên tu nhưng không quan tâm thoả đáng vấn đề tài chính cho giai đoạn này thì việc chuyên tu dễ bị gián đoạn. 

Giai đoạn 2: Tự mình nương tựa nơi chính mình, nương tựa nơi giáo Pháp… Sau một thời gian nương tựa tu tập, sức mạnh của Tín – Tấn – Niệm – Định – Tuệ của bạn đủ lớn, đủ khả năng thích nghi các môi trường khốc liệt khác nhau. Lúc này chưa thành tựu Chánh trí nhưng hoàn cảnh không quá ảnh hưởng đến hành trình tu tập, thì có thể tuỳ duyên sống. Còn tiền thì có thể đi tu tập ở nơi này nơi khác, hết tiền cũng không sao, xem chùa nào phù hợp thì đóng đô và tu tiếp ?

Đây là chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân của tôi, để ai cần thì tham khảo ạ. Còn mỗi người sẽ có một hành trình riêng, kinh nghiệm riêng, cách thức, tư tưởng riêng.

Chúc các đạo hữu tinh tấn, nhất hướng!

Thiền sinh Tịnh Tâm

Quý vị hãy đọc các lá thư chia sẻ khác tại chuyên mục Chia sẻ trải nghiệm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *