fbpx

Kinh nghiệm và Tuệ tri

Khi thực hành Tứ Niệm Xứ có thể kinh nghiệm được kết quả tu tập nhưng phải tuệ tri tức hiểu biết đúng như thật kết quả đó, tiến trình xẩy ra kết quả đó. Khi tuệ tri được kết quả và tuệ tri tiến trình phát sinh kết quả đó thì sẽ diễn đạt được nó một cách chính xác dễ hiểu, trực quan không mơ hồ trừu tượng.

Ví dụ như có người nói: Chỉ cần Chánh niệm vào hơi thở vô ra là thấy được điều kỳ diệu. Câu nói này cũng có thể được nói ra trong hai trường hợp:

– Trường hợp thứ nhất là do nghe hoặc đọc chỗ nào đó rồi thích thú điều được người khác mô tả hoặc tình cờ một vài lần rơi vào trạng thái thoải mái nhưng không lặp lại được. Đó chính là không do kinh nghiệm mà nói, nói theo hiểu biết của người khác.

– Trường hợp thứ hai là người tu tập Chánh niệm về thân đúng, kinh nghiệm được các tầng định sơ thiền, nhị thiền, tam thiền … kinh nghiệm được trạng thái tâm trống rỗng, không khổ không vui … nhưng vì không tuệ tri các kinh nghiệm đó nên họ cũng nói: Chỉ cần Chánh niệm vào hơi thở vô ra là thấy được điều kỳ diệu.

Vậy thì kinh nghiệm rồi tuệ tri thì sẽ thấy biết và diễn đạt nó như thế nào?

Khi một người thực hành đúng và tuệ tri người đó sẽ không nói là Chánh niệm vào hơi thở. Vì sao? Người có tuệ tri sẽ hiểu đúng sự thật Chánh niệm là Nhớ Đến tích cực chú tâm ghi nhận (hay theo dõi, quan sát) Cảm giác toàn thân. Do tuệ tri về Chánh niệm như vậy người đó sẽ không diễn đạt một cách sai lạc là Chánh niệm vào hơi thở hay Chánh niệm là sự Ghi nhận hơi thở vô ra. Người đó phân biệt rạch ròi Chánh niệm khác với Chú tâm, khác với Ghi nhận, phân biệt rạch ròi hơi thở vô ra với Cảm giác thở vô ra, tuệ tri đối tượng được ghi nhận là Cảm giác thở vô, ra chứ không phải hơi thở vô, ra vật chất là luồng gió.

Nhờ có Chánh niệm : Nhớ đến tích cực chú tâm Cảm giác toàn thân người đó kinh nghiệm và tuệ tri: Sự chú tâm liên tục khít khao từ Cảm giác thở vô, cảm giác thở ra, cảm giác răng lưỡi, cảm giác nơi ngực, bụng, tay, chân … TỰ ĐỘNG xẩy ra liên tiếp từ cảm giác này sang cảm giác khác cả toàn thân. Không những tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân mà còn tích cực chú tâm ghi nhận đan xen các cảm giác âm thanh, cảm giác pháp trần…. Do tuệ tri như vậy nên vị đó sẽ không nói đưa đến người nghe hiểu là chỉ chú tâm vào hơi thở vô ra.

Người ấy tuệ tri tiếp: Nhờ sự chú tâm liên tục khít khao từ cảm giác này đến cảm giác khác trên thân, có lúc đan xen với cảm giác âm thanh hoặc cảm giác pháp trần mà phát sinh một trạng thái tâm Chánh định có thể là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền hoặc tứ thiền. Người ấy tuệ tri phân biệt được sơ thiền nhị thiền, tam thiền tứ thiền, tuệ tri được hỷ lạc (vui và thoải mái) do Chánh định phát sinh là thứ hạnh phúc nội tâm kỳ diệu, không một thứ hạnh phúc nào của thế gian có thể so sánh. Hạnh phúc đó không phải tìm cầu, không phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, không nguy hiểm, không vui ít khổ nhiều. Hạnh phúc đó đồng thời tồn tại với Khổ diệt, Niết bàn (Hết khổ). Hạnh phúc đó là thanh tịnh, là Thánh lạc, Chánh giác lạc, An tịnh lạc.

Nhờ kinh nghiệm và tuệ tri Hạnh phúc nội tâm do Chánh định khởi lên, nên cũng thấy biết như thật, nên cũng tuệ tri Hạnh phục thế gian do sắc đẹp tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, từ thế giới ngoại cảnh khởi lên, bản chất là vui ít khổ nhiều não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn. Hạnh phúc đó đưa đến bám víu, ràng buộc đưa đến khổ đau nên gọi là Phàm phu lạc, Ô uế lạc, Bất tịnh lạc.

Người ấy kinh nghiệm và tuệ tri : Nhờ Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định, lộ trình tâm lúc đó dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan ghi nhận hay nhận biết đối tượng (tâm lý học gọi là nhận thức cảm tính) mà tâm biết Ý thức không khởi lên. Trạng thái chỉ có tâm biết trực giác thuần tuý không có tâm biết ý thức xen vào được gọi là Tỉnh giác. Lúc đó sẽ tuệ tri Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận không có ý thức khởi lên nên không tìm hiểu, không nhận xét, không đánh giá đối tượng. Người ấy còn tuệ tri tâm biết Tỉnh giác đó không khái niệm, không ngôn từ, không phân biệt (vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt) còn được gọi là Không tánh hay là Tánh không.

Người ấy còn kinh nghiệm và tuệ tri : Lúc này vẫn thấy, nghe, cảm nhận mọi đối tượng thực tại đang xẩy ra nhưng với tâm biết Tỉnh giác vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt và kinh nghiệm được trạng thái tâm đó vắng mặt tham sân si, vắng mặt khổ vui với các đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận. Đó chính là tuệ tri Khổ diệt (Diệt đế) hay tuệ tri Niết bàn.

Cuối cùng người ấy tuệ tri Khổ diệt hay Niết bàn thuộc về lộ trình tâm Bát chánh đạo đang tu tập, đang khởi lên lúc này gồm:

XÚC (Căn Trần) – [Thọ – Tưởng]- Chánh Niệm – Chánh Tinh Tấn – Chánh Định – (Tỉnh giác)

Đây mới chỉ là kinh nghiệm và tuệ tri Chánh niệm về thân, còn phải kinh nghiệm và tuệ tri Chánh Niệm về thọ, về tâm, về Pháp.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (29.8.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *