Khổ vì mâu thuẫn, khổ vì cầu mong - Gosinga

Khổ vì mâu thuẫn, khổ vì cầu mong

Triết học duy vật biện chứng phát hiện ra bản chất của thế giới luôn luôn tồn tại hai mặt đối lập, mâu thuẫn chống đối nhau, phủ định lẫn nhau. Nhưng sự thật không phải vậy, vì Thực tại không phải là thế giới vật chất trong cặp nhị nguyên Con người (là chủ thể nhận thức) và Thế giới vật chất (là đối tượng được nhận thức ) như hiểu biết đã mặc định của nhân loại, mà Thực tại là TÂM do Con người và Thế giới vật chất tương tác với nhau mà phát sinh.

Vì vậy, HAI MẶT ĐỐI LẬP chống đối, mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau thuộc về nội tâm, thuộc về tâm biết ý thức nhị nguyên chứ không thuộc về Thế giới bên ngoài. Trong các cặp mâu thuẫn, đối lập đó, có một cặp mâu thuẫn đối lập là: lúc thì MUỐN THƯỜNG, lúc thì MUỐN VÔ THƯỜNG.

Khi nào MUỐN THƯỜNG? Đó là khi có đối tượng dễ chịu thì nghĩ rằng, trong đối tượng này có hạnh phúc, nó sẽ làm cho ta hạnh phúc, sẽ chấm dứt khổ cho ta nên sẽ thích thú nó (tham), do tham nên nắm giữ ràng buộc với nó, muốn nó tồn tại mãi mãi, muốn nó là của mình mãi mãi. Đây là MUỐN THƯỜNG, do muốn nó thường còn nên khi nó biến hoại, biến diệt, mất đi sầu bi khổ não sẽ khởi lên. Ví như vì yêu thương, luyến ái những người thân yêu, luyến ái tài sản danh tiếng nên nắm giữ, ràng buộc, muốn những cái đó tồn tại mãi mãi, của mình mãi mãi nên khi người thân chết, tài sản bị mất mát, danh tiếng bị xúc phạm thì sầu bi khổ não khởi lên.

Khi nào MUỐN VÔ THƯỜNG? Đó là khi có đối tượng khó chịu thì nghĩ rằng trong đối tượng này có đau khổ, nó sẽ làm ta đau khổ nên chán ghét nó (sân). Do sân nên muốn chấm dứt nó, muốn nó kết thúc, muốn đánh đuổi nó. Đây chính là MUỐN VÔ THƯỜNG, nhưng do đối tượng đó là VÔ CHỦ VÔ SỞ HỮU, nghĩa là không thể làm chủ, không thể sở hữu, không thể điều khiển được nó theo ý muốn nên sầu bi khổ não khởi lên. Ví như khi có cơn đau kéo dài, một hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, một món nợ phải trả, chán chồng hoặc chán vợ vv… muốn nó chấm dứt ngay nhưng nó không chấm dứt ngay, không vô thường ngay cho, nên sầu bi khổ não khởi lên. Không những đối tượng khó chịu mà một số đối tượng dễ chịu kéo dài quá lâu như ăn một món ngon quá lâu, ở một nơi sang trọng quá lâu … thì tâm sẽ diễn tiến từ thích chán đến ghét. Lúc đó sẽ mong cho đối tượng đó vô thường để có đối tượng mới thích hơn.

Vậy thì MUỐN đối tượng THƯỜNG hay MUỐN đối tượng VÔ THƯỜNG đều phát sinh khổ. Khổ là vì không thể đạt được ý muốn, không thể nào điều khiển được các sự vật hiện tượng theo ý muốn bởi tính chất của nó là Vô chủ Vô sở hữu hay Vô ngã. Muốn nó thường hay vô thường mà không làm được là khổ nên Phật học nói CẦU BẤT ĐẮC KHỔ là vậy.

Nếu không thích thì sẽ không cầu mong nó thường, không ghét thì sẽ không cầu mong nó vô thường, lúc đó sẽ không có khổ. Vậy thì không thích, không ghét thì sẽ không cầu mong, không cầu mong sẽ không có khổ.

Thiền sư Nguyên Tuệ (31.7.2021)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *