VÔ NGÃ LÀ GÌ? HIỂU ĐÚNG VỀ VÔ NGÃ TRONG PHẬT GIÁO

“Vô ngã” là một thuật ngữ cơ bản trong Phật học. Vô thường và Vô ngã là hai tính chất, hai tự tánh của tất cả các sự vật, hiện tượng. Vô thường đã được nói đến từ khi Phật chưa ra đời (nhưng với quan điểm: một số thường hằng, một số vô thường chứ không phải tất cả các pháp đều vô thường như sự chứng ngộ và tuyên thuyết của Đức Phật), còn về Vô ngã thì chỉ một mình Đức Phật, độc nhất vô nhị từ cổ chí kim, chứng ngộ và thuyết giảng.

Vậy, “Vô ngã” là gì? Hiểu đúng về “Vô ngã” trong Phật giáo là như thế nào? Mời quý vị đọc tiếp bài chia sẻ hôm nay.

1. Một số cách hiểu phổ biến về Vô ngã hiện nay

  • Vô ngã(無我, sa. anātman, pi. anattā), là một trong Ba pháp ấn (sa. trilakṣaṇa) (Tam Pháp Ấn) của sự vật theo Phật giáo. Vô ngã là pháp ấn chỉ có trong Phật giáo, cho rằng, không có một Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác. Nghĩa là sự vật có mặt là do duyên sinh (tùy thuộc điều kiện) khởi phát, chứ sự vật không có quyền gì với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái “tôi” là không có mà chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, sinh diệt. (theo Wikipedia)
  • Vô ngã (anatta) nghĩa đen là “không có ta”, nghĩa bóng có nhiều nghĩa, theo Phật giáo Đại thừa: vô ngã có nghĩa là “vô tự tính”; theo Phật giáo Nguyên thủy: vô ngã có nghĩa là “không phải là ta, không phải là của ta”. (theo phatgiao.org.vn)
  • Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Đó là hai mặt của thực tại. Vô ngã là một biểu hiện của vô thường cũng như vô thường là một biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là biến đổi luôn luôn. Đó là một chân lý. Vì không có gì bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt và thường hằng? Khi nói về “ngã”, ta muốn nói tới một thứ gì tự nó không thay đổi ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể có cái gì như vậy. (theo giacngo.vn)

Như vậy, mặc dù các cách diễn đạt có khác nhau, nhưng đa phần giới học Phật hiện nay đều cho rằng: “Vô ngã” nghĩa là không có cái cốt lõi, cái cốt tủy, cái trường tồn bất biến trong các Pháp, do đó, các Pháp là không có tự tánh, hay còn gọi là vô ngã.

VÔ NGÃ LÀ GÌ HIỂU ĐÚNG VỀ VÔ NGÃ TRONG PHẬT GIÁO

2. Hiểu đúng và hiểu sai về Vô ngã

2.1. Hiểu sai về Vô ngã

Vô ngã là một hệ quả được suy ra từ Lý duyên khởi (hay còn gọi là định luật Nhân – Quả), giáo lý quan trọng bậc nhất trong Đạo Phật. Đa phần giới học Phật hiện nay chưa có hiểu biết đúng sự thật về Lý duyên khởi, do đó, chưa có hiểu biết đúng sự thật về Vô ngã.

Cách hiểu về Lý duyên khởi của đa số hiện nay: Đó là cách hiểu MỘT NHÂN sinh QUẢ hay MỘT NHÂN biến đổi thành QUẢ. Ví như hạt thóc sinh ra cây mạ, cây mạ biến đổi thành cây lúa, cây lúa phát sinh ra thóc, thóc biến đổi thành gạo, gạo biến đổi thành cơm, quả chuối xanh biến đổi thành quả chuối chín, đứa trẻ biến đổi thành người lớn, tiếng trống phát ra do cái trống, nước biến thành hơi nước … Sau này, khi các bộ phái Phật giáo ra đời, trong các luận giải, các chú giải của các bộ phái Phật giáo thì có quan sát sự thật nhiều hơn. Họ thấy rằng không phải một nhân biến đổi thành quả. Quan sát ví dụ như hạt thóc biến đổi thành cây mạ, nhưng một mình hạt thóc không thể nào biến đổi thành cây mạ được, mà phải có những yếu tố như độ ẩm, đất, v.v…, nhiều yếu tố nữa. Cho nên từ đó, các tông phái chủ trương, giải thích rằng nhân quả là “nhân chính biến đổi thành quả, có các nhân phụ khác hay duyên khác trợ giúp”. Ví dụ như: hạt thóc muốn biến đổi thành cây mạ, hạt thóc là nhân chính, biến đổi thành cây mạ nhưng phải có các nhân phụ như nước, độ ẩm không khí, v.v. là nhân phụ trợ giúp.

Từ đó, họ đưa đến kết luận: Các pháp là biến đổi, từ pháp này thành pháp khác; hoặc các pháp là DUYÊN HỢP, do nhiều thành tố kết hợp với nhau mà tạo thành. Ví như, cây mạ là duyên hợp bởi các yếu tố: hạt thóc, đất, nước, độ ẩm, không khí, người nông dân, họ hàng người quen của người nông dân, v.v…rồi suy luận rộng ra là cả tam thiên đại thiên thế giới đều chứa đựng trong cây mạ đó. Bởi các pháp do nhiều yếu tố kết hợp với nhau mà tạo thành nên các pháp KHÔNG CÓ TỰ TÁNH, không có cái cốt lõi, cái trường cửu bất biến. Đó gọi là tính chất Vô ngã của các Pháp.

Với hiểu biết về Lý duyên khởi như vậy thì nhân trong quả, quả trong nhân, tương tức, tương nhập, các pháp tương quan với nhau, nối kết với nhau thành một toàn thể, và cái Toàn Thể như vậy sẽ không sinh không diệt. Trong một cái Toàn Thể như vậy, các pháp sẽ phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, giữa các pháp sẽ tồn tại mối quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân, pháp này là của pháp kia.

2.2. Hiểu đúng về Vô ngã

Để có hiểu biết đúng sự thật về “Vô ngã”, trước hết, cần có hiểu biết đúng sự thật về Lý duyên khởi (hay còn gọi là định luật Nhân – Quả), giáo lý quan trọng bậc nhất trong Đạo Phật.

Quan sát trong thực tế, chúng ta thấy rằng: tất cả các sự vật hiện tượng đều phát sinh theo định luật nhân quả theo cách thức: “Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt, mới phát sinh ra một hay nhiều quả”. Ví như có gói thuốc nhuộm đỏ và một chậu nước trong là hai nhân, nhưng hai nhân này chưa tiếp xúc nhau thì chưa có gì xảy ra. Khi hai nhân này tiếp xúc nhau, thì cả hai nhân là gói thuốc nhuộm đỏ và chậu nước trong đều cùng diệt đi và phát sinh quả là chậu thuốc nhuộm đỏ. Chậu thuốc nhuộm đỏ với cái áo trắng tiếp xúc nhau rồi cả hai cùng diệt, phát sinh cái áo đỏ và một chậu thuốc nhuộm đỏ khác có nồng độ và thể tích khác chậu thuốc nhuộm đỏ ban đầu. Viên đá lửa và bánh xe bật lửa tiếp xúc nhau rồi cùng diệt đi, phát sinh ánh lửa và viên đá mới, bánh xe mới. Trống và dùi là hai nhân, khi hai nhân đó tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt (trống cũ, dùi cũ diệt) phát sinh ra tiếng trống và trống mới, dùi mới. Oxy và Hydro là hai nhân, tiếp xúc nhau rồi cùng diệt, phát sinh ra nước, v.v…

Quán sát quan hệ giữa các pháp theo chiều thời gian và không gian, ta thấy như sau:

Theo chiều thời gian thì giữa Nhân và Quả không cùng tồn tại trong một thời điểm, nghĩa là nếu Nhân đang tồn tại thì Quả thuộc tương lai chưa sinh ra, nếu Quả đang tồn tại thì Nhân thuộc quá khứ đã diệt. Vì vậy giữa giữa Nhân và Quả không tồn tại Quan Hệ Sở Hữu, Quan Hệ Chủ Nhân. Giữa Nhân và Quả không thể tồn tại chữ “Của”. Không hề tồn tại quan hệ: tiếng trống là của cái trống, cái áo đỏ là của cái áo trắng, nước là của Oxy, v.v…

Theo chiều không gian thì giữa các pháp là hai nhân hoàn toàn bình đẳng, không có nhân chính, nhân phụ. Quan hệ giữa hai nhân là quan hệ tương tác và cùng diệt đi, không hề tồn tại quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân. Ví như cái áo trắng và chậu thuốc nhuộm, trống và dùi, oxy và hydro… đều là hai nhân bình đẳng, không nhân nào sở hữu, chủ nhân của nhân nào. Quan hệ giữa các pháp chỉ có quan hệ TƯƠNG TÁC, không tồn tại quan hệ CHỦ NHÂN, không tồn tại quan hệ SỞ HỮU.

Như vậy, tất cả các sự vật, hiện tượng (tất cả các Pháp) đều phát sinh do Duyên khởi, do có tương tác giữa 2 nhân mà khởi lên (cái áo đỏ phát sinh là do tương tác giữa cái áo trắng và chậu thuốc nhuộm đỏ, tiếng trống phát sinh là do tương tác giữa trống và dùi; nước phát sinh là do tương tác giữa oxy và hydro,v.v), chứ không phải các pháp là biến đổi từ pháp này thành pháp khác, hay các pháp là duyên hợp (do nhiều yếu tố hợp lại với nhau mà tạo thành). Các Pháp là vô chủ, vô sở hữu, không có Pháp nào là chủ nhân, chủ sở hữu của Pháp nào, không có Pháp nào làm chủ hay điều khiển được Pháp nào. Tính chất vô chủ, vô sở hữu đồng nghĩa không có cái Ta, Bản ngã nào là chủ nhân, chủ sở hữu các pháp. Vì vậy các pháp là vô ngã. 

3. Tư tưởng chấp ngã trong đời sống, nguyên nhân phát sinh và sự chấm dứt tư tưởng chấp ngã, con đường chấm dứt tư tưởng chấp ngã

3.1. Tư tưởng chấp ngã trong đời sống

Trong hiểu biết và đời sống nhân loại tồn tại một cái Ta mà tiếng Hán gọi là Ngã, là chủ nhân, chủ sở hữu của các Pháp, của thân tâm, của tâm thấy/tâm biết và của đối tượng được thấy/được biết. Ta thấy, Ta nghe, Ta ngửi, Ta nếm, Ta xúc chạm, Ta nhớ, Ta tư duy, Ta nói, Ta làm, Ta hạnh phúc, Ta đau khổ, Ta tạo nghiệp, Ta gặt hái quả của nghiệp,…; nhà của Ta, xe của Ta, gia đình Ta, con Ta, đất nước Ta,…;Ta hơn, Ta kém, Ta bằng.

Biểu hiện của cái Ta đó là tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu. Ai cũng đang sống với tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu đó: Ai cũng phấn đấu để làm chủ ruộng vườn, nhà cửa tài sản, tiền bạc, danh tiếng, tri thức, quyền lực, hạnh phúc…

Khi sống với hiểu biết có một cái Ta như vậy thì xung đột sẽ xảy ra. Mẹ nghĩ con là của Ta thì mẹ sẽ thương yêu, săn sóc, lo lắng cho con nhưng Ta sẽ điều khiển con, con phải nghe và làm theo Ta. Nhưng con cũng nghĩ mẹ là của Ta, Ta sẽ chăm sóc, thương yêu, phục vụ mẹ nhưng mẹ phải nghe Ta, mẹ phải làm theo Ta, Ta điều khiển mẹ. Và như vậy, hai cái Ta đó điều khiển nhau và xung đột xảy ra. Nguyên nhân của sự xung đột trong một gia đình, trong một gia tộc, trong một đất nước, trong một tôn giáo, hay giữa các gia đình, giữa các gia tộc, giai cấp, quốc gia, tôn giáo…chính do chấp vào cái Ta, cái Bản Ngã này. Cuộc sống của con người xoay quanh cái Ta đó, vinh danh cái Ta đó, phục vụ, bảo vệ cái Ta đó, và đặc biệt là tìm cầu hạnh phúc cho cái Ta ấy.

Vì thấy biết của Thế gian là mặc định có quan hệ sở hữu, quan hệ chủ nhân, nên đời sống thế gian xoay quanh sự chiếm hữu, phấn đấu chiếm hữu, bảo vệ chiếm hữu. Luật pháp bất kỳ một nước nào, một thể chế chính trị nào cũng đặt trên quan hệ sở hữu. Thế gian ca ngợi quyền sở hữu, quyền làm chủ: làm chủ Sinh Già Bệnh Chết, làm chủ thân tâm, làm chủ hạnh phúc, làm chủ lời nói, hành động, làm chủ gia đình, xã hội, làm chủ thiên nhiên. Cả thế gian đang sống trái với sự thật, đang phấn đấu nỗ lực để đạt được sở hữu, đạt được làm chủ, để đạt được cái không thể sở hữu, không thể làm chủ. Chính sự phi lý này, sự mâu thuẫn này, do sống trái với sự thật thực tại như vậy nên nhân loại chỉ quẩn quanh trong đau khổ.

3.2. Nguyên nhân phát sinh tư tưởng chấp ngã

Trong Phật học, tất cả các Pháp được chia thành 2 nhóm: Sắc pháp (các pháp thuộc về vật chất) và Danh pháp (các pháp thuộc về tinh thần). Các Pháp cũng có thể được chia làm năm nhóm: Sắc (vật chất) -Thọ (cảm giác) – Tưởng (tâm thấy/ tâm biết trực tiếp giác quan) – Hành (các tâm hành) – Thức (tâm biết ý thức), hay còn được gọi là Ngũ Uẩn, tất cả đều là Pháp duyên khởi và đều có tính chất Vô Ngã.

Năm Uẩn vốn vô ngã, vậy tư tưởng chấp ngã từ đâu sanh? Đức Phật đã giảng điều này trong bài Kinh Pháp Môn Căn Bản, bản kinh số một trong Trung Bộ Kinh. Nội dung của Kinh đề cập đến cái thấy và cái biết của bốn hạng người là: Phàm phu, vị Hữu học, vị A La Hán và Như Lai. Đối với cái thấy và biết của Phàm phu, Đức Phật nói như sau: “Phàm phu Tưởng tri địa đại là địa đại, vì Tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, nghĩ đến tự ngã như là địa đại, người ấy nghĩ: “Địa đại là của ta” – dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không Liễu tri địa đại.”

“Tưởng tri” là từ tiếng Hán, tri là biết, là cái Biết của Tưởng. Cụ thể là, khi căn – trần tiếp xúc phát sinh đồng thời thọ – tưởng, thì “Tưởng tri” là ghi nhận đối tượng “thọ” này, rồi người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, nghĩ đến tức là tư duy, nghĩ đến cái đối tượng được thấy đó, được Tưởng tri đó, đó chính là Tà tư duy, và do Tà tư duy mới khởi lên tâm biết ý thức có chủ thể – đối tượng. Người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã đối chiếu với địa đại, như vậy người ấy là chủ thể, có cái ta là tự ngã, đối chiếu với đối tượng được thấy, ta thấy đối tượng đó, là chủ thể của đối tượng, đấy chính là tâm biết ý thức. Đối chiếu tự ngã với đối tượng, người ấy nghĩ địa đại là của ta đó là diễn tả tâm biết ý thức, biết cái đối tượng đó là địa đại, biết cái đối tượng địa đại là của ta, như vậy là có ta biết, có của ta. Như vậy, câu này: Vì Tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, người ấy đối chiếu tự ngã với địa đại, người ấy nghĩ địa đại là của ta, có thể hiểu qua ví dụ sau: có 1 người mắt tiếp xúc với cái quạt điện, phát sinh cảm giác hình ảnh đồng thời phát sinh tâm biết nhãn thức ghi nhận cảm giác hình ảnh. Tiếp liền theo đó là Tà niệm – Tà tư duy khởi lên tâm biết ý thức: “Ta thấy cái quạt điện”, thì đó là lộ trình tâm diễn ra đối với một người bình thường chưa học đạo, gọi là lộ trình tâm Bát Tà Đạo. Cái Biết trực tiếp nhãn thức gọi là Tưởng tri đối tượng, sau khi tâm biết trực tiếp khởi lên thì tâm biết ý thức biết đối tượng đó là cái quạt, “ta thấy cái quạt” là đối chiếu tự ngã với đối tượng. Và khởi lên “cái quạt đó là của ta”, như vậy “địa đại là của ta”, đó là mô tả tâm biết ý thức tà tri kiến. Và do tâm biết ý thức tà tri kiến cho nên mới dục hỷ đối tượng, dục hỷ là tìm kiếm niềm vui trong cái đối tượng đó, tức là do tâm biết ý thức tà kiến mà khởi lên tham ái đối với đối tượng đó, tìm kiếm niềm vui hạnh phúc trong đối tượng đó, gọi là dục hỷ địa đại. Và Đức Phật nói: “Tại sao vậy? Ta nói người đó không Liễu tri địa đại”, tức là không hiểu biết đúng sự thật về đối tượng.

Như vậy, Bản ngã hay cái TA đó chính là TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ có mặt nơi tâm biết ý thức Tà tri kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu. Tư tưởng chấp ngã phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo theo duyên khởi diễn ra như sau:

XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Tà niệm – Tà tư duy – [ Ý thức tà kiến ] – Tham sân si – Tà định – ….

Ý thức tà kiến do hai tâm hành Tà niệm – Tà tư duy mà phát sinh, nghĩa là Tà niệm có nhiệm vụ tìm kiếm, kích hoạt các thông tin “cái này là của ta, là ta” như: mắt tai mũi lưỡi thân ý là của ta, là ta được lưu giữ trong kho chứa (bộ nhớ) tâm thức và Tà tư duy phân tích, so sánh, đối chiếu đối tượng với thông tin mà Tà niệm kích hoạt. Do vậy sẽ phát sinh tâm biết ý thức và tư tưởng Ta thấy, Ta nghe, Ta ngửi … chính là tư tưởng chấp ngã. Các tư tưởng chấp ngã này lại được lưu trở lại vào bộ nhớ tâm thức làm nhân cho Tà niệm kích hoạt ở lộ trình tâm sau.

3.3. Sự chấm dứt tư tưởng chấp ngã

Khi Tà niệm – Tà tư duy – Ý thức tà kiến không có mặt thì tư tưởng chấp ngã không có mặt. Hay nói cách khác, khi lộ trình tâm Bát Tà Đạo không có mặt thì tư tưởng chấp ngã không có mặt.

3.4. Con đường chấm dứt tư tưởng chấp ngã

Đó là khi có Chánh niệm về Thân – Thọ – Tâm – Pháp, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên thì không còn tư tưởng chấp ngã.

– Với Chánh niệm về thân, nghĩa là Nhớ đến chú tâm quán sát thân nơi thân, thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên như sau:

  • XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh Giác).

Khi thực hành Chánh niệm về Thân, lúc đó an trú tâm biết Tỉnh giác, tâm biết Tỉnh giác này vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt, hoàn toàn không có tư tưởng nào, vì vậy tư tưởng chấp ngã không có mặt. Lúc đó không hề tồn tại một cái Ta nào là chủ nhân chủ sở hữu, không có khái niệm về Ta. An trú như vậy, lúc đó Tuệ Tri được rằng không có tư tưởng về Bản Ngã khởi lên hay là Tuệ Tri vô ngã.

– Với Chánh niệm về thọ, về tâm, về pháp nghĩa là Nhớ đến chú tâm quán sát Thọ Tâm Pháp thì lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khởi lên như sau:

  • XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Chánh niệm – Chánh tinh tấn– Chánh định – (Tỉnh Giác) – Chánh tư duy – Ý thức Chánh kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Khi thực hành Chánh niệm về Thọ về Tâm về Pháp, Chánh tri kiến khởi lên, lúc này tâm biết ý thức Chánh kiến biết như thật đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận đó là cảm thọ, do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường, vô chủ vô sở hữu (vô ngã), nó có vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Với tâm biết Ý thức Chánh kiến như vậy không hề tồn tại một Bản Ngã nào cả, lúc đó chính là Tuệ Tri vô ngã.

Như vậy, sự chấm dứt tư tưởng chấp ngã là khi lộ trình tâm an trú tâm biết trực tiếp giác quan gọi là Tỉnh giác hoặc là tâm biết ý thức Chánh tri kiến thì lúc đó không hề tồn tại tư tưởng chấp ngã. Con đường chấm dứt tư tưởng chấp ngã là Bát Chánh Đạo, thực hành chánh niệm về Thân Thọ Tâm Pháp.

4. Quan sát sự thật Vô ngã trong thực tế

Sự thật về VÔ NGÃ đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ và thuyết giảng từ cách đây hơn 2600 năm. Tất cả các Pháp đều vô ngã, nghĩa là các Pháp vô chủ, vô sở hữu, không có bất kỳ một cái gì là chủ nhân, chủ sở hữu pháp đó hay điều khiển được pháp đó. Đây là sự thật không phải Đức Phật sáng tạo ra mà là Đức Phật phát hiện ra. Sự thật vô ngã sẽ được mỗi người tự thấy, tự biết khi quán sát Lý Duyên Khởi: Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh quả. Quả ấy là do hai nhân tiếp xúc với nhau (duyên nhau) mà phát sinh nên gọi là Pháp duyên khởi.

Trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã dùng rất nhiều phương tiện khác nhau để phân tích, hiển thị, chỉ dẫn, giảng dạy rành mạch rằng không hề có, không hề tồn tại một Bản Ngã – Linh Hồn không sanh không diệt, là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm (Sắc và Danh), rằng tất cả pháp dù là Danh hay Sắc đều VÔ NGÃ.

5. Một số câu hỏi thường gặp về Vô ngã

1. Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vô thường, vô ngã thì làm sao để duy trì liên tục?
2. Đã tư duy về Duyên khởi, về Vô ngã nhưng vẫn bị tâm sân chi phối
3. Tính chất Vô ngã của khổ, của lười nhác
4. Hạnh phúc trên Bát Chánh Đạo là hạnh phúc tự thân thì có phải vẫn trên cái tôi, cái ta, cái bản ngã không?
5. Tự ti, mặc cảm về ngoại hình thì phải làm sao?
6. Vô ngã vị tha có đúng với giáo lý Phật không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *