Hướng dẫn Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ

Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ là thực hành Chánh Niệm với 4 đề mục:

  1. Chánh Niệm về Thân
  2. Chánh Niệm về Thọ
  3. Chánh Niệm về Tâm
  4. Chánh Niệm về Pháp

Bài viết này giới thiệu đề mục thứ nhất là Chánh Niệm về Pháp còn gọi là Niệm Pháp hay Quán Pháp nơi Pháp.

Niệm Pháp (Quán Pháp nơi Pháp)

GIỚI THIỆU CHUNG

Thực hành Niệm Pháp, hay Quán Pháp nơi Pháp (gọi tắt là Quán Pháp) là rèn luyện trí nhớ Chánh về Pháp, cụ thể là Nhớ đến tích cực chú tâm quán Pháp nơi Pháp. Từ “Pháp” ở đây để chỉ cho Giáo Pháp, là những kiến thức mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng.

Thực hành Niệm Pháp đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến về Pháp, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Hướng dẫn Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ
Hướng dẫn Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ

Nên thực hành Chánh tư duy về Pháp thật thuần thục, kể cả trong định hay không trong định, để nó trở thành hiểu biết thường trực, sâu sắc. Khi đối mặt với thực tế cuộc sống thì Chánh niệm nhớ được điều đã Chánh tư duy đó, sẽ kinh nghiệm không có Tham Sân Si với đối tượng, không có Khổ.

CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI

Thực hành Niệm Pháp là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Pháp nơi Pháp, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:

  • Tuệ tri Sự giác ngộ của Đức Phật: vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.
  • Tuệ tri Lý duyên khởi.
  • Tuệ tri Tứ Thánh Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
  • Tuệ tri Không, Vô tướng, Vô tác.
  • Tuệ tri Bát Chánh Đạo: Định – Tuệ – Giới; Chỉ và Quán.

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH – Niệm Pháp

Chủ yếu thực hành trong tư thế tọa thiền.

Khởi đầu: vào định vững chắc rồi chánh tư duy theo nhịp thở về các đề mục:

Đề mục 1 – Tuệ tri sự giác ngộ của Đức Phật với 3 nội dung: tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly

  1. Tuệ tri vị ngọt: niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời này là vị ngọt, là lạc thọ (cảm giác dễ chịu). Nó có thật, là tâm chứ không phải thế giới vật chất. Nó vô thường, vô chủ sở hữu.
  2. Tuệ tri sự nguy hiểm: nếu tham ái vị ngọt (lạc thọ) thì sẽ muốn nắm giữ, ràng buộc với nó. Khi nó biến hoại biến diệt thì sầu bi khổ ưu não sẽ khởi lên. Vì vậy, THAM ÁI vị ngọt là NGUY HIỂM vì làm phát sinh khổ.
  3. Tuệ tri sự xuất ly: vì biết tham ái vị ngọt là nguy hiểm nên xuất ly khỏi nó: không còn tham với lạc thọ, không còn sân với khổ thọ, không còn si với bất khổ bất lạc thọ.

Thực hành đề mục quán Pháp này để thay đổi và sống với hiểu biết, với cách nhìn đời: TUỆ TRI VỊ NGỌT, TUỆ TRI SỰ NGUY HIỂM và TUỆ TRI SỰ XUẤT LY, chính là nhìn đời bằng Tứ Thánh Đế, nhìn đời bằng Giáo Pháp, nhìn đời bằng cái nhìn của Đức Phật. Đây là SỰ THAY ĐỔI CĂN BẢN, CỐT LÕI NHẤT của người tu học Bát Chánh Đạo.

Đề mục 2 – Tuệ tri lý duyên khởi

Lý duyên khởi là kiến thức quan trọng, nền tảng của mọi hiểu biết mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy. Cần tuệ tri hiểu biết đúng sự thật (Minh) và hiểu biết không đúng sự thật (Vô minh) về lý duyên khởi:

  • Hiểu biết Vô minh về duyên khởi: Hiểu biết một nhân biến đổi thành quả, hay có bổ sung nhân chính biến đổi thành quả có nhân phụ trợ giúp, hay có duyên trợ giúp. Quan hệ giữa các pháp là sở hữu, phụ thuộc, ràng buộc nhau, nương nhau mà tồn tại, cái này có trong cái kia: nhân trong quả – quả trong nhân.
  • Hiểu biết Minh về duyên khởi: Tất cả các sự vật, hiện tượng đều là pháp Duyên Khởi, tuân theo định luật: Hai nhân bình đẳng tương tác với nhau rồi cùng diệt mới phát sinh một hay nhiều quả. Nhân diệt quả mới sinh. Quá trình nhân quả là nối tiếp nhau, sinh diệt liên tục chứ không có một nhân quả độc lập.

Từ lý duyên khởi, suy ra được 2 hệ quả:

  • Tính chất vô thường: Các pháp sinh lên rồi diệt đi, không sẵn có, không luôn luôn có ở đâu cả. Sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu, chỉ xuất hiện một lần duy nhất.
  • Tính chất vô ngã (vô chủ vô sở hữu): Quan hệ giữa các pháp là bình đẳng, độc lập; không có chủ nhân, chủ sở hữu làm chủ, điều khiển, sở hữu các pháp, đồng nghĩa với vô ngã.

Cần tư duy, tuệ tri thật nhiều cho sâu sắc, thấm nhuần, thuần thục về Lý Duyên Khởi. Ứng dụng quán sát nó thường xuyên trong thực tiễn cuộc sống để sống bởi hiểu biết đúng về quy luật nhân quả. Khi thấy, nghe, cảm nhận bất kỳ sự việc gì trong đời thì đều hiểu đó là duyên Khởi: phải có hai nhân tương tác nhau mới phát sinh ra kết quả đó. Sẽ kinh nghiệm được với bất kỳ mối quan hệ nào, bất kỳ công việc gì, dù kết quả có xảy ra như thế nào thì cũng bình thản, không còn mâu thuẫn, xung đột, khổ vui với thành công hay thất bại, được hay mất…

Đề mục 3 – Tuệ tri Tứ Thánh Đế

Tứ Thánh Đế là bốn sự thật, bốn chân lý mà bậc Thánh đã giác ngộ.

#1. Tuệ tri Khổ đế và Tập đế (Sự thật về khổ và sự thật về nguyên nhân của khổ)

Hiểu biết Vô minh:

Khổ và nguyên nhân Khổ thuộc về thế giới vật chất bên ngoài, từ thế giới bên ngoài mà đến với con người.

Hiểu biết Minh:

  • Khổ thuộc về tâm, chứ không thuộc về thế giới vật chất. Khổ và nguyên nhân khổ phát sinh trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo.
  • Khổ và nguyên nhân Khổ là do duyên khởi, do căn trần tiếp xúc mà phát sinh. Vì vậy, Khổ và nguyên nhân Khổ đều vô thường, vô chủ sở hữu.
  • Khổ do Tham Sân Si mà khởi lên, gồm 3 loại (nói nôm na là thuộc Khổ Tâm), chiếm 90-95% tổng nỗi khổ của con người.
    • THAM làm phát sinh HOẠI KHỔ
    • SÂN làm phát sinh KHỔ KHỔ
    • SI làm phát sinh HÀNH KHỔ
  • Ngoài 3 loại Khổ phát sinh do Tham Sân Si, con người còn một cái Khổ nữa, do Thân căn tiếp xúc Xúc trần mà phát sinh cảm giác khó chịu trên thân (nói nôm na thuộc Khổ thân). Nó cũng là cảm giác, là tâm. Chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng nỗi khổ của con người.

#2. Tuệ tri Diệt đế và Đạo đế (Sự thật về khổ diệt và sự thật về con đường khổ diệt)

  • DIỆT ĐẾ: Trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo, cho dù là Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm hay Quán Pháp thì đều Tuệ tri không có Tham Sân Si, không có Khổ/ Vui với bất kỳ đối tượng nào → Đó là Tuệ tri Khổ diệt, Tuệ tri Niết Bàn hay còn gọi là TUỆ TRI DIỆT ĐẾ.
  • ĐẠO ĐẾ: Tuệ tri con đường không có Khổ, con đường Khổ diệt, hay con đường Khổ chấm dứt là BÁT CHÁNH ĐẠO. Đây chính là tuệ tri Đạo đế, tuệ tri con đường Niết Bàn, con đường không có Khổ nữa.
  • Tuệ tri con đường 2 ngã:

Đường này đến thế gian

Đường kia đến Niết bàn

Tỷ kheo đệ tử Phật

Phải hiểu biết rõ ràng.

(Pháp cú 75)

Con đường có một đoạn chung là XÚC – Thọ – Tưởng và chia làm hai ngã tại đây. Nếu Tà niệm khởi lên thì Bát Tà Đạo với Vô minh, Tham sân si, Phiền não sẽ tự động khởi lên theo định luật duyên khởi. Nếu Chánh niệm khởi lên thì Bát Chánh Đạo với Minh, với Vô Tham – Vô Sân – Vô Si, với Khổ diệt sẽ khởi lên theo định luật duyên khởi. Vì vậy, để thay đổi tâm từ Bát Tà Đạo sang Bát Chánh Đạo thì chỉ cần thay đổi từ Tà niệm sang Chánh niệm.

Niệm Pháp - Tuệ Tri Tứ Thánh Đế

Đề mục 4 – Tuệ tri Không, Vô tướng, Vô tác

KHÔNG

Khi thực hành Chánh Niệm về Thân nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân nơi Thân thì kinh nghiệm được lộ trình tâm dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan, gọi là Tâm ghi nhận, hay Tỉnh Giác. Tuệ tri được Tâm biết Tỉnh Giác là vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. → Tính chất của tâm Tỉnh giác gọi là KHÔNG TÁNH (gọi tắt là Không) – không có khái niệm, ngôn từ, phân biệt.

Khi thực hành Chánh Niệm về Thân, an trú tâm biết Tỉnh Giác, an trú Không Tánh thì kinh nghiệm được Tâm Giải Thoát. → Giải thoát này còn có một tên gọi là Không Tánh Giải Thoát, gọi tắt là KHÔNG GIẢI THOÁT.

VÔ TƯỚNG

Ám chỉ tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến, biết đúng như thật những gì được thấy, nghe, cảm nhận, nhận thức đều là TÂM chứ không phải là vật chất. Đã là Tâm thì không có tướng trạng. → Cái biết này gọi là cái biết Vô tướng, cũng có nghĩa là Không Tướng.

Khi an trú Chánh Tri Kiến, an trú Tâm Vô Tướng thì kinh nghiệm được Tuệ Giải Thoát. → Giải thoát này còn được gọi là VÔ TƯỚNG GIẢI THOÁT.

VÔ TÁC

Ám chỉ cho Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo. → Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng này không có Tham Sân Si nên không còn tạo tác Khổ Vui, nên gọi là VÔ TÁC.

Khi có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thì lúc đó kinh nghiệm Giải Thoát. → Giải thoát này gọi là VÔ TÁC GIẢI THOÁT.

Đề mục 5 – Tuệ tri Bát Chánh Đạo

  • Bát Chánh Đạo gồm 8 chi phần, có thể chia làm 3 nhóm: nhóm Định, nhóm Tuệ, nhóm Giới. Có thể gọi theo thứ tự Giới – Định – Tuệ như cách thường gọi hiện nay. Giới – Định – Tuệ thuộc về lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế.Niệm Pháp - Tuệ Tri BCĐ
  • Có một cách phân chia khác: Bát Chánh Đạo gồm CHỈ và QUÁN. Có thể thực hành Chỉ – Quán và Chỉ Quán song hành.

CHỈ

Khi thực hành Chánh Niệm về Thân thì lộ trình tâm dừng lại ở Tâm ghi nhận thuần túy gọi là Tỉnh giác:

XÚC → THỌ_TƯỞNG → CHÁNH NIỆM → CHÁNH TINH TẤN → CHÁNH ĐỊNH → (TỈNH GIÁC)

Sự thực hành như vậy gọi là CHỈ:

  • CHỈ dừng lại tâm biết trực tiếp giác quan, tâm ghi nhận.
  • CHỈ cũng có nghĩa là ĐÌNH CHỈ, không khởi lên tâm biết ý thức.

QUÁN

Khi thực hành Chánh niệm về Thọ, Tâm, Pháp thì lộ trình tâm khởi lên có tâm biết ý thức Chánh kiến. Có những lộ trình tâm khởi lên tiếp theo là Chánh ngữ/ Chánh nghiệp/ Chánh mạng:

XÚC → THỌ_TƯỞNG → CHÁNH NIỆM → CHÁNH TƯ DUY → CHÁNH TRI KIẾN → NHƯ LÝ TÁC Ý → CHÁNH NGỮ/ CHÁNH NGHIỆP/ CHÁNH MẠNG

Sự thực hành này gọi là QUÁN.

CHỈ QUÁN SONG HÀNH

Gồm 2 lộ trình tâm là lộ trình tâm Chánh niệm – Tỉnh giác và lộ trình tâm khởi lên Chánh kiến. Có những lộ trình tâm khởi lên tiếp theo là Chánh ngữ/ Chánh nghiệp/ Chánh mạng. Viết gộp lại là lộ trình tâm Bát Chánh Đạo đầy đủ:

XÚC → THỌ_TƯỞNG → CHÁNH NIỆM → CHÁNH TINH TẤN → CHÁNH ĐỊNH → (TỈNH GIÁC) → CHÁNH TƯ DUY → CHÁNH TRI KIẾN → NHƯ LÝ TÁC Ý → CHÁNH NGỮ/ CHÁNH NGHIỆP/ CHÁNH MẠNG

TỔNG KẾT CÁC ĐỀ MỤC NIỆM PHÁP

Thực hành Niệm Pháp là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Pháp nơi Pháp, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xẩy ra, đồng thời Tuệ Tri các kết quả đó.

Chánh niệm về Pháp

Xem thêm các bài viết liên quan về Tứ Niệm Xứ:

Hương tổng hợp và biên tập từ các bài giảnĐinh g của Thiền Sư Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *