Hiểu đúng và hiểu sai về ngôn từ

Ngôn từ là một sự vật hiện tượng như bao sự vật hiện tượng khác mà Phật học gọi là một pháp, và được gọi là Pháp Chế Định. Nghĩa là Ngôn từ là pháp do con người đặt ra, quy định với nhau để ám chỉ một sự vật hiện tượng nào đó. Ngôn từ có thể chia làm 2 loại. Loại thứ nhất chỉ các sự vật hiện tượng không phải động vật. Loại thứ 2 là ngôn từ chỉ động vật trong đó có con người.

Đối với loại thứ nhất, ngôn từ chỉ các sự vật hiện tượng không phải động vật thí dụ như Cái Rỗ, Xe đạp, Cái áo … thì đa phần hiểu được các ngôn từ đó do con người đặt ra để chỉ các sự vật đó. Đa phần đều phân biệt được ngôn từ và sự vật được ám chỉ là 2 cái tách biệt nhau, các ngôn từ đó là “ngôn từ suông” để ám chỉ cái rỗ, cái xe đạp, cái áo thôi. Bản chất của ngôn từ đó “trống rỗng” không có thực thể nào hiện hữu trong ngôn từ đó, nó thuần tuý chỉ là phương tiện truyền thông.

Hiểu đúng và hiểu sai về ngôn từ
Hiểu đúng và hiểu sai về ngôn từ

Đối với ngôn từ loại thứ 2 chỉ động vật như con chó, con mèo, con người, ông Hoà, bà Hợi …. kể cả danh từ chung và riêng thì có 2 cách hiểu. Một là cách hiểu không đúng sự thật về ngôn từ đó gọi là Vô minh. Hai là cách hiểu đúng sự thật về ngôn từ đó gọi là Minh.

HIỂU ĐÚNG ( MINH ) VÀ HIỂU SAI ( VÔ MINH ) VỀ NGÔN TỪ

1- Hiểu sai sự thật ( vô minh ) ngôn từ :

Đây chính là nội dung của ý thức tà kiến mang nội dung CHẤP NGÃ trên lộ trình tâm Bát tà đạo xuất phát từ quan niệm trong động vật có Linh hồn. Ví dụ ngôn từ, tên gọi ông Hoà thì cho rằng Ông Hoà là một THỰC THỂ, một chủ thể. THỰC THỂ đó là chủ nhân, chủ sở hữu của thân thể, của cảm giác, của hành vi, của hiểu biết. THỰC THỂ ông Hoà đó không những là chủ nhân chủ sở hữu mà còn là tác giả, là người làm, là người điều khiển thân thể, cảm xúc, hành vi, hiểu biết. THỰC THỂ đó là người điều khiển thân thể ( mắt tai mũi lưỡi thân ý ) điều khiển trí nhớ, điều khiển suy nghĩ, điều khiển lời nói hành động …, là chủ thể thọ lãnh hạnh phúc, khổ đau.

Hiểu biết ông Hoà là một THỰC THỂ, một CHỦ THỂ ( xuất phát từ quan niệm Linh hồn ), một tác giả, một người làm đã sai lệch nội dung NGÔN TỪ LÀ PHÁP CHẾ ĐỊNH ĐƯỢC ĐẶT RA để ám chỉ một sự vật hiện tượng nào đó. Hiểu biết đó sai khác với sự thật ngôn từ như Cái Rỗ là “ngôn từ suông” nhằm nói đến cái rỗ thôi, không có một thực thể nào trong từ cái rỗ đó.

Nói chính xác hơn, cách hiểu Ông Hoà là một thực thể, một Bản ngã là chủ nhân chủ sở hữu, là tác giả của Năm uẩn ( Năm nhóm ) Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức mà tiếng Việt là Năm nhóm : Vật chất- Cảm giác – Thấy – Hành vi – Biết ( Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là TA, là CỦA TA ). Do hiểu biết ngôn từ Ông Hoà đã mặc định là một thực thể, một chủ thể của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức như vậy mới có tư tưởng : Ông Hoà làm Ta khổ hay Ta làm Ông Hoà khổ, mới đi tìm lỗi của ông Hoà hay tìm lỗi của Ta ….

2- Hiểu đúng sự thật ( minh ) ngôn từ :

Ngôn từ chỉ động vật hay con người cũng là pháp chế định đều là NGÔN TỪ SUÔNG không phải Vật chất, Cảm giác, Thấy, Hành vi, Biết, ngôn từ này tách biệt hoàn toàn với Năm nhóm đó. Mục đích ngôn từ này là để ám chỉ, để truyền thông về Năm nhóm đó. Danh từ Ông Hoà là từ ngữ để truyền thông, để chỉ rõ Vật chất ( thân thể ) này được GỌI LÀ ÔNG HOÀ ( chứ không phải thân thể CỦA ông Hoà ). Cảm giác đau hay ngứa xuất hiện nơi thân thể đó được GỌI LÀ ÔNG HOÀ ( chứ không phải CỦA ông Hoà ). Cái Thấy ( thấy cảm giác hình ảnh, âm thanh, mùi, vị… ) xuất hiện nơi thân đó được GỌI LÀ ÔNG HOÀ ( chứ không phải CỦA ông Hoà ). Các Hành vi như nhớ nghĩ, thích ghét, lời nói, hành động … phát sinh nơi thân đó được GỌI LÀ ÔNG HOÀ ( chứ không phải CỦA ông Hoà ). Cái Biết ( ý thức ) xuất hiện nơi thân đó được GỌI LÀ ÔNG HOÀ ( chứ không phải CỦA ông Hoà ).

Năm nhóm Vật chất – Cảm giác – Thấy – Hành vi – Biết ( Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức ) là Vô thường, Vô chủ vô sở hữu, là một lộ trình DUYÊN KHỞI sinh lên rồi diệt đi NỐI TIẾP NHAU LIÊN TỤC THEO THỨ TỰ : Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành ( Vật chất – Cảm giác – Thấy – Hành vi – Biết – Hành vi ) nên danh từ ông Hoà là ám chỉ lộ trình sinh diệt liên tục nối tiếp nhau đó. Vì vậy, danh từ ông Hoà là một ngôn từ suông ( không có một thực thể, không có một chủ thể nào trong đó ) là pháp chế định dùng để ám chỉ một lộ trình Duyên Khởi sinh diệt nối tiếp nhau. Đặc biệt là dùng để truyền thông, ĐỂ PHÂN BIỆT lộ trình Duyên khởi Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này gọi là ông Hoà với lộ trình Duyên khởi Sắc Thọ Tưởng Hành Thức kia gọi là ông Quang hay bà Dung ….Không có một cái gì gọi là ông Hoà, ông Quang, bà Dung… hay Tôi, Ta cố định, thường hằng mà tất cả đều sinh lên rồi diệt đi liên tục.

Trên lộ trình tâm Bát chánh đạo có Chánh kiến là trí tuệ hiểu biết đúng sự thật TẤT CẢ CÁC PHÁP trong đó có PHÁP CHẾ ĐỊNH LÀ NGÔN TỪ nên khi truyền thông, giao tiếp vẫn sử dụng Pháp chế định Ngôn từ nhưng với ý nghĩa là hiểu biết đúng sự thật về ngôn từ, vẫn dùng từ Ta với từ Người nhưng nội dung hoàn toàn khác với thế gian, khác với nội dung vô minh chấp ngã. Từ Ta hay từ người hay ông A, bà B là để phân biệt Lộ trình sinh diệt Sắc Thọ Tưởng Hành Thức xẩy ra nơi thân này gọi là Ta, xẩy ra nơi thân kia gọi là người hay ông A, bà B….

SỰ THẬT THỰC TẠI không phải là không có ông Hoà, không có bà Dung, không có đàn ông, đàn bà, xe cộ, rừng núi …. mà chỉ có Danh và Sắc như một số tông phái chủ trương. Sự thật là, cho dù thực tại Thế gian hay Xuất thế gian thì đều tồn tại, đều hiện hữu pháp chế định là ngôn từ. Cho dù Nghĩ hay Nói đó là đàn ông, đàn bà, xe cộ, rừng núi hay Danh và Sắc hay Năm uẩn thì cũng đều là ngôn từ, đều là pháp chế định cả thôi. Điều cốt yếu là PHÂN BIỆT, TRẠCH PHÁP cho được HAI LOẠI HIỂU BIẾT VÔ MINH VÀ MINH về pháp chế định ngôn từ đó.

Bài viết được biên soạn bời Thiền Sư Nguyên Tuệ. Bài viết này được Thiền Sư Nguyên Tuệ thuyết giảng trong khoá tu thiền 9 ngày miên mật. Nếu bạn quan tâm đến khoá tu thiền này xin hãy đăng ký để tham gia.

Đăng ký khoá học thiền 9 ngày miên mật tại đây: Đăng ký khoá học thiền 9 ngày

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *