GIẢI THOÁT LÀ NHƯ THẾ NÀO - Gosinga

GIẢI THOÁT LÀ NHƯ THẾ NÀO

Câu trả lời nằm trong bài kệ thuộc Trường Bộ Kinh:
Bậc Thánh bỏ gia đình
Du hành không trú xứ.
Với dân chúng trong làng,
Không tác thành hệ lụy
Tuyệt không các dục vọng,
Không mơ ước hão huyền,
Chấm dứt mọi tranh luận
Với bất kỳ một ai.

Bài kệ này nói về vị A la hán, người đã có Chánh Trí: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa”. Bài kệ này phải được hiểu theo hai khía cạnh nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen nói về dáng vẻ bên ngoài và nghĩa bóng nói về nội tâm của vị đó.
*Bậc Thánh bỏ gia đình.
*Du hành không trú xứ.
Nghĩa là bậc Thánh đã từ bỏ tài sản lớn, tài sản nhỏ, từ bỏ bà con lớn, bà con nhỏ, từ bỏ gia đình lớn, gia đình nhỏ, xuất gia sống không gia đình. Vị ấy đi từ nơi này qua nơi khác, xin ăn để nuôi mạng, xin tấm y để che thân. Vị ấy ngủ nơi gốc cây, nơi đền miếu… dáng vẻ bề ngoài của vị ấy giống như một kẻ hành khất không tài sản, không gia đình, không thân thích, tứ cố vô thân, đi từ nơi này qua nơi khác xin miếng cơm để ăn, xin manh áo để mặc. Dáng vẻ bề ngoài của bậc Thánh cũng giống như dáng vẻ bề ngoài của kẻ hành khất tứ cố vô thân. Nhưng nghĩa bóng của hai câu này chính là nội tâm của bậc Thánh, là nội dung quan trọng cần phải khảo sát. Gia đình mà bậc Thánh đã từ bỏ không chỉ là gia đình theo nghĩa thế gian mà gia đình bậc Thánh đã từ bỏ chính là Năm Thủ Uẩn. Đối với kẻ phàm phu chấp thủ một cái Ta, Bản ngã không sinh không diệt, là chủ nhân, chủ sở hữu của sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm khởi lên năm thủ uẩn. Kẻ phàm phu đang sống với năm thủ uẩn: Ta thấy, Ta nghe, Ta ngửi, Ta nếm, Ta xúc chạm, Ta nhận thức, Ta đau, Ta ngứa, Ta nói, Ta làm, Ta đau khổ, Ta hạnh phúc… Đây là vọng tưởng và đây thực sự là gia đình của kẻ phàm phu với nghĩa sâu xa nhất. “Năm thủ uẩn là Khổ” và kẻ phàm phu đang sống với Năm thủ uẩn, sống với Khổ. Đối với Năm Thủ Uẩn, bậc Thánh đã đoạn tận, đoạn trừ, đoạn ly, đoạn xả cũng có nghĩa là bậc Thánh đã đoạn tận, đoạn trừ, đoạn ly, đoạn xả Khổ. Đó là bậc Thánh bỏ gia đình.
*Du hành không trú xứ.
Nghĩa là bậc Thánh đã đoạn trừ tham dục nên không còn thích thú, không còn dính mắc, không còn ràng buộc với bất kỳ xứ nào như Sắc xứ, Thanh xứ, Hương xứ, Vị xứ, Xúc xứ, Pháp xứ, Nhãn xứ, Nhĩ xứ, Tỉ xứ, Thiệt xứ,Thân xứ, Ý xứ.
*Với dân chúng trong làng.
*Không tác thành hệ lụy.
Nghĩa là đối với đệ tử hay với các thí chủ, không xa lánh lạnh nhạt nhưng cũng không thân mật gần gũi, khi có công việc liên quan thì không ràng buộc mình vào công việc đó.
*Tuyệt không các dục vọng.
*Không mơ ước hão huyền.
Nghĩa là đối với niềm vui, hạnh phúc, lạc thú do sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái khởi lên, chư vị không có thích thú, không có thèm muốn dục lạc ấy vì chư vị đã đoạn tận tham. Đối với những đối tượng khó chịu, chư vị không khởi lên chống đối vì đã đoạn tận sân. Không mơ ước hão huyền nghĩa là không truy tìm niềm vui, hạnh phúc trong quá khứ, không ước vọng niềm vui, hạnh phúc trong tương lai vì chư vị đã đoạn tận Si. Phần lớn sự an trú của các vị A la hán là an trú tâm biết Tỉnh giác hay còn gọi là Không tánh, đây là cái biết trực tiếp không tri thức, khái niệm, ngôn từ. Cụ thể là tâm biết nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức được tách bạch ra khỏi tâm biết ý thức nhờ Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định. Với tâm biết Không tánh này thì không có khái niệm quá khứ, hiện tại, vị lai, không có gì ở phía trước, không có cái gì ở phía sau, không có tương lai nào hiện hữu, không có đời này, không có đời sau, không có khoảng giữa hai đời.
*Chấm dứt mọi tranh luận.
*Với bất kỳ một ai.
Nhân loại luôn luôn ở trong sự tranh luận Đúng và Sai. Đúng và Sai được hiểu là đúng hay sai với sự thật nhưng khái niệm đúng và sai mà con người đang dùng để tranh luận là kinh nghiệm cá nhân, nó tùy thuộc vào kho “tri thức hiểu biết” của mỗi người đã được học hỏi và tích lũy trong quá khứ. Nhưng mọi tri thức hiểu biết này lại nhuộm màu Thường kiến và Ngã kiến nên nó là cái hiểu biết không đúng sự thật gọi là Vô Minh, là vọng tưởng, là Tà kiến. Bậc Thánh có Chánh kiến, là hiểu biết đúng như thật thực tại gọi là Minh, là Trí tuệ sẽ không tranh luận với bất kỳ một ai trên đời. Một trong những pháp sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt qua những tư duy lý luận suông chỉ có người Trí mới có khả năng nhận hiểu. Đó là định lý Duyên Khởi mà bậc Thánh đã giác ngộ. Ví như khi có một viên đường tiếp xúc với lưỡi (một người khỏe mạnh) ai cũng cảm nhận được vị ngọt cho dù là Phàm hay Thánh. Cảm nhận vị ngọt là tâm biết trực tiếp gọi là Thiệt thức, Phàm Thánh đều như nhau. Nhưng hiểu biết về vị ngọt ( tâm biết ý thức) thì phàm thánh lại khác nhau.
– Cảm nhận vị ngọt rồi kẻ phàm phu khởi lên cái biết ý thức, hiểu biết vị ngọt là vật chất, sẵn có trong viên đường (thường trú trong viên đường), vị ngọt là của viên đường. Đó là vô minh, là Tà kiến.
– Bậc Thánh quán sát nơi sự thật: có viên đường và lưỡi, tức có đủ hai nhân nhưng chưa có sự tiếp xúc thì chưa có vị ngọt nào phát sinh cả. Khi viên đường tiếp xúc với lưỡi thì lập tức phát sinh cảm giác vị ngọt. Cảm giác vị ngọt do duyên xúc mà phát sinh nên gọi là pháp Duyên khởi và nó là tâm chứ không phải vật. Xúc sinh cảm giác sinh, xúc diệt cảm giác diệt. Cảm giác vị ngọt sinh lên rồi diệt đi, không sẵn có nơi viên đường, không thường hằng, không thường trú nơi viên đường nên nó Vô thường. Cảm giác vị ngọt không phải của lưỡi, không phải của viên đường nên nó Vô chủ, vô sở hữu ( Vô ngã ). Đó là minh, là Chánh kiến.
Bậc Thánh giác ngộ lý Duyên khởi, biết như thật cảm giác vị ngọt đó là Tâm (không phải vật), nó vô thường, nó vô chủ, vô sở hữu (vô ngã) và bậc Thánh cũng biết như thật rằng: hiểu biết vị ngọt nằm trong đường, vị ngọt là của đường, vị ngọt là vật chất là thường kiến và ngã kiến, là vô minh vọng tưởng. Khi đã tuệ tri như vậy bậc Thánh sẽ không có phân vân, lưỡng lự, không có nghi ngờ, do dự về sự thật duyên khởi, nên vị ấy sẽ không khởi lên tranh luận với thế gian, không khởi lên tranh luận: nóng không nằm trong lửa, lạnh không nằm trong nước đá, ngọt không nằm trong đường, mặn không nằm trong muối, ngon, dở không nằm trong thức ăn v.v… bởi vị ấy biết rõ rằng: tuy những điều này là sự thật, nhưng cái hiểu biết vô minh vọng tưởng của nhân loại sẽ cho rằng người nói như vậy chắc là bị điên. Điều này đã được Đức Thế Tôn nói rõ trong Kinh Mật Hoàn: Pháp mà Ta thuyết giảng không tranh luận một ai ở đời.

Đại đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *