ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục do Đức Phật khám phá và truyền dạy dựa trên Quy luật Duyên khởi hay Quy luật Nhân Quả. Quy luật Nhân Quả là Hai Nhân tiếp xúc ( hay tương tác ) với nhau rồi cùng diệt và phát sinh ra các Quả. Và một trong những tính chất của quy luật đó là từ Nhân phát sinh ra Quả chứ không có chiều ngược lại là từ Quả phát sinh ra Nhân. Ví như Gốc cây phát sinh ra Cành ngọn chứ Cành ngọn không thể phát sinh ra Gốc cây được. Vì vậy, để thay đổi Kết Quả thì phải tác động vào Nhân chứ không thể tác động vào Quả được.

Lộ trình Nhân Quả xẩy ra theo trình tự: Khi Căn Trần tiếp xúc nhau thì đầu tiên xuất hiện ĐỐI TƯỢNG đồng thời xuất hiện cái THẤY, thấy đối tượng. Tiếp đến xuất hiện cái BIẾT, biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Do THẤY và BIẾT mà sẽ phát sinh THÁI ĐỘ ( thích, ghét hay không thích không ghét ). Do THÁI ĐỘ mà sẽ phát sinh LỜI NÓI, HÀNH ĐỘNG phản ứng với đối tượng. Do LỜI NÓI, HÀNH ĐỘNG mà sẽ phát sinh KHỔ hoặc VUI với đối tượng.

Theo lộ trình Nhân Quả này thì Thái độ, Phản ứng, Kết quả Khổ Vui với đối tượng phát sinh từ cái gốc là THẤY và BIẾT. THẤY và BIẾT là Nhân còn Thái độ, Lời nói, Hành động, Khổ Vui là kết quả từ Nhân đó. Ví như THẤY và BIẾT là GỐC cây còn Thái độ, Lời nói, Hành động, Khổ Vui là NGỌN cây, vì thế GỐC cây sinh ra NGỌN cây chứ NGỌN KHÔNG THỂ SINH RA GỐC ĐƯỢC.

Nền Giáo Dục thế gian của nhân loại chỉ tập trung vào giáo dục Cành Ngọn nhằm thay đổi Cành Ngọn chứ không có hoạt động nào tác động vào Cội Gốc, thay đổi Cội Gốc. Ngược lại nền Giáo Dục mà Đức Phật truyền dạy là thay đổi Cội Gốc, thay đổi THẤY và BIẾT thì Cành Ngọn sẽ tự động thay đổi.

*THẤY là loại tâm phát sinh nơi các giác quan Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý ( gồm sáu cái THẤY đặt tên là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức ) có phận sự thấy, nghe, cảm nhận các đối tượng hay ghi nhận các đối tượng mà Triết học và Tâm lý học gọi là Nhận Thức Cảm Tính đối tượng, thuật ngữ Phật học gọi chung là Tưởng.

*BIẾT là tâm biết Ý thức phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ có phận sự BIẾT ( hiểu biết ) đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao, mà Triết học và Tâm lý học gọi là Nhận Thức Lý Tính đối tượng, thuật ngữ Phật học gọi là Thức.

Bài kinh Pháp môn căn bản đã chỉ rõ THẤY và BIẾT của Phàm và Thánh :

1- THẤY và BIẾT của Phàm là trên lộ trình tâm Bát tà đạo: THẤY LÀ TƯỞNG TRI và BIẾT LÀ TÀ KIẾN KHÔNG LIỄU TRI.

2- THẤY và BIẾT của Thánh là trên lộ trình tâm Bát chánh đạo : THẤY LÀ THẮNG TRI LÀ TỈNH GIÁC và BIẾT LÀ CHÁNH KIẾN LIỄU TRI

Bài kinh đã chỉ rõ nền Giáo Dục mà Đức Phật khám phá và truyền dạy là Giáo Dục cái Gốc THẤY và BIẾT chứ không phải Giáo dục Cành Ngọn là Thái độ, Lời nói, Hành động, Khổ Vui. Nghĩa là Giáo Dục để thay đổi THẤY và BIẾT là TƯỞNG TRI và TÀ KIẾN sang thành THẤY và BIẾT là THẮNG TRI và CHÁNH KIẾN.

Đặc trưng của giáo dục phật giáo

1. Nền Giáo Dục thế gian

Đối với nền Giáo Dục thế gian là giáo dục để thay đổi Cành Ngọn: Mục đích của nền giáo dục mà nhân loại hướng đến là để cho con người sống một cuộc sống Hết Khổ Được Vui cả về vật chất lẫn tinh thần.

Thẳm sâu trong tâm thức dù trẻ con hay người lớn đều mơ ước những điều tốt đẹp, đều hướng đến chân thiện mỹ. Trẻ con trong thẳm sâu, đứa nào cũng đều muốn được là con ngoan trò giỏi, nghe lời bố mẹ thầy cô, muốn giúp đỡ bố mẹ trong công việc hàng ngày, muốn thân thiện với bạn bè, muốn khi nào cũng sống với tâm trạng tích cực vui, thoải mái, muốn chấm dứt tình trạng căng thẳng, áp lực, mệt mỏi, uể oải chán chường. Người lớn cũng chẳng khác gì, cũng toàn những mơ ước tốt đẹp, muốn sống một cuộc đời cho thật ý nghĩa, cao đẹp không phải là “cái giá treo áo, cái túi đựng cơm”, không muốn sống một cuộc đời vô nghĩa, ác ý bạo tàn, không muốn sống với tâm trạng căng thẳng, bực bội, mệt mỏi, uể oải chán chường ….

Nền giáo dục nhân loại hướng đến những giá trị nhân văn cao đẹp, đến chân thiện mỹ, đến độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc, đến tình người, tình đồng loại, đến bảo vệ môi trường sống, đến phi bạo lực… Một hình thức khác của Giáo dục nhân loại là giáo dục răn đe không những với quy tắc, quy ước riêng lẻ tuỳ nơi tuỳ lúc mà có cả hệ thống đồ độ gồm bộ máy nhà nước, cảnh sát, toà án với vô số điều luật dân sự, hình sự tỷ mỷ…. để răn đe, để chế tài, để ngăn ngừa tội ác, gian tham, bạo lực ….

Con người từ khi được sinh ra là đã có cái THẤY hoàn chỉnh phát sinh khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần không cần học hỏi, còn cái BIẾT phát sinh nơi tế bào thần kinh não bộ phải do Học hỏi từ nền Giáo Dục nhân loại mới có được. Từ đứa trẻ mới sinh ra cho đến người già đều phải tiếp thu nền Giáo dục nhân loại với nhiều hình thức khác nhau. Tuy vậy, nền giáo dục đồ sộ của nhân loại từ vật chất cho đến tinh thần hướng đến kết quả tối hậu là HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI nhưng kết quả đạt được lại hết sức nhỏ bé. Hai mặt của nó, Tích cực và Tiêu cực, Chân thiện mỹ và Giả xấu ác vẫn song hành nhưng mặt Tiêu cực, Giả xấu ác ngày càng gia tăng nhanh chóng hơn.

Trẻ em vẫn học tập với áp lực, căng thẳng, chán chường, trầm cảm, vẫn hỗn láo với cha mẹ thầy cô, vẫn bạo lực học đường, vẫn lười biếng với công việc, tệ nạn ngày càng gia tăng … Cuộc sống người lớn ngày càng nhiều áp lực, căng thẳng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chán chường, lo âu trầm cảm khủng khiếp. Luật pháp bổ sung các điều luật để ngăn chặn, răn đe tội phạm không xuể với những cách thức phạm tội ngày càng mới, càng tinh vi hơn ….Kết quả của nền giáo dục này CHỈ ĐỔI CÁI KHỔ NÀY LẤY CÁI KHỔ KHÁC chứ không HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI như mục đích, như mong ước của nhân loại.

Vì sao lại như vậy ? Vì nền giáo dục này là giáo dục để thay đổi Cành Ngọn mà không để ý đến cái Cội Gốc phát sinh ra Cành Ngọn ấy. Cội Gốc là THẤY và BIẾT trên lộ trình tâm Bát tà đạo khởi lên nơi mỗi người khi sáu Căn tiếp xúc sáu Trần.

XÚC : [Thọ – Tưởng ]- Tà niệm – Tà tư duy – Tà tri kiến….

THẤY và BIẾT đó là Tưởng tri và Tà kiến. Tưởng tri là cái THẤY đi liền với cái BIẾT Tà kiến, nghĩa là THẤY rồi BIẾT tà kiến xuất hiện ngay liền (biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao). Cái BIẾT tà kiến là hiểu biết sai sự thật, là vô minh chấp ngã, tự nó đã có 2 mặt mâu thuẫn đối lập, chống đối nhau. Cho nên THẤY và BIẾT này phát sinh Tham Sân Si mà tiếng Việt là Thích, Ghét, Chán ( nói cho thuận là Thích Chán Ghét ).

Nền giáo dục nhân loại dựa trên Cội Gốc là THẤY BIẾT tà kiến, vô minh chấp ngã, có thích chán ghét, có hai mặt mâu thuẩn, đối lập, chống đối nhau nên mọi Cành Ngọn phát sinh đều có nội dung của Cội Gốc. Nền giáo dục đó phát triển cả 2 mặt đối lập : thích và ghét, tích cực và tiêu cực, tự cao và tự ty, tự do và nô lệ, giải thoát và ràng buộc, dân chủ và độc tài, yêu thương và bạo lực, thoải mái và căng thẳng, chung thuỷ và ngoại tình ….

Và Kết Quả của nền giáo dục này là mọi kiến thức, mọi kỹ năng sống mà con người tiếp thu đều phát sinh Thích Chán Ghét ( Tham Sân Si ) đều đưa đến Khổ. Thích thì có Vui, Chán Ghét thì Khổ nhưng Vui thì ít mà Khổ thì nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn. Vả lại Vui đó đưa đến bám vúi, nắm giữ, ràng buộc nên khi Vui đó mất đi thì sầu bi khổ não khởi lên, Vui đó đưa đến khổ.

2. Nền giáo dục mà Đức Phật truyền dạy

Nền giáo dục mà Đức Phật truyền dạy là thay đổi Cội Gốc THẤY BIẾT thì kết quả Cành Ngọn sẽ thay đổi theo. Đó là thay đổi THẤY và BIẾT từ Tưởng tri và Tà kiến thành THẤY và BIẾT Thắng tri và Chánh kiến.

* Thay đổi THẤY từ Tưởng tri thành Thắng tri (Tỉnh giác ). Đó là thực hành Trí nhớ Chánh về thân ( Chánh niệm về thân ) để tách rời cái THẤY ra khỏi cái BIẾT, để kinh nghiệm và an trú cái THẤY thuần tuý không có cái BIẾT tà kiến xen vào ( Thấy đối tượng mà không suy nghĩ về đối tượng ). Đó chính là tu tập Chánh Định để kinh nghiệm cái THẤY thuần tuý gọi là Thắng tri hay Tỉnh Giác, để an trú, để tuệ tri cái THẤY thuần tuý gọi là Tỉnh giác là Không Tánh ( Tánh Không ) nghĩa là cái Thấy có tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt, không phát sinh Tham Sân Si.

XÚC : [Thọ – Tưởng]- Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – ( Tỉnh giác )

Với Chánh định để thay đổi cái THẤY, tách cái THẤY ra khỏi cái BIẾT tà kiến thì sẽ kinh nghiệm được tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái. Và Cội Gốc đã thay đổi thì Kết Quả Cành Ngọn sẽ thay đổi theo. Lúc đó sẽ học tập, làm việc với tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái, sẽ chấm dứt áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, ghét bỏ khi học tập làm việc cho cả người lớn và trẻ em. Với tâm trạng Tích cực Vui, Thoải mái thì sẽ đối xử với mọi người bằng lời nói, hành động tử tế, ân cần, đúng mực không còn bạo lực, oán ghét nhau…. Kết quả của giáo dục thay đổi cái THẤY là HẾT KHỔ ĐƯỢC VUI NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY.

* Thay đổi cái BIẾT từ Ý thức Tà kiến sang Ý thức Chánh kiến. Đó là thực hành Chánh niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp theo tiến trình Văn – Tư – Tu. Lộ trình tâm đó là :

XÚC : [Thọ – Tưởng ]- Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến ..

Chánh tri kiến là cái BIẾT đúng sự thật, là Minh, là Trí tuệ. Đó là hiểu biết đúng sự thật tất cả pháp gồm Danh và Sắc gọi là Liễu tri các pháp, là hiểu biết đúng sự thật Thực tại, Duyên khởi, Vô thường, Vô chủ vô sở hữu, Vô ngã, Khổ Tập Diệt Đạo ….

Cội Gốc BIẾT thay đổi không còn phát sinh Tham Sân Si, không còn phát sinh Khổ thì mọi Kết Quả thuộc về Cành Ngọn sẽ tự động thay đổi theo. Đó là thái độ, lời nói, hành động sẽ có kết quả là CHẤM DỨT KHỔ NGAY BÂY GIỜ VÀ TẠI ĐÂY.

KẾT LUẬN:

Nền Giáo dục Phật giáo mà Đức Phật đã khám phá và truyền day là thay đổi CỘI GỐC THẤY BIẾT chứ không phải là thay đổi CÀNH NGỌN là thái độ, lời nói, hành động, khổ vui. Lý do là Cành Ngọn phát sinh từ Cội Gốc nên khi tác động vào Cội Gốc làm Cội Gốc thay đổi thì Cành Ngọn sẽ tự động thay đổi theo quy luật Nhân Quả. Thực hành ĐỊNH để thay đổi THẤY, thực hành TUỆ để thay đổi BIẾT.

*Để thay đổi Cội Gốc THẤY từ THẤY là Tưởng tri sang THẤY là Thắng tri, Tỉnh giác thì phải tu tập Chánh định mà cụ thể là CHÚ TÂM LIÊN TỤC KHÔNG TẬP TRUNG ( chú tâm không tầm không tứ ). Điều này dễ dàng làm được nếu Trí nhớ Chánh ( Chánh niệm ) được rèn luyện thành tựu. Đó là : Nhớ đến ngậm chặt răng lưỡi và nhớ đến ( nghĩ đến ) Thấy.

* Để thay đổi Cội Gốc BIẾT từ Ý thức Tà kiến sang Ý thức Chánh kiến thì phải tu tập Tuệ theo tiến trình VĂN – TƯ – TU. Văn và Tư là bước chuẩn bị để cho Tu khởi lên. Và Tu khởi lên cái BIẾT Chánh kiến, liễu tri tất cả pháp thì phải rèn luyện Trí nhớ Chánh hay Chánh niệm về Thọ, Chánh niệm về Tâm, Chánh niệm về Pháp.

Tác giả: Thiền sư Nguyên Tuệ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *