Một số Câu hỏi thường gặp về Chánh Niệm

1. Chánh Niệm về tham, sân, si

HỎI

Có phải Chánh Niệm là “Nhớ đến chú tâm quán sát Tham Sân Si” và lúc đó Tham Sân Si sẽ diệt đi không?

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Có vấn đề mà nhiều người tu tập băn khoăn: Có phải Chánh Niệm là “Nhớ đến chú tâm quan sát Tham Sân Si” và lúc đó Tham Sân Si sẽ diệt đi không? Có phải khi Tham Sân Si khởi lên thì chỉ cần biết có Tham Sân Si là đủ, và sống trọn vẹn với “cái thực tại đang là” ấy không? Đây là những hiểu lầm, hiểu sai rất tai hại khi tu tập Giáo Pháp, nó xuất phát từ tư duy, lý luận suông mà tưởng tượng ra các kiến giải như vậy.

Trong Thực tại Thế gian của Phàm phu có Vô minh, có Tham Sân Si, có Phiền Não, thì Ý thức Tà Tri Kiến khi có Tham vẫn biết có tham, khi có Sân vẫn biết có sân, khi có Si vẫn biết có si, chứ không phải không biết, nhưng là hiểu biết Tà kiến về Tham Sân Si chứ không phải Chánh kiến về Tham Sân Si, nên Tham Sân Si sẽ tăng trưởng chứ không đoạn diệt, bởi Tà kiến là Nguyên nhân phát sinh Tham Sân Si.

Ý thức Tà Tri Kiến, Vô minh biết Tham là một đối tượng Dễ chịu, sẽ mang lại Hạnh phúc, sẽ Chấm dứt Khổ cho Ta, nên khi biết có Tham, thì Tham phát sinh tiếp (Tham sẽ tăng trưởng). Ý thức Tà Tri Kiến biết Sân là một đối tượng Khó chịu, sẽ mang Đau khổ đến cho Ta, phải xua đuổi nó, nên khi biết có Sân, thì Sân sẽ tiếp tục phát sinh, tăng trưởng.

Ý thức Tà Tri Kiến biết Si là hành vi tìm kiếm đối tượng Dễ chịu (Hạnh phúc) để thay thế đối tượng Trung tính, sẽ mang Hạnh phúc đến, sẽ Chấm dứt Khổ cho Ta, nên khi biết có Si, thì Si sẽ tiếp tục phát sinh, tăng trưởng.

Khi một lộ trình tâm có Tham Sân Si, thì lộ trình tâm đó là Bát Tà Đạo thuộc về Phàm phu, đương nhiên lộ trình tâm đó có Ý thức Tà Tri Kiến là Vô minh do Tà Niệm – Tà Tư Duy phát sinh và như vậy, không thể có mặt Chánh Niệm để mà quan sát Tham Sân Si. Vì vậy, không thể có sự kiện dùng Chánh Niệm để quán sát, diệt trừ Tham Sân Si, và càng không thể sống trọn vẹn với thực tại có Tham Sân Si mà lại Giải thoát, không có Phiền não. Sự kiện này không thể xảy ra.

TU LÀ LÀM KHỞI LÊN BÁT CHÁNH ĐẠO SIÊU THẾ, lúc đó Thực tại Xuất Thế gian được khởi lên. Vì vậy, Thực tại Thế gian được nhiếp phục, không khởi lên. Hành giả an trú Thực tại Xuất Thế gian thì đâu có Tham Sân Si để mà quan sát. Trong khoảng thời gian đó không hề tồn tại Tham Sân Si, nên không thể có sự kiện: dùng Chánh Niệm để quan sát Tham Sân Si.

Chỉ cần thực hành Chánh Niệm, lúc đó Bát Chánh Đạo khởi lên và Ý thức Chánh Tri Kiến sẽ Tuệ tri không có tham, không có sân, không có si và đó cũng là TUỆ TRI KHỔ DIỆT, TUỆ TRI NIẾT BÀN. Sự thực hành mà Đức Phật dạy chỉ tóm gọn trong một câu: Ngồi kiết già lưng thẳng, an trú Chánh Niệm trước mặt là vậy.

Trong kinh Niệm Xứ thuộc Trung Bộ Kinh, phần Quán Tâm có nói: khi có tâm tham, “tuệ tri” tâm có tham, khi có tâm sân “tuệ tri” tâm có sân, khi có tâm si, “tuệ tri” tâm có si, có trái với giải thích trên không? Phải hiểu “tuệ tri” Tham Sân Si là tâm biết ý thức Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo có nội dung: biết như thật Tham Sân Si là Nguy hiểm, Tham Sân Si là Nhân sanh Khổ. Điều này phải xảy ra trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo vào thời điểm đã kết thúc lộ trình tâm Bát Tà Đạo có Tham Sân Si trước đó.

Ví như trong khoảng thời gian 3 phút, Bát Tà Đạo có mặt với Tham Sân Si, nhưng hết 3 phút thì một lộ trình tâm có Chánh Niệm, tức Bát Chánh Đạo khởi lên, lúc đó Ý thức Chánh Tri Kiến biết có Tham, hoặc biết có Sân, hoặc biết có Si của lộ trình Bát Tà Đạo TRƯỚC ĐÓ VÀ ĐÃ DIỆT. Chánh Tri Kiến biết như thật (nhưng là biết về lộ trình Bát Tà Đạo đã diệt), Tham Sân Si là nguy hiểm, Tham Sân Si là nhân sanh khổ thì Tham Sân Si không thể tiếp tục khởi lên. Đây gọi là Tuệ tri Tham, Tuệ tri Sân, Tuệ tri Si.

Xem đầy đủ câu trả lời tại bài viết “Chánh Niệm về tham sân si” – Đại đức Nguyên Tuệ

 

2. Chánh Niệm về cảm giác pháp trần

HỎI

Thưa Sư, khi toạ thiền được một lúc thì xuất hiện rất nhiều cảm giác pháp trần khởi lên. Con vẫn quán thọ, thọ… đó là tâm chứ không phải cảnh… Nhưng đôi khi cảm giác đó quá mạnh khiến con bị cuốn vào và đánh mất Chánh Niệm. Khi phát hiện ra con lại tiếp tục quán, đôi khi còn mở mắt ra một lúc hoặc chuyển sang thiền hành rồi mới quay lại thiền toạ tiếp. Nhưng vẫn bị gặp những cảm giác đó cuốn mình đi nhiều lần. Con muốn hỏi là như thế có phải là con chưa vào định vững chắc đúng không ạ? Và làm thế nào để giữ được định vững chắc trước những cảm giác pháp trần xuất hiện nhiều như thế ạ? Mong Sư khai thị giúp con!

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Như thế cũng được nhưng tốt nhất là lúc đó chuyển sang Quán thọ. Quán đó là Thọ, là Cảm giác pháp trần, nó là tâm chứ không phải cảnh vật bên ngoài, nó do Ý căn tương tác với thông tin pháp trần mà phát sinh, nó phát sinh nơi đầu óc. Nhiều lần quán thọ cho Tuệ thuần thục thì khi nó khởi lên Quán thọ thì những cái đó không còn lôi cuốn, không còn chi phối.

 

HỎI

Thưa Sư! Khi con ngồi thiền quán thân con có nhiều cảm giác pháp trần. Điều này làm ảnh hưởng đến sự chú tâm liên tục. Vậy khi ngồi thiền quán thân con nhận biết đó là cảm giác pháp trần rồi tiếp tục duy trì vào cảm giác thở vào, ra, dừng rồi cứ tiếp tục vậy có đúng không ạ? Xin Sư chỉ cho con làm sao để bớt đi cảm giác pháp trần ạ?

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Mục đích thực hành Chánh Niệm nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân là để đạt được, kinh nghiệm được tâm biết Tỉnh giác, là tâm biết trực tiếp giác quan thuần tuý không có tâm biết ý thức khởi lên, lúc này thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, cảm nhận chỉ là cảm nhận mà không suy nghĩ, nhận xét, đánh giá đối tượng. Và nhờ vậy mà không yêu ghét, không khổ vui, giải thoát khỏi đối tượng. Chứ không phải mục đích để thay đổi thực tại, làm cho đối tượng này tồn tại hay làm cho đối tượng kia mất đi.

Khi nhắm mắt lại mà có hình ảnh xuất hiện trước mặt thì đó là Cảm giác pháp trần xuất hiện, đồng thời cũng xuất hiện Tưởng thức “thấy” cảm giác pháp trần. Lúc đó vẫn nhớ đến xiết chặt răng lưỡi và tự động có sự chú tâm đan xen giữa cảm giác răng lưỡi và Cảm giác pháp trần. Lúc đó cứ để tự nhiên và kinh nghiệm được chỉ thấy hình ảnh pháp trần đó rồi sang hình ảnh pháp trần khác như một cuộn phim thôi, không suy nghĩ gì về nó. Đó chính là Tỉnh giác đối với pháp trần.

Xiết chặt răng lưỡi và để tự nhiên thì hình ảnh pháp trần nó tự đến rồi tự đi, không ràng buộc gì với nó cả. Như vậy thì hình ảnh pháp trần có làm phiền quý vị gì đâu mà phải học cách giảm bớt nó đi.

 

3. Hỏi về quán Thọ (Chánh Niệm về Thọ) trong Kinh điển

HỎI

Thưa sư trong kinh Tứ Niệm xứ có nhắc tới trong phần quán thọ:

“Nầy các Tỳ Khưu; như thế nào là; quán thọ trong thọ?

Người tu tập ấy:

Khi cảm thọ lạc; sáng suốt biết rõ: đang cảm thọ lạc

Khi cảm thọ khổ sáng suốt biết rõ: đang cảm thọ khổ.

….”

Như vậy khi mình thực tập quán các cảm thọ (cảm giác) thì sư có hướng dẫn là mình chỉ chú tâm ghi nhận các cảm giác và dừng lại ở đó không khởi lên ý thức phân biệt, phán xét, phân tích xem nó khó chịu hay dễ chịu, không có thái độ tham sân si với cảm giác đó để trải nghiệm tâm trống rỗng, giải thoát.

Con xin sư khai sáng con thêm về phần này ạ. Con xin cảm ơn sư.

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Hãy học một khoá 9 ngày có đầy đủ Pháp học, Pháp hành, Pháp thành rồi mới hiểu được câu: Khoan vội tin cũng khoan vội bác bỏ kể cả những điều trong kinh điển, kể cả những điều trong kinh điển được đa phần chấp nhận, được các vị thượng toạ, hoà thượng khẳng định đó là lời Phật dạy.

Ngay câu trích dẫn đầu tiên có trong kinh điển:

Khi cảm thọ lạc; sáng suốt biết rõ đang cảm thọ lạc

Khi cảm thọ khổ, sáng suốt biết rõ đang cảm thọ khổ…

Đây không hiểu là cái sai của kinh điển, của người kết tập hay cái sai của người dịch. Vì sao? Vì đây là cái biết bình thường của một người bình thường đang xảy ra hàng ngày trong đời sống nhân loại. Theo văn và nghĩa của các câu này thì sáng suốt biết rõ là khi tỉnh táo, không buồn ngủ, hôn trầm rã rượi thì lúc đó ai ai cũng sáng suốt biết rõ đang cảm nhận lạc hay khổ. Một người bình thường về đầu óc thì khi có lạc hay khi có khổ thì họ đều biết rõ. Chỉ có những người bất thường, đầu óc có vấn đề hay bị bại não mới không sáng suốt biết rõ, mới đảo ngược khi cảm nhận lạc thì cho là khổ, khi cảm nhận khổ lại cho là lạc. Vậy thì chỉ khi một người bất bình thường thấy khổ thì cho là lạc, thấy lạc cho là khổ mới phải dạy cho người đó tu tập: cảm thọ lạc phải sáng suốt biết rõ đây là thọ lạc…

Vậy có phải Giáo pháp Đức Phật là để dạy cho người bất bình thường chứ không phải cho người bình thường?

Câu đó phải là như thế này:

– Khi có thọ lạc TUỆ TRI thọ lạc

– Khi có thọ khổ TUỆ TRI thọ khổ.

Và TUỆ TRI thọ lạc, thọ khổ, thọ bất khổ bất lạc là như thế nào thì phải theo tiến trình Văn – Tư – Tu, phải bắt đầu từ sự tuệ tri câu nói : “Này các Tỷ kheo, Như Lai nhờ tuệ tri sự sinh diệt của Thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của Thọ mà Như Lai giải thoát hoàn toàn không còn chấp thủ”.

Quán thọ nơi thọ là quán sát và tuệ tri thọ khi Cảm thọ (Cảm giác) đó đang có mặt, đang hiện hữu để THẤY và BIẾT CẢM THỌ với Tỉnh Giác và Chánh Kiến:

– Với Chánh Niệm về thân: sẽ kinh nghiệm chỉ có tâm biết trực tiếp (trực giác) GHI NHẬN THUẦN TUÝ đối tượng (Cảm thọ) mà không có tâm ý thức (tâm nhận thức) nên không suy nghĩ, tìm hiểu, nhận xét, đánh giá, phân biệt, không thích ghét, không khổ vui. Đây là TỈNH GIÁC với đối tượng.

– Với Chánh Niệm về Thọ, về Tâm, về Pháp thì sau khi Ghi nhận đối tượng với Tỉnh Giác, Chánh Kiến sẽ khởi lên sẽ TUỆ TRI đối tượng được Ghi nhân đó là Cảm thọ (Cảm giác) do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó là Tâm chứ không phải Vật, nó Vô thường, Vô chủ Vô sở hữu, nó có Vị ngọt (phân biệt Lạc thọ, Khổ thọ, Bất khổ bất lạc thọ), có sự nguy hiểm và sự xuất ly.

Chánh kiến thì vẫn PHÂN BIỆT là thọ gì, do căn trần nào tiếp xúc mà phát sinh… nhưng không còn phát sinh tham sân si.

 

4. Lộ trình tâm khi Niệm Thân, Thọ, Tâm, Pháp

HỎI

Thưa Sư, Sư có giải thích lộ trình tâm của Bát chánh đạo là: XÚC – [Thọ – Tưởng] – Chánh Niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến. Vậy con có thể hiểu rằng từ Chánh Niệm có thể phát sinh Chánh tư duy và Chánh tri kiến luôn mà không cần trải qua Chánh tinh tấn và Chánh Định (tỉnh giác) đúng không ạ? Mong Sư và các Đạo hữu hoan hỷ chỉ dạy!

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Bát chánh đạo gồm có 2 phần ĐỊNH và TUỆ. Viết gộp cho dễ hiểu là:

XÚC – [Thọ – Tưởng ] – Chánh Niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác) – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – {Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng}

Nhưng nó gồm 2 lộ trình gồm :

  • Niệm Thân thì nội dung của Chánh Niệm là Nhớ đến Tích cực CHÚ TÂM GHI NHẬN cảm giác toàn thân nên lộ trình khi đó là:

XÚC – [Thọ – Tưởng ]- Chánh Niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – (Tỉnh giác) (1)

  • Niệm Thọ, Tâm, Pháp có nội dung là Quán sát Thọ, Tâm, Pháp để TUỆ TRI các đối tượng đó nên có lộ trình:

XÚC – [Thọ – Tưởng ] – Chánh Niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Như lý tác ý – {Chánh ngữ, chánh nghiệp – Chánh mạng} (2)

Khi Niệm thân chỉ có lộ trình tâm thứ nhất, chỉ GHI NHẬN đối tượng.

Khi Niệm Thọ, Tâm, Pháp phải có 2 lộ trình:

  • Lộ trình (1) GHI NHẬN đối tượng;
  • Lộ trình (2) TUỆ TRI đối tượng.

HỎI TIẾP: Vậy muốn phát sinh TUỆ vẫn phải có ĐỊNH. Vì vậy vẫn trải qua lộ trình Chánh Niệm – Chánh Tinh tấn – Chánh Định. Rồi mới đến Chánh Niệm – Chánh Tư duy – Chánh Tri kiến. Con hiểu như thế có đúng không thưa Sư?

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP: Đúng vậy, nhưng Định và Tuệ vẫn là hai lộ trình độc lập, không phải là Định phát Tuệ.

 

5. Thực hành Chánh Niệm trong đời sống

HỎI

Thưa sư, trong trạng thái Chánh Niệm tỉnh giác, ta không khởi lên tưởng và hành, thì làm cách nào để ta phân tích suy nghĩ liên tưởng để thực hiện các công việc ạ? Xin sư chỉ dạy ạ.

Ví dụ như khi viết kịch bản phim, ta cần phải tưởng tượng ra nhân vật chính phụ, suy nghĩ về cách nhân vật tương tác với nhau.

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Khi thực hành Chánh Niệm Tỉnh giác trong cuộc sống thì khoảng 80% đối tượng chỉ có tâm biết Tỉnh giác ghi nhận đối tượng và 80% lộ trình tâm này không có tâm biết ý thức nên không phát sinh thái độ, lời nói, hành động với đối tượng. Lúc đó chỉ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng thôi, không có gì nữa. Nhưng vẫn còn 20% đối tượng nổi trội và lúc đó lộ trình tâm có ý thức khởi lên để biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên vẫn phát sinh lời nói hành động với đối tượng nhưng không có tham sân chi phối. 20% lộ trình tâm này vẫn có suy nghĩ vừa đủ để làm tốt các công việc của mình, không có suy nghĩ linh tinh, vô ích đưa đến tham sân phiền não. 20% suy nghĩ này vẫn có thể hình dung (tưởng ra) công việc kế tiếp để làm tiếp mà không bị cuốn trôi vào nó như Bát tà đạo trước đây miễn là vẫn nhớ được xiết chặt răng lưỡi, không quên cảm giác trên thân.

Khi viết kịch bản phim sẽ xảy ra 2 trường hợp:

1- Viết với Bát chánh đạo thì vẫn xiết chặt răng lưỡi và vẫn hình dung (tưởng ra) tiến trình câu chuyện và suy nghĩ dẫn dắt câu chuyện như thế nào để người xem dễ nhận thức đúng vấn đề, thấy đúng sự thật, không có thích ghét vấn đề… Viết với Bát chánh đạo là để chấm dứt tham – sân, cho nên câu chuyện hình dung ra phải khác với phim ảnh thường ngày.

2- Viết với Bát tà đạo thì cũng hình dung ra câu chuyện nhưng suy nghĩ phải viết như thế nào để người xem thích nhân vật này, ghét nhân vật kia, thích ghét mà càng lớn thì càng hay. Viết mục đích để tăng trưởng tham sân thì đương nhiên không thể thực hành Bát chánh đạo mà viết được.

 

HỎI

Con thưa Sư cho con hỏi. Khi 1 người học Bát Chánh Đạo sẽ có thông tin minh do nghe giảng. Thông tin đó được lưu lại. Khi có lộ trình tâm sinh khởi thì niệm khởi lên nhớ lại những gì đã được học đó nhưng con cảm thấy cũng không phải lúc nào như thế cũng cho ra chánh ngữ, chánh nghiệp chánh mạng. Mà con thấy vẫn có tà kiến. Ví dụ: có những lúc con giải thích, hay trình bày cho người khác hiểu về những gì đã học nhưng vẫn thấy có sân kiểu như “cố gắng nói cho người khác hiểu” điều đó. Mặc dù những gì con nói là về Lý duyên khởi, hay Tứ thánh đế…..Con muốn hỏi sư tại sao cũng là nhớ lại Văn tuệ đó nhưng lại vẫn phát sinh bát tà đạo như vậy, mà con được học nhớ lại điều được học là Chánh Niệm mà Chánh Niệm thì lộ trình tâm phải là Bát Chánh Đạo mới đúng chứ ạ!

Mong Sư chỉ cho con cách để làm sao không bị như vậy. Con cảm ơn Sư.

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Niệm là nhớ lại điều đã học, đã được lưu vào bộ nhớ nhưng Niệm lại có 2 loại: Tà niệm và Chánh Niệm trên lộ trình tâm Bát tà đạo và Bát chánh đạo.

Tà niệm vẫn kích hoạt các thông tin Minh đã học nhưng nó bị NHUỐM MÀU CHẤP NGÃ nên vẫn có tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng do CHẤP NGÃ nơi Tà tri kiến. Biểu hiện quan trọng của Bát tà đạo là có Tà định phát sinh do sự Chú tâm liên tục TẬP TRUNG vào một đối tượng. Cụ thể khi nói với người đó thì Chú tâm liên tục tập trung vào người đó và QUÊN THÂN.

Chánh Niệm kích hoạt thông tin Minh đã học nhưng KHÔNG BỊ NHUỐM MÀU CHẤP NGÃ nên có chánh ngữ… khi lộ trình đó là Bát chánh đạo. Biểu hiện của Bát chánh đạo là có Chánh định phát sinh do Chú tâm liên tục nhưng không tập trung bởi có Chú tâm không tầm không tứ. Cụ thể vẫn chú tâm có tầm có tứ vào đối tượng đang nói chuyện nhưng có chú tâm không tầm không tứ cảm giác toàn thân. Nghĩa là khi nào mà có chú tâm cảm giác toàn thân đồng thời (đan xen) các đối tượng khác, lúc đó không quên thân thì có Chánh Niệm, Bát chánh đạo.

Vì vậy khi nào cũng xiết chặt răng lưỡi chú tâm cảm giác toàn thân, KHÔNG QUÊN THÂN thì Văn tuệ lưu trong bộ nhớ mới thành Tu Tuệ.

 

HỎI

Dạ thưa Sư! Con xin hỏi sư về tâm. Con hiểu như sau: nếu có tâm tham sinh khởi, thì mình khởi nên chánh kiến là (quán pháp) sự sinh diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của thọ để không còn dính mắc hay ràng buộc vào đối tượng. Nhưng khi tâm sân sinh khởi mà là đối tượng nguy hiểm như ta bị con chó xông tới để cắn thì khi ấy quán như thế nào ạ? Để không dính mắc và ràng buộc vào đối tượng ạ. Con xin Sư khai thị ạ!

 

THIỀN SƯ NGUYÊN TUỆ ĐÁP

Khi đối diện con chó dữ mà tâm sân, sợ hãi khởi lên thì sẽ phát sinh phản kháng lại con chó trong hoảng loạn, sợ hãi và tìm cách để tự vệ, bảo vệ thân thể không để con chó cắn mình. Và kết quả có lúc thành công cũng có lúc bị chó cắn.

Khi đối diện chó dữ mà có Chánh Niệm thì Chánh kiến sẽ tự động khởi lên. Do Chánh kiến mà không sợ hãi, không hoảng loạn nên sẽ sáng suốt, sẽ quan sát xung quanh, sẽ tìm ra cách hữu hiệu để đối phó với con chó để nó không cắn được, không phát sinh Khổ thọ. Chánh kiến lúc này vẫn là những tri thức kinh nghiệm đã học hỏi, đã tích lũy từ lúc nhỏ đến giờ để đối phó với con chó nhưng không còn Vô minh, Chấp ngã. Tuy những tri thức kinh nghiệm này cũng từ kho chứa nhưng khi Bát tà đạo bị nhuộm màu Vô minh, chấp ngã, lo sợ, tức giận thì Tà niệm không nhớ được đầy đủ còn khi Bát chánh đạo không có lo sợ, tức giận nên nhớ được đầy đủ nên tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn. Bát tà đạo có thể cố ý giết chết con chó, Bát chánh đạo đôi khi vẫn có thể làm chết con chó nhưng KHÔNG CỐ Ý. Bát chánh đạo bình tĩnh, không lo sợ, không tức giận đối phó với con chó tốt hơn Bát tà đạo, có lúc không bị cắn, có lúc vẫn bị cắn nhưng nếu bị cắn vẫn không sợ hãi, không tức giận.

Ai đã từng đối diện với hoàn cảnh giống hệt hoặc tương tự mà cư xử với tâm Bát chánh đạo hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người tham khảo.

Hãy tu tập cho thuần thục rồi khi đối diện với hoàn cảnh khắc nghiệt thì Chánh Niệm – Chánh kiến sẽ TỰ ĐỘNG KHỞI LÊN chứ không phải lúc đó suy nghĩ quán như thế nào. Chánh kiến vẫn sử dụng các tri thức kinh nghiệm đã học hỏi, đã tích lũy trong bộ nhớ nhưng được thanh lọc khỏi Vô minh, chấp ngã.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *