Có phải Thiền dễ bị Tẩu hỏa nhập ma không - Gosinga

Có phải Thiền dễ bị Tẩu hỏa nhập ma không

HỎI: Nhiều người nói tu thiền dễ dẫn đến tẩu hoả nhập ma. Điều đó có đúng không?

ĐÁP:

Từ “Tẩu hoả nhập ma” có xuất xứ từ Thiền tông Trung Hoa, để chỉ những người tham công án, tham thoại đầu quá hăng say, quá tích cực nên căng thẳng quá mức dẫn đến điên loạn. Đó chính là một căn bệnh tâm thần, căn bệnh hoang tưởng.

Hiện nay, “Tẩu hoả nhập ma” là cụm từ được dùng để chỉ cho hiện tượng những người tu trở nên kỳ dị, khác thường, điên điên, khùng khùng. Tẩu hoả nhập ma có thể xảy ra với những người tu tập chú tâm tập trung vào một đối tượng duy nhất (tu tập Tà Định).

Một người tu thiền, quán hơi thở vô, hơi thở ra và sau một thời gian thì “thành tựu” đến nỗi đi đứng nằm ngồi ăn nói gì cũng thấy “đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối” của hơi thở vô ra. Cái thấy như vậy cứ bám riết lấy, không buông tha một giây phút nào, người đó muốn buông ra, không muốn thấy như thế nữa cũng không được.

Vì vậy rất căng thẳng, khuôn mặt “cứng đơ” ra, không trốn chạy thoát khỏi cái thấy đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của hơi thở. Thấy như vậy là hoang tưởng. Bởi quá tin tưởng vào các kiến thức sai lạc đã được nhồi sọ bởi các chú giải nên thấy rõ đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối hơi thở vô ra do tưởng tượng nhưng lại tưởng lầm là thấy hơi thở vô ra thật.

Lặp đi, lặp lại nhiều lần điều đó với đức tin mãnh liệt thì trở thành hoang tưởng. Khi được vị thầy chỉ dẫn: hơi thở vô ra là luồng không khí, là Xúc trần tiếp xúc với Thân căn thì phát sinh cảm giác hơi thở vô ra và đồng thời phát sinh Thân thức. Thân thức có phận sự cảm nhận (hay ghi nhận) cảm giác thở vô ra.

Đối tượng được Thân thức nhận biết hay ghi nhận trực tiếp là cảm giác thở vô ra chứ không phải là hơi thở vô ra. Biết có hơi thở vô, hơi thở ra là Ý thức do suy luận mà biết, chứ không có cái biết trực tiếp nào ghi nhận được đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của hơi thở, của luồng không khí. Hiểu biết rằng thấy hơi thở đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối như vậy là hoang tưởng, người ấy trở lại bình thường, chấm dứt hoang tưởng, không còn thấy đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của hơi thở nữa.

Một số người tu thiền, quán tiền kiếp sau khi đã nhồi nhét đầy ắp các kiến thức về tiền kiếp của sách vở, của người khác nên cố tưởng tượng ra những tình huống tương tự. Cố gắng nỗ lực hướng tâm đến tiền kiếp như vậy, đến một lúc nào đó do lượng thông tin đã được nhồi nhét tương tác với nhau và xuất hiện các hình ảnh, sự kiện và người đó “tin chắc” đó là tiền kiếp đời mình. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy với đức tin mãnh liệt thì nó trở thành hoang tưởng. Điều hoang tưởng đó hiện ra liên tục trong tọa thiền, thậm chí trong đời sống hàng ngày và kết quả là người đó phải đến Bệnh viện tâm thần.

Thời Phật còn tại thế, một số Tỷ kheo tu thiền, quán thân bất tịnh. Họ ngồi rồi tưởng tượng ra các bộ phận của thân thể đầy ô uế nhơ nhớp, bất tịnh, ghê tởm, không thể nào chịu đựng nổi. Họ đang cố gắng tự nhồi sọ, thân thể là bất tịnh, đáng ghê tởm như vậy. Lặp đi, lặp lại như vậy cái điều được tưởng tượng ra, không phải là sự thật đang xảy ra, thì sẽ đến lúc “thấy” thân thể ô uế, nhơ nhớp, bất tịnh, ghê tởm đó xuất hiện liên tục trong mọi lúc, và khi hoang tưởng như vậy thì ghê tởm thân thể bất tịnh này, không thể nào chịu đựng nổi và họ đã tự sát.

Tóm lại, tẩu hoả nhập ma do hoang tưởng tức những cái tưởng tượng ra, mắt không thể thấy, tai không thể nghe, mũi không thể ngửi, lưỡi không thể nếm, tay không thể sờ nhưng người bị hoang tưởng thì lại chắc chắn rằng mình đang thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ được những cái đó.

Kết luận: Tẩu hoả nhập ma là hiện tượng phổ biến, xảy ra với người tu mọi tông phái chứ không phải riêng đối với tu thiền. Cội gốc của các hiện tượng ấy là hiểu biết sai, hiểu biết không đúng sự thật các sự vật và hiện tượng của thực tại (thuật ngữ Phật học gọi là VÔ MINH). Khi thực hành Thiền, thực hành Bát Chánh Đạo do Đức Phật thuyết giảng để có hiểu biết đúng sự thật (MINH) thì cũng chấm dứt VÔ MINH, chấm dứt tẩu hoả nhập ma.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *