Hai nỗi sợ: Khổ và Chết

Có hai nỗi sợ căn bản chi phối con người. Đó là SỢ KHỔ và SỢ CHẾT. Từ hai nỗi sợ căn bản này mà phát sinh các sợ hãi khác. Vì vậy, chấm dứt được hai nỗi sợ căn bản, sợ khổ và sợ chết thì chấm dứt được mọi sợ hãi. Lúc đó sẽ đối diện với mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng với tâm thích nghi, tự do, tự tại, không lo lắng, không sợ hãi, không thích, không ghét, không khổ đau.

Khi nào thì chấm dứt được SỢ KHỔ? Đó là khi có Minh, có Trí tuệ hiểu biết đúng sự thật các sự vật hiện tượng, đặc biệt là hiểu biết đúng sự thật Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường chấm dứt Khổ (Khổ Tập Diệt Đạo) thuộc về nội tâm chứ không phải thuộc về Thế giới ngoại cảnh, thân chứng được Khổ diệt khi thay đổi tâm từ Bát tà đạo sang Bát chánh đạo. Lúc đó Minh sẽ xoá bỏ Vô Minh, xoá bỏ hiểu biết sai sự thật về các sự vật hiện tượng, đặc biệt là hiểu biết sai sự thật Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường chấm dứt Khổ (Khổ Tập Diệt Đạo) thuộc về Thế giới ngoại cảnh. Đó cũng là lúc DỤC ÁI được đoạn tận.

Khi nào thì chấm dứt được SỢ CHẾT? Đó là lúc đoạn trừ được HỮU ÁI VÀ PHI HỮU ÁI, nghĩa là đoạn trừ được THAM SỐNG SỢ CHẾT do thực hành Tứ Niệm xứ, Tuệ tri được Khổ sinh tử luân hồi và Tuệ tri được Khổ diệt hữu dư và vô dư mà thuật ngữ Phật học gọi là Niết bàn hữu dư và Niết bàn vô dư.

Vì vậy, mục đích tu tập Tứ Niệm Xứ là để đoạn trừ, đoạn tận cả ba ái là DỤC ÁI, HỮU ÁI, PHI HỮU ÁI mới có thể đoạn tận khổ trong hiện tại và đoạn tận khổ của sinh tử luân hồi.

Thiền sư Nguyên Tuệ (01.8.2021)

Quý vị có thể đọc các bài pháp khác tại chuyên mục PHÁP HỌC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *