Chánh Tư Duy và Tà Tư Duy

Muốn phân biệt được Chánh tư duy và Ta tư duy phải hiểu Tư duy là như thế nào? Trong kinh điển Phật giáo có nói đến: Xúc – Thọ – Tưởng – Tư – Tác ý, là cái sườn chính của lộ trình tâm. Chi phần Tư trong tiến trình này đa phần hiểu Tư là tâm sở tạo nghiệp nhưng trong các bộ kinh Nikaya, Tư được nhắc đi nhắc lại, Tư là Tư lương, Tư lường, Thầm ý. Và hành vi tư lương, tư lường, thầm ý là chỉ cho hành vi suy nghĩ, hành vi tư duy. Nhưng kể cả Kinh cũng nhưng Luận đều không phân tích chỉ rõ tư duy xẩy ra như thế nào.

Ngày nay nghành Tâm lý học hiện đại đã nghiên cứu dựa trên quan sát thực tiễn, dựa trên thực nghiệm đã chỉ rõ được hành vi tư duy là: Phân tích, so sánh, tổng hợp, phán đoán, kết luận rồi trừu tượng, khái quát hoá kết luận đó lên. Và cái máy tính mà con người sáng chế ra, một phát minh đặc biệt đã làm thay đổi thế giới, thay đổi cuộc sống con người là dựa trên hiểu biết về hành vi tư duy để máy tính bắt chước hành vi tư duy xẩy ra trong các tế bào thần kinh não bộ của con người.

Vậy thì hành vi tư duy gồm rất nhiều hành vi hợp thành nhưng có một hành vi quan trọng là so sánh đối chiếu. Đã là so sánh đối chiếu thì đương nhiên là phải có 2 đối tượng và so sánh đối chiếu là so sánh đối chiếu hai đối tượng đó với nhau. Hai đối tượng đó là cái gì?

* Đối tượng thứ nhất là đối tượng được thấy hoặc được nghe, hoặc được cảm nhận, là đối tượng thực tại đang có mặt được các tâm biết trực tiếp giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, tưởng thức) ghi nhận hay nhận biết.

* Đối tượng thứ hai là các hiểu biết, tư tưởng, các tri thức kinh nghiệm đã học hỏi trong quá khứ, được lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức được Niệm (trí nhớ) kích hoạt.

Hành vi tư duy như vậy đưa đến kết luận, đưa đến hiểu biết đối tượng thực tại đang có mặt đó là cái gì, tính chất ra sao. Đó chính là nội dung của tâm biết ý thức.

Hành vi tư duy là so sánh đối chiếu đối tượng đang thấy, đang nghe, đang cảm nhận với các hiểu biết, các tư tưởng, các tri thức kinh nghiệm trong quá khứ CÓ THỂ đưa đến các kết quả khác nhau. Có thể thấy điều này qua một thí dụ: nếu so sánh đối tượng được thấy là người đang ngồi trên ghế với HỆ QUY CHIẾU là quả đất đang đứng yên thì sẽ đưa đến kết luận, đưa đến hiểu biết, người đó đang ngồi yên, không chuyển động. Nhưng nếu đối chiếu đối tượng được thấy là một người đang ngồi trên ghế đó, với HỆ QUY CHIẾU là mặt trời đứng yên thì đưa đến kết luận, đưa đến hiểu biết người đó đang chuyển động.

Vậy thì hiểu biết là kết luận của tư duy do tư duy mà phát sinh nhưng kết luận đó, hiểu biết đó lại phụ thuộc vào HỆ QUY CHIẾU LÀ CÁC HIỂU BIẾT, CÁC TƯ TƯỞNG được chọn, được Niệm kích hoạt. Chính vì điều này nên khẳng định sự thật đang xẩy ra: Ai cũng đúng theo hiểu biết của họ tức là đúng theo HỆ QUY CHIẾU của họ. Điều này thể hiện là cũng một đối tượng thực tại nhưng hiểu biết của người này người kia là khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tranh cãi nhau kịch liệt và thậm chí phải giải quyết bằng bạo lực, bằng súng ống. Vì sao? Vì cái HỆ QUY CHIẾU để tư duy là hiểu biết, kiến thức, tư tưởng của mỗi người khác nhau nên kết luận sẽ khác nhau do tuỳ thuộc vào HỆ QUY CHIẾU.

Hiểu được bản chất của tư tưởng, của hiểu biết do tư duy mà phát sinh nhưng nó phụ thuộc vào HỆ QUY CHIẾU riêng của mỗi người, là đã có thể thoát ra ngoài tranh cãi, tranh chấp, hơn thua của thế gian. Ai cũng đúng theo quan điểm, theo hiểu biết của họ, còn hiểu biết đó có đúng với sự thật không lại là chuyện khác.

Tuy mỗi người có HỆ QUY CHIẾU khác nhau khi tư duy nhưng cũng có điểm chung. Đó chính là HỆ QUY CHIẾU mang tính phổ quát cho tất cả mọi người. Nhưng Hệ quy chiếu chung đó cũng được chia thành 2 HỆ QUY CHIẾU sử dụng cho hai loại tư duy là Tà tư duy và Chánh tư duy.

  1. Tà tư duy: HỆ QUY CHIẾU của Tà tư duy là hiểu biết Vô minh, chấp ngã đã được lưu vào bộ nhớ dưới cái tên là Vô minh, Ta của Ta. Đó là những hiểu biết sai sự thật về thực tại, sai sự thật về duyên khởi, sai sự thật về vô thường, vô ngã, sai sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo đã được lưu giữ trong bộ nhớ tâm thức.

Khi Niệm kích hoạt thông tin Vô minh, chấp ngã trong bộ nhớ để Tư duy lấy làm Hệ quy chiếu thì Niệm này gọi là Tà niệm, Tư duy này là Tà tư duy làm phát ý thức Tà tri kiến theo tiến trình : Tà niệm – Tà tư duy – Tà tri kiến trên Bát tà đạo. Kết quả của tiến trình này phát sinh hiểu biết Tà kiến, tuy cũng có ĐÚNG SAI nhưng đúng sai với tiêu chuẩn Vô minh, chấp ngã.

Đặc biệt Tà tư duy lấy Bản ngã tức tư tưởng chấp ngã làm HỆ QUY CHIẾU, làm điểm Gốc, làm trung tâm thế giới nên mọi đối tượng đều được so sánh với Bản ngã. Vì thế nên mọi hiểu biết, mọi tư tưởng, mọi tri thức kinh nghiệm đều nhuốm màu, đều công khai hay lấp ló cái Bản ngã đó. Do vậy, mọi tri thức, hiểu biết của nhân loại đều nhằm vinh danh, ca ngợi, bảo vệ, tăng trưởng Bản ngã ảo tưởng. Đời sống nhân loại đang phấn đấu nỗ lực cố gắng phấn đấu hoàn thiện, nâng cao Bản ngã, khẳng định, bảo vệ, tăng trưởng quyền làm chủ, quyền sở hữu của cái Bản ngã ảo tưởng. Vì thế mà khổ khởi lên. Đây là sự thật mang tính phổ quát, nó xẩy ra với tất cả nhân loại ngoại trừ các bậc giác ngộ.

  • Chánh tư duy: HỆ QUY CHIẾU của Chánh tư duy là những hiểu biết đúng sự thật được lưu vào bộ nhớ gọi là Minh. Những hiểu biết này có được là do được nghe giảng từ các bậc đã giác ngộ. Đó là hiểu biết đúng sự thật về các pháp, đúng sự thật về thực tại, đúng sư thật về duyên khởi, về vô thường, vô ngã, đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo.

Khi Niệm kích hoạt Minh trong bộ nhớ để Tư duy lấy làm Hệ quy chiếu thì Niệm là Chánh niệm, Tư duy là Chánh tư duy làm phát sinh Chánh tri kiến theo tiến trình: Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến trên Bát chánh đạo. Trong Chánh tri kiến cũng phân biệt ĐÚNG SAI nhưng Đúng Sai với sự thật thực tại.

Trong Chánh Tư duy lấy tư tưởng vô chủ vô sở hữu, chính là vô ngã làm HỆ QUY CHIẾU, làm điểm Gốc nên không còn cái Bản ngã ảo tưởng. Vì vậy, mọi nỗ lực cố gắng phấn đấu để vinh danh ca ngợi khẳng định Bản ngã, khẳng định, bảo vệ, tăng trưởng quyền làm chủ, quyền sở hữu của Bản ngã chấm dứt. Vì vậy khổ chấm dứt. Đây là sự thật mang tính phổ quát, nó xẩy ra cho những ai đang thực hành lộ trình Văn – Tư -Tu đúng theo Chánh kiến.

* Để nhận biết, để phân biệt được Tà tư duy và Chánh tư duy phải học hỏi, phải tư duy để hiểu biết đúng sự thật, hiểu biết rốt ráo nội dung của cả VÔ MINH và MNH.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (8.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *