Các Pháp độc lập hay phụ thuộc?

Bàn đến các pháp độc lập hay phụ thuộc là bàn đến mối quan hệ giữa các pháp với nhau hay quan hệ giữa các sự vật hiện tượng với nhau. Quan hệ giữa các pháp là quan hệ giữa pháp này (khi pháp đó đang tồn tại, đang hiện hữu) với các pháp khác theo chiều thời gian và theo chiều không gian. Ví dụ, quan sát quan hệ giữa một cây bưởi đang hiện hữu với các cái khác. Đó là quan hệ cây bưởi với hạt bưởi và các cái khác đã sinh ra nó thuộc quá khứ và quan hệ của nó với những cái khác sẽ xẩy ra trong tương lai. Quan hệ của nó với các cái khác theo chiều không gian như con người, mặt trăng, xe cộ … đang đồng thời hiện hữu với nó.

Nhận thức hay hiểu biết về mối quan hệ giữa một sự vật, hiện tượng với thế giới xung quanh theo chiều thời gian và không gian sẽ có hai loại nhận thức, hai loại hiểu biết:

  1. Loại hiểu biết thứ nhất: Các pháp phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà hiện hữu, tương tức tương nhập ( cái này có trong cái kia, cái kia có trong cái này), cái này là chủ nhân chủ sở hữu của cái kia. Đây chính là hiểu biết nhị nguyên Tâm Vật của nhân loại.

Ví như nhận thức về mối quan hệ phụ thuộc của cái xe oto với các cái khác thì con người cho rằng theo chiều thời gian nhà máy là nhân, sinh ra oto là quả, oto là của nhà máy sản xuất ra nên quan hệ giữa nhà máy và oto là quan hệ chủ nhân chủ sở hữu, là quan hệ phụ thuộc (oto là của nhà máy). Xe chạy lốp mòn tương lai vứt ra làm phế liệu thì lốp phế liệu đó là của xe thải ra. Quan hệ giữa xe và lốp phế liệu trong tương lai là quan hệ có chữ Của là quan hệ phụ thuộc. Đó là quan hệ phụ thuộc theo thời gian. Theo chiều không gian xe đó của ông A cũng là quan hệ phụ thuộc. Xe đó phụ thuộc mặt đất mới đỗ được mới hiện hữu được nên phụ thuộc đất, phụ thuộc lái xe, đường sá, xăng dầu… Quan hệ của xe với các đối tượng khác theo chiều không gian và thời gian là quan hệ phụ thuộc, quan hệ chủ nhân chủ sở hữu, luôn tồn tại chữ CỦA.

Người đàn ông và đàn bà ràng buộc nhau, nương tựa nhau mà phát sinh một gia đình rồi sinh con đẻ cái. Mối quan hệ đó là quan hệ phụ thuộc, quan hệ chủ nhân chủ sở hữu biểu hiện bằng chữ CỦA, vợ của chồng, con của mẹ; con người sống phụ thuộc lẫn nhau, phụ thuộc môi trường sống, phụ thuộc tổ chức, văn hoá, chế độ chính trị…Nắng gắt của mùa hạ, gió rét của mùa đông, ngọt của đường, mặn của muối, nóng của lửa, lạnh của nước đá, quả đất muốn tồn tại phải có sức hút của mặt trời vv …

Không những người bình dân nhận thức là vậy mà các nhà bác học cũng nhận thức như vậy nên mới có định luật về Hiệu ứng cánh bướm với nội dung là: Hễ một con bướm ở bắc cực vỗ cánh thì sẽ phát sinh một trận bão ở nam cực. Lý do là vì, tất cả các sự vật hiện tượng đều liên kết với nhau, phụ thuộc nhau, nối kết với nhau thành một mạng lưới trải dài khắp vũ trụ. Hiệu ứng cánh bướm này cũng tương tự như lý thuyết của Kinh Hoa Nghiêm nói về trùng trùng duyên khởi, một trong tất cả, tất cả trong một.

Không riêng trong khoa học mà các tông phái Phật giáo đều mặc định là các pháp không độc lập mà phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại. Họ đều nhận thức Năm uẩn gồm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đồng thời tồn tại, Duyên hợp với nhau (liên kết với nhau) mà tạo thành một chúng sanh. Tâm thì có Tâm vương và Tâm sở và Tâm sở là loại tâm phụ thuộc vào Tâm vương, Tâm vương là chủ nhân sở hữu Tâm sở. Có tông phái thuyết minh các sự vật hiện tượng liên kết với nhau giống như Lưới Đế châu, một cái lưới châu ngọc của vua trời Đế thích được đan dệt tinh vi mà mỗi mắt lưới có một viên ngọc minh châu sáng chói (ẩn dụ cho một pháp, liên kết phụ thuộc các pháp khác). Có tông phái chủ trương các pháp không độc lập mà phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà hiện hữu nên các pháp là vô tự tánh và vô ngã chính là tính chất vô tự tánh của các pháp.

Không những các pháp phụ thuộc vào nhau, liên kết với nhau biểu hiện bằng chữa CỦA, thể hiện quan hệ giữa các pháp là quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu, mà trong hiểu biết nhị nguyên Tâm Vật của nhân loại tồn tại một cái Ta đồng nhất từ quá khứ, hiện tại, vị lai, tiếng Hán gọi là Ngã, là chủ nhân chủ sở hữu của thân tâm, lời nói việc làm, tài sản …. Đó cũng chính là mối quan hệ phụ thuộc, quan hệ chủ nhân chủ sở hữu.

*Hiểu biết các pháp không độc lập mà phụ thuộc vào nhau phát sinh do đâu? Đó là do hiểu biết quy luật Nhân Quả hay Lý duyên khởi theo định thức: Một Nhân phát sinh Một Quả, Nhân biến đổi thành Quả hoặc có bổ sung thêm là Nhân chính biến đổi thành Quả có các Nhân phụ hoặc Duyên trợ giúp. Do hiểu biết Nhân Quả theo kiểu Một Nhân biến đổi thành Một Quả cho nên Hệ quả là Nhân trong Quả, Quả trong nhân, tương tức tương nhập, đồng thời tồn tại, các pháp phụ thuộc vào nhau, nương nhau mà hiện hữu. Quan hệ giữa các pháp theo chiều thời gian và không gian là quan hệ chủ nhân chủ sở hữu, biểu hiện bằng chữ CỦA. Có hai Hệ quả quan trọng của hiểu biết này:

– Các pháp không sinh ra cũng không diệt đi mà chỉ biến đổi từ vật này sang vật khác, từ chỗ này sang chỗ khác. Đây là một Tà kiến gọi là Thường kiến hay Chấp thường. Khi hiểu các pháp vô thường là biến đổi thì lúc đó đã chấp thường rồi.

– Có cái Ta hay Tự Ngã là chủ nhân chủ sở hữu của thân tâm, lời nói, hành động, tài sản … chủ nhân chủ sở hữu các pháp là một Tà kiến gọi là Chấp Ngã.

2 – Loại hiểu biết thứ hai : Các pháp độc lập không phụ thuộc, không có pháp nào là chủ nhân chủ sở hữu pháp nào, nghĩa là các pháp Vô chủ vô sở hữu đồng nghĩa không có Ta (hay Tự Ngã ) là chủ nhân chủ sở hữu của thân tâm, lời nói, hành động, tài sản … thuật ngữ Phật học gọi là Vô Ngã.

* Hiểu biết các pháp độc lập, không phụ thuộc phát sinh do đâu? Đó là do hiểu biết đúng sự thật quy luật Nhân Quả hay Lý duyên khởi theo định thức: Hai Nhân tương tác với nhau (Duyên nhau) cùng diệt, phát sinh Một hay Nhiều Quả.

Ví như hai loại khí Hydro và Ôxy tương tác với nhau (tiếp xúc, duyên, phản ứng) cùng diệt phát sinh Nước; Đá lửa và Bánh xe tương tác rồi cùng diệt ( mòn đi ) phát sinh Tia lửa cùng Đá mới, Bánh xe mới …Hệ quả của hiểu biết đúng sự thật quy luật Nhân Quả gồm hai vấn đề:

– Các pháp do Duyên (tương tác) mà sinh cũng do Duyên mà diệt nên gọi là PHÁP DUYÊN KHỞI, KHÔNG DO NHÂN BIẾN ĐỔI mà thành. Vì vậy, các pháp sinh lên rồi diệt đi, không có pháp nào BIẾN ĐỔI thành pháp nào, nên nó Vô thường, chỉ xuất hiện và biến mất một lần duy nhất không lặp lại. Hệ quả này chấm dứt Chấp Thường.

– Quan hệ giữa các pháp theo chiều thời gian là nhân diệt quả sanh nên các pháp độc lập không phụ thuộc, không tồn tại quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Quan hệ giữa các pháp theo không gian là quan hệ tương tác, hai nhân tương tác rồi cùng diệt phát sinh quả nên chúng độc lập, không có quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Vì vậy, quan hệ giữa các pháp theo không gian và thời gian là QUAN HỆ TƯƠNG TÁC nên chúng độc lập không phụ thuộc, không tồn tại quan hệ chủ nhân chủ sở hữu. Cũng đồng nghĩa không tồn tại một cái Ta (Tự Ngã) có nghĩa là Vô Ngã. Đây là nghĩa Vô Ngã mà Đức Phật đã khám phá và truyền dạy, chấm dứt Chấp Ngã.

*Để Tuệ tri các pháp độc lập không ràng buộc phải quan sát và Chánh tư duy theo đúng sự thật về quy luật Nhân Quả hay Lý duyên khởi. Quan sát có thể cấp độ thô hoặc tế. Quan sát thô là quan sát theo tổng thể pháp đó gồm nhiều pháp khác duyên khởi lên hay quan sát tế là quan sát từng chi tiết từng bộ phận ví như quan sát cái oto là một pháp tổng thể là thô và quan sát từng bộ phận như cái xi lanh hay piston… là tế thì vẫn phải tìm cho ra sự tương tác giữa hai nhân tố mới phát sinh một hay nhiều quả. Quan sát và tư duy thật nhiều, thật nhiều các sự vật hiện tượng đang xẩy ra mà hàng ngày mắt thấy tai nghe thì sẽ tự mình khẳng định MỌI QUAN HỆ CHỈ LÀ QUAN HỆ TƯƠNG TÁC. Vì vậy, các pháp là do duyên khởi, các pháp vô thường, vô chủ vô sở hữu hay vô ngã, các pháp độc lập không phụ thuộc. Trí tuệ này là trí tuệ tự mình đạt được không duyên một ai khác.

*Máy tính lượng tử đã chứng minh được Hiệu ứng cánh bướm là sai, không đúng sự thật. Cái hiện tượng một con bướm vỗ cánh ở bán cầu bắc sẽ gây ra một trận bão ở bán cầu nam là điều tưởng tượng không xẩy ra trong cuộc sống, nó chỉ là tư duy lý luận suông nhưng khoa học dựa vào hiểu biết sai về quy luật nhân quả mặc định nó là sự thật. Sở dĩ máy tính lượng tử đã chứng minh điều đó là sai vì Vật lý lượng tử dựa vào một quan sát: Bắn hai photon vào nhau thì cả hai photon cùng diệt và phát sinh hai photon mới. Vật lý lượng tử đã sử dụng kết quả quan sát này phù hợp với quy luật nhân quả là: Hai nhân tương tác và cùng diệt thì phát sinh một hay nhiều quả nên chứng minh được hiệu ứng cánh bướm là sai.

*Tuệ tri các pháp độc lập, không phụ thuộc theo sự thật Lý duyên khởi cũng sẽ Tuệ tri được: Tư tưởng phụ thuộc, ràng buộc phát sinh từ đâu. Điều này Đức Phật đã thuyết giảng rõ như ban ngày với Mười hai nhân duyên: Duyên Vô minh mà có Hành, duyên Hành mà có Thức, duyên Thức mà có Danh Sắc, duyên Danh Sắc mà có Lục nhập, duyên Lục nhập mà có Xúc, duyên Xúc mà có Thọ, duyên Thọ mà có Ái, duyên Ái mà có Thủ ( Ràng buộc, phụ thuộc ), duyên Thủ mà có Hữu, duyên Hữu mà có Sinh, duyên Sinh có Già chết sầu bi khổ ưu não không thể kể xiết. Tóm tắt: duyên Vô minh là hiểu biết sai Lý duyên khởi (Một Nhân sinh Một Quả, Nhân biến đổi thành Quả) mà có Ái, duyên Ái mà có Thủ là ràng buộc, phụ thuộc. Hãy quan sát điều này trong cuộc sống hàng ngày.

Ví như anh thanh niên không yêu ( Ái ) cô gái nọ sẽ không cưới cô ta làm vợ, sẽ không có tư tưởng làm chủ, sở hữu rằng cô này là vợ của Ta, không có tư tưởng cha mẹ, anh em cô ta là của Ta, không có tư tưởng phụ thuộc, ràng buộc mà độc lập với các đối tượng đó. Nhưng nếu anh ta yêu cô ta, cưới cô ta làm vợ thì anh ta sẽ sống với nhận thức, với tư tưởng làm chủ, sở hữu rằng cô này là vợ của Ta, cha mẹ anh em cô này là của Ta và đương nhiên sẽ phụ thuộc, sẽ ràng buộc, không còn độc lập với các đối tượng đó.

* Bị Vô minh che đậy, bị Tham ái sai khiến con người sống bởi tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu, ràng buộc nhưng lại áp đặt cái tư tưởng tà kiến đó cho các pháp, cho thế giới là phụ thuộc lẫn nhau, nương nhau mà hiện hữu. Chừng nào mà Văn Tư Tu chấm dứt được Vô minh, chấm dứt hiểu biết sai về Lý duyên khởi, chấm dứt được Chấp Thường, Chấp Ngã thì sẽ sống với Minh, với nhận thức Vô thường, Vô chủ vô sở hữu thì sẽ sống đúng với tính chất các pháp là độc lập không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ. Lúc đó là Giải thoát mọi ràng buộc không còn chấp thủ.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (20.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *