Phân biệt Giới và Luật

Các tín đồ Phật giáo cả Bắc tông và Nam tông hiện nay đa phần đều không phân biệt được Giới và Luật mà đồng hoá hai khái niệm này làm một. Thậm chí một số bài kinh cũng đồng hoá Giới và Luật làm một. Vì vậy do hiểu biết sai, cho Giới là Luật, Luật là Giới dẫn đến chấp thủ, ràng buộc không thể giải thoát.

Trong kinh điển không nói đến Giới như một lĩnh vực riêng biệt mà chỉ đề cập đến hai vấn đề: Pháp và Luật. Trong Tam Tạng kinh điển cũng chỉ có Kinh Luật Luận mà không có danh mục Giới riêng biệt. Vậy thì Giới thuộc lĩnh vực nào, được nói đến ở đâu?

1- GIỚI: Trong hai vấn đề Pháp và Luật mà Đức Phật thuyết giảng thì Pháp là lĩnh vực mà Ngài tự mình khám phá ra, không thầy chỉ dạy. Pháp là Tứ thánh đế hay Bốn sự thật, Bốn chân lý mà bậc Thánh đã giác ngộ. Tứ thánh đế là sự thật, là chân lý nên có tính phổ quát, nghĩa là đúng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi, nghĩa là không thay đổi, không bị chi phối bởi thời gian, không gian, không ai can thiệp sửa đổi được nó. Tứ Thánh Đế gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Đạo đế là Bát chánh đạo bao gồm tám chi phần: Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định – Chánh tư duy – Chánh tri kiến – Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Tám chi phần của Bát chánh đạo lại được chia làm ba nhóm (ba uẩn) gồm: Định – Tuệ – Giới. Trong đó Nhóm Định ( Định uẩn ) có : Chánh niệm – Chánh tinh tấn – Chánh định; Nhóm Tuệ ( Tuệ uẩn ) có : Chánh tư duy – Chánh tri kiến; Nhóm Giới (Giới uẩn) có : Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.

Vì vậy Giới thuộc về Pháp chứ không thuộc Luật và Giới là chân lý, là sự thật có tính phổ quát không bị chi phối bởi không gian thời gian, không ai can thiệp sửa đổi được Giới. Hễ bất kỳ ai, thời gian không gian nào mà khởi lên lộ trình tâm Bát chánh đạo với trục chính là Chánh niệm – Chánh định – Chánh tri kiến ( Niệm – Định – Tuệ ) thì Giới ( Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng ) sẽ có mặt.

Giới sẽ tự động khởi lên trên lộ trình tâm Bát chánh đạo có Niệm – Định – Tuệ hay nói gọn là khi có Định và Tuệ thì sẽ có Giới. Vì vậy, Giới là sản phẩm của Định Tuệ, hễ có Định Tuệ là có Giới, không phải Định Tuệ là sản phẩm của Giới. Vậy nên, chỉ cần tu tập để có Định Tuệ thì tự khắc có Giới, không thể tu tập Giới mà có Định Tuệ được. Chính vì thế mà Pháp hành Đức Phật truyền dạy gồm 37 chi phần: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo thì chỉ đề cập tu tập Niệm, Tinh tấn, Định, Tuệ không có pháp nào tu tập Giới cả. Vì sao? Vì tu tập Niệm, Tinh tấn, Định, Tuệ thì Giới sẽ phát sinh. Chính vì điều này mà trong kinh điển không thấy Đức Phật chế ra một Giới nào cả, Đức Phật cũng không làm được điều đó, vì Giới thuộc chân lý, thuộc sự thật phổ quát, không có ai chế ra Giới cả.

2- LUẬT : Luật là những điều mà Đức Phật chế định ra với mục đích ngăn chặn những tệ nạn xấu xa đã, đang và sẽ xuất hiện trong đời sống Tăng đoàn, để người chưa có đức tin thì có được đức tin nơi Tăng đoàn, người đã có đức tin sẽ không thối chuyển, được tăng trưởng, để cho các vị tỷ kheo hiền thiện được yên ổn tu học, để cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Các điều luật mà Đức Phật chế định gồm có 227 điều luật của Tỷ kheo, trên 300 điều luật của Tỷ kheo ni, hằng trăm điều học khác để có được lời nói, hành động, oai nghi của đời sống Phạm hạnh. Các điều học của Phật tử tại gia như 5 điều cấm, 8 điều cấm … không do Phật chế mà tiếp thu từ đời sống tôn giáo Ấn độ thời bấy giờ. Các điều luật được chế định là những điều cấm kỵ không được làm nhưng còn kèm theo các chế tài, xử phạt nếu vi phạm, mục đích là tránh tái phạm trong tương lai.

Đọc, nghiên cứu Tạng Luật sẽ thấy có một số chư Phật quá khứ không chế định Luật, chỉ có Pháp thôi, còn Đức Phật Thích ca gần 20 năm đầu lịch sử Tăng đoàn chưa chế định một điều luật nào. Cho đến khi trong Tăng đoàn xuất hiện nhiều tệ nạn, lúc đó Đức Phật mới bắt đầu chế định các điều luật. Tạng Luật trình bày rõ ràng cụ thể điều luật đó được Đức Phật chế định trong trường hợp nào, do Tỷ kheo nào làm bậy và hình phạt là như thế nào. Ví như điều luật cấm uống rượi được Phật quy định là do một vị Tỷ kheo giúp dân làng diệt được rồng dữ ( loài rắn lớn dữ ) dân làng dâng rượi và vị đó uống nhiều đến say bí tỷ nên có những hành động phản cảm. Điều luật tỷ kheo 15 ngày mới được tắm một lần, ai chưa đủ 15 ngày mà tắm sẽ phạm tội tác ác do mùa khô ở Ma kiệt đà nước sông cạn kiệt và các Tỷ kheo suốt ngày xuống sông tắm làm cản trở việc lấy nước, sinh hoạt, tắm rửa của dân chúng cũng như vua chúa quý tộc bấy giờ. Cấm sát sinh được Đức Phật chế là do dân chúng và các tỷ kheo phàn nàn về một vị tỷ kheo thuở xưa làm nghề săn bắn nên khi xuất gia vẫn hàng ngày tiêu khiển bằng trò bắn quạ rồi cắm xác các con quạ bắn được lên thành hàng dài trên bờ rào. Điều luật cấm hành dâm khi hai mẹ con xuất gia thành tỷ kheo và tỷ kheo ni mà lại đi giao cấu với nhau vv….

Các điều luật đó không cố định về số lượng mà tuỳ thuộc vào tệ nạn xẩy ra. Khi Đức Phật nhập diệt tuy tệ nạn vẫn tiếp tục xẩy ra nhưng không còn chế định luật, một số điều luật tủn mủn khi nhập diệt, Đức Phật căn dặn chư Tăng có thể bỏ đi. Không những số điều luật không cố định mà nội dung các điều luật cũng linh động, không cứng nhắc, có thể áp dụng chỗ này mà không áp dụng chỗ kia, có thể áp dụng thời kỳ này mà không áp dụng thời kỳ kia. Ví dụ như 15 ngày mới được tắm một lần ở Ma Kiệt Đà nhưng ở những nơi quanh năm đầy nước thì Đức Phật không cấm tắm mỗi ngày, ở xứ lạnh bắc cực thì không thể chỉ có ba y như xứ Ấn Độ …

Luật là pháp được chế định không phải là chân lý, không phải là sự thật phổ quát nên bị chi phối bởi thời gian và không gian. Nghĩa là áp dụng cho chỗ này, cho thời kỳ này mà không áp dụng cho chỗ kia, thời gian kia, cho Phật giáo nhưng không áp dụng được với thiên chúa giáo, áp dụng cho Phật tử nhưng không áp dụng cho người không Phật tử. Luật là quy ước, là quy định của một tổ chức, một đoàn thể, một tôn giáo tương tự như luật pháp của một nước. Mỗi tôn giáo đều có Luật khác nhau. Luật đóng vai trò làm nhiệm vụ quản lý, chế tài các thành viên của tổ chức ( tôn giáo đó ), ai vi phạm các điều cấm đó sẽ bị chế tài, bị trừng phạt, bị khiển trách hay bị đuổi ra khỏi tổ chức nên Luật có tính chất trói buộc.

Vì vậy, Luật mà Phật chế ra là công cụ để quản lý một tổ chức gọi là Phật giáo, để tổ chức đó tồn tại, để quản lý các thành viên của tổ chức Phật giáo gọi là Phật tử, để răn đe, chế tài, trừng phạt, khiển trách hoặc đuổi thành viên đó ra khỏi tổ chức Phật giáo. Và Luật đó chỉ áp dụng đối với người Phật tử, vùng đất mà người Phật tử sinh sống, không áp dụng với các đối tượng và vùng đất khác. Bản chất của Luật là chế tài, là trói buộc. Tạng Luật còn thuyết minh một số vị Phật thời quá khứ không chế định Luật mà chỉ có Pháp thôi.

Ngược lại Giới thì không như vậy, Giới là giải thoát (Vô tác giải thoát), Giới thuộc Pháp, là chân lý, là sự thật phổ quát áp dụng cho mọi đối tượng mọi không gian thời gian. Dù là người Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo hay không thuộc tôn giáo nào, dù nước Mỹ hay Trung hoa nhưng Tứ thánh đế áp dụng cho mỗi người đều không sai khác. Và hễ ai tu tập đúng, Bát chánh đạo khởi lên thì Giới gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng đều khởi lên đầy đủ, không sai khác.

* Trường hợp Luật đồng nhất với Giới : Khi lộ trình tâm Bát chánh đạo của vị hữu học hay vô học khởi lên với trục chính là Chánh niệm – Chánh định – Chánh kiến thì Giới gồm Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là lời nói, hành động, ăn uống nuôi mạng không có Tham Sân Si sẽ khởi lên tròn đủ. Lúc đó không có một điều luật nào Phật chế định bị vi phạm, bị chế tài. Vì sao? Vì Luật bị vi phạm, bị chế tài khi tâm có tham sân si, còn khi Bát chánh đạo khởi lên, không có tham sân si thì không thể phạm luật, luật không còn ràng buộc, chế tài vị đó. Lúc đó các điều luật như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm …. đồng nhất với Giới. Một vị hữu học khi tâm là Bát chánh đạo thì cả Giới và Luật đều tròn đủ.

* Trường hợp Luật khác với Giới : Khi một người không tu tập Bát chánh đạo có thể họ thực hành không vi phạm các điều luật thì họ đủ tư cách tồn tại trong đoàn thể Phật giáo, không ai chê trách, phê phán họ, tự họ không áy náy về tư cách pháp nhân Phạt tử của mình. Họ đầy đủ về Luật nhưng chưa có Giới, họ mới chỉ là thành viên GIA NHẬP PHẬT GIÁO chứ chưa tu học Phật giáo. Tuy họ giữ gìn không phạm Luật như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm … nhưng với tâm Bát tà đạo, với tà kiến, với tham sân si. Ví như thực hiện không sát sinh do ( Tham ) muốn tương lai được khoẻ mạnh, sống lâu, tái sinh thành người xinh đẹp, vì ( Sân ) sợ hãi khi chết bị đoạ địa ngục, bị sanh làm súc sanh đền tội, vì ( Tham ) muốn được sống trong Tăng đoàn kiếm sống dễ dàng, được cung kính trọng vọng, lợi dưỡng, khi chết được nhập vào Niết bàn an hưởng hạnh phúc tuyệt đối của Niết bàn vv… nên giữ gìn các điều luật không vi phạm. Đối với những người này thì Giới và Luật là khác nhau, họ có Luật nhưng không có Giới. Nếu người nào nói cái họ có đó chính là Giới thì Giới đó là Giới cấm thủ chứ không phải là Giới trong Bát chánh đạo, không phải là Giới trong Giới Luật bậc thánh.

Thiền Sư Nguyên Tuệ (22.9.2021)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *