CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG CÁC PHÁP VÔ NGÃ

CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG CÁC PHÁP VÔ NGÃ.

Tất cả các sự vật và các hiện tượng được thuật ngữ Phật học gọi là các pháp. Những sự vật, hiện tượng thuộc về vật chất thì gọi là Sắc Pháp, các sự việc, hiện tượng thuộc tinh thần gọi là Danh pháp. Tất cả Sắc pháp và Danh pháp được phân chia hay sắp xếp thành Năm Nhóm mà thuật ngữ Phật học gọi là Năm Uẩn bao gồm : Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Tất cả các pháp thuộc Năm Uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đều VÔ THƯỜNG và VÔ NGÃ. Nhưng trong Kinh điển có nhắc đến mệnh đề : CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG, CÁC PHÁP VÔ NGÃ hay có chỗ nói Chư Hành vô thường, chư Pháp vô ngã có mâu thuẫn gì với Tất cả các pháp đều Vô thường, Vô ngã không ?
Trong Tiểu Kinh Saccaka thuộc Trung Bộ Kinh có nói tới vấn đề này như sau : — Này Aggivessana, như thế này, Thế Tôn huấn luyện đệ tử. Với những bộ môn như thế này, phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy được dành cho đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã”. Như vậy này Aggivessana, Thế Tôn huấn luyện các đệ tử. Như vậy là các bộ môn mà phần lớn Thế Tôn giảng dạy được dành cho đệ tử.
Trong đoạn trích này phần trên đã khẳng định Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là Vô thường và Vô ngã nhưng đoạn dưới lại khẳng định : Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã. Vậy thì, có gì khác nhau trong hai cách nói đó. Kinh điển được truyền khẩu nên rất ngắn gọn, không có giải thích dài dòng, nên phải quan sát kỹ để tìm ra ý nghĩa. Và ý nghĩa câu đó như sau :
– Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, nếu quán sát diễn tiến theo THỜI GIAN thì đều “sinh lên rồi diệt đi” không thường hằng, không thường trú, nên nó Vô thường. Sắc Thọ Tưởng Hành Thức DIỄN TIẾN theo thời gian như vậy được gọi là HÀNH và như vậy CÁC HÀNH VÔ THƯỜNG. Nhân đây để khẳng định VÔ THƯỜNG phải hiểu theo nghĩa SINH DIỆT chứ không được hiểu theo nghĩa BIẾN ĐỔI.
– Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, nếu quán sát theo chiều KHÔNG GIAN thì sẽ thấy : Quan hệ giữa các pháp theo chiều không gian theo Lý Duyên Khởi là HAI NHÂN TIẾP XÚC NHAU RỒI CÙNG DIỆT MÀ PHÁT SINH QUẢ, nên hai nhân này bình đẳng nhau, không có nhân chính, nhân phụ, không nhân nào là chủ nhân, chủ sở hữu nhân nào. Như vậy các pháp đó VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU. Điều này đồng nghĩa không có cái Ta ( tiếng Tàu là Ngã ) hay Bãn Ngã nào là chủ nhân, chủ sở hữu của Năm Uẩn, của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, nghĩa là các pháp đó VÔ NGÃ.
Vậy nếu quán sát các pháp theo chiều THỜi GIAN thì các pháp là Vô thường hay còn gọi là các Hành vô thường, nếu quán sát các pháp theo KHÔNG GIAN thì các pháp là vô ngã. Vì vậy nói các pháp vô thường, các pháp vô ngã hay nói Các hành vô thường, các pháp vô ngã, là hai cách nói, không có gì mâu thuẫn.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *